Chuyện kỳ lạ ở Premier League

Hiện tượng “Một ông chủ – nhiều đội bóng” đang diễn ra ở Anh

Chủ Nhật, 12/11/2017, 10:47
Không một tổ chức bóng đá nào cho phép một người sở hữu nhiều đội bóng ở cùng một giải đấu. Những câu chuyện vô lý như vậy thường chỉ diễn ra ở các nền bóng đá đang phát triển với một thể chế luật lệ lỏng lẻo. Nhưng ở chính sân khấu hấp dẫn nhất thế giới là Premier League, hiện tượng ấy đã xảy ra.


Nhân vật đang nằm trong diện điều tra là Alisher Usmanov, người bị tình nghi "lấy tay che trời" ở Arsenal và Everton.

Trên danh nghĩa, Usmanov chỉ sở hữu 30% cổ phần tại Arsenal và không liên quan gì tới quyền kiểm soát Everton. Tuy nhiên, cổ đông lớn nhất của Everton hiện nay, doanh nhân Farhad Moshiri, lại là đối tác kinh doanh từ lâu với Usmanov. Chính Moshiri từng cùng Usmanov mua lại gần 15% cổ phần Arsenal vào năm 2007.

Usmanov được cho là nhân vật chính đứng sau thao túng Moshiri mua lại Everton.

Sau 5 năm, Moshiri và Usmanov cùng nhau tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Arsenal lên 30%. Tuy nhiên đến tháng 2 năm ngoái, Moshiri bất ngờ rút vốn khỏi Arsenal. Toàn bộ phần sở hữu của ông tại Arsenal được bán cho chính Usmanov. Sau đó, Moshiri lập tức đầu tư vào Everton. Ông mua 49,9% cổ phần CLB và trở thành cổ đông lớn nhất ở thời điểm hiện tại.

Mùa hè vừa qua, Everton chi đậm trên thị trường chuyển nhượng khi đưa về hàng loạt "bom tấn" có giá không dưới 25 triệu bảng như tiền vệ Gylfi Sigurdsson, trung vệ Michael Keane, thủ môn Jordan Pickford. Đội bóng chuyển mình mạnh mẽ như vậy một phần nhờ khoản đầu tư của Moshiri.

Tuy vậy, mọi thứ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Kênh truyền hình Anh BBC mới đây đã thực hiện một phóng sự điều tra truy tìm nguồn gốc số tiền Moshiri dùng để mua Everton. Từ đó, những manh mối bí ẩn về nguồn gốc số tiền Moshiri mua Everton dần được truy về Usmanov.

Mối quan hệ bí ẩn

Trên danh nghĩa, việc Usmanov làm hoàn toàn không hề vi phạm pháp luật. Premier League chỉ nghiêm cấm tình trạng đồng sở hữu: Một cá nhân hay tổ chức nắm trên 10% cổ phần ở một CLB sẽ không được mua cổ phần ở CLB khác. Quy định này hoàn toàn không nghiêm cấm ký hợp đồng tài trợ, quảng cáo với CLB khác.

Vậy lý do gì khiến Usmanov tin tưởng Moshiri đến như vậy? Họ có những giao điểm. Usmanov từng làm giàu dưới thời kỳ cuối của Liên bang Xô viết, giờ là công dân Thụy Sĩ; còn Moshiri và gia đình phải rời Iran khi Cách mạng Hồi giáo 1979 bùng nổ.

Sự tương đồng giữa hai nhân vật này là khởi đầu của câu chuyện. Khối tài sản kếch xù Moshiri có được ngày nay hoàn toàn nhờ đi lên từ hai bàn tay trắng, dưới giúp đỡ từ... Usmanov. Ban đầu, ông vào làm việc cho Tập đoàn USM của Usmanov với vai trò một nhân viên kế toán bình thường hồi năm 1993. Dần dần, ông lên tới chức danh cố vấn, sau đó là cổ đông của USM khi Usmanov bán cổ phiếu ra thị trường.

Quan hệ giữa Usmanov và Moshiri đã chuyển từ ông chủ - kẻ làm thuê thành đối tác kinh doanh từ đó. Usmanov là người chi tiền, còn Moshiri tính toán sao cho các kênh đầu tư của Usmanov đạt hiệu quả tốt nhất.

