Huấn luyện viên Thành Công: Đời không như tên gọi

Thứ Năm, 17/09/2020, 10:15
Có lẽ chính HLV Nguyễn Thành Vinh cũng không nghĩ cậu con trai nối nghiệp ông lại có cuộc đời long đong, lận đận trái ngược hẳn cái tên.


Từ ngày còn là cầu thủ Sông Lam Nghệ An (SLNA) cho đến lúc theo đuổi nghề cầm sa bàn, HLV Nguyễn Thành Công chưa có ngày nào tận hưởng hai chữ bình yên.

Mất việc lại thấy vui

Ngày biết tin HLV Nguyễn Thành Công rời CLB Thanh Hóa, tài khoản mạng xã hội của ông tràn ngập lời chúc từ bạn bè, người thân. Chuyện trái lẽ thường đó đến như một điều tất nhiên bởi ai cũng tường minh mọi điều tốt xấu về đội bóng mà ông Công đầu quân 3 tháng trước đó. Thanh Hóa luôn là mảnh đất dữ với những HLV cả trong lẫn ngoài nước, khi hiếm có ai trụ lại quá một mùa giải.

Mỗi ngày đội bóng xứ Thanh được quản lý bởi ông bầu Nguyễn Văn Đệ là một ngày bóng đá Việt Nam chứng kiến mô hình quản lý "chỉ có ở V.League". Từ những câu chuyện nhỏ to bên ngoài sân cỏ, đầu năm nay bầu Đệ lên truyền hình công khai thừa nhận ông có can thiệp vào chuyên môn của các HLV tại đây. Từ những HLV lão làng như Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung đến Nguyễn Đức Thắng đều lập tức ra đi sau những đòi hỏi phi lý của bầu Đệ.

Không ai phủ nhận tình cảm bầu Đệ dành cho đội bóng quê nhà, nhưng dường như điều đó đang khiến thành tích của CLB Thanh Hóa ngày một sa sút.

Tại V.League 2019, họ trôi một mạch từ vị trí nhì bảng xuống áp chót sau khi HLV Nguyễn Đức Thắng ra đi. Tình cảnh ở năm nay còn bi đát hơn khi ông thầy ngoại Fabio Lopez không giành được trận thắng nào, khiến CLB tụt xuống vị trí cuối bảng.

Đó cũng là lúc bầu Đệ khẩn thiết nhờ tới sự giúp sức từ HLV Nguyễn Thành Công. Không mất nhiều thời gian, chiến lược gia xứ Nghệ nhanh chóng nhận lời với mục tiêu giúp Thanh Hóa lấy lại phong độ, qua đó sớm giành suất trụ hạng khi V.League thay đổi thể thức thi đấu.

Sau cùng, những gì ông làm được còn tốt hơn thế. Thanh Hóa thắng như chẻ tre dưới tay ông thầy mới, qua đó sớm bứt lên vị trí thứ 8.

Có tài nhưng Nguyễn Thành Công luôn lận đận.

Theo lẽ thường, một CLB cần tạo mọi điều kiện để hỗ trợ HLV đang giúp CLB thi đấu khởi sắc, nhưng Thanh Hóa lại làm điều ngược lại. Không còn là những chỉ đạo miệng nữa, bầu Đệ và CLB ra văn bản yêu cầu HLV trưởng phải nộp danh sách dự kiến đội hình chính thức lẫn dự bị trong phần còn lại của mùa giải. Oái oăm hơn, mỗi quyết định thay người của HLV trong trận đấu phải được quá nửa thành viên BHL đồng ý mới có thể thông qua.

Ngay sau khi biết tin không còn được toàn quyền nắm chuyên môn nữa, HLV Nguyễn Thành Công đã xin nghỉ việc. "Sợ mỗi luật đời!", ông đã phải thốt ra như vậy khi nghĩ về ba tháng sóng gió ở CLB xứ Thanh.

Thực chất đây cũng chỉ là giọt nước tràn ly. 2 văn bản làm theo ý bầu Đệ được ban hành sau ngày ông Công nhất quyết không chịu dùng người được các thành viên ban huấn luyện người xứ Thanh tiến cử.

