Hãy lật ngược hai chữ "trung thành"

Chủ Nhật, 15/09/2013, 16:31

Thị trường chuyển nhượng mùa hè của bóng đá châu Âu đã khép lại gọn gàng và… sạch sẽ. Mọi thứ diễn ra theo đúng lộ trình của nó, với một câu hỏi cũ kĩ đến mức rêu phong, nhưng lại chưa bao giờ có sức hút ghê gớm đến thế. Ai cũng bảo: trước tiền đừng nói đến lòng trung thành. Nhưng trong bóng đá, chưa ai đặt ra câu hỏi, lòng trung thành là gì?

1.Thế giới bóng đá cũng tồn tại những phạm trù của xã hội, những nguyên tắc ứng xử cuộc sống đời thường. Sự vận động tạo ra sự thay đổi, và khi thay đổi mới có sự phát triển. Bóng đá vận động và tạo ra sự phát triển với nền tảng là tiền bạc. Chính vì nó chi phối đời sống bóng đá đến mức tàn bạo, nên khái niệm lòng trung thành bị đem ra làm thước đo để tạo ra sự phán xét. Chẳng thế mà suốt mấy tháng qua, Rooney (Man Utd), Suarez (Liverpool), Bale (Tottenham)… bị đưa ra làm ví dụ cho một thế giới bóng đá không còn khái niệm của lòng trung thành.

Figo rời Barca để tới Real Madrid, anh nhận được sự căm ghét từ xứ Catalan, bị gọi là tên phản phúc. Khi Ashley Cole "đi đêm" để trốn chạy khỏi Arsenal mà tới Chelsea, anh bị gọi là kẻ đào tẩu khốn khổ. Lúc van Persie rời Arsenal để tới Man Utd, CĐV Arsenal đốt áo của anh, cho rằng đó là sự đào tẩu hèn hạ của kẻ hám danh. Ngày Bayern tuyên bố sở hữu Mario Goetze, đó là lúc hàng chục ngàn CĐV Dortmund lao vào chửi bới, tẩy chay cầu thủ này…

Và suốt thời gian qua, một bộ phận CĐV của Man Utd, Liverpool hay Tottenham dường như cũng đã chuẩn bị sẵn để gán cho các ngôi sao của mình những biệt danh man rợ nhất, xấu xa nhất. Rồi câu chuyện về lòng trung thành thất bại dưới sức mạnh đồng tiền lại quay lại. Cũ kĩ và nhàm chán, nhưng lại chẳng bao giờ lỗi thời. Những người ra đi bị gọi chung biệt danh là: những kẻ Judas, một trong 12 sứ đồ đã bán rẻ khiến Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá để lấy 30 đồng bạc. Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Bóng đá lại càng không hẳn như vậy…

2.Trước khi tiếp tục câu chuyện về lòng trung thành trong bóng đá, tôi muốn kể lại một câu chuyện cũng chẳng mới mẻ gì. Đó là số phận cảm động về chú chó Hachiko, biểu tượng lòng trung thành của người Nhật Bản. Giáo sư Hidesaburo Ueno mua chú chó Hachiko khi mới vài tháng tuổi và nuôi nấng nó như một người bạn tâm giao. Hàng ngày, Hachiko đưa ông Ueno đến nhà ga đi làm và đến đón ông vào lúc 3 giờ chiều. Chưa đầy 2 năm sau, một ngày Giáo sư Ueno đột quỵ và mất. Hôm ấy, Hachiko vẫn lặng lẽ một mình đến nhà ga vào lúc 3 giờ chiều. Những đoàn tàu đến rồi đi, Hachiko vẫn chẳng thấy cái bóng quen thuộc. Rồi ngày hôm sau, hôm sau nữa, Hachiko vẫn đến chờ Giáo sư Ueno như chưa từng tuyệt vọng.

Suốt 10 năm trời, chú chó đáng thương đều đặn hàng ngày đến nhà ga lúc 3 giờ chiều, cho đến lúc nó gục xuống trong sự chờ đợi ngay tại nơi mà nó lần cuối cùng nhìn thấy ông Ueno. Những bức tượng Hachiko được dựng lên, ngôi mộ của nó được xây ngay cạnh nơi an nghỉ của Giáo sư Ueno, và những bài học về Hachiko được đưa vào sách giáo khoa như một tấm gương về lòng trung thành mà con người phải học tập.

