Hanoi Dance Fest 2019: Không chỉ là "bữa tiệc thị giác" độc đáo

Thứ Ba, 02/07/2019, 08:22
Đúng như lời hẹn, Hanoi Dance Fest 2019 đã mang đến một “bữa tiệc” múa đương đại mãn nhãn.


Sáu tiết mục múa đương đại đã được trình diễn trong 2 ngày 28 và 30-6 tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội với sự góp mặt của các biên đạo người Việt Nam hiện đang sống và làm việc tại Đức, Thụy Sĩ, Pháp và một số biên đạo trẻ của Việt Nam. 

Các tác phẩm được sáng tạo theo nhiều phong cách khác nhau, tạo nên nét đặc trưng riêng đa sắc màu của các nền văn hóa mỗi quốc gia. Ấn tượng về mùa liên hoàn này không chỉ bởi họ là những biên đạo trẻ, dám thử nghiệm mà còn bởi hành trình sáng tạo của họ cũng như một lát cắt trong quá trình tìm kiếm bản thể với những chuyển động, cử chỉ vừa bài bản nhưng không kém phần ngẫu hứng.

"Bữa tiệc thị giác" độc đáo

"Khối bất kì" là tác phẩm múa đương đại của nhóm Hanoi Baydance bao gồm nhiều nghệ sĩ múa tự do, vừa tốt nghiệp Học viện Múa Việt Nam: Hoàng Lan Phương, Lê Trần Thảo Nhi và Nguyễn Phương Anh. Bắt đầu từ ý tưởng những tấm bìa carton và những thứ có thể kết dính chúng như băng dính, keo, thậm chí với hạt cơm nguội, cho thấy sự tương tác giữa chúng và con người, với những hình thù khác nhau thông qua quá trình sáng tạo của nhóm. 

Điểm đặc biệt của tác phẩm này là kết quả của sự ngẫu hứng, không tuân thủ bất cứ quy luật nào. Bắt đầu chuẩn bị cách đây 1 năm, dường như "Khối bất kì" là một hành trình của sự ngẫu hứng của những nghệ sĩ trình diễn, của sự tổng thể hài hòa với âm thanh, ánh sáng. 

Nghệ sĩ Lê Trần Thảo Nhi, một thành viên của nhóm cho biết: "Chúng tôi sẽ không ngừng tìm kiếm chất liệu. Đến giờ, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm những điều mới hơn, có giá trị, hay hơn những gì đã tìm kiếm trước đó. Từ đó, chúng tôi sẽ thử nghiệm để mang đến khán giả bởi chúng tôi đề cao sự thử nghiệm bản thân, tất cả đều phải dựa trên sự ngẫu hứng".

Trong 2 đêm 28 và 30/6, tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hanoi Dance Fest 2019 đã giới thiệu 6 tác phẩm múa có sự kết hợp giữa múa và âm nhạc đương đại, các hiệu ứng thị giác đặc biệt. Nếu như "Khối bất kì" là hành trình thử nghiệm mang đậm dấu ấn cá nhân của những cô gái trẻ thì tác phẩm "Đáy giếng" của biên đạo Vũ Ngọc Khải lại mang đến khán giả về một Việt Nam với con mắt khác. 

Lấy cảm hứng từ ngôn ngữ hình ảnh và chuyển động múa, tác phẩm của Khải thể hiện sự nghiên cứu, tìm hiểu kĩ về các lễ hội dân gian Việt Nam như chọi trâu, chọi gà và những hoạt động cộng đồng khác. 

Kết hợp với một vật dụng quen thuộc là chiếu cói, cùng với việc khôi phục một phần trống trận Tây Sơn, biên đạo Vũ Ngọc Khải cho biết: "Đáy giếng là một trải nghiệm của khán giả, ngồi từ đáy giếng nhìn lên trên trời. Nó đi qua khoảng không của bóng tối, của đèn mờ đến ánh sáng mặt trời".

Được ví như một "nam thần" của nghệ thuật múa đương đại, nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành đã có 16 năm theo đuổi sự nghiệp múa, từng tham gia cộng tác với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế như Trần Ly Ly, Arco Renz, Heiner Goebbels... 