Trong chuyến đi tập huấn ở Cửa Lò cùng toàn đội, HLV Nguyễn Thành Công nhận tin dữ từ các trợ lý. Họ ép ông phải dùng ngoại binh Gassissou, một người kém cả chuyên môn lẫn tư cách đạo đức.

Lý do sâu xa xuất phát từ việc nhóm trợ lý kia đã nhận tiền "phế" từ cò môi giới nên ép HLV trưởng phải dùng người được họ "bảo kê" ở CLB. Ông Công không chấp nhận nghe theo, nên việc phải ra đi cũng chỉ là chuyện sớm muộn.

HLV Nguyễn Thành Công ra đi vì không muốn phải làm theo chỉ đạo từ người khác.

Ba chìm bảy nổi

Nguyễn Thành Công từng là một cầu thủ có tài ở lò SLNA. Ông không cần được biết đến dưới cái danh con trai HLV Nguyễn Thành Vinh để tự mình gây dựng tên tuổi.

Bản thân ông Vinh cũng chưa bao giờ nâng đỡ, chiều chuộng đứa con duy nhất nối nghiệp cha. Thế nên Nguyễn Thành Công dù chơi bóng thông minh, lên đội một ở tuổi 18 cũng chẳng thể thành sao số. Giải nghệ sớm, ông chuyển sang làm công tác huấn luyện và nhanh chóng có thành tích đáng chú ý.

Năm 2008, đội U17 SLNA dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Thành Công lên ngôi vô địch giải U17 quốc gia. Những cầu thủ được thầy Công nhào nặn ngày đó bây giờ đều thành danh ở V.League, không ít người đã trở thành tuyển thủ quốc gia như Hoàng Thịnh, Phi Sơn, Nguyên Mạnh, Ngọc Hải,... Các học trò rất thích được thầy Công chỉ bảo vì ông luôn tỉ mỉ trong công việc, sát sao dìu dắt học trò để chúng thành tài.

Chức vô địch U17 quốc gia khiến Nguyễn Thành Công trở thành nhân vật được mọi lò đào tạo trẻ săn đón. Viettel là bến đỗ tiếp theo của HLV xứ Nghệ. Rời quê hương, HLV Nguyễn Thành Công mới có thêm nhiều trải nghiệm đáng nhớ, thậm chí "nhớ đời" ở nơi đất khách quê người.

Có thành tích không tồi (vô địch U13 quốc gia, á quân U17 quốc gia cùng Viettel) nhưng ông phải ra đi vì từ chối thay người theo chỉ đạo từ cấp trên. Điều tương tự cũng xảy ra ở đội trẻ Đà Nẵng.

Có vẻ số phận luôn đưa đẩy Nguyễn Thành Công đến những bến đỗ bất định. Năm 2018, ông Nam tiến đầu quân cho CLB Sài Gòn để làm trợ lý cho HLV Nguyễn Đức Thắng.

Hai người làm việc cùng chưa được bao lâu thì Đức Thắng ra đi, HLV kế nhiệm Phan Văn Tài Em cũng không chịu nổi áp lực trên ghế nóng. Nguyễn Thành Công làm thuyền trưởng khi CLB đứng cuối bảng với 13 điểm, và ông chỉ có thể giúp CLB trụ hạng ở vòng đấu cuối cùng. 

Ở Thanh Hóa, bầu Đệ luôn muốn can thiệp công việc của HLV trưởng.

Thất bại của Thành Công

Những ai từng tiếp xúc, làm việc với HLV Nguyễn Thành Công đều quý mến ông bởi sự chân thật, tốt bụng. Nhưng đó cũng chính là điểm yếu khiến HLV này khó có thể trụ lại lâu ở một môi trường khắc nghiệt như V.League.

"Nước trong quá thì không có cá, người tốt quá thì không có ai chơi", nên không lạ khi HLV Nguyễn Thành Công đều mất việc ngay cả trong thời điểm ông đang làm tốt công việc của mình.

Ngày khăn gói nhận lời đến Thanh Hóa cầm quân, HLV Nguyễn Thành Công đang bộn bề chuyện gia đình. Người cha Nguyễn Thành Vinh tuổi cao, ốm nặng, phải phẫu thuật, sức khỏe không đảm bảo.