Khi Moshiri và Usmanov lần đầu mua cổ phần của Arsenal, họ lập ra một công ty có tên Red and White để sở hữu cổ phần. Toàn bộ nguồn tài chính của công ty này đến từ khoản vay 118 triệu bảng. Công ty tài chính cho Red and White vay là Tập đoàn Epion do chính... Usmanov hoàn toàn sở hữu.

Như vậy, số tiền mua cổ phần Arsenal dưới danh nghĩa do Moshiri và Usmanov cùng đầu tư thực chất hoàn toàn do Usmanov sở hữu. 15% cổ phần của Moshiri tại Arsenal trước đây như một món quà Usmanov dành tặng Moshiri, để rồi sau đó ông bán lại cho chính Usmanov. 15% cổ phần này có giá trị tương đương 146 triệu bảng, thừa đủ cho Moshiri mua lại cổ phần Everton.

Usmanov và Moshiri ấp ủ mưu đồ gì với Everton?

Tờ Futbolgrad của Nga nhận định, có 3 khả năng về nguồn gốc số tiền Moshiri đầu tư vào Everton.

Thứ nhất, đó chỉ là hành động "dọn đường" cho ông bạn Usmanov bán tháo cổ phần tại Arsenal, chuyển sang đầu tư vào Everton, biến Everton trở thành "ông lớn" tại châu Âu. Tuy nhiên với những gì Usmanov đã tuyên bố, ông hiện không có ý định rời bỏ 30% cổ phần ở Arsenal. Usmanov từng nhiều lần tuyên bố muốn là cổ đông lớn nhất thế chỗ Stan Kroenke, qua đó đầu tư mạnh vào "Pháo thủ". Nếu Usmanov muốn rời Arsenal, sẽ hợp lý hơn nếu mọi thứ diễn ra ngược lại: Ông bán cổ phần Arsenal cho Moshiri sở hữu, rồi chuyển sang đầu tư vào Everton.

Moshiri và Usmanov đã là đối tác của nhau suốt 25 năm qua.

Thứ hai, khoản tiền đó thực sự là tiền túi Moshiri bỏ ra, với kế hoạch phát triển đội bóng lâu dài, cải thiện thành tích thi đấu và tình hình tài chính, cũng như xây sân bóng mới. Moshiri đã chi 87 triệu bảng để mua lại Everton. Kế hoạch xây sân bóng mới của CLB dự kiến tiêu tốn 300-500 triệu bảng, và có thể đội thêm nhiều lần khi đi vào thực tế.

Moshiri thực sự là một tỷ phú, với khối tài sản lên tới 2,4 tỷ USD. Nhưng đem 1/5 tài sản của mình ra "đánh cược" xây một sân bóng thực sự là điều Moshiri không bao giờ làm. Với kinh nghiệm 20 năm làm việc cho các công ty kế toán - kiểm toán hàng đầu thế giới, ông hiểu rõ rủi ro mình gặp phải khi đánh cược số tiền lớn như vậy.

Một bên thứ ba hỗ trợ tài chính cho Moshiri là yếu tố giúp ông quyết định bạo chi cho Everton. Do đó, khả năng thứ ba, cũng là kiến giải hợp lý nhất giải thích nguồn gốc số tiền của Moshiri xuất hiện: Moshiri chỉ là bình phong cho Usmanov lập một mạng lưới các đội bóng ở châu Âu mà ông sở hữu hoặc gây ảnh hưởng, đầu tư vào đó để lách luật của Premier League và FIFA. Cũng là tỷ phú, nhưng Usmanov đang giàu hơn Moshiri cả chục lần. Con số 15,5 tỷ USD không phản ánh hết khối lượng tài sản khổng lồ của doanh nhân gốc Uzbekistan này. Mới 12 tháng trước thôi, thống kê còn cho thấy tổng tài sản của ông lên tới 56 tỷ USD.

Trên thực tế, những khoản tiền Usmanov đầu tư cho Everton đã công khai dưới hình thức tài trợ. USM Holding, tập đoàn do Usmanov sở hữu, đã ký hợp đồng mua lại tên sân tập của Everton trong 5 năm với giá 75 triệu bảng.

