Hành trình từ cậu bé 'chậm phát triển' trở thành 'siêu nhân'

Thứ Năm, 01/10/2015, 08:00
Thế giới bóng đá vừa trải qua 1 tuần đầy kì lạ. Khi mà thứ khiến báo giới phải tốn giấy mực nhiều nhất lại không phải là những trận đấu, mà là các pha chấn thương của các cầu thủ.
Ở Việt Nam, "án điểm" của Quế Ngọc Hải còn chưa kịp lắng xuống thì đã lập tức xảy ra một pha vào bóng gây ra một chấn thương kinh hoàng khác. Lần này "thủ phạm" là Dương Thanh Hào, còn "nạn nhân" là Abass. Chấn thương mà Thanh Hào gây ra cho cầu thủ người Senegal đang khoác áo Becamex Bình Dương khủng khiếp đến mức: chính "thủ phạm" đã phải bật khóc ngay trên sân, sau khi chứng kiến hậu quả do mình gây ra.

Trong khi đó làng bóng đá quốc tế thì được một phen dậy sóng khi Messi bị đứt dây chằng phụ ở đầu gối trái trong trận đấu ở vòng 6 La Liga gặp Las Palmas. Theo dự kiến, ngôi sao người Argentina sẽ phải nghỉ thi đấu khoảng 2 tháng và nhiều khả năng sẽ phải vắng mặt cả ở trận siêu kinh điển đầu tiên của mùa giải năm nay trên sân Bernabeu của Real Madrid vào ngày 21-11 tới.

Messi siêu nhân

Thiếu vắng Messi rõ ràng là một mất mát lớn, là một vấn đề nghiêm trọng đối với Barcelona. Nhưng bên cạnh việc nhà vô địch Champions League sẽ vật lộn thế nào khi không có M10, thì còn có một chuyện khác gây chú ý không kém là qua sự kiện này cả thế giới mới giật mình: đã rất lâu rồi Messi không dính chấn thương nặng.

Chính xác thì phải sau hơn 7 năm, Messi mới phải nhập viện và dưỡng thương hơn 1 tháng. Còn nếu tính mốc nghỉ thi đấu là 2 tháng (tương tự như lần này) thì đã 9 năm rồi Messi không gặp chấn thương nặng như vậy. Thậm chí, suốt từ năm 2013 đến nay, đây cũng là lần duy nhất Messi dính phải chấn thương. Nên nhớ rằng với phong cách thi đấu nghệ sĩ của mình Messi luôn là người phải hứng chịu nhiều pha vào bóng quyết liệt của đối phương.

Thường thì để lấy bóng hay ngăn cản Messi thì các đối thủ chẳng có sự lựa chọn nào khác là phải tìm cách phạm lỗi, triệt hạ anh. Không những thế, Messi còn luôn là cầu thủ phải cày ải với cường độ ác liệt nhất trong giới cầu thủ, do cả CLB Barcelona lẫn đội tuyển Argentina đều thường tiến rất xa ở các giải đấu mà họ góp mặt.

Dù không có thể hình lý tưởng, nhưng Messi luôn có một nguồn năng lượng đáng nể.

Cụ thể, trong 7 mùa giải trở lại đây không mùa nào Messi đá ít hơn 60 trận, tức là trung bình hơn 1 trận/tuần trong suốt 1 năm - một mật độ khủng khiếp. Ấy vậy mà, điều kì lạ là Messi lại rất hiếm khi chấn thương và gần như miễn nhiễm với các vết đau nặng. Vậy đâu là bí quyết tạo nên một Messi "siêu nhân" như vậy?

Dĩ nhiên, đấy không phải là điều tự nhiên mà có. Nhất là khi Messi vốn không phải là cầu thủ được trời phú cho một thể chất phi thường. Ngược lại, khi còn nhỏ, Lionel Messi còn bị mắc căn bệnh thiếu hormone sinh trưởng bẩm sinh nên anh chỉ bé loắt choắt so với các bạn đồng trang lứa.

Thậm chí, theo bác sĩ Diego Schwarsztein người đầu tiên thăm khám và phát hiện ra căn bệnh của Messi thì khi tiền đạo này được bố mẹ đưa đến gặp ông, anh chỉ cao có 1m27 cho dù lúc ấy Messi đã bước sang tuổi thứ 10. Được biết, căn bệnh mà Messi mắc phải thuộc loại cực hiếm trên thế giới. Trung bình 20 triệu người thì chỉ có 1 người bị và chi phí để điều trị căn bệnh này là cực kì tốn kém. Khi ấy, bác sĩ Diego Schwarsztein đã đưa ra phác đồ điều trị cho Messi.

