Champions League

Hào quang và vết tối

Thứ Bảy, 19/09/2015, 12:00
Champions League, giải đấu danh giá và khắc nghiệt nhất châu Âu đã khởi tranh, mang theo những vầng hào quang mà vốn dĩ nó vẫn khoác theo mình trong nhiều thập kỉ qua. Nhưng cũng như cuộc sống, hào quang nào cũng có nước mắt, đỉnh cao nào cũng có số phận quằn quại trong những ký ức tăm tối. Champions League cũng vậy. Bên cạnh tiền tài, danh vọng, cũng có những câu chuyện ít người biết, được vùi sâu trong lớp bụi thời gian mà chẳng ai muốn lau sạch!

1.Champions League đã trở thành một thương hiệu siêu hạng của bóng đá, với quyền lực bao trùm toàn châu Âu, gây ra ảnh hưởng mạnh mẽ đến từng ngóc ngách đời sống bóng đá. Tất cả các giải vô địch quốc gia châu Âu, ngoài chuyện trụ hạng, tranh giành chức vô địch, việc có được tham dự giải đấu này hay không cũng là một nhiệm vụ mà bất kì đội bóng nào có tham vọng đều hướng tới.

Thế mới có chuyện, Man Utd mùa giải năm ngoái đã trở thành một tấn bi kịch thế kỉ khi mất quyền dự Champions League. Mùa giải ấy, Man Utd đã thống kê rằng, họ thiệt hại tới khoảng 100 triệu bảng vì vắng mặt ở giải đấu này. Đó là một con số khủng khiếp, ngang với thu nhập của một đội vô địch giải Ngoại hạng Anh. Đó là chưa kể cổ phiếu của đội bóng sụt giảm khoảng 15%, mất mát về thương hiệu hình ảnh khoảng 27%.

Champions League luôn cực kì hào nhoáng.

Chính vì lẽ đó, để "phục thù" cho nỗi đau này, Man Utd đã mang về HLV Luis van Gaal, đầu tư cho ông qua 2 mùa hè chuyển nhượng vừa qua số tiền kỉ lục lên tới gần 300 triệu bảng. Dĩ nhiên, con số này không chỉ phục vụ duy nhất cho mục tiêu Champions League, nhưng nó cũng cho thấy khát vọng của Man Utd ở đấu trường này lớn đến mức nào.

Theo hãng thống kê tài chính Deloitte công bố hồi đầu năm 2015, giá trị của Champions League rơi vào trên 1 tỷ bảng, và mùa giải năm nay, giá trị bản quyền hình ảnh của giải đã lên tới gần 2 tỷ bảng. Có thể sau 3 năm nữa, mức giá có thể đạt tới con số trên 3 tỷ bảng. Nếu so sánh với giải Ngoại hạng Anh thì vẫn còn kém xa (giá bản quyền truyền hình của Premier League từ mùa giải 2016/2017 là 5,1 tỷ bảng), nhưng đây là giải đấu mà đội vô địch sẽ chỉ phải thi đấu 13 trận chứ không phải 38 trận như Premier League.

Bên cạnh đó, sự góp mặt của gần như tất cả các CLB lớn của châu Âu cũng là sự khẳng định cho bề thế giải đấu. Hơn nữa, lợi ích khi tham dự Champions League cũng là điều không phải bàn. Chỉ cần có mặt ở vòng đấu bảng, mỗi CLB đã bỏ túi 10 triệu bảng. Con số ấy đã lớn với một CLB hàng đầu, càng lớn hơn nhiều lần với một CLB nhỏ. Mỗi trận thắng ở vòng bảng cũng có gần 1 triệu bảng, hòa là gần 500.000 bảng. Nếu có mặt ở vòng 1/8, mỗi CLB sẽ có thêm 5 triệu bảng. Và cái giá cho chiến thắng ở trận chung kết sẽ là 12 triệu bảng.

Nếu một CLB toàn thắng và đăng quang, họ có thể kiếm tới khoảng 50 triệu bảng tiền thưởng, đó là chưa kể tiền bán vé, bản quyền truyền hình, các dịch vụ khác, và đặc biệt là giá trị thương hiệu, sức hút với các CĐV.

Ví dụ đơn giản nhất là Juventus, đội bóng bị loại ở tứ kết mùa giải 2012/2013 đã bỏ túi gần 60 triệu bảng, trong đó riêng tiền thưởng đã là gần 20 triệu bảng. Mùa giải năm đó, Bayern Munich là đội vô địch, bỏ túi 30 triệu bảng tiền thưởng, tổng thu nhập của họ năm đó là khoảng 60 triệu bảng.

