Claudio Ranieri và Leicester:

Hiện tượng vô tiền liệu có… hậu?

Thứ Sáu, 18/12/2015, 15:38
Leicester tự dưng trở thành hiện tượng kì lạ của Premier League. Họ tạo ra sự đảo lộn kinh hoàng nhất trong lịch sử Premier League, đến mức khó có thể gọi họ là ngựa ô được. Bởi lẽ một CLB ngoài Top 5 dẫn đầu bảng xếp hạng sau 16 vòng đấu là điều chưa từng xảy ra suốt 20 năm qua. Ai là người tạo ra điều phi diệu này? Ranieri! May mắn, tài năng, thời cơ… hay điều gì làm thay đổi Leicester và chính bản thân ông?
1. Trận đấu muộn nhất vòng 16 Premier League. Leicester tiếp đón Chelsea, nhà ĐKVĐ đang sa cơ lỡ vận đã áp sát nhóm xuống hạng. Sức ép từ Chelsea khiến bất kì ai cũng cho rằng nó sẽ tạo ra sức bật của lò xo để đánh văng Leicester City vốn nhỏ bé. Nhưng điều kì diệu xảy ra khi đội bóng còn lo trụ hạng ở mùa trước lại biến tất cả ngôi sao Chelsea trở thành những gã hề. Thậm chí cả Mourinho kiêu ngạo, hãnh tiến cũng bất lực, tuyệt vọng, chỉ thiếu nước bật khóc. Leicester thắng 2-1 và tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng.

Kì diệu đến mức phi lí, bởi suốt 20 năm qua chưa bao giờ ở Premier League, giải đấu tôn vinh những kẻ lắm tiền, lại chứng kiến cảnh một CLB ngoài top 5 đứng đầu giải đấu này sau 16 vòng đấu. Người ta tìm hiểu những câu chuyện về Leicester và ở đó HLV Ranieri trở thành tâm điểm. Cùng với Leicester, vị HLV này bỗng nhiên "biến hình" từ một "gã thợ hàn" ngày nào trở thành huyễn hoặc.

Trước kỉ nguyên Mourinho ở Chelsea lần thứ nhất (năm 2004), Ranieri chính là HLV trưởng. Ông là người đặt nền móng cho Chelsea hiện tại khi tạo ra một bộ khung để Mourinho sau đó tiếp quản rất thành công. Nhưng cũng từ ngày ấy, Ranieri bị đặt biệt danh là "Gã thợ hàn" khi chỉ đạo Chelsea chơi 40 trận liền với đội hình khác nhau. Đến nay, Ranieri đã dẫn dắt tới 12 CLB và 1 ĐTQG (Hy Lạp), tuy nhiên suốt hơn 20 năm hành nghề, thành tích của ông không thể so sánh với Mourinho. Thậm chí Mourinho còn nhiều lần châm chọc, bêu riếu Ranieri trước giới truyền thông về đủ mọi nguyên tắc cổ lỗ, những thất bại mà ông trải qua.

Vậy nên, khi đánh bại Chelsea và củng cố ngôi đầu bảng với Leicester, Ranieri vui lắm. Nhưng tại sao vị HLV giàu kinh nghiệm nhưng chưa nhiều thành công này, lại lột xác cho một CLB nhỏ bé, và thay đổi số phận của chính ông nhanh đến thế? Đây là câu chuyện sẽ khiến nhiều người đã từng biết về Ranieri phải giật mình.

Ranieri trên sân khấu.

Mới đây nhất là việc Ranieri đã mất hơn 500 bảng để mời các cầu thủ đi ăn pizza. Số là sau hơn chục trận không thể giữ sạch lưới, Ranieri đã hứa chiêu đãi học trò ăn thoải mái món pizza, món ăn đặc trưng của quê hương ông, nước Ý.

Ranieri rất vui vẻ nói rằng, chuyện mời cầu thủ đi ăn không chỉ là "thua độ", không chỉ là phần thưởng, cũng chẳng quan tâm chuyện tốn kém. Đó là cách ông gần gũi với cầu thủ, và giúp họ thân thiết với nhau hơn, tạo ra bầu không khí ấm cúng, vui vẻ như trong một gia đình. Yếu tố tâm lí chính là sức mạnh tạo nên thành công của ông và của Leicester City.

2. Nói đến thành công có lẽ ai cũng nhắc đế yếu tố tâm lí và sự thoải mái về trạng thái thi đấu. Tuy nhiên với Ranieri đó chưa phải là nguyên nhân quan trọng nhất. Có 3 yếu tố mà Ranieri coi trọng để tạo ra sự khác biệt. Sự ổn định trong đội hình, những trợ thủ sắc sảo và sức mạnh từ lớp trẻ.

