Họa sỹ Lê Thiết Cương: Gọi tên một im lặng

Thứ Sáu, 01/02/2013, 12:36

Chọn con số 13, với 13 bức tranh, triển lãm vào ngày 13, năm 2013, đó chính là những chi tiết trong tính cách của Cương, luôn tỉ mẩn, cầu toàn và lựa chọn những gì hoàn hảo nhất, đặc biệt nhất cho những thứ mà anh sở hữu. Với Cương, sự trùng lặp của 3 lần con số 13 là một sự lựa chọn hoàn hảo.

Tôi không quá coi trọng cái việc Cương chọn ba lần con số 13 gói gọn trong triển lãm mới này. Với người phương Tây con số 13 hứa hẹn chứa đựng một sự xúi quẩy. Không cực đoan với con số 13 đến thế nhưng với người phương Đông, 13 là số lẻ, người phương Đông kỵ lẻ loi, vì thế cứ số lẻ không phải là dãy số được chọn để mở đầu cho bất kỳ một lựa chọn nào trong sự nghiệp và cuộc đời. Nhưng về vụ này, tôi lại cho rằng Cương không khác người, hay gàn dở, hay độc lạ gì cả.

Chọn con số 13, với 13 bức tranh, triển lãm vào ngày 13, năm 2013, đó chính là những chi tiết trong tính cách của Cương, luôn tỉ mẩn, cầu toàn và lựa chọn những gì hoàn hảo nhất, đặc biệt nhất cho những thứ mà anh sở hữu. Với Cương, sự trùng lặp của 3 lần con số 13 là một sự lựa chọn hoàn hảo.

Tôi muốn đến phòng triển lãm 13 này của Cương vào giây phút mà tôi đồ rằng phòng tranh sẽ vắng vẻ nhất, lặng im nhất. Mục đích để tôi có thể độc thoại được với những bức tranh vốn theo phong cách tối giản, tĩnh, lặng im và tinh tế của Cương treo trên những bức tường của ngôi nhà 39A Lý Quốc Sư. Và tôi không bị phân tán xáo trộn bởi những ồn ào phù phiếm khác như rượu, hoa, các quý ông, quý bà, quý cô với những lời chúc tụng nhiệt nồng mà không kém phần khách sáo trong ngày khai mạc triển lãm. Tôi không muốn nhìn 13 của Cương trong một không gian ảo và quá nhiều những tác động của ngoại cảnh. Vì thế tôi đã chọn một chiều muộn sau ngày 13 để đến thăm triển lãm của anh trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng của những thời khắc cuối ngày.

Cương vui. Người nghệ sỹ như Cương, đương nhiên có được một sản phẩm mới mà mình lao tâm khổ tứ trong nhiều năm nhiều tháng để hôm nay, trong cái rét mướt tê tái của những ngày cuối năm Nhâm Thìn, thời gian lùi lũi tiến tới cái Tết Nguyên đán cận kề, dựng một triển lãm, khai mở một số tác phẩm nghệ thuật để khoe với thiên hạ, khoe với bạn bè, để chứng tỏ mình còn hữu ích trong đời sống, mình còn tài năng trong nghệ thuật nghiệt ngã, mình còn lực còn tinh thần, còn trí huệ, đam mê trong cuộc đời sau tất cả những vận hạn của số phận đã trải. Cương vui, đương nhiên là thế. Và niềm vui đó đã ngập ngừng lan toả, thấáp thoáng hiện ra rực rỡ trong những bức tranh lúc nào cũng mang hơi hướng của nỗi buồn, sự cô đơn trong phong cách tối giản của Cương.

