Truyền thống kết hợp hiện đại: Hợp thời hay “phá”?

Thứ Hai, 26/12/2016, 11:04
Vài năm trở lại đây, khá nhiều chương trình, dự án nghệ thuật đi theo con đường thể nghiệm, kết hợp truyền thống và hiện đại. Đây được xem là xu hướng hợp thời và tất yếu khi mà sân khấu truyền thống đang càng ngày càng vắng khách. Tuy nhiên, cũng có không ít người lo ngại, sự kết hợp này phá hỏng và làm biến dạng nền văn hóa dân tộc.


Vừa qua, nghệ sỹ piano Phó An My kết thúc cuộc chu du 2 miền Nam – Bắc bằng show diễn mang tên “Gió” - diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Đây là một cuộc trình diễn đối thoại, tương tác và song hành giữa piano và nghệ thuật chèo cổ Việt Nam thông qua vở “Quan Âm Thị Kính”.

Show diễn đặc biệt của Phó An My không chạy theo cốt truyện, mà lấy hơi âm nhạc và cảm hứng từ nội tâm nhân vật chèo cổ để khắc họa nên tính cách, thân phận, cảm xúc của nhân vật chính.

Một cảnh trong vở “Chuyện nàng Kiều” của NSND Anh Tú.

Trước “Gió”, Phó An My từng gây ngạc nhiên với công chúng khi giới thiệu “Bóng” (năm 2011) – đối thoại giữa piano và hầu đồng, “Lửa” (năm 2014) – đối thoại giữa piano và tuồng.

Cũng là một cú lội ngược dòng khi mới đây, nghệ sỹ violin Hoàng Rob công bố dự án “Hừng Đông”. Hoàng Rob chia sẻ, khi anh định làm một sản phẩm mang tính đối thoại giữa violin và đàn nhị, word music, IDM, thậm chí violin cất lên giữa những âm thanh nhộn nhạo của phố phường – có người cho rằng đây là một dự án “ngớ ngẩn”, “phá hoại” khi phá vỡ tính chất kinh điển của violin.  

Cách đây không lâu, Nhà hát kịch Việt Nam giới thiệu với công chúng vở “Chuyện nàng Kiều” với nhiều thể nghiệm mới mẻ, đột phá. Ngoài việc không cho sự xuất hiện của bất kỳ bục bệ tam cấp, tứ cấp nào trên sân khấu, tác phẩm do NSND Anh Tú dàn dựng còn để diễn viên hát thật để tải nỗi lòng của nhân vật.

Để hiện thực hóa điều đó, anh đã mời ca sĩ - nhạc sĩ Giáng Son vừa làm ca khúc, vừa tập cho diễn viên hát. Trong vở diễn “Chuyện nàng Kiều”, nhạc sĩ Giáng Son đã viết gần 20 ca khúc dựa trên cơ sở âm nhạc dân gian Việt Nam. Việc chuyển thể ca khúc từ thể thơ lục bát 6-8 được xem là một thử thách với chị.

“Tới đây, tôi còn muốn dựng những vở nhạc kịch pop - ballad cho Nhà hát. Cái này thế giới làm quá nhiều rồi, nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn thiếu nhiều điều kiện" - NSND Anh Tú chia sẻ sau buổi diễn “Chuyện nàng Kiều”.

Đã có một thời, nghệ sỹ e dè sự đổi mới. Bởi đi một con đường quen thuộc, thuộc về thế mạnh của mình bao giờ cũng an toàn và dễ dàng hơn. Chưa kể, gu thưởng thức của công chúng cũng có hạn. Không phải ai cũng dễ dàng phá bỏ tư duy cố hữu để tiếp nhận những tư duy nghệ thuật mới.

Tuy nhiên, cùng với quá trình mở cửa và hội nhập, nhiều luồng văn hóa ngoại lai chảy vào Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn hóa của người dân. Thậm chí, có luồng văn hóa ăn sâu bén rễ, tác động ngược trở lại, làm thay đổi diện mạo một vài lĩnh vực của chúng ta.

Ví dụ như nền văn hóa K-POP tác động tới phim ảnh, âm nhạc, thời trang Việt. Ví dụ như dòng sách ngôn tình của Trung Quốc ảnh hưởng tới thị trường xuất bản Việt Nam, cũng như hình thành nên một lớp tác giả viết theo trào lưu này.

Cùng với sự thay đổi đó, sân khấu truyền thống hoặc cách biểu diễn truyền thống khiến một bộ phận không nhỏ khán giả quay lưng, thờ ơ. Nhiều sân khấu đóng băng, nhiều chương trình diễn không có người xem. Đời sống nghệ sỹ bấp bênh, chạy sô khắp nơi.

