Không có gì mà ầm ĩ cả

Hát nhép thời 4.0

Thứ Tư, 06/11/2019, 20:25
Chuyện đứng hình xảy ra trên sân khấu đêm 30-10 khi ca sĩ Bích Phương đang hát thì bị một khán giả cướp microphone trên tay để thông báo tìm trẻ lạc.


Ngạc nhiên chưa? Khi người đàn ông giật mic và nói liên tục khiến cô ca sĩ bối rối đứng hình thì giọng của chính Bích Phương vẫn tiếp tục hát trên loa.

Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã gửi văn bản tới công ty quản lý của Bích Phương, yêu cầu nữ ca sĩ đến trụ sở để giải trình, làm rõ những nội dung trên.

Sau sự cố, Bích Phương không thừa nhận hát nhép. Một số dân showbiz bênh cô, cho rằng đây không phải là "nhép" mà là hát "đè". Ý rằng đã có phần thu sẵn với một giọng hát thu sẵn nhưng ca sĩ vẫn hát đè tại sân khấu cho giọng thêm dày dặn.

Nhép môi hay hát nhép là một biện pháp có tên tiếng Anh là Lip-Sync, Lip-Synchronization hay playback. Việc này thường được sử dụng trong điện ảnh và quay video âm nhạc nhưng không được chấp nhận trong chương trình hòa nhạc trực tiếp.

Tuy vậy, không ít ca sĩ đã hát nhép khi làm live show như cô ca sĩ nói trên.

Lý do có thể là: 1 - Chưa thuộc lời. 2 - Bị mất giọng. 3 - Thiên lệch quá nhiều về vũ đạo. Thân pháp trong trường hợp này quan trọng hơn khẩu pháp. 4 - Không có dàn nhạc và nhóm bè. 5 - Không có một giọng hát đủ tốt.

Việc này tất nhiên không xảy ra ở thời chưa có máy ghi âm, chưa có băng casste, đĩa CD, USB, điện thoại di động, phòng thu kỹ thuật số với những hiệu ứng biến người không biết hát thành ngôi sao.

Minh họa Tả Từ.

Công nghệ thu âm số có thể chỉnh "phô giọng" bằng cú click chuột. Giọng hát thảm họa cũng không sao. Anh kỹ thuật viên sẽ "hát" thay bạn. Sau khi thu giọng đầu vào như một đống rác, cao độ, trường độ sai toe toét thì người hát cứ về ngủ ngon. Kỹ thuật viên sẽ dùng các phần mềm như Melodyn hoặc Waves… để xử lý. Các ca từ chênh phô sẽ được xếp vào hàng lối đúng phím piano. Trường độ quá dài quá ngắn sẽ được co kéo khớp đúng nốt trường độ bằng nốt tròn, trắng, đen, móc đơn, móc kép... Vì thế, hát thật tại sân khấu là lộ tẩy ngay.

Các sao Việt bị lộ hát nhép thì nhiều rồi nhưng việc xử lý hay phản ứng của khán giả vẫn rất: "nhân ái". Ca sĩ quốc tế nếu bị lộ tẩy hát nhép thì sẽ bị lên án nặng nề.

Năm 1990, giới trẻ thế giới mê mẩn bởi tiếng hát của hai anh chàng trong nhóm Milli Vanilli. Album đầu tay của họ, "Girl You Know It's True" đứng đầu top nhiều bảng xếp hạng danh tiếng nhất suốt nhiều tuần lễ. Nhưng chẳng ai ngờ, "Girl You Know It's True" là một cú lừa ngoạn mục trong lịch sử pop và nạn nhân chính là giải thưởng âm nhạc Grammy. Khi lộ tẩy hai anh chàng này hát nhép, Giải thưởng Grammy bị thu hồi.

Trăm sự do ông bầu ban nhạc là Frank Farian dàn dựng. Chính Frank Farian đã giúp cho ban nhạc Disco thời 1980 BoneyM trở nên lẫy lừng bằng hát nhép.

Giọng ca tưởng của anh chàng thân pháp như đánh võ Bobby Farell trong ban BoneyM chính là giọng của Frank Farian. Té ra anh này chỉ biết uốn éo chứ không thể làm gì khác.

Danh sách các ngôi sao nổi tiếng nước ngoài hát nhép cũng chả ít. Một hàng dọc tập hợp điểm danh: Britney Spears, Ashlee Simpson, Michael Jackson, Madona, Janet Jackson 50 Cent,  Jennifer Hudson, Beyonce Knowles… Không thể kể hết. Các sao K - Pop cũng nhép không kể xiết. Họ được gọi là ca sĩ nấp sau đĩa CD. Các ngôi sao hát nhép được dung dưỡng tùy vào độ "mù" của fan hâm mộ.

Beyonce chủ động thừa nhận cô đã hát nhép quốc ca Hoa Kỳ tại lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama ở thủ đô Washington D.C.

Cô nêu một số lý do về điều kiện tổ chức nên chọn cách này. Dù sao thì cô chủ động thừa nhận chứ không chối quanh co.

Còn bạn. Bạn sẽ mua vé nghe ca sĩ hát trực tiếp, chấp nhận sự không hoàn hảo hay thích nghe đĩa thu sẵn hát cả triệu lần giống nhau?

Lê Tâm
.
.
.