Bóng đá cũng từng tôn vinh những cầu thủ cả đời chỉ gắn bó với một đội bóng. Đó là Ryan Giggs (Man Utd), Paolo Maldini (AC Milan), Steven Gerrard (Liverpool), Santiago Bernabeu (Real Madrid), Klaus Augenthaler (Bayern Munich)… Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là sự thừa nhận có giá trị tình cảm.

Để một cầu thủ gắn bó cả đời với một CLB rất khó, bởi có rất nhiều nguyên nhân tác động. Sự thích nghi môi trường, lối sống, tầm ảnh hưởng đến đội bóng, chiến thuật, những mâu thuẫn nảy sinh, điều kiện tài chính… Thời của Bernabeu, Augenthaler, Maldini... tiền có nhưng nó không đủ mạnh để đưa họ rời khỏi đội bóng vốn đã quá lớn, đầy quyền lực.

Ngày nay, sự gắn bó của cầu thủ và đội bóng không chỉ là lợi ích cá nhân mà còn là lợi ích trong cả một hệ thống. Tại sao Gerrard không rời Liverpool? Thực ra, tiền vệ này đã từng ký hợp đồng với Chelsea cách đây 10 năm, nhưng đổ bể vì bản thân Gerrard không chịu nổi sức ép, sự đe dọa tính mạng của những tổ chức mafia. Tại sao Casillas trọn đời vẫn ở Real Madrid? Bởi ở đây, Casillas là quyền lực tối thượng trong phòng thay đồ, là một trong những người có sức mạnh còn lớn hơn cả HLV, thứ mà ở bất kỳ nơi nào khác anh cũng không thể có được.

Gerrard có lẽ đã đến Chelsea nếu không có sự đe dọa từ mafia.

Nếu trung thành, tại sao cách đây nửa năm, Lampard chấp nhận ra đi, từ chối kí hợp đồng nếu Chelsea giảm lương? Nếu như lòng trung thành của Hachiko được định hình bằng tình yêu của hai kẻ cô độc, thì trong bóng đá không có giá trị đơn thuần ấy. Tất cả đều là giá trị hữu hình, với những bản hợp đồng được thỏa thuận bằng giấy hoặc bất thành văn, với lợi ích được dành cho cả hai bên. Đó là lý do tại sao C.Ronaldo bỏ Man Utd để tới Real xa hoa và khêu gợi. Đó là lý do tại sao Raul Gonzalez, lại rời đội bóng trong giai đoạn cuối sự nghiệp? Đó là khi Raul không còn thấy lợi ích và giá trị của mình ở Real nữa. Ra đi khi đó là sự sinh tồn.

Mục đích sự ra đi của Raul là sự giải thoát, cũng giống như cách Rooney, Suarez hay Bale đòi rời đội bóng mà ai cũng nghĩ đó là nơi mà họ thành công và phải gắn bó. Họ đều là những ngôi sao sáng, nhưng đã không phải là giá trị tuyệt đối về cả chuyên môn, ý nghĩa tài chính và mối quan hệ, môi trường. Các CLB không thỏa mãn được ý chí của họ, và khi đó cầu thủ giống như những người làm công, có thể chuyển công tác sang đơn vị khác như một quy luật bình thường.

Và câu chuyện về Hachiko chỉ có giá trị cho cuộc sống chứ không có giá trị trong bóng đá. Bởi trong bóng đá, vốn dĩ không có lòng trung thành tuyệt đối của Hachiko.

