Lần đầu tiên triển lãm ảnh khỏa thân:

Hủy bỏ dán mác 18+ và những băn khoăn

Thứ Năm, 19/07/2018, 15:26
Theo thông tin chính thức từ Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, triển lãm ảnh khỏa thân sẽ tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 20-7 tới đây.

Đây là một hoạt động được giới nhiếp ảnh, đặc biệt là các nghệ sĩ chụp ảnh khỏa thân vui mừng, vì từ đây, việc giới thiệu các tác phẩm của họ không còn phải “úp-mở” như trước nữa. 

Đặc biệt hơn, quy định dãn nhãn 18+ nhằm quy định độ tuổi của người xem triển lãm cũng được lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm đồng ý hủy bỏ, sau khi lắng nghe ý kiến của các nghệ sĩ và công chúng, trong cuộc họp tổng kết 6 tháng đầu năm vừa qua.

Ảnh nude của nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định.

Ảnh khỏa thân lâu nay vẫn luôn được coi là một lĩnh vực nhạy cảm, còn nhiều cấm kỵ soi xét. Sự dè chừng, chừng mực của các nhà quản lý đối với lĩnh vực này là dễ hiểu, bởi lẽ đây là một lĩnh vực mà ranh giới vô cùng mỏng manh giữa tính nghệ thuật và tính dung tục. 

Thực tế mà nói, mỗi quốc gia, dân tộc có một bản sắc văn hóa khác nhau, có quan niệm khác nhau cũng như độ cởi mở khác nhau với loại hình nghệ thuật nude. Ngay cả nude trong tranh cũng