Đằng sau bê bối hình xăm của Sterling:

Hành trình thành siêu sao của cậu bé có "cái mặt không chơi được"

Chủ Nhật, 10/06/2018, 12:59
Trước khi World Cup 2018 bắt đầu, Raheem Sterling trở thành tâm điểm chú ý tại đội tuyển Anh chỉ vì một hình xăm mới tậu ở chân. Nhưng Sterling đã quá quen với những chỉ trích như vậy từ khi còn là một cậu nhóc. Là con của một gia đình gốc Jamaica, Sterling đã vượt qua rào cản nguồn gốc và phân biệt chủng tộc để trở thành một siêu sao như hiện nay.


Trong tuần qua, tâm điểm chú ý đã dồn từ khuôn mặt của Sterling xuống... cổ chân phải anh. Hình xăm khẩu súng M16 trên chân Sterling được anh tiết lộ trên mạng xã hội Instagram trước đó nhanh chóng bị quy chụp "sử dụng hình ảnh vũ khí kích động bạo lực". Vậy đâu là ý nghĩa thực sự đằng sau hình xăm có phần quá khích ấy?

"Khi tôi mới lên 2 tuổi, cha tôi bị bắn chết. Vì thế, tôi tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ chạm tay vào một khẩu súng nào trong suốt đời mình. Tôi xăm hình khẩu súng lên chân phải, chân thuận của mình như để tự nhắc nhở bản thân nghiêm khắc hơn, rằng điều đó có ý nghĩa với tôi biết chừng nào", Sterling chia sẻ.

Sterling được Pep đào tạo thành một cây săn bàn đáng sợ ở Man City

Câu chuyện Sterling kể hoàn toàn là sự thật. Khi mới lẫm chẫm tập đi, cậu bé Raheem Sterling đã không còn bố. Ông bị bắn chết khi cậu bé mới 2 tuổi. Trong đầu Sterling không có một chút mảnh vụn ký ức nào từ bố mình. 3 năm sau biến cố bất hạnh đó, bà mẹ Nadine quyết định cùng cậu con trai rời mảnh đất Jamaica vốn đã nhuốm quá nhiều máu và súng đạn để tới Anh tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Họ tới sống ở vùng tây bắc nước Anh, nơi những tài năng trẻ chơi bóng dưới bóng râm chiều tà từ sân vận động Wembley phủ lên. Bằng khả năng đi bóng nhanh nhẹn, khéo léo cùng bản năng săn bàn, Sterling nhanh chóng được các tuyển trạch viên CLB Queens Park Rangers để ý. Khi đó, bóng đá là thứ duy nhất cứu vớt tương lai cuộc đời Sterling, bởi anh nhanh chóng bị đuổi học khi vào bậc trung học cơ sở và phải trải qua 3 năm tại một trường học dành cho học sinh "có vấn đề".

"Nếu em để ý một chút đến con đường em đang bước đi, em sẽ thấy ở tuổi 17, nếu em không chơi bóng chuyên nghiệp cho đội tuyển Anh thì em vào tù là cái chắc", Chris Beschi, giáo viên cấp 3 của Sterling từng nói với anh như vậy. Beschi cũng cho biết Sterling đã khiến những đứa trẻ đồng trang lứa phải nhìn nhận lại bản thân về đam mê của mình. Với Sterling, đó là bóng đá.

Sterling chơi bóng cho QPR từ năm 10 tuổi, nhưng khi anh bước vào tuổi vị thành niên, bà mẹ Sterling lo sợ con trai sẽ bị những băng đảng tội phạm ở London hủy hoại nhân cách. Đó là lý do Sterling buộc phải rời khỏi London đúng lúc các tuyển trạch viên ở Premier League đến xếp hàng. Arsenal, Chelsea và Fulham đều muốn chiêu mộ Sterling, nhưng đều bị khước từ vì họ... ở London.

Cuối cùng, Liverpool là đội mua được Sterling dù họ là người đến sau. Mức giá không hề rẻ cho một cầu thủ mới 15 tuổi: 450 ngàn bảng Anh, và có thể tăng thêm 2 triệu bảng tùy vào mức phát triển của cầu thủ. Một mức giá quá hời đối với Liverpool khi sau này họ bán Sterling cho Man City.