Tôi đã từng xem những triển lãm hoành tráng của Cương trước đây… và nỗi buồn sự cô đơn hiện hữu trong từng bức tranh với đa phần tông màu ghi sáng, xám trắng của Cương là một sự im lặng dịu ngọt. Nhưng đã lâu rồi, ngay cả sự cô độc dịu ngọt, lãng mạng trong những bức tranh Cương vẫn vẽ cũng không còn thấy bóng dáng đâu nữa. Năm năm qua, quá nhiều biến động đã đến trong cuộc đời Cương và thay đổi số phận của anh. Ngay cả khi anh đã lấy lại được thăng bằng, không còn tắt điện thoại, trốn mình trong ngôi nhà quá rộng nhiều ngày tháng nữa.

Ngay cả khi công việc đã ngập bàn, điện thoại đã rối rít, các dự án cho bạn bè lần lượt xé toang Cương ra, hút Cương chảy trong dòng trôi của nó thì tôi vẫn thấy Cương như một ông hoàng trắng tay, như một kẻ cô độc và lầm lũi bậc nhất trong ngôi biệt thự trống vắng của chính mình. Có tất cả mà không phải là tất cả.

Tôi thấy Cương vui hơn so với 5 năm qua, so với những lần gặp gỡ trước trên 13 tác phẩm của anh. Một chút táo bạo trong đường nét hội hoạ mảnh dẻ, rụt rè của anh đó chính là màu sắc. Tôi đã ngạc nhiên hỏi Cương về sự khác biệt rõ rệt đó. 13 của Cương lần này nhiều màu sắc rực rỡ.

Lần đầu tiên, tôi thấy Cương sử dụng khá nhiều trong tranh của mình những gam màu xanh lá cây, vàng chanh, vàng cam, xanh nước biển. Những màu sắc tươi sáng ấy đã phản chiếu tâm hồn của Cương lúc này chăng? Và không chỉ ở tranh, trang phục của Cương thường ngày thỉnh thoảng tôi bắt gặp thấy màu vàng cam chói mắt, hay màu hồng đậm ấm sực. Người đàn ông như Cương, dẫu đã từng vấp váp, từng chìm xuống tận cùng của đau khổ, chán ngán, mệt mỏi thì cũng khó mà chối từ hay quay lưng với cuộc sống này.

Huống hồ Cương là một  nghệ sỹ nhạy cảm, tình yêu cuộc sống, khát khao yêu thương, khát khao hạnh phúc nếu có lúc nào lặng chìm trong tâm hồn cũng yếu đuối của Cương thì đến một lúc nào đó sẽ thức dậy thôi bởi dòng chảy tình yêu đó chưa từng bị tắt lụi mà vẫn tràn trề trong từng tế bào, trong huyết mạch, trong trí não của Cương. Để rồi sau bão tố, sau xơ xác tan hoang, tôi lại thấy một Lê Thiết Cương ngập ngừng với nụ cười nhẹ trên môi, và màu áo đỏ cam trong căn nhà làm bớt đi sự trống trếnh thấp thỏm.

13 bức tranh của Cương là 13 câu chuyện riêng tư anh đã bộc bạch. Cương nói, trong hội  họa, kích cỡ bức tranh là những cái gạch đầu dòng vô cùng quan trọng thuộc phạm trù hình thức. Cương chọn hình thức của 13 là kích cỡ panorama chứ không theo tỷ lệ ¾ nữa. Khi mà người họa sỹ đối diện với tấm toan có kích cỡ tỉ lệ 1/3 với cùng một khổ tranh 50cm-150cm 6 dọc và 7 ngang đã tạo ra những thách thức cho một người họa sỹ. Nếu không sáng tạo, không thiện nghề, không tài năng thì người họa sỹ khó có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có được chiều sâu trong mỗi hình họa.

13 của Cương có những bức rất đẹp: Tha. Họa sỹ Trịnh Tú trước bức Tha của Cương đã thốt lên rằng: khi ông xem bức tranh này, bỗng dưng ông nghĩ đến một cái câu trong Kinh Thánh, nguyên văn của nó bằng tiếng La Tinh là Mea-cunlpa. Chữ Cunlpa của nó rộng lắm, nó vừa là sự tha thứ, nó vừa là sự nhận lỗi. Hai cái nghĩa của tha thứ và nhận lỗi được Cương gói gọn trong tinh thần bức tranh này.

