Hệ thống rạp phim, nhà hát:

Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu

Thứ Hai, 30/11/2015, 07:30
Thông tin Rạp Dân Chủ ngừng hoạt động từ ngày 23/11 trở thành một trong những tiêu điểm văn hóa trong mấy ngày gần đây. Thế nhưng, kết cục này dường như đã được dự báo từ trước, khi mà cụm rạp phim, nhà hát thuộc Nhà nước trở nên lạc hậu, hoạt động yếu ớt, cầm chừng và chẳng biết ngày mai ra sao trước sự lên ngôi và phát triển của cụm rạp tư nhân trong nhiều năm qua.

Thừa vẫn cứ thừa…

Mấy ngày vừa qua, thông báo ngừng hoạt động từ ngày 23/11/2015 mà Rạp Dân Chủ đưa ra khiến cho nhiều người dân Thủ đô không khỏi bất ngờ và nuối tiếc. Bởi đây là một địa chỉ văn hóa lâu đời của đất Thủ đô. Trước đó, ngày 20/11, rạp này vẫn thông báo lịch chiếu phim bình thường. Đi kèm với thông báo ngừng hoạt động, trên trang fanpage của Rạp Dân Chủ là hình ảnh "Good bye" (chào tạm biệt). 

Tuy nhiên, câu chuyện Rạp Dân Chủ hay rạp Nhà nước bất kỳ nào đó tuyên bố ngừng hoạt động hoặc giải thể dường như là một kết quả được dự báo từ trước. Kể từ khi cụm rạp chiếu phim liên hoàn do các "ông lớn" MegaStar, sau đó là Galaxy, BHD du nhập và mang lại một làn gió mới trong cách thưởng thức môn nghệ thuật thứ 7 cho khán giả Việt Nam, các rạp phim Nhà nước dần trở nên yếm thế, lép vế, sống dở chết dở và dần bị xóa sổ, hoặc chỉ còn cái vỏ xập xệ, tiêu điều.

Rạp Bạch Mai nay chỉ còn cái vỏ bề ngoài.

Trước đây có hơn chục rạp chiếu phim Nhà nước rải rác khắp Hà Nội thì bây giờ, quay đi ngoảnh lại cũng chỉ còn lèo tèo vài ba rạp vẫn hoạt động như Rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã), Rạp Tháng Tám (45 Hàng Bài)... Nói vẫn còn hoạt động ở đây, nghĩa là vẫn mở cửa đón khách, còn việc sống được từ nguồn thu bán vé hay không chưa bàn. 

Còn lại nhìn chung, những cái tên như Bạch Mai (437 Bạch Mai), Lý Nam Đế (17 Lý Nam Đế), Đại Đồng (nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Đông), Kim Đồng (19 Hàng Bài) ở thời kỳ trước và Fafilm sau này… chỉ còn là ký ức của một thời vàng son phim rạp.

Khảo sát một vòng hệ thống rạp phim ở địa bàn Hà Nội có thể thấy, đối nghịch với các rạp phim tư nhân mọc lên ngày càng nhiều thì các rạp phim thuộc Nhà nước ngày dần vắng bóng, rồi… mất hẳn. Rạp chiếu phim trở thành địa điểm cho thuê để kinh doanh, tổ chức đám cưới, sự kiện. Biển hiệu bong tróc, cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu, danh mục phim kém hấp dẫn.

Thông báo ngừng hoạt động của Rạp Dân chủ làm nhiều người cảm thấy nuối tiếc.

Những dãy hành lang hun hút thông thốc gió, những hàng ghế khán giả vắng hoe, may mắn thì có lèo tèo đôi ba cặp tình nhân đến xem phim những ngày cuối tuần. Chẳng hạn như Rạp Lý Nam Đế nằm trên đường Lý Nam Đế đã đóng cửa mấy năm nay. Rạp Bạch Mai nay chỉ còn là tàn tích, tầng 1 giờ trở thành địa điểm kinh doanh băng đĩa và đồ lưu niệm, nếu không phải là khách quen thì đi qua, khó nhìn thấy.

Rạp Đại Đồng gần như biến mất khỏi bản đồ. 78 Hàng Chiếu là địa chỉ của Rạp Long Biên thì bây giờ cũng bỏ không. Rạp Bắc Đô nằm cạnh cầu sắt chui Long Biên nay cũng trở thành một nơi để nuôi dạy trẻ… Nếu không nói, chắc những bạn trẻ Thủ đô không thể nào biết được rằng, ở Hà Nội đã từng có những rạp chiếu phim như thế.

Ra đời hầu hết vào giai đoạn mà công nghệ thông tin và các hình thức giải trí chưa đa dạng và phủ sóng như bây giờ, các rạp phim và nhà hát Nhà nước đã có một thời kỳ hoàng kim của mình khi giới thiệu những tác phẩm hay, đặc sắc đến với khán giả Thủ đô. "Lúc ấy, rạp nào rạp nấy, khán giả ra vào nườm nượp là chuyện hết sức bình thường. Bởi ai cũng mong xong việc đến rạp để xem để nghe. Ngoài là nơi để thưởng thức nghệ thuật, những rạp đó còn gắn liền với biết bao vui buồn của nhiều thế hệ", bà cụ bán trà đá gần Rạp Ngọc Khánh nhớ lại.

Khán giả đi xem vở "Hamlet" do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng, công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội (6 - 7/11).