Yếu tố đầu tiên được khẳng định khi ông đã xây dựng được bộ khung với từ 6 đến 7 cầu thủ thường xuyên đá chính. Trong đó tiền vệ Mahrez và tiền đạo Vardy, người đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới, kỉ lục gia với 11 trận ghi bàn liên tục tại Premier League, là hai nhân tố quan trọng nhất.

Những cầu thủ mới, những tân binh và cả những cầu thủ trẻ đều được tin dùng và ra sân thường xuyên, chỉ cần họ giữ được phong độ. Đây cũng là yếu tố tạo ra sự khác biệt của Ranieri. Khi đến Leicester ông đã phá bỏ ngay rào cản mà hầu hết các CLB lớn đều gặp, đó là nạn công thần. Với Ranieri, không có khái niệm ngôi sao, không ai là công thần, với cách đối xử công bằng với tất cả.

Bất kì ai cũng có thể bị loại, kể cả Vardy. Chính vì thế, khi Vardy đứng trước cơ hội lập kỉ lục và nâng cao thành tích, anh này vẫn chơi đồng đội, không cố gắng ghi bàn bằng mọi giá, càng không ích kỉ, chơi cá nhân. Đó là hiệu quả tâm lí mà Ranieri đã truyền cho Vardy: kỉ lục cá nhân, dù là kỉ lục gì đi nữa cũng không quan trọng bằng 3 điểm của CLB.

Chỉ tính Vardy và Mahrez đã có số bàn thắng nhiều hơn tổng số bàn thắng của Man Utd giàu có, đầy ngôi sao. Trong khi tổng giá trị chuyển nhượng mà Leicester bỏ ra cho 2 cầu thủ này chỉ là 1,5 triệu bảng, bằng mức lương của Rooney trong 1 tháng ở Man Utd.

Yếu tố thứ 3 cũng là yếu tố lạ nhất. Ranieri không sử dụng ê kíp trợ thủ mà mình quen thuộc, giống như 99% các HLV khác, mà lấy ngay những người thuộc về Leicester gồm những cái tên: Steve Walsh, Mike Stowell và đặc biệt là trợ lí có cái tên cực kì nổi tiếng nhưng lại ẩn trong bóng tối: Craig Shakespeare.

Leicester (trái) đang dẫn đầu BXH Premier League.

Họ là cột sống của CLB, là bộ não của đội bóng và là những "quân sư" cho Ranieri. Ông chỉ dùng duy nhất 1 trợ lí thân thiết, đó là Paolo Benetti, người đã sát cánh với Ranieri từ Juventus, Roma, Inter Milan và Monaco. Ông này cũng chuyên chân lo "bếp núc", phân tích đấu pháp, đưa ra lời khuyên cho Ranieri và được ông coi là "viên ngọc trong phòng thay đồ".

Trở lại với những trợ lí khác của Ranieri, ông Steve Walsh đã từng có thời kỳ làm việc bán thời gian ở Chelsea, với nhiệm vụ trinh sát, theo dõi và phân tích đối thủ. Điểm nhấn của Walsh là từng yêu cầu mua Tore André Flo, Gianfranco Zola, hỗ trợ đắc lực dưới thời HLV Ruud Gullit, Gianluca Vialli và cho cả chính Ranieri khi ông đến dẫn dắt Chelsea. Và ngày Ranieri rời Stamford Bridge, Ranieri không quên Walsh.

Trước khi về dưới trướng Ranieri, Walsh cũng từng trinh sát toàn châu Âu để tìm tài năng, ngôi sao phù hợp cho Mourinho ở Chelsea. Thời điểm này, ông đã góp phần phát hiện và mang về Chelsea những cầu thủ như Didier Drogba hay Michael Essien. Tiền vệ đang chơi rất hay là Riyad Mahrez cũng là sản phẩm của Walsh. Theo số liệu của hãng thống kê thể thao Opta, hiện nay Mahrez là các cầu thủ xuất sắc thứ hai ở châu Âu về hiệu suất thi đấu, và cái giá của anh đến Leicester chỉ là 400.000 bảng.