Tiết mục đối thoại thăng hoa giữa cây đàn violin và cây đàn nhị trong live concert “Hừng Đông” diễn ra ngày 18-12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trước thực trạng đó, một số nghệ sỹ thay đổi cách nghĩ thông thường, chọn hướng đi mới, chọn một ngôn ngữ mới để chuyển tải tác phẩm của mình. Đến nay, việc kết hợp truyền thống và hiện đại trong nghệ thuật không còn quá xa lạ. Sự ra đời của nhiều chương trình, dự án nghệ thuật đi theo hướng này ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, có những tác phẩm khi công bố được đón nhận nhiệt liệt, cũng có những tác phẩm bị ghẻ lạnh, đặt lên đặt xuống trong cán cân truyền thống – hiện đại. Thậm chí, có những người cực đoan cho rằng, kết hợp như vậy là “phá hoại”, là làm hỏng cái cũ.

Nghệ sỹ piano Phó An My đối thoại với chèo.

Thể nghiệm, ngay từ khi bắt đầu, tự bản thân nó đã là một trạng thái chông chênh giữa những đúng – sai, giữa cái được và cái chưa được. Nhưng nếu không thay đổi, để thích ứng, để “giành” lại một bộ phận khán giả đến với sân khấu thì sân khấu Việt có khi đã bắt đầu “im ỉm đóng” (?!).

Nghệ sỹ Vũ Đình Quân, nguyên Giám đốc Nhà hátChèo Việt Nam: Đổi mới là cần thiết

- Thưa nghệ sỹ Vũ Đình Quân, gần đây có khá nhiều chương trình, dự án nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Theo ông, đây là một xu hướng hay đơn giản là một sự hợp thời khi mà sân khấu truyền thống ngày càng bị thu hẹp?

+ Đúng là gần đây có nhiều nghệ sỹ chọn hướng đi này. Nếu nói hợp thời, tôi nghĩ chỉ đúng một phần mà thôi. Trước tình hình sân khấu, nhất là sân khấu dân tộc bị khán giả quay lưng, những bạn trẻ yêu nghề có ý thức đổi mới như thế, tôi cho rằng đấy là những tín hiệu đáng mừng. Hơn nưa, mỗi thời sẽ có một gu thưởng thức khác nhau.

Nước ta đang trong giai đoạn hội nhập, các nền văn hóa trên thế giới đổ xô vào, chúng ta cần phải có những đổi mới như thế này để theo kịp thế giới, cung cấp những mỹ cảm mới cho khán giả.

- Nhưng trước hướng đi này, có một số ý kiến lại cho rằng như thế là “phá hoại” nền văn hóa dân tộc. Xin hỏi, quan điểm của ông ra sao? 

+ Nói phá là không đúng. Những đổi mới này được xem là thể nghiệm nghệ thuật. Mà thể nghiệm lúc nào cũng có cái được, có cái chưa được chứ. Có phải cái nào khi sinh ra cũng hoàn thiện rồi đâu. Cái được thì ta phát huy, cái chưa được thì ta rút kinh nghiệm, rồi sẽ hoàn chỉnh dần dần.

Với lại, bên cạnh những tác phẩm kinh điển được trình diễn theo lối truyền thống thì cũng nên có những tác phẩm mang hơi thở mới, gần gũi với đời sống, được kết hợp từ nhiều thể loại khác nhau.

Để rồi từ đó tạo nên một sản phẩm khiến khán giả yêu thích và muốn đến sân khấu. Đích đến của sân khấu vẫn là khán giả. Tôi nghĩ, đó mới là điều quan trọng nhất.

Nếu chúng ta e ngại, không chịu học hỏi, tiếp thu, vẫn cứ cho rằng như thế là “phá” thì không bao giờ chúng ta có những tác phẩm hay cả. Việc đổi mới, kết hợp, tôi nghĩ cần thiết.

Chỉ đừng biến những nét đẹp thuộc về tinh hoa văn hóa của dân tộc thành một thứ không thể chấp nhận được. Cứ đổi mới, nếu không chấp nhận được, lúc đó nói họ “phá” cũng chưa muộn.

- Thực trạng sân khấu Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông?

+ Như tôi nói ở trên, chúng ta đang trong thời kì hội nhập, tất cả các nền văn hóa của thế giới đổ vào. Cũng có nhiều cái hay nhưng cũng có không ít cái dở. Tuy nhiên, việc sân khấu truyền thống của chúng ta ngày càng bị thu hẹp là điều có thể nhìn thấy rõ. Nghệ sỹ diễn không có người xem. Cơn bão văn hóa ấy lại khiến khán giả ở ta tò mò, thích thú. Khán giả quên mất chúng ta có những tác phẩm truyền thống rất hay.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, tai nghe của công chúng đang ngày càng sàng lọc dần. Họ biết cái gì hay, cái gì dở. Hay thì nghe, dở thì bỏ đi. Bao giờ cũng thế. Khán giả không quay lưng với những tác phẩm hay.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, ở thời buổi này, nếu chúng ta không có những chủ trương đúng, không có những hướng đi phù hợp, văn hóa truyền thống của chúng ta sẽ bị yếm thế và gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đó là lâu dài. Nhưng nếu xác định được hướng đi rõ ràng, tôi tin rằng, chỉ trong thời gian ngắn, sẽ hồi phục được.

- Xin cảm ơn ông!

Đậu Dung
.
.
.