Ở bức Sen, Cương cũng trải rộng nỗi riêng tư của mình trong tinh thần hội họa. Cô gái trong tranh ngoái lại phía sau búp hoa sen với đôi mắt khép lại. Cương nói, thường thì cái gì đã qua, cái gì vuột mất đều đẹp và đầy tiếc nuối. Cô gái trong bức tranh cũng như Cương luôn ngoái nhìn về phía sau bằng một nỗi day dứt khôn nguôi.

Hay như ở bức Tìm, trong khuôn khổ chật hẹp và dài của bức tranh theo tỷ lệ 1-3, Cương vẽ người đàn bà ngồi gục đầu giữa hai đầu gối ở đầu này bức tranh và đầu kia cuối bức tranh là hình ảnh người đàn ông ngồi thu lu hai tay vào hai chân. Trong không gian chật hẹp và hạn hữu ấy, cái khoảng trống ở giữa của Tìm nó mới mênh mông và trống trải làm sao. Sự tài hoa của người họa sỹ chính là ở chỗ đó. Tự giới hạn mình trong một khuôn khổ chật hẹp, để rồi trong cái nhỏ hẹp ấy, anh vẫn vượt thoát và bay bổng được với những sáng tạo chắc chắn và sức gợi cho những hình ảnh mà họa sỹ thể hiện.

Hay như ở bức Mình, hình hài một người nằm trong một căn nhà, mà căn nhà đó như một chiếc hộp, hay thậm chí một chiếc quan tài? Hình tượng bó hẹp con người trong khuôn khổ mặc định ấy, đầu như sắp chạm vào đầu cùng của bức tường nhà hay của khuôn khổ chiếc hộp, chân như chạm kích vào cuối cùng của khoảng không gian ấy. Với hình thức đập vào thị giác của người xem là một thế giới bó hẹp, đầy chật, thế nhưng trong tinh thần của bức tranh, sao ta vẫn chạm thấy ở đó một sự chênh vênh, trống trải đến vô cùng.

Điều độc đáo nữa ở triển lãm 13 của Lê Thiết Cương đó là cách đặt tên cho những bức tranh và những lời đề tựa. Trung thành với phong cách tối giản cả trong ngôn ngữ hội họa và ngôn ngữ viết. Tên của 13 bức tranh tối giản chỉ là một chữ: Thôi, Tha, Mình, Dâng, Rơi, Tìm, Niệm v.v.. Và lời đề tựa cho những bức tranh ấy là những câu thơ ngắn mà Cương yêu thích, những câu thơ từng ám ảnh Cương. Gói gọn và dồn nén trong một chữ cho tựa đề tranh. Hội họa đi kèm với thi ca thì ắt hẳn là thứ hội họa sang trọng, tao nhã bậc nhất. Ở đây, những lời đề tựa bằng thơ Cương gom nhặt chọn lọc ở đâu đó trong ý thức đọc hằng ngày của anh để rồi đến một lúc chợt lôi ra với câu hỏi tại sao không.

Những câu thơ đặt bên cạnh bức tranh không phải với mục đích làm cho người xem tranh hiểu bức tranh hơn mà Cương bắt người ta đọc thơ để liên tưởng nhiều hơn tới trường cảm xúc, tới ngôn ngữ và ý nghĩa phía sau những đường nét ấy của hội họa. Những câu thơ đắc địa Cương chọn lọc đặt cạnh bức tranh càng tôn vinh sự hoàn hảo của nhau.