Ranieri không chỉ phát hiện ra cầu thủ mới mà còn hồi sinh những cầu thủ tưởng như đã bị bỏ đi. Như Vardy năm nay 28 tuổi, người mà mới 3 năm trước còn thi đấu ở hạng 8. Rồi Danny Drinkwater, Gokhan Inler, Shinji Okazaki, Marc Albrighton, Danny Simpson, Robert Huth… đều là những người có phong cách chơi khác nhau nhưng điểm chung là đều sa sút và từ lâu đã là những cầu thủ tầm trung.

Sự hồi sinh đó đến từ những bài học tâm lí do chính Ranieri truyền tới, khác hẳn HLV van Gaal thuê hẳn giáo sư, bác sĩ tâm lí người Hà Lan để đến cùng ông làm việc ở Man Utd, nhưng CLB này chẳng có tí khí thế, sự mạnh mẽ nào về tinh thần cả. Đó là lí thuyết, cũng có thể là do Ranieri gặp may. Bởi đây chính là thời điểm Leicester được đầu tư với ông chủ Vichai Srivaddhanaprabha, người Thái Lan, người từng bị chế giễu suốt năm 2014 vì sự "nghèo khó" so với các tỷ phú khác, sự keo kiệt và tính toán khi đầu tư.

3.Thời điểm này không còn sớm để cho rằng Leicester là ngựa ô nữa. Bởi đã 13 chặng đường đã qua. Nó đủ để khẳng định sức mạnh, vị trí của một đội bóng, giống như dễ dàng xác định được rằng Chelsea sẽ là cựu vương Premier League ngay từ bây giờ.

Song, hiện tượng Leicester có thể cũng sẽ không kéo dài lâu, bởi việc họ nằm trong Top 4 đã là điều không tưởng. Trước đây từng có những Everton, Southampton, West Ham… tạo ra những điều phi thường, nhưng họ đều không thể tranh chấp một suất ở top 4 với các đại gia Liverpool, Arsenal, Man Utd, Man City và Chelsea. Nhưng khi mà mùa giải năm nay đang diễn ra rất kì lạ, hàng loạt CLB lớn sa sút, thì sự xuất hiện đầy trẻ trung và kinh ngạc của Gã thợ hàn Ranieri lại tạo ra sự khác biệt đáng kể.

Sự cổ điển của ông lại có dịp phát huy hiệu quả. Thời điểm này, chẳng ai lại còn đi tập luyện kiểu như Ranieri: ông ra xem, chỉ đạo cầu thủ mà không đá bóng. Ranieri thích tập thể lực, tập kĩ năng chứ không tập chiến thuật. Mỗi ngày, Ranieri chỉ cho cầu thủ tập chiến thuật 15 phút, trước trận đấu 3 ngày ông chuyển tải đấu pháp muốn vận hành và cả đội cứ thế mà làm. Ông nói: "Các cầu thủ đều có khả năng nhận thức, vấn đề là họ vận hành có đúng hay không. Tôi muốn họ làm điều đó chứ không muốn họ đi theo 1 cách giải quyết vấn đề trên sa bàn huấn luyện".

Triết lí và cá tính Ranieri đang thành công. Dù Leicester có đứng trong Top 4 hay không cũng chẳng quan trọng. Vấn đề là họ đang "bay" và hãy cứ hưởng thụ điều hy hữu đó.

Leicester có thể vô địch Premier League?

Nếu điều đó xảy ra sẽ là cú sốc lịch sử của bóng đá Anh, một cơn địa chấn có thể được so sánh với những thảm họa thiên nhiên lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, kể cả nằm trong Top 4 và giành quyền dự Champions League cũng là điều không thưởng với Leicester. Những con số của Premier League đang khẳng định Leicester có thể vô địch hoặc chí ít là nằm trong Top 4.

Trong lịch sử, chưa có cầu thủ nào đạt kỉ lục ghi bàn (ghi liên tiếp từ 7 trận trở lên, hoặc Vua phá lưới) mà CLB của họ nằm ngoài Top 4. Năm nay Vardy lập kỉ lục ghi bàn 11 trận liên tiếp. Suốt 12 mùa giải gần đây, chưa bao giờ có CLB nào đứng đầu BXH sau 16 vòng mà kết thúc mùa giải không nằm trong Top 4. Trong 15 mùa giải vừa qua, chỉ có 4 CLB không vô địch khi mà họ đứng đầu BXH sau 16 vòng.

Chỉ là những thống kê, nhưng rõ ràng Leicester đang được lịch sử ủng hộ. Vì vậy, hoặc họ sẽ thành công và đi vào lịch sử, hoặc sẽ trở thành hiện tượng "phá hoại lịch sử" bằng sự kì lạ của mình.

Lê Giang
.
.
.