Hát sai lời: Ca sĩ thiếu tôn trọng nhạc sĩ

Thứ Năm, 19/11/2015, 09:37
Nhạc sĩ sáng tác bài hát là để cho ca sĩ hát. Mỗi ca khúc được coi là một tác phẩm hoàn chỉnh, không ai được quyền thêm gì, bớt gì, làm sai lệch gì so với nguyên bản, trừ khi người đó là nhạc sĩ. Thế nhưng không ít ca sĩ, phần vì không chú tâm, phần vì xem nhẹ chuyện thuộc lời bài hát đã ngang nhiên "sáng tạo" thêm bằng cách hát sai lời bài hát. Công chúng không hài lòng chuyện này đã đành, nhạc sĩ sáng tác càng bất bình.

Mới đây nhất, ca sĩ Mỹ Linh đã khiến công chúng không khỏi thất vọng khi hát sai lời liên tiếp các bài hát mà chị trình bày tại chương trình "Giai điệu Phương Nam" lần thứ 45 với chủ đề "Đường chúng ta đi". Cụ thể, hai bài hát "Bụi phấn" (tác giả Vũ Hoàng) và "Nối vòng tay lớn" (tác giả Trịnh Công Sơn) đã "bị" một ngôi sao nổi tiếng hàng đầu như Mỹ Linh hát sai rất nhiều ở phần lời.

Cụ thể, ở bài “Bụi phấn”, câu “mai sau lớn khôn rồi” Mỹ Linh hát thành “mai sau lớn lên người”, câu “ngày xưa thày dạy dỗ khi em tuổi còn thơ” Mỹ Linh hát thành “ngày xưa thày dạy dỗ cho em tuổi còn thơ”. Ở bài “Nối vòng tay lớn”, câu “từ quê nghèo lên phố lớn” Mỹ Linh hát thành “từ quê nghèo lên phố mới”, câu “rừng núi dang tay nối lại biển xa” Mỹ Linh hát thành “rừng núi dang tay nối miền biển xa”.

Hát đúng lời không chỉ tôn trọng nhạc sĩ sáng tác mà còn thể hiện đúng hồn ca khúc (ảnh chỉ có tính chất minh họa). 

Khán giả của chương trình gồm các tân binh, các chiến sĩ Quân đội nhân dân và các cựu Thanh niên xung phong. Hai bài hát này đã quá quen thuộc, là những bài hát mà nhiều thế hệ người Việt thuộc nằm lòng. Thế nhưng điều khó hiểu là Mỹ Linh đã hát sai lời rất nhiều, không trung thành với nguyên bản của các nhạc sĩ. Mặc dù Mỹ Linh đã thẳng thắn thừa nhận những sai sót của mình, nhưng không ít khán giả vẫn bức xúc. Họ cho rằng ca sĩ đã xem nhẹ việc nhớ chính xác lời bài hát. Đây không phải lần đầu Mỹ Linh hát sai lời. Đã từng có không ít chương trình chị bị nhắc nhở vì tự chế một số từ của bài hát.

Thực ra Mỹ Linh cũng không phải ví dụ đầu tiên về việc hát sai lời bài hát. Diva Thanh Lam từng bị nhạc sĩ Phú Quang "cấm cửa" một thời gian dài không cho hát nhạc của ông, chỉ vì nữ ca sĩ đã hát sai nhiều nốt nhạc cũng như lời ca khúc trong một vài ca khúc của nhạc sĩ.

