Học ứng xử trước khi làm nghệ thuật

Thứ Ba, 29/09/2015, 15:33
Công chúng càng ngày càng thêm chứng kiến nhiều câu chuyện phát ngôn bừa bãi, vô lối, thiếu văn hóa của nghệ sĩ. Hết chuyện nữ nghệ sĩ nọ tố nữ nghệ sĩ kia giật chồng, cờ bạc, bằng thứ ngôn ngữ chợ búa hết mức, lại chuyện nam ca sĩ mới nổi được đàn anh nhắc nhở về chuyện ứng xử, nhảy lên mạng cục cằn tuyên bố, đại loại “không thích thì thôi, đừng quan tâm đến tôi”.
Nhưng làm sao để công chúng không thèm quan tâm đến anh, khi anh hoạt động nghệ thuật và mang danh một nghệ sĩ. Một ngày nào đó, nếu tất cả công chúng không thèm quan tâm tới anh nữa, thì đó là một thảm họa, là ngày báo tử cho sự nghiệp mà anh theo đuổi. Nhưng xem ra, cách làm nghệ thuật của không ít nghệ sĩ trẻ hôm nay là không thèm quan tâm đến công chúng. Họ không thèm chọn cách nói năng, ứng xử sao cho đẹp lòng công chúng, mà thích gì nói nấy.

Cứ có chút bức xúc là họ lên mặt báo mắng chửi nhau. Khi nói thẳng, khi bóng gió, nhưng ngôn từ rất khó nghe, nặng về mạt sát. Công chúng ném đá dữ dội thì vội thanh minh thanh nga. Một vài người biết điều rút kinh nghiệm. Một số khác lại dửng dưng, thậm chí còn tận dụng cả sự ném đá của đám đông để nổi tiếng, dù đó là nổi tiếng theo hướng tiêu cực. Đang có một bộ phận giới sao trẻ lạm dụng công nghệ quá mức.

Theo đó, các trang mạng cá nhân được sử dụng triệt để để bộc lộ cái Tôi nghệ sĩ quá đà. Trình diễn bản thân quá mức thông qua những sờ-ta-tút gây sốc, những nhận xét thô thiển về đồng nghiệp, hay đơn giản là bộc lộ quan điểm của mình về cuộc sống, về các sự kiện đang diễn ra một cách thiển cận, thiếu suy nghĩ, và rất tự tin rằng mình nghệ sĩ cá tính.

Họa sĩ Phạm Bình Chương, giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội chia sẻ: "Nhiều nghệ sĩ trẻ nhầm lẫn khi cho rằng họ phải bộc lộ cái Tôi thật to lớn, to lớn đến mức không kiểm soát được, thì sẽ được chú ý. Nghệ thuật thực sự không cần cái Tôi bề ngoài ấy. Nghệ thuật cần một cái Tôi khác, là sự riêng biệt trong sáng tạo. Cái Tôi ấy không thể hiện bằng áo quần, phấn son, phát ngôn hay những hành vi kỳ quặc khác đời. Cái Tôi ấy là sự im lặng, nhìn sâu vào chính mình, miệt mài lao động để cuối cùng gặp được sự riêng biệt nhất trong bản thể của mình, và biểu hiện nó trên các sản phẩm nghệ thuật".

Từ góc nhìn như vậy có thể soi chiếu vào thị trường biểu diễn của ta, thấy không ít bạn trẻ được đám đông vội vàng phong tước ngôi sao đã mang một sự ảo tưởng về bản thân quá lớn. Cảm giác mình là trung tâm vũ trụ, họ cho phép mình được nói năng, ứng xử hết sức mất cảm tình trước đám đông. Họ thể hiện mình là người không biết lắng nghe.

Sơn Tùng M-TP gây “bão” trong dư luận với nhiều phát ngôn sốc.

Sơn Tùng M-TP khi được đàn anh ca sĩ Tùng Dương nhắc nhở thì phản pháo gay gắt, rồi bị cư dân mạng ném đá lại quay sang khó chịu: "Không thích thì đừng quan tâm đến tôi". Tương tự, khi đàn chị Mỹ Linh phê bình nhắc nhở, ca sĩ Tuấn Hưng cũng nóng nảy bật lại với những lời lẽ khiếm nhã trên facebook. Không muốn nhận lỗi hay bằng mọi cách cho mình là cái rốn vũ trụ, khiến cho nhiều ca sĩ, nghệ sĩ mất điểm trong mắt công chúng.

Loạn với những phát ngôn vô đối của sao Việt, trên một vài mạng xã hội, một số người đã đề xuất ý kiến cần phải đưa môn học ứng xử vào các trường nghệ thuật, là môn học bắt buộc trước khi một người trẻ muốn dấn thân làm nghệ thuật. Về phía các cơ quan quản lý, cần phải có những chế tài, quy định những phát ngôn như thế nào thì được xem là vô văn hóa, thiếu thẩm mỹ, mà phải có hình thức xử phạt thích đáng. Thực tế thời gian qua đời sống nghệ thuật bị nhiễu loạn không ít bởi những phát ngôn kiểu hàng tôm hàng cá của nhiều nghệ sĩ, trẻ có, và già cũng có. 

Trong sự hỗn độn của đời sống biểu diễn hiện nay, nhiều nghệ sĩ đang làm nghề với một phông văn hóa rất thấp. Họ nổi tiếng nhờ công nghệ lăng xê, nhờ những chiêu trò gây xì căng đan trong dư luận. Họ có chút tài năng nhưng văn hóa ứng xử, nghệ thuật ứng xử trước đám đông thì không có, và không được học hành, uốn nắn.

Có những nghệ sĩ hàng ngày khoe ảnh, chăm chỉ đi luyện tập thể thao, học các động tác múa sao cho đẹp, mắt nhìn sao cho tình tứ trên sân khấu và được công chúng ủng hộ. Nhưng đụng vào một vấn đề cần sự khéo léo trong ứng xử, mới lộ ra, họ có một kiến thức văn hóa quá nông, và kỹ năng ứng xử quá kém. Họ nói năng như chỗ không người, xúc phạm đồng nghiệp và tệ hơn, xúc phạm khán giả.

Vì vậy, thiết nghĩ, giống như môn y đức bắt buộc bên trường Y, cần có môn học ứng xử bắt buộc trong các trường nghệ thuật. Để chúng ta có được những thế hệ nghệ sĩ tương lai bước ra sân khấu, ngoài tài năng, là phẩm chất đạo đức tốt, có kỹ năng ứng xử đẹp trong mắt công chúng.

TS. Nguyễn Mai Phương
.
.
.