Theo đó, Messi sẽ được tiêm dưới da hàng ngày, liên tục trong khoảng 3-6 năm. Dự kiến chi phí điều trị sẽ lên tới khoảng 600.000 peso/năm (tương đương 150.000 USD, theo tỷ giá thời bấy giờ) - đây là một con số quá lớn, khiến tất cả các CLB của Argetina đều chùn tay, không thể chi trả khoản tiền chữa bệnh cho Messi. Đấy chính là cơ hội để Barcelona nhảy vào cuộc và đưa Messi đến Catalunya ngay khi mới 13 tuổi.

Barca và Pep đã chăm sóc Messi như thế nào

Sau đó, nhờ nhận được sự chăm sóc, chữa trị tại Barcelona mà Messi đã có thể phát triển bình thường. Dù vậy cuối cùng anh cũng không thể có được một thể hình lý tưởng như nhiều cầu thủ khác. Messi chỉ đạt đến chiều cao khoảng 1m70, và ở giai đoạn đầu của sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, anh còn tương đối mỏng cơm. Vì vậy mà ở thời điểm đó Messi tỏ ra khá mẫn cảm với những chấn thương.

Từ  mùa giải 2005/2006 - mùa đầu tiên Messi có một vị trí nhất định trong đội hình của Barcelona cho đến mùa 2007/2008, mùa nào cầu thủ tuổi teen này cũng dính 1-2 chấn thương, đồng thời phải nghỉ thi đấu không dưới 2 tháng. Một Messi mong manh như vậy là hình ảnh hoàn toàn khác so với một Messi gần như "không có gót chân Achilles" ở thì hiện tại. Không phải ai khác chính Pep Guardiola là người đã tạo ra một Messi mạnh mẽ như vậy.

Pep không phải là người phát hiện ra tài năng của Messi tại Nou Camp. Nhưng vị chiến lược gia này lại là người tin tưởng và trao cơ hội để M10 có thể sớm trở thành 1 cầu thủ lớn. Khi lên nắm quyền tại Barcelona, Guardiola đã mạnh dạn gạt bỏ công thần Ronaldinho để tạo điều kiện cho Messi phát triển.

Không chỉ chuyên môn, Pep còn để ý chăm sóc Messi ở nhiều khía cạnh khác, đặc biệt là vấn đề sức khỏe của cậu học trò trẻ. Khi biết Messi chỉ thích ăn món thịt bò nhập từ Argentina, ông đã lập tức yêu cầu thay đổi. Guardiola yêu cầu Messi phải ăn thêm nhiều cá, cấm tiệt nước ngọt, bắp rang, pizza và cả món khoái khẩu nhất của Messi là conguitos (chocolate đậu phụng). Bởi theo Pep chế độ ăn như ông đặt ra mới giúp phát triển cơ và thể lực của Messi.

Rất hiếm khi Messi gục ngã vì chấn thương như thế này.

Không những thế, HLV này còn chính thức cử bác sĩ Juanjo Brau kèm riêng Messi và thiết lập những bài tập thể lực cho cá nhân anh. "Messi là một cầu thủ khác biệt, nên xứng đáng được đối xử khác biệt", Brau khẳng định. Bên cạnh đó, Brau và Pep đã thay đổi cách chơi của Messi, từ một cầu thủ cứ có bóng là xông thẳng vào hàng phòng ngự của đối phương và liên tục phải chịu đòn thành một cầu thủ biết tiết chế, chỉ bung sức, tăng tốc khi nào thật cần thiết.

"Đừng có chạy như điên nữa. Hãy nghe cơ thể mình, nếu nó báo bất kỳ điều gì, hãy giơ tay lên mà báo cho tôi biết", Brau chỉ dẫn cho Messi. Còn Pep thì đưa ra lời khuyên: "Đừng tăng tốc chỉ để tăng tốc, hãy nhìn xung quanh nhiều hơn, chuyền được thì chuyền, hãy học cách đánh hơi một tình huống có thể ghi bàn. Hãy để dành sức cho những lúc ấy".

Những thay đổi ấy đã giúp Messi gần như là đoạn tuyệt với những chấn thương, vốn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của anh và của chính Barca những năm trước đó. Messi đã biết cách dàn trải năng lượng ra hợp lý hơn. "Leo là một cầu thủ thông minh và chỉ cần có sự hướng dẫn xác đáng, cậu ấy lập tức hiểu chuyện", Brau nói. Thế là từ sau cuộc thay đổi ấy, Messi từ một cầu thủ mong manh trở thành một cầu thủ đứng đầu về thể lực.

