Harry Kane - Hiện tượng lịch sử hay phút lóe sáng nhất thời?

Thứ Hai, 16/03/2015, 10:00
Chỉ trong vòng 4 tháng, Harry Kane từ một cầu thủ vô danh trở thành người hùng của Tottenham. Thậm chí, cái tên này còn là đề tài bàn tán trên khắp nước Anh, được coi như tài năng mới, là cứu cánh cho một ĐT Anh đang ngày càng lụn bại vì thiếu ngôi sao. Harry Kane đã là hiện tượng kì thú, độc đáo và lạ lùng nhất trong lịch sử bóng đá Anh.

1.Bóng đá Anh luôn sản sinh ra rất nhiều ngôi sao, nhưng chưa có một tài danh nào lại nổi lên nhanh chóng và bất ngờ như Harry Kane. Câu chuyện về chàng tiền đạo 21 tuổi này được ví với huyền thoại Roy Race ở thập kỉ 50 của thế kỉ trước. Roy Race nổi tiếng đến mức, trở thành nhân vật chính trong cuốn truyện tranh có tên "Roy of Rovers". 

Ông là cầu thủ trưởng thành và nổi tiếng ở CLB Melchester Rovers. Ngay từ khi 17 tuổi, lần đầu xuất hiện ở CLB này đã trở thành chân sút số 1 của đội với 27 bàn. Chỉ sau 2 mùa giải, tức là chưa đầy 20 tuổi, Roy Race được trao băng đội trưởng của Melchester Rovers.

Sở dĩ phải nói về Roy Race là để so sánh với sự nổi tiếng nhanh đến không tưởng của Harry Kane. Đầu mùa giải năm nay, cái tên Harry Kane gần như không được ai biết tới, khi anh là tiền đạo "dự bị của dự bị", sau những tên tuổi lớn và đắt giá như Adebayor, Soldado…

Kane bất ngờ nổi tiếng sau 2 bàn vào lưới Arsenal.

Thế nhưng, số phận đã biến Kane trở thành một ngôi sao lớn với rất nhiều kì vọng, bởi chỉ trong 24 trận đấu cho Tottenham mùa này tại Premier League, anh ghi tới 16 bàn (chỉ kém 1 bàn so với Diego Costa và Sergio Aguero). Khủng khiếp hơn nữa, chính Kane là người ghi 2 bàn để giúp Tottenham hạ gục Chelsea (5-3) và đánh bại Arsenal (2-1). Tư duy chơi bóng, khả năng săn bàn, kĩ năng và cả sự ổn định của Kane gần như ở mức hoàn hảo. Vậy điều gì đã tạo nên một nhân vật gây "náo loạn" cả nền bóng đá Anh như vậy?

Đó là một câu chuyện mà có lẽ chính Kane cũng không thể giải thích nổi. Bởi cho đến khi mùa giải năm nay bắt đầu, Kane không có điểm gì nổi bật so với các cầu thủ trẻ khác ở trong đội. Cũng bắt đầu tập bóng đá từ khi 6, 7 tuổi, Kane thậm chí còn bị học viện bóng đá Arsenal và Watford thải loại, trước khi xuất hiện trong quỹ học bổng bóng đá của David Beckham (Chingford Foundation School) vào năm 11 tuổi do… cũng sinh ở Chingford, quê nhà của Beckham. 

Mãi đến khi tới Tottenham, cũng chính là nơi Beckham khởi nghiệp, Kane mới có chỗ đứng. Tuy nhiên, chỉ sau gần 1 năm luyện tập, Kane suýt một lần nữa bị gạch tên khỏi danh sách đội trẻ khi bị nhận xét là không đủ tố chất, phải nhờ HLV Clive Allen (người trực tiếp huấn luyện Kane) đảm bảo anh mới có thể ở lại.

Như vậy, vốn dĩ Kane không phải là một tài năng thiên bẩm, cũng chẳng hẳn là một "thần đồng" kiểu như Rooney hay Owen. Đơn giản, anh chỉ là một người ham học hỏi, biết nỗ lực và tràn đầy quyết tâm.

Năm 2009, dù được đưa lên đội 1 của Tottenham, nhưng gần như ngay lập tức, Kane bị mang cho mượn liên tục. Từ Leyton Orien tại giải League 1 (tương đương hạng 3), đến Millwall, Norwich, Leicester City. Ở các đội bóng hạng dưới ấy, Kane cũng thường xuyên đóng vai trò dự bị. Niềm tin dành cho Kane ngày càng suy giảm, bất chấp anh được 1 lần bầu là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất ở giải hạng Nhất trong màu áo Millwall.