Ông Frank McParland, giám đốc học viện đào tạo trẻ của Liverpool khi đó đã thuyết phục được đội bóng lẫn HLV trưởng Rafael Benitez về số tiền duyệt chi cho cầu thủ tuổi teen này ngay trong trận đấu đầu tiên. Mới 15 tuổi, trận đầu Sterling ra sân là ở đội U18 gặp đối thủ truyền kiếp Everton. 

Sterling nhanh chóng bị đối phương chăm sóc và nhận một pha xoạc bóng thô bạo ngay đầu trận. Nhìn từ bên ngoài sân, McParland hoảng hốt lo sợ điều xấu nhất sẽ xảy đến với Sterling. Nhưng cuối cùng, anh chỉ đứng dậy, mỉm cười với hậu vệ đội bạn và hành hạ người kia cả trận.

Sterling trong màu áo Liverpool

McParland chia sẻ: "Sterling không bao giờ nao núng trước khó khăn. Cậu bé ấy yêu thích được chơi bóng, luôn là như thế. Khi chúng tôi kiểm tra thể lực, cậu bé luôn là người nhanh nhất, khỏe nhất. Sterling có thể chạy quãng đường dài nhất và nhanh nhất trong bài chạy đường dài. Đó là cậu bé giỏi nhất tôi từng đào tạo. Nếu thất bại, cậu bé không bao giờ giấu dốt, mà luôn cố gắng làm đến khi thành công mới thôi".

Sterling nhanh chóng khẳng định được tên tuổi ở Liverpool. Ở tuổi 15, Sterling được tập cùng đội một và tung vào sân trong trận giao hữu gặp Borussia Mnchengladbach. Khi Kenny Dalglish lên thay Roy Hodgson mùa giải kế tiếp, ông trao cơ hội cho Sterling chơi 3 trận ở Premier League. Dưới thời Brendan Rodgers, Sterling trở thành trụ cột của Liverpool khi mới 17 tuổi.

Rodgers vốn là HLV đội trẻ Chelsea, và đó là lý do ông tin Sterling có thể tiến bộ nhanh chóng. Bộ ba S - Sterling, Suarez, Sturridge trở thành 3 mũi tấn công cực kỳ nguy hiểm của Liverpool trong mùa giải 2013-2014. Đó cũng là năm họ tiến đến gần chức vô địch nhất ở kỷ nguyên Premier League.

Dù đá chính ở Liverpool, nhưng Sterling khi đó vẫn chỉ nhận mức lương "bèo bọt" 2000 bảng/tuần. Brendan Rodgers cố gắng giữ cho Sterling nhận mức lương này lâu nhất có thể. Không phải ông muốn bóc lột cậu học trò nhỏ - Rodgers chỉ muốn tiền không đến với Sterling quá dễ dàng, khiến cậu bé sớm sa ngã.

"Tiền luôn khiến các cầu thủ trẻ tụt dốc không phanh", Rodgers giải thích. "Thực tế là như vậy, tiền luôn làm thay đổi con người. Tôi luôn phải để tâm đến điều đó. Ngay cả khi đã lên tuyển Anh, mức lương tuần của Sterling ở Liverpool vẫn chỉ là 2000 bảng. Tôi cố gắng kéo dài khoảng thời gian đó lâu nhất có thể".

Đến khi Liverpool ký hợp đồng mới, mức lương của Sterling tăng vọt lên 35000 bảng/tuần. Nhưng đi kèm điều đó là lời cảnh báo của Rodgers khi biết Sterling đánh bạn gái cũ: "Cậu phải cân bằng cuộc sống, phải hiểu mình đang có cơ hội chơi cho đội bóng hàng đầu thế giới, phải tập trung mọi thứ vì sự nghiệp của mình.