Với kiểu "chia tiền" tắp lự ngay sau mỗi trận đấu, mỗi vòng đấu, tính theo từng trận đấu, Champions League không chỉ là nơi hội tụ anh hào khắp châu Âu, mà nó còn là mảnh đất màu mỡ để kiếm tiền, nhất là với những đội bóng nhỏ, nằm ngoài 5 giải lớn châu Âu (gồm: Anh, Italia, Đức, Tây Ban Nha, Pháp).

2.Hào quang là thế, nhưng Champions League cũng có những trang sử không lấy gì làm đẹp đẽ, cũng giống như những giải đấu khác như EURO hay World Cup. Nhưng chi tiết, những câu chuyện này gần như không có trong lịch sử của UEFA, bởi đó là những chi tiết mà bất kì ai cũng phải giấu nhẹm đi. Và nếu so với EURO hay World Cup thì những vết nhơ của Champions League vẫn còn ít và hiếm hơn nhiều. Tuy nhiên, để công bằng hơn, nó cần phải nhắc lại để thấy rằng, chẳng có gì là hoàn hảo, kể cả ở giải đấu mà người ta tưởng rằng nó là hoàn mỹ nhất châu Âu hiện nay.

HLV Helenio Herrera (phải) và Sandro Mazzola.

Ở đó cũng có móc ngoặc, có dàn xếp, có cả sự mua chuộc. Thường xuyên xảy ra chuyện, khi một CLB lớn đối đầu với một đối thủ nhỏ hơn, sẽ có những động thái thâu tóm từ kẻ lớn mạnh. Đã từng xảy ra chuyện các CLB hùng mạnh đã mua chuộc, mua bán cầu thủ ngay khi gặp đội bóng đến từ nền bóng đá nhỏ, lại ở quốc gia đang gặp những khó khăn kinh tế. Thậm chí, có cả những khoản hối lộ cho cầu thủ, lãnh đạo đội bóng.

Từ năm 1963 đến 1965, CLB thống trị Champios League (ngày đó còn là cúp C1) là CLB Inter Milan. Họ vô địch năm 1964 và năm 1965 dưới triều đại của HLV huyền thoại Helenio Herrera. Những chiến tích lúc ấy thổi tung Inter là một CLB siêu đẳng, được ca ngợi trên khắp thế giới. Nhưng sau đó cả thập kỉ, một thông tin được phanh phui, được điều tra rõ ràng.

Nhà báo lừng danh Brian Glanville cùng tờ Sunday Times đã công bố kết quả điều tra rằng, Inter ngày đó đã thường xuyên có hành động hối lộ, dàn xếp kết quả các trạn đấu ở cúp C1 để đăng quang 2 năm liền. Họ tiếp tục làm điều đó để cố gắng đăng quang lần thứ 3 vào mùa giải 1965/1966 nhưng bất thành. Gần như mọi hoạt động của Inter khi đó đều thông qua một tay cò, chuyên dàn xếp tỷ số nổi danh khi đó có tên Dezso Solti, người Hungary.

Cụ thể, tại bán kết cúp C1 mùa giải 1965/1966 gặp Real Madrid, Inter đã cực kì mạnh tay để hoàn tất cú "hattrick" danh hiệu cao quý này, và đặt thẳng vấn đề với trọng tài Gyprgy Vadas (cũng là một người Hungary). Chính vị trọng tài này đã xuất hiện là lên tiếng thừa nhận, đại diện Inter đã muốn ông dàn xếp để giúp Inter thắng ở trận lượt về gặp Real Madrid (trên sân nhà), sau khi đã thất bại 0-1 tại Tây Ban Nha. Kết quả là ở trận lượt về Inter hòa Real 1-1 và bị loại.

Chưa hết, một người nữa cũng bị khép tội. Đó là Ferruccio Mazzola, cầu thủ Inter và cũng là anh trai của huyền thoại Inter, Sandro Mazzola, bị cáo buộc sử dụng doping. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở đó. Không hiểu ngẫu nhiên hay hữu ý mà mọi chuyện bị xóa sạch. Inter vẫn được ca ngợi như một đội bóng tuyệt vời, và danh hiệu của họ vẫn được giữ nguyên.