Ngoài ra, USM Holding còn trả tiền để xuất hiện trên bảng điện tử của Everton, hỗ trợ cầu thủ và huấn luyện viên Everton lên sóng truyền hình, cũng như tiếp cận ký hợp đồng tài trợ với các ngôi sao trong đội. Việc logo tập đoàn của Usmanov xuất hiện trên áo đấu Everton chỉ còn là chuyện sớm muộn.

Liệu Usmanov sẽ có những tác động vào mô hình hoạt động của Everton và Arsenal cùng lúc?

Đầu tư mạnh mẽ mua sắm cầu thủ, thay đội ngũ ban huấn luyện mới, lên kế hoạch xây một sân bóng mới cần một khoản ngân sách khổng lồ như đã nói ở trên. Moshiri không đủ khả năng để bạo chi như vậy, nếu không có đối tác làm ăn lâu dài là Usmanov trợ giúp. Nếu Everton càng lớn mạnh, ảnh hưởng của Usmanov sẽ càng lớn, thông qua việc hỗ trợ tài chính dưới hình thức tài trợ.

Xét về khía cạnh phát triển, đây là một tín hiệu tốt với Everton. CLB luôn núp sau cái bóng của Liverpool từ trước đến nay sẽ có cơ hội vươn mình trở thành một đội bóng lớn, tiến ra đấu trường Champions League. Tuy nhiên dưới con mắt của các quan chức điều hành UEFA và Premier League, việc này chẳng khác nào Usmanov lách luật ngay trước mũi họ.

Làm gì để ngăn chặn "Liên minh ma quỷ"?

Trên giấy tờ, Usmanov và Moshiri không làm gì sai trái. Usmanov sở hữu cổ phần ở Arsenal, còn Moshiri nắm cổ phần ở Everton. Mỗi bên có một chiến lược phát triển khác nhau cho đội bóng họ nắm giữ tài sản.

Do đó, Liên đoàn Bóng đá Anh chỉ có thể điều tra nguồn gốc khoản tiền tài trợ từ các tập đoàn của Usmanov sở hữu dành cho Moshiri. Luật bóng đá Anh quy định để tránh những khoản cấp vốn đội lốt tài trợ quảng cáo, giá trị các bản hợp đồng tài trợ quảng cáo phải nằm trong một con số thích hợp tuân theo "giá trị thị trường”.

Trong quá khứ, Sheikh Mansour, Chủ tịch Manchester City từng phải giải trình nguồn gốc số tiền Hoàng gia Abu Dhabi dành cho Man City, được núp bóng dưới danh nghĩa tiền tài trợ quảng cáo với các công ty do chính Hoàng gia Abu Dhabi sở hữu. Sau đó Man City phải tuân theo "giá trị thị trường" khi ký hợp đồng quảng cáo.

Tuy nhiên, quy định về “giá trị thị trường” lại có một lỗ hổng lớn. Các đội bóng ở Premier League chỉ nằm trong diện điều tra giá trị các bản hợp đồng tài trợ quảng cáo nếu họ thua lỗ nhiều hơn 105 triệu bảng trong 3 mùa giải liên tiếp.

Everton nằm trong số các đội bóng Premier League được hưởng gói bản quyền truyền hình trị giá 8 tỷ bảng trong 3 mùa giải 2016-2019, đồng nghĩa với việc họ gần như không thể bị điều tra.

Còn xét trên bình diện châu Âu, mùa giải trước Everton không nằm trong diện điều tra vì họ không tham gia giải đấu nào cấp châu lục. Mùa giải này họ tham dự Europa League, nhưng điều đó không có nghĩa UEFA có thể chứng minh hợp đồng tài trợ của họ vượt mức “giá trị thị trường”. Bởi các đội bóng Anh luôn kiếm bộn tiền nhờ tiền tài trợ hơn hẳn các đội bóng khác ở châu Âu.

Chính vì thế, người phát ngôn của Moshiri (và cũng đồng thời làm việc cho Usmanov) mới có thể tự tin phát biểu: "Với cương vị là CEO, đồng thời là cổ đông lớn của USM, Farhad Moshiri chỉ quan tâm đến lợi ích thương mại cho ông và Everton khi đầu tư vào đội bóng này".

Đơn Ca
.
.
.