Ấy vậy mà ông vẫn đồng ý về làm việc cùng bầu Đệ chỉ vì ông chủ đội bóng xứ Thanh nói "tôi thấy Công là người chơi được". Mọi chuyện từng xảy ra trong quá khứ với HLV Nguyễn Thành Công cuối cùng lại tiếp diễn ở Thanh Hóa, chỉ có điều nó diễn ra nhanh hơn.

Với danh tiếng và thành tích cầm quân tại V.League, HLV Nguyễn Thành Công không sợ phải ngồi chơi xơi nước quá lâu trong thời gian tới. Sẽ luôn có đội bóng gõ cửa chào mời ông trong những thời khắc khó khăn.

Tuy nhiên với chiến lược gia xứ Nghệ, liệu ông có còn toàn tâm toàn ý làm việc ở những bến đỗ luôn bất định như vậy? Câu trả lời có lẽ là có, bởi ông vốn đã quen với nghiệp phiêu bạt của một HLV bóng đá.

Sau tiền lương và những danh hiệu, điều cuối cùng quý giá nhất luôn là nhận xét của bạn bè, đồng nghiệp dành cho ông: Một HLV có tài, có tâm.

Thanh Hóa có bình yên trở lại sau sóng gió?

Ngay sau khi HLV Nguyễn Thành Công rời đội bóng xứ Thanh, bầu Đệ quyết định bổ nhiệm trợ lý Mai Xuân Hợp vào vị trí thuyền trưởng CLB. Đây không phải lần đầu tiên cựu hậu vệ U23 Việt Nam ngồi ghế nóng ở đội bóng tỉnh nhà.

Mùa giải năm ngoái anh cũng được bầu Đệ tin tưởng chèo lái CLB Thanh Hóa sau khi HLV Vũ Quang Bảo từ chức. Tuy nhiên công việc của Mai Xuân Hợp chắc chắn sẽ không hề dễ dàng, nhất là sau những gì anh từng thể hiện ở V.League năm ngoái.

Nắm quyền huấn luyện CLB Thanh Hóa ở giai đoạn cuối V.League 2019, Mai Xuân Hợp không giành được một chiến thắng nào ở giải VĐQG. Họ chỉ có thể đứng áp chót sau vòng đấu cuối cùng, rồi thắng sát nút trong trận tranh playoff với CLB Phố Hiến.

Đó cũng là trận đấu mà đội bóng V.League tỏ ra dưới cơ đối thủ khi không thể chủ động giành quyền kiểm soát bóng, cũng như tạo nhiều tình huống ăn bàn về cầu môn đối phương. Họ chỉ thắng trên loạt đá phạt đền may rủi.

Nhìn về quá khứ, Mai Xuân Hợp cũng khiến mọi người khó tin tưởng vào sự chắc chắn của anh. Thời còn thi đấu, anh là một hậu vệ nhưng thường xuyên thi đấu mất tập trung và mắc những sai lầm ngớ ngẩn.

Khi U23 Việt Nam thua Malaysia ở trận chung kết bóng đá nam SEA Games 2009, Mai Xuân Hợp chính là người đá phản lưới nhà khiến đội nhà thua đau. May mắn cho anh, Bùi Tấn Trường mới bị gắn mác tội đồ chỉ vì khoảnh khắc thủ môn này bị HLV Calisto bóp cổ sau trận đấu được ống kính ghi lại.

Nhiều khả năng Thanh Hóa sẽ chỉ coi Mai Xuân Hợp như một lựa chọn ngắn hạn cho phần còn lại của V.League 2020 trước khi họ tìm được một HLV tài năng hơn, giàu kinh nghiệm hơn.

Một ông thầy ngoại là lựa chọn được tính đến ở những năm gần đây nhưng họ thường không trụ lại lâu. Cả HLV Mihail lẫn Lopez đều có số trận cầm quân không quá số đầu ngón tay trước khi bị CLB sa thải. Dù vậy, Thanh Hóa khó có thể mời được thầy nội khi tất cả đều đã quá ngán ngẩm với một CLB có ông chủ thích làm HLV.

Đơn Ca
.
.
.