Mùa hè 2014-2015, Liverpool chào mời Sterling gia hạn hợp đồng với mức lương 100000 bảng/tuần. Cả Sterling lẫn người đại diện đều từ chối, dù họ phủ nhận điều đó trên truyền hình. Vài ngày sau, Sterling đầu quân cho Man City với giả 49 triệu bảng - cao nhất nước Anh thời điểm đó. Mức lương Man City đưa ra gấp đôi Liverpool.

Sterling đang là tâm điểm bị chỉ trích vì xăm hình khẩu súng

Đó là lúc Sterling bắt đầu bị truyền thông Anh quy chụp là kẻ hám tiền. Họ bắt đầu bới móc chuyện đời tư của anh, từ chuyện anh làm cha ở tuổi 17 đến những mối quan hệ chóng vánh. Bất chấp mọi chỉ trích, Sterling vẫn đạt được những thành công mới trong sự nghiệp, khi vô địch cùng Man City với 100 điểm ở mùa giải vừa qua.

Trước đây hay bây giờ, ở CLB hay đội tuyển quốc gia, ở Liverpool, Man City hay tuyển Anh, Sterling cũng từng ít nhất một lần trở thành gương mặt bị ghét nhất trên truyền thông. Nhưng Sterling dường như chẳng bận tâm đến điều đó, trái lại, anh thậm chí còn tự nhận mình là một kẻ có "cái mặt không chơi được".

"Bạn biết đấy, khi bạn thấy ai đó trên truyền hình và nghĩ "Mình không ưa hắn", thì người đó không phải đáng ghét, chỉ vì khuôn mặt của anh ta đáng ghét thôi. Tôi là người có khuôn mặt như thế", Sterling nói. Với anh, mọi thứ chỉ cần chứng minh trên sân cỏ.

Sterling sẽ đá cặp cùng Harry Kane trên hàng công ĐT Anh?

Vốn là một cầu thủ chạy cánh, nhưng mùa giải qua, Sterling được Pep Guardiola sử dụng nhiều lần ở vị trí tiền đạo. Đó là lý do khiến nhiều người nhận định Sterling sẽ sát cánh cùng Kane trên hàng công ĐT Anh ở World Cup 2018.

Ở mùa giải vừa qua, Sterling là một trong những chân sút tốt nhất của Man City với 23 bàn thắng, bao gồm 18 bàn ở Premier League, gấp 2-3 lần con số trước đó anh từng làm được trong một mùa giải. Rõ ràng việc Pep Guardiola xếp Sterling đá tiền đạo đạt hiệu quả ngoài mong đợi.

Với đội hình được HLV Gareth Southgate triệu tập lên đội tuyển Anh, nhiều khả năng "Tam Sư" sẽ chơi với sơ đồ 3-5-2. Với sơ đồ đó, Sterling có thể sát cánh ngang hàng cùng đội trưởng Harry Kane trên hàng công của đội tuyển.

Khó khăn duy nhất dành cho Sterling ở vị trí tiền đạo là anh chưa có duyên ghi bàn trong màu áo ĐT Anh. Sau 38 trận thi đấu cho "Tam Sư", Sterling mới chỉ ghi đúng 2 bàn, và đã tịt ngòi ở đội tuyển suốt 3 năm qua. Hiệu suất này khá thấp so với khả năng ghi bàn của Sterling ở CLB lẫn các đội tuyển trẻ của Anh trước kia. Việc này được lý giải một phần do Sterling thường phải dạt cánh hỗ trợ các tiền đạo cắm phía trong và không có nhiều cơ hội dứt điểm.

Tuy nhiên, dưới bàn tay của Pep Guardiola, mùa giải vừa qua Sterling đã lột xác trở thành một trong những cây săn bàn nguy hiểm nhất Premier League. Đó là lý do một lần nữa Sterling được Southgate trao cho cơ hội đá tiền đạo ở đội tuyển.

Tại World Cup 2014, ĐT Anh sớm bị loại khỏi vòng bảng khi chỉ ghi được 2 bàn thắng sau 3 trận, đứng bét bảng D với vỏn vẹn 1 điểm. Lần này, họ đang có trong tay 2 cây săn bàn hàng đầu là Kane và Sterling. Liệu mọi chuyện có thể khác với người Anh tại World Cup 2018?

Đơn Ca
.
.
.