Ở bức Tha là: "Em lầm lũi lại đến trước nhà anh nhặt xác/ Nỗi buồn vừa rơi, đốt lên thành lửa/ Rồi đi/ Sau lưng em ngày nắng tắt". (V.T.L.). Thức: Tôi xỏ mãi không vừa chân vào một chiếc lá rơi (L.M.Y.). Dâng: Vẫn nghe quanh đời, những dòng sông đen réo gọi con sóng đen cuộn một mặt trời trôi vào mịt mù/ Vẫn nghe bên đời bầy chim đêm vỗ đôi cánh đen ngậm một mặt trời bay vào mịt mù (P.Đ.). Chọn: Thành phố như một con tàu chở đầy thuốc nổ/ Cuốn đi số phận mỗi con người (Đ.T.K.). Tìm: Tiếng người gọi hai bên thiêm thiếp cỏ/ Ta khổ đau lần thứ nhất trên đời (N.Q.T.). Thôi: Nguyễn Trãi bảo cuộc đời làm bằng dao và tre trúc (N.B.P.). Mình: Chiều vun nắng lại, loang lổ một mình (K.B.N.). Rơi: Một chút ngề mưa… gửi người chưa gặp?/ Mỗi ngày… thu dọn một chân mây (T.D.).

Và chiều muộn, trong hoàng hôn và bóng tối của ngày đã đến, tôi lặng lẽ trước những bức tranh của Cương với một cảm giác, lần này Cương đã làm được một sự khác biệt. Tôi gọi sự khác biệt ấy là GỌI TÊN MỘT IM LẶNG MỚI.

Khước từ sự hòa tan vào biển cả

Chọn ngày 13 tháng 1 năm 2013 để bày 13 bức tranh mới của mình tại nhà riêng, hoạ sỹ Lê Thiết Cương hình như muốn bày một trò chơi mới, một không gian mới, hay một thách đố mới cho chính mình, mà ngay cả kích thước tranh cũng theo tỷ lệ 1/3 như để đùa cợt với con số 13 nhiều kiêng kị. Anh gọi tôi đến xem trước vào một buổi chiều Hà Nội lạnh và vắng. Một cử chỉ đủ thấy anh tâm đắc loạt tranh rất riêng tư này. Tất cả đều cùng một khổ 50cm, 150cm 6 dọc và 7 ngang, mỗi tranh chỉ có một chữ để làm đề. Và mỗi tranh là một trạng huống tình cảm được đào bới đến tận cùng, ráo riết. Tất nhiên vẫn là tinh thần tối giản của riêng anh.

Nhưng khác với một Lê Thiết Cương đã từng là, ở đợt tranh mới này, anh không lảng tránh mà đối diện công bằng với cuộc đời, với nỗi bất hạnh, với niềm tin, với sự dại khờ, nuối tiếc một niềm an ủi. 13 bức tranh là 13 cảnh ngộ, ở đó có sinh, tử, có lời nguyện cầu trong im lặng, có tiếng gào thét vào thinh không, có cả tiếng thở dài vô vọng. Không hẳn là Lê Thiết Cương muốn đưa ra một định nghĩa, một lời biện hộ cho cuộc đời trần gian, cho nỗi đớn đau của mình như cái đã là, mà dường như anh muốn đi ngược lại những xúc cảm của một chặng đường dài, tìm một cảnh giới mới. Như con cá hồi bơi ngược thác ghềnh tìm về nguồn cội mà sinh sản. Khước từ sự tan hoà vào biển cả.

Lê Thiết Cương vẫn là người thèm sống, thèm yêu. Ngay cả cái chết cũng được anh đưa vào tranh một cách trang trọng và đẹp đẽ, và sự đợi chờ cũng đầy hiến dâng. Nếu như trước kia vũ trụ tâm thần của Lê Thiết Cương tĩnh lặng và lãng mạn, thì lần này anh đã cộng thêm vào đó sức nặng một phận người, sức nặng của sự im lặng. Có lẽ Lê Thiết Cương muốn kéo cuộc đời gần hơn với mình, gần hơn với mọi người. Để mỗi người đừng thờ ơ nữa. Tôi cho là vậy.

Họa sỹ Trịnh Tú

N.B.
.
.
.