Năm 2013, Kane nhận cơ hội được coi là cuối cùng khi được mang cho Norwich mượn, dưới triều đại của cựu HLV Tottenham, ông Chris Hughton. Thật không may bởi chỉ sau 3 trận, Kane gãy chân và phải nghỉ, gần như không có đóng góp gì. Trở lại Tottenham điều trị, Kane một lần nữa được mang cho Leicester mượn, và kết cục chẳng khá hơn: dự bị và thất bại.

2.Chuyến đi đến Leicester ngày đó đã gần như chấm dứt cơ hội của Kane. Anh bị đẩy trở lại xuống đội trẻ, nhưng rồi do thiếu tiền đạo, cộng với kế hoạch mới của Tottenham đã đưa Kane trở lại với Premier League. 

Sau khi bán Gareth Bale cho Real Madrid để thu về gần 100 triệu bảng, Tottenham đã tung tiền vô tội vạ để mang về hàng loạt ngôi sao với chi phí lên tới 107 triệu bảng. Nhưng kết quả của số tiền ấy là thất bại ê chề, cùng với bản sắc của đội bóng biến mất. 

Không thể tiếp tục tiêu tiền như vậy nữa, Tottenham thay đổi kế hoạch, hướng về các cầu thủ trẻ do mình đào tạo. Một loạt cầu thủ trẻ được gọi về và đồng loạt được sử dụng: Ryan Mason được gọi về từ Swindon Town,  để cùng Kane, Bentaleb kết hợp cùng Andros Townsen tạo thành bộ tứ cầu thủ của lò Tottenham. Và điều đặc biệt là họ từng học cùng nhau, thi đấu cùng nhau từ nhỏ và khá thân nhau trong một thời gian dài.

Kane ở Học viện Arsenal.

Điều bất ngờ đến với Kane khi anh được bố trí ra sân trong trận gặp Stoke ở vòng 11, tiếp đó là Hull, và đặc biệt là trận thắng Everton (2-1), trong lúc cả Adebayor, Soldado không có được phong độ tốt hoặc chấn thương. Trận đó, Kane không ghi bàn, nhưng anh đã chơi tuyệt hay khi di chuyển một quãng đường kỉ lục ở Premier League cho đến lúc này: 13km trong 90 phút. Từ đó, cái tên Harry Kane bắt đầu được nhắc tới và cũng từ đó, Kane "nhả đạn" liên tục và lấy luôn vị trí chính thức. Đến đây, lại phải nói về lò đào tạo của Tottenham và những điều đặc biệt để tạo nên một thế hệ được coi là tài năng đầu tiên của họ.

Tottenham chưa bao giờ được coi là lò đào tạo hàng đầu tại Anh. Trong lịch sử, họ chỉ có được một vài cầu thủ đạt đến đẳng cấp thế giới, nhưng không hoàn toàn đào tạo độc lập như David Beckham (trưởng thành ở Man Utd), Glenn Hoddle. Cầu thủ được coi là sản phẩm thực sự của họ là Ledley King, Peter Crouch, Stephen Carr, Sol Campell… Đó cũng là lí do bên cạnh việc "nghèo tiền" khiến Tottenham không thể lọt vào top những đội bóng mạnh nhất giải Ngoại hạng Anh. 

Sự chuyển biến đến vào năm 2010, khi Chủ tịch của đội bóng là Daniel Levy quyết định đầu tư 45 triệu bảng để xây dựng, tổ chức lại hoàn toàn hệ thống đào tạo trẻ, tổ hợp huấn luyện của đội bóng ở Enfiled. 

Hệ thống này được xây trên khu đất 77 mẫu Anh (khoảng 31 hécta), gồm 15 sân bóng, trong đó có 4 sân dành cho đội hình 1, được lấy tiêu chuẩn của SVĐ White Hart Lane, đúng kích cỡ và các chi tiết đến từng loại cỏ. Còn lại có 10 sân dành riêng cho các đội trẻ. Các bài tập được phân bố sau 3 cuộc nghiên cứu từ chuyên môn, khoa học y tế, tâm lí và nhận thức. Cùng với tập chuyên môn, dĩ nhiên là giáo dục văn hóa vào buổi tối và cuối tuần.