Mọi người biết đến anh với vai trò là người đầu tiên kết hợp Hiphop với ngôn ngữ đương đại và truyền thống Á Đông. Tác phẩm "Thán" mà anh giới thiệu trong liên hoan lần này lấy cảm hứng từ môn nghệ thuật Tuồng. Chứng kiến sự mai một dần của nghệ thuật truyền thống, tác phẩm "Thán" là cách sử dụng tinh thần của nghệ thuật Tuồng kết hợp những động tác uyển chuyển, dứt khoát thậm chí bạo liệt trong phong cách múa đương đại của anh. 

Thông qua ngôn ngữ cơ thể, âm nhạc và ánh sáng, tác phẩm "Thán" đưa người xem hòa vào với sân khấu, khi chuyển động, khi im lặng để rồi mỗi người như rơi vào trạng thái "bay vào tương lai cũng khó khăn như con bướm thoát ra khỏi tổ kén" như thực trạng của môn nghệ thuật Tuồng.

Kết hợp những tinh túy của bộ môn trượt patin và múa, nghệ sĩ Xuân Lê đã xây dựng ngôn ngữ vũ đạo của riêng mình và tác phẩm "Vòng lặp" anh đưa về giới thiệu đến công chúng trong nước là kết quả của sự kết hợp độc đáo đó. Vở múa mang phong cách tối giản, nơi con người, âm thanh, ánh sáng cùng nhau dung dưỡng và hồi đáp. 

Khán giả đã có cơ hội được đắm mình trong huyễn tưởng và thế giới thần tiên của những đường băng đầy chất thơ. "Mọi thứ đều có thể chuyển động với múa đương đại. Có thể ban đầu bạn nhìn kĩ vào gót chân của người ta, qua những bước nhảy nhưng sau đó thì bạn sẽ quên đi, có thể hòa cùng nó và phiêu theo những điệu múa. Cũng như vậy, tôi muốn những người đến xem tôi biểu diễn không phải chỉ nhìn theo đôi giày patin của tôi mà đang nhìn một cơ thể múa" - Nghệ sĩ Xuân Lê chia sẻ.

Và hành trình đi tìm căn tính, nhân dạng...

Thừa nhận "Khối bất kì" là một góc nhìn của những người trẻ, non nớt về múa, nghệ sĩ Nguyễn Phương Anh, nhóm Baydance tâm sự: "Là những người trẻ tập hợp lại cùng nhau, chúng tôi xem múa không chỉ như một môn nghệ thuật tồn tại một cách đơn lập. Nó là sự tổng hòa, giao kết với nhiều thứ nghệ thuật khác. 

Trong "Khối bất kì" chúng tôi đề cao cả những người nghệ sĩ làm về hình ảnh, âm nhạc bởi chúng tôi mong muốn mang đến một tác phẩm không chỉ đơn thuần có động tác mà còn là một cách nhìn, một cảm quan về múa đương đại".

Đúng như chia sẻ của nghệ sĩ múa Quỳnh Chi, tác phẩm "Đáy giếng" là một thử thách với một nghệ sĩ vốn xuất thân từ múa ba lê như chị. Hơn nữa, với một tác phẩm mang nhiều "hương vị Việt Nam" nhưng đối với một người trẻ chưa có cơ hội được chạm đến thì những thử thách về mặt chất liệu truyền thống giúp chị hiểu hơn về cội nguồn của mình. 

Trải nghiệm của Quỳnh Chi cũng trùng hợp với suy nghĩ của chị Văn Quý Ngọc Ái, nhà sản xuất của tác phẩm "Đáy giếng". "Càng đi ra mình càng thấy yêu cội nguồn" - đó là lý do chị muốn kể câu chuyện Việt Nam qua múa, qua âm nhạc, qua câu chuyện "học ăn học nói, học gói, học mở". 

"Bắt đầu từ tác phẩm "Nón", kế tiếp là "Đáy giếng" và sau này chưa biết là gì nữa nhưng chúng tôi vẫn muốn neo lại với chính mình là đầu tiên, cùng với những niềm vui, sự trong trẻo của văn hóa Việt Nam. Khi làm, chúng tôi mới biết trống trận Tây Sơn hay và đặc biệt như thế nào. Hay như, cũng là chiếc chiếu cói nhưng Bắc, Trung, Nam khác nhau ra sao... 

Đó là lý do khi thành lập tổ chức 1648km (chiều dài Việt Nam theo đường chim bay), chúng tôi luôn nhắc nhở mình là ai, vì sao mình có mặt ở đây và tiếp tục làm công việc này thế nào. "Đáy giếng" chính là câu trả lời tiếp theo của mình - chị Ái tâm sự.