Phú Quang chia sẻ: "Tôi rất kỵ những ca sĩ hát sai lời. Cho dù họ biện hộ thế nào tôi cũng không thể chấp nhận được. Người nhạc sĩ khi viết một ca khúc, họ đã phải tính toán cân nhắc từng nốt nhạc, từng ca từ rồi. Trong tiếng Việt, một chữ bị sai lạc đi cũng có thể đã chuyển tải một nghĩa khác. Tự chế lời hay vô tình hát sai lời ca khúc là rất nguy hiểm. Nó làm méo mó nghĩa trọn vẹn của một bài hát. Nó cũng khiến cho hình ảnh người ca sĩ biểu diễn trở nên rất mất cảm tình trong công chúng. Còn với một nhạc sĩ, họ có thể nổi điên vì sự không tôn trọng đó của ca sĩ. Tôi chỉ thích làm việc với những ca sĩ tôn trọng tôi, tôn trọng từng nốt nhạc của tôi. Không thì nổi tiếng đến mấy tôi cũng chào".

Không ít ca sĩ đã từng hát sai lời như Hà Trần, Hồng Nhung, Mỹ Tâm... Trong đêm Gala công bố kết quả "Việt Nam Idol 2015", Hà Trần hát sai lời ca khúc "Thu cạn" của nhạc sĩ Giáng Son. Hồng Nhung từng khiến dư luận dậy sóng khi hát sai nghiêm trọng lời bài hát "Tình nghệ sĩ" của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Mỹ Tâm cũng từng phạm lỗi hát sai lời bài hát trong chương trình trao giải Bài hát Việt 2012. Dĩ nhiên, về nguyên nhân việc hát sai lời, ca sĩ có thể bào chữa mình "đãng trí" hay "đột ngột quên". Và việc đôi lúc "quên quên nhớ nhớ" cũng là chuyện dễ hiểu với người nghệ sĩ.

Song, có một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay các ca sĩ cư xử với bài hát rất "ẩu". Họ thường chạy sô nhiều điểm một đêm diễn. Nếu ca khúc chưa từng hát thì họ còn chịu khó bỏ thời gian công sức tập luyện, còn những show hát bài đã từng biểu diễn thì ca sĩ thường chủ quan cho qua, không tập lại phần lời. Đến khi lên sân khấu chữ nọ lộn xộn vào chữ kia dẫn đến sai sót nghiêm trọng. Hiện tượng này không chỉ ở các ca sĩ trẻ, mà chính những ca sĩ nổi tiếng, những diva gạo cội dày dạn kinh nghiệm lại hay mắc phải. Vì họ thường ỷ lại vào danh tiếng của mình, ít khi chịu tập lại kỹ càng cùng dàn nhạc trước đêm diễn. Có nghệ sĩ nhận show, rồi trước giờ biểu diễn vẫn đang từ sân bay về điểm diễn, lên thẳng sân khấu diễn luôn, không có thời giờ nhẩm lại lời bài hát.

Hát sai lời, truy rõ nguồn cơn còn có thể quy vào việc vi phạm bản quyền tác phẩm. Bởi rõ ràng, người ca sĩ đã làm sai lệch tính toàn vẹn của tác phẩm đã được Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ. Khán giả không bao giờ muốn trả tiền để xem một đêm diễn mà người nghệ sĩ tùy tiện sửa lời bài hát.

Xét về luật, người nhạc sĩ có bài hát bị ca sĩ hát sai lời cũng hoàn toàn có thể khởi kiện ca sĩ vì làm hỏng tác phẩm của họ. Dĩ nhiên lĩnh vực này ở ta còn xem nhẹ. Các nghệ sĩ thường giải quyết tình cảm với nhau bằng cách xin lỗi. Nhưng về lâu dài, các nghệ sĩ cần phải ý thức mạnh mẽ về vấn đề bản quyền trong việc sử dụng tác phẩm văn học nghệ thuật.

Rất nhiều vụ kiện đạo nhạc đã phải phân xử ở tòa án. Hát sai lời nếu ở mức độ nghiêm trọng gây ra những hiểu lầm về nội dung bài hát, làm ảnh hưởng đến nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ hoàn toàn có thể bị nhạc sĩ đâm đơn kiện, và một lời xin lỗi chưa chắc đã có thể kết thúc câu chuyện. Cho nên việc nâng cao ý thức của người ca sĩ khi sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ là hết sức cần thiết. 

Hội Quân
.
.
.