3.Khi C.Ronaldo rời Man Utd, anh bị chửi rủa như một tên phản bội. Nhưng có ai nghĩ đến khoản tiền 94 triệu euro C.Ronaldo đã mang về cho Man Utd? Khi Goetze rời Dortmund, cũng chẳng ai nhìn thấy khoản tiền 37 triệu euro mà Bayern trả có thể giúp Dortmund thanh toán nợ nần để vực dậy tiềm năng kinh tế. Và nếu Bale không sang Real, Tottenham sẽ lấy đâu tiền chi trả cho cả tá tân binh đắt giá mà họ vừa mua? Và hơn nữa, nếu tất cả các ngôi sao đều chỉ gắn bó với một CLB, liệu thế giới bóng đá có lóng lánh, có vận động, có biến thiên đầy hấp dẫn như bây giờ? Sẽ chẳng có nguồn tiền nào đổ ra. Sẽ chẳng có sự mới mẻ nào.

Bởi tất cả vẫn đứng im, nguyên mẫu và nhàm chán. Hãy thử tưởng tượng bóng đá sẽ ra sao khi các CLB cứ thi đấu cả chục năm với những cầu thủ cũ? Đó mới là thảm họa, và lúc ấy có khi chính những người tôn thờ lòng trung thành sẽ phải cảm thấy bi kịch. Sự vận động mới có thể tạo ra sự phát triển. Đó là quy luật tất yếu không chỉ của bóng đá mà của cuộc sống.

Lòng trung thành không thể đo bằng quãng thời gian gắn bó bao nhiêu năm. Hãy đánh giá nó bằng kết quả mà một cầu thủ mang lại cho đội bóng là những gì. Thời gian chỉ là một yếu tố để tôn vinh. Đó là lý do tại sao Raul vẫn là biểu tượng của Real, Kaka vẫn có thể trở lại AC Milan với tư cách của một người hùng dù đã bỏ sang Real một thời gian dài, hay Arsenal cũng không thể chối bỏ rằng van Persie, Henry vẫn là những tượng đài…

Và lòng trung thành trong bóng đá đơn thuần chỉ là cái cớ được tạo ra từ sự tức giận khi một ngôi sao ra đi, xuất phát từ tình yêu và sự ích kỷ của một nhóm CĐV quá khích. Cần phải nói lại, trước đồng tiền, đừng nói đến lòng trung thành. Bởi lòng trung thành không thể rao bán bằng bao nhiêu tiền. Và dù sao thì bóng đá vẫn là một ngành kinh doanh có lợi nhuận chứ không thể sống và phát triển bằng mối quan hệ đầy nước mắt giữa Giáo sư Ueno và Hachiko. Đó là lý do tại sao người ta chỉ đòi hỏi cầu thủ phải trung thành mà không đòi hỏi CLB phải trung thành với cầu thủ?

Sau hơn 2.000 năm bị nguyền rủa, nhiều ý kiến nghiên cứu cho rằng, Judas rất gần gũi với Chúa, được chính Jesus ra lệnh phải tố giác bán mình và chấp nhận sự nguyền rủa. Một câu hỏi được đặt ra: Nếu Judas không phản bội Jesus, liệu có Chúa cứu thế?

Nếu bóng đá thực sự có lòng trung thành, liệu nó có phát triển, thăng hoa và đầy xúc cảm như bây giờ được không?

CLB có trung thành với cầu thủ?

Tottenham đã bán Bale để thu về 100 triệu euro.

Lòng trung thành phải đến từ hai phía. Đòi hỏi cầu thủ trung thành cần có sự đáp trả từ CLB. Nhưng điều này đã bị bỏ quên, bởi ít ai hiểu chính Man Utd và Sir Alex là người chủ động bán C.Ronald cho Real để lấy 94 triệu euro. Hay mới đây, Tottenham đã kết thúc câu chuyện dài tập về Gareth Bale, tốn kém giấy mực đến phát chán suốt mùa hè vừa qua. Suốt mấy tháng, Tottenham làm đủ mọi cách để nâng giá Bale, chỉ đến ngày cuối cùng của thị trường, họ mới chính thức để Bale cho Real với giá 100 triệu euro. Không phủ nhận đến Real, Bale sẽ nhận lương cao gấp đôi: gần 300.000 euro/tuần (mỗi phút của Bale ở Real có giá khoảng 35 euro), nhưng chính Tottenham cũng không giữ lời khi từng tuyên bố không bán Bale cách đây 3 tháng.

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp CLB "bội ước" như AC Milan bán Kaka, Real "đuổi khéo" Raul…

L.Trung
.
.
.