Kết quả là kể từ sau khi dính chấn thương vào tháng 3-2008 (thời điểm trước khi Pep "thiết quân luật" với Messi), anh đã chơi suốt 4 năm với 219 trận dưới thời Pep mà chỉ phải nghỉ thêm vỏn vẹn có 10 ngày vì chấn thương. Ngay cả khi Guardiola rời Nou Camp, Messi vẫn tiếp tục nhận được sự chăm sóc đặc biệt tại Barcelona. Để rồi ẩn dưới vóc dáng nhỏ con của Messi là một nguồn năng lượng vô tận, có thể cày ải, chiến đấu liên tục mà cực kì hiếm chấn thương.

Quan trọng ở thế giới, coi nhẹ ở Việt Nam

Câu chuyện của Messi cho thấy việc chăm sóc y tế, dinh dưỡng và phương pháp huấn luyện thể lực chiếm vai trò rất quan trọng trong việc phát triển của các cầu thủ nói riêng cũng như các vận động viên thể thao thành tích cao nói chung. Thế nhưng, ở Việt Nam thì yếu tố này vẫn đang bị coi nhẹ. Ngay cả lò Hoàng Anh Gia Lai Arsenal - JMG vốn được coi là quy củ, toàn diện nhất ở nước ta thì công tác bồi dưỡng về dinh dưỡng, y tế cũng vẫn rất hạn chế.

Phải cho đến 2-3 năm gần đây, Hoàng Anh Gia Lai mới hợp tác cùng nhà tài trợ Nutri Food để cung cấp những bữa ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng theo đúng chuẩn khoa học cho các cầu thủ. Nhưng khi ấy các cầu thủ khóa I của Hoàng Anh Gia Lai Arsenal - JMG đã bước qua giai đoan hết tuổi dậy thì. Vì vậy, chỉ số chiều cao cũng như nền tảng thể lực của các học trò cưng của bầu Đức nhìn chung là tương đối hạn chế. Ví dụ như cách đây 1 năm khi còn khoác áo đội tuyển U19 Việt Nam, Công Phượng và Văn Toàn chỉ cao dưới 1m7, Tuấn Anh nhỉnh hơn 1 chút cũng chỉ đạt 1m71.(T.Đ)

Thanh Hào thoát án phạt nặng như Quế Ngọc Hải

Một ngày sau trận chung kết Cúp Quốc gia, Ban trọng tài đã nhóm họp để xem xét pha phạm lỗi của Thanh Hào với Abass và thống nhất không đề nghị Ban Kỷ luật phạt bổ sung đối với tuyển thủ quốc gia này.

Các thành viên Ban Trọng tài đã nghiên cứu băng hình kỹ thuật để xem xét pha vào bóng dưới nhiều góc độ. Theo đó, Ban thống nhất với quyết định xử lý phạt thẻ đỏ của trọng tài Nguyễn Đức Vũ và không đề nghị Ban Kỷ luật xử phạt bổ sung. Sở dĩ như vậy là do Ban Trọng tài nhận định tình huống vào bóng của Thanh Hào là lỗi kỹ thuật, không phải tình huống vào bóng ác ý. Khác với pha đạp vào chân Anh Khoa từ phía trước của Quế Ngọc Hải, Thanh Hào chuồi bóng với mục đích lấy lại bóng từ chân đối phương. Anh đưa chân thấp và không chạm vào chân của Abass. Chấn thương của tiền đạo B.Bình Dương đến từ tình huống ngoài ý muốn của Thanh Hào.

Được biết, Abass đã thực hiện phẫu thuật thành công và dự kiến phải mất 6 tháng tập luyện mới có thể trở lại sân cỏ. Trong khi đó, ở một diễn biến khác, các bác sĩ Singapore cũng đã có chẩn đoán chính thức về chấn thương của Anh Khoa. Cụ thể, tiền vệ SHB Đà Nẵng bị chấn thương nghiêm trọng bao gồm gãy xương dưới sụn lồi cầu xương đùi bên, rách mảnh ghép dây chằng chéo trước, rách sụn chêm giữa, rách sụn chêm bên, rách dây chằng chéo giữa khớp gối, và nhiều khả năng rách dây chằng chéo sau.(T.Đ.)

Tất Đức
.
.
.