Thế nhưng, trải qua thời gian, một lứa khán giả mới hình thành. Thị hiếu, nhu cầu thưởng lãm cũng khác, không còn giống thế hệ trước. Trong lúc những rạp phim Nhà nước vẫn "giậm chân tại chỗ", cơ sở vật chất, hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu, chẳng còn là một địa điểm hấp dẫn và thu hút, danh mục phim lại không được cập nhật thường xuyên, truyền thông kém… thì thực trạng ở các rạp hát cũng chẳng khá khẩm hơn.

Nguồn thu từ việc bán vé không có, một năm được vài ba sự kiện lớn thu hút người xem và truyền thông, sau đó im lìm, chị em văn nghệ sỹ bỏ nghề, làm thuê làm mướn khắp nơi để sống. Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… trở thành những kỳ vọng "sớm nở tối tàn" của một thời.

Sự rời bỏ ấy dẫn đến tình trạng tồn tại như không tồn tại của hệ thống rạp được bao cấp này. Thậm chí, có những người nghi ngờ lí do tồn tại của chúng cũng là điều không quá khó hiểu. Cạnh tranh không được thì giải thể hoặc ngừng hoạt động, lốc cuốn và vòng xoáy của nền kinh tế thị trường vốn khắc nghiệt.

Thành ra, có một số rạp trở nên thừa thãi, vài người gay gắt còn gọi đó là sự tồn tại vô duyên, vô tích sự giữa thời buổi này. Bởi rạp chiếu phim, nhà hát sinh ra với mục đích để chiếu phim, để diễn, giờ không chiếu phim hay diễn nữa thì tồn tại để làm gì?

Mà thiếu cũng thật là thiếu…

Trước thực trạng một số đơn vị rạp chiếu phim, nhà hát hoạt động còn lãng phí, không hiệu quả, đầu năm 2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7818/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ quy hoạch hệ thống nhà hát, rạp chiếu phim trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030. Trong đó có nội dung, phạm vi lập quy hoạch là trên toàn bộ địa giới hành chính của TP Hà Nội.

Một góc đìu hiu của Rạp Ngọc Khánh.

Trước đó, năm 2003, đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020) cũng được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 88/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số vốn đầu tư dự kiến đưa ra là 10.800 tỷ đồng (tương đương nửa tỉ USD).

Chẳng biết sau khi có 2 Quyết định trên, quy hoạch hệ thống nhà hát, rạp hát, nhà triển lãm hiện nay đến đâu rồi. Nhưng nhìn riêng về hệ thống rạp phim thì dường như vẫn chưa có gì khởi sắc. Sự tồn tại yếu ớt và thừa thãi của một số rạp phim, giống như những ngọn đèn trước gió, chẳng biết tắt lúc nào. Và rồi sau Rạp Dân Chủ, tiếp đến là cái tên rạp phim hay nhà hát nào được xướng lên trong dòng xoáy của cơn bão kinh tế thị trường?

Việc chúng ta có nhiều rạp phim hay nhà hát Nhà nước hoạt động kém hiệu quả và trở nên thừa thãi là điều có thật. Song thiếu cũng thật là thiếu. Chúng ta thiếu những rạp đủ tầm, hoạt động hiệu quả và thực hiện tốt nhiệm vụ là truyền dẫn văn hóa trong thời đại hôm nay. Thiếu những rạp thông qua những sự kiện của mình, đủ sức lôi kéo khán giả đến rạp, thưởng thức nghệ thuật một cách văn minh đó là bỏ tiền ra mua vé, xứng đáng với cống hiến và lao động của nghệ sỹ, thay vì những tờ vé phát miễn phí.

Khi một số nhà hát vắng khách và tồn tại như cho có thì một số nhà hát lại chật vật với hoạt động của mình vì quy mô và cơ sở vật chất… có hạn, gặp một số khó khăn trong quá trình luyện tập và biểu diễn. Diện tích sân khấu và khán đài chật chội, vị trí khuất là những bất lợi trong việc lôi kéo khán giả đến rạp. Ngoài Nhà hát lớn Hà Nội, phần đa nhà hát trên địa bàn Hà Nội đã xỉn màu, nhếch nhác. Để công bố những vở diễn mới, họ phải thuê địa điểm biểu diễn ở nơi khác, đủ tầm, đủ độ sang trọng hơn chính nơi "cha sinh mẹ đẻ" ra vở diễn đó.

Có thể kể ra đây trường hợp vở ba lê cổ điển nổi tiếng "Kẹp hạt dẻ" sắp công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 11 - 12/12 tới đây. Tuy nhiên những nghệ sỹ làm nên vở ba lê ấy lại đến từ Dàn nhạc Vũ kịch Quốc gia Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Hay chuyện đầu tháng 11 vừa qua (6 - 7/11), Nhà hát Kịch Việt Nam "cháy vé" tiên tục khi công diễn vở "Hamlet", thì địa điểm công chiếu gây tiếng vang lại ở Nhà hát Lớn Hà Nội, địa điểm cách Nhà hát Kịch Việt Nam chỉ mấy bước chân…

Thừa ra sao và thiếu như thế nào, quy hoạch hệ thống nhà hát và rạp chiếu phim trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, phải chăng nên đi từ những câu chuyện cụ thể và những trải nghiệm của chính khán giả - một trong những nhân tố làm nên sự tồn tại của một rạp chiếu phim hay một nhà hát nào đó.

Đậu Dung
.
.
.