Không có một đề bài hay định hướng cụ thể, Liên hoan Múa đương đại Hà Nội 2019 "không hẹn mà gặp" với những tác phẩm bàn về căn tính, nhân dạng, là câu hỏi của những cá nhân về muôn mặt cuộc sống: về sự tồn tại của bản thân, về mối quan hệ tương hỗ với tập thể, giữa cái tôi và cái ta.... 

Bằng việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong sự không giới hạn của múa đương đại, họ đã tự đặt ra những câu hỏi và đưa ra những câu trả lời và từ đó có nhiều cánh cửa khác mở ra... Một trong những con đường đi của họ là tìm về truyền thống. 

Theo biên đạo múa Trần Ly Ly - Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thì: "Không phải dùng truyền thống là lặp lại truyền thống. Các nghệ sĩ trẻ đã sử dụng cách nhìn của mình với truyền thống hoặc cảm nhận bằng chính con người mình với truyền thống, hòa nhập với tất cả những gì mình đang có để tạo nên một thứ khác. Đó là cách sử dụng truyền thống".

Mặc dù được dàn dựng từ năm 2016, trải qua nhiều sân khấu biểu diễn khác nhau, nhưng với nghệ sĩ Xuân Lê, lần này anh đưa tác phẩm "Vòng lặp" về Việt Nam vẫn là một thử thách trên sân khấu nước nhà. Là phần mở đầu cho chuỗi 3 tác phẩm dài hơi của anh, thể hiện những băn khoăn, suy cảm về nguồn gốc, nguồn cội của mình. 

Câu hỏi mà anh luôn đặt ra trong tác phẩm là chúng ta đến từ đâu, tổ tiên chúng ta như thế nào, làm sao một cá nhân có thể phát triển và trưởng thành trong cuộc sống quá nhiều phức tạp, mâu thuẫn nảy sinh... Cuộc đời như những vòng quay. Con người ta sinh ra rồi lại tái sinh theo kiếp luân hồi. Với người xem, "Vòng lặp" là một hành trình giàu cảm xúc, đấy tính ngẫu hứng của một cá thể trong cuộc sống chuyển động liên tục.

Còn "Female" có thể là một câu chuyện về phong trào "me too", về sự công bằng, bình đẳng giới. Một vở múa như một câu chuyện và hơn thế nữa... có rất nhiều cánh cổng để ngỏ để chúng ta tiếp tục với nó. 

Vở múa đề cập những mối quan hệ độc đáo và những gì dường như khác thường ở bên ngoài lại hóa ra thông thường ở bên trong... Cho thấy mối quan hệ nam nữ bị phá vỡ bởi sự hấp dẫn của phụ nữ bên ngoài đối với phái nữ. Với biên đạo múa James Sutherland, anh luôn đặt ra những câu hỏi về sự tự do, về sự cân bằng trong bản thân mỗi người.

Người xem sẽ có những cách cảm nhận và tìm câu trả lời trong mỗi tác phẩm mà người nghệ sĩ múa đương đại gửi đến cho họ trong mỗi tác phẩm. Để rồi mỗi người lại tự mở ra cho mình một cánh cửa khác, thông qua những cử chỉ, chuyển động cũng như những lát cắt của cuộc sống. Đó cũng là thành công của liên hoan khi mong muốn mang đến cho khán giả cơ hội khám phá những giá trị và ấn tượng thẩm mỹ của nghệ thuật múa đương đại. 

Ông Emmaunuel Labrande - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội

Múa đương đại là một môn nghệ thuật rất đặc thù. Chúng ta có thể hiểu trực tiếp mà không cần người phiên dịch. Nếu ngôn ngữ là rào cản thì cử chỉ sẽ thay thế ngôn từ. Chỉ bằng việc quan sát những cử chỉ, chuyển động, nó có thể chạm đến khán giả. Múa đương đại không chỉ là cử chỉ, là ngôn ngữ cơ thể mà nó còn liên đới nhiều phân nhánh khác của nghệ thuật. Những phân nhánh khác ấy lại được các nghệ sĩ tích hợp để đưa vào các tiết mục trình diễn trong Liên hoan này.

Phương Thúy
.
.
.