Cùng với việc xây dựng lại hệ thống đào tạo, huấn luyện, Học viện Tottenham cũng tạo ra một mô hình mới, áp dụng mô hình của lò La Masia nổi tiếng, nhưng xen kẽ các bài tập, kết hợp với lối chơi truyền thống bóng đá Anh. Các cầu thủ được ăn ở tập trung để hình thành một lớp (trong đó có lớp của những Townsend, Kane, Mason, Bentaleb…). 

Đấu pháp được sử dụng xuyên suốt là 4-3-3 với các bài phối hợp nhóm tam giác, với khả năng kiểm soát bóng. Chính vì thế, Kane đã phát huy tác dụng khi được chơi với nhóm cầu thủ đã ăn ở và tập cùng. Bên cạnh đó, kĩ năng giữ bóng và hoạt động độc lập của Kane cũng được phát huy trong môi trường đã quay trở lại với phong cách Tottenham.

3.Với sự mới mẻ và cải tổ triệt để trong đào tạo, Tottenham được xếp hạng 3 trong danh sách đánh giá của hệ thống đào tạo trẻ mà Liên đoàn bóng đá Anh mới áp dụng (có tên Elite Player Performance Plan - gọi tắt là EPPP), chỉ dưới Arsenal và Liverpool. Các tiêu chí đánh giá bao gồm huấn luyện viên, giáo viên, tài trợ, số tiền trả cho cầu thủ học viên, khối lượng đầu tư, hiệu quả đầu tư và huấn luyện… Mỗi CLB được xếp hạng hàng đầu về đào tạo trẻ sẽ nhận được tối thiểu 775.000 bảng mỗi năm từ EPPP. Và Kane cũng là một sản phẩm từ sự hỗ trợ của hệ thống đào tạo trẻ của Anh có tên EPPP.

Kane tại học viện bóng đá của Beckham.

Như vậy có thể nói, Kane là một sản phẩm ưu tú của lò đào tạo Tottenham, hiện đang trở thành lò đạo tạo hàng đầu tại Anh. Nhưng để có một kết quả như bây giờ, với một cầu thủ trở thành trung tâm của cơn bão dư luận, Kane không chỉ có tài năng, cũng không chỉ được huấn luyện theo phương án mới, mà còn có cơ may. 

Hay nói cách khác, Kane là một hiện tượng bất ngờ của thời và thế. Khi ấy, Kane như kẻ được số phận trao vào tay vai trò của một người hùng. Chưa biết tài năng này có thể rực sáng để trở thành ngôi sao lớn như Gareth Bale hay không, nhưng ít nhất thì ngay từ bây giờ, Harry Kane vẫn đang là niềm hi vọng cho bóng đá Anh.

Chỉ có Lampard "nhận ra" Kane

Bây giờ ai cũng coi Harry Kane là ngôi sao sáng, nhưng trước đó cái tên này chẳng mang lại điều đặc biệt gì. Kane từng "bị phát hiện" là CĐV của Arsenal, khi hình ảnh anh mặc áo Arsenal cổ vũ đội bóng này, ăn mừng sau chức vô địch lần cuối của CLB vào năm 2004. Đúng 10 năm sau, khi ghi 2 bàn để hạ gục Arsenal, mọi chuyện mới vỡ lở, khiến Kane phải một phen giải thích lại rằng: "Tottenham là CLB tôi yêu. Tôi đã ở đây 10 năm và hi vọng sẽ còn nhiều năm nữa".

Arsenal từng "chối bỏ" Kane. Đến học viện trẻ của Beckham cũng không nhận ra khả năng của Kane. Nhưng cách đây 4 năm, có một người đã nhìn thấy tiềm năng của cầu thủ này. Thật bất ngờ khi đó là Frank Lampard, cựu huyền thoại của Chelsea (nay đang khoác áo Man City). Cựu HLV của Tottenham là ông Harry Redknapp đã tiết lộ rằng, 3 năm trước, Lampard đã đến sân tập của đội trẻ Tottenham cùng ông và đã rất ấn tượng với Kane. Lampard đã nán lại, đợi cho đến khi buổi tập kết thúc, tiến đến bắt tay cầu thủ trẻ này và có cuộc nói chuyện rất lâu.

Về sau này, Kane mới tiết lộ rằng, ngày đó Lampard đã động viên và hướng dẫn, chỉ bảo những kinh nghiệm để anh hoàn thiện kĩ năng.  Harry Redknapp còn nói rằng, hôm đó Lampard đã nói đi nói lại với ông rằng, Kane sẽ là một ngôi sao lớn. Thậm chí, anh còn nói rằng, nếu là HLV Chelsea, anh sẽ mua Kane ngay lập tức với bất kì giá nào.

Lê Giang
.
.
.