Trong các trận chung kết Champions League, có nhiều trận đấu cũng bị tình nghi, mang ra điều tra và có kết luận rõ ràng. Tuy nhiên, vào thời điểm thập niên 1970, công tác kiểm tra và xử phạt doping vẫn chưa có hiệu quả. Năm 1970, là Feyenoord (thắng Celtic 2-1) và Ajax kéo dài từ 1970 đến 1973 được coi là đã sử dụng chất kích thích.

Những trận đấu đỉnh cao châu Âu chỉ có ở Champions League.

Trong khi đó, nhiều báo cáo cho rằng doping có lên lỏi vào các CLB Đức, cụ thể là Bayern Munich, đội vô địch từ 1974 đến 1976. Trong trường hợp của Ajax, một loạt cầu thủ bao gồm cả huyền thoại Johnny Rep đã thừa nhận có sử dụng chất kích thích, ít nhất tại trận chung kết cúp C1. Tại Ajax khi đó, những cầu thủ có phong cách thi đấu giàu thể lực, cần cù sẽ sử dụng doping để tăng cường cơ bắp, khả năng hoạt động, còn các cầu thủ khác, những cầu thủ có tính sáng tạo sẽ không được dùng để giữ được thần kinh sáng suốt.

Thời điểm thập kỉ 90 của thế kỉ trước, công tác doping đã hiện đại hơn. Các cầu thủ sẽ không sử dụng ở World Cup, nhưng tại cúp châu Âu thì các xét nghiệm lỏng lẻo hơn. Juventus cũng từng bị dính đến nghi án doping khi họ vô địch năm 1996. Thậm chí, bác sĩ của CLB là ông Riccardo Agricola và Giám đốc điều hành Antonio Giraudo từng bị triệu tập lên tòa án tại Turin để điều trần vào ngày 26/11/2004. Cựu Giám đốc của cơ quan kiểm soát doping châu Âu, ông Dick Pound đã yêu cầu thu hồi chức vô địch cúp C1 năm 1996 của Juventus, nhưng kết quả điều tra được cho là chưa đầy đủ. Và vụ án chìm xuồng.

Đó không phải là lần duy nhất Juentus đã bị cuốn vào những cáo buộc như vậy. Ngay trước khi họ đoạt cúp C1 năm 1985, có chuyện HLV Giovanni Trapattoni đã biết và lập tức phải từ chối đưa vào đội hình một số cầu thủ của họ đã sử dụng các loại thuốc carnitine tăng cường cơ bắp.

Trong số những CLB vô địch cúp C1, có lẽ thoát hiểm trắng trợn nhất là Marseille. Mặc dù Olympique Marseille bị xuống hạng bởi lời tuyên án từ LĐBĐ Pháp, sau khi CLB này đã dàn xếp các trận đấu tại giải VĐQG để đăng quang, từ đó lên ngôi tại Champions League năm 1993. Tuy nhiên, UEFA vẫn tuyên trắng án với Marseille.

3.Trên đây chỉ là một vài câu chuyện đen tối tại Champions League (trước đây là cúp C1). Nó cho thấy, lịch sử của chiếc cúp danh giá này không láng bóng như mọi người thấy. Tuy nhiên, dẫu sao thì đó chỉ là những câu chuyện của lịch sử, của những vụ việc đã lùi rất sâu vào quá khứ.

Còn hiện tại, có thể vẫn còn những bóng ma ẩn núp phía sau vầng hào quang Champions League. Nhưng dẫu sao chẳng ai thấy vết gợn nào đủ để che mờ đi sức hút ghê gớm và sự hào nhoáng của nó. Champions League vẫn là sân chơi độc tôn, quyền năng và đỉnh cao nhất của bóng đá châu Âu, thậm chí là một trong những giải đấu tầm cỡ nhất thế giới.

Sân chơi của nhà vô địch?

Bản chất cái tên của Champions League là giải đấu của những nhà vô địch. Tuy nhiên, thực tế đó là mảnh đất của mọi CLB lớn, chứ không phải chỉ là của đội vô địch. Bằng chứng, UEFA đã 4 lần thay đổi thể thức Champions League, nâng số đội dự vòng bảng từ 8 (mùa 93/94) lên 16 (95/96) rồi 24 (97/98) và 32 (99/2000) chỉ trong 6 năm. Đương nhiên thành phần là các CLB lớn mà không vô địch.

Và có một thực tế không thể chối cãi: cả CLB vô địch Champions League gần đây đều đăng quang khi tham dự Champions League không phải với tư cách nhà vô địch quốc gia (2015: Barca, 2014: Real Madrid, 2013: Bayern Munich, 2012: Chelsea).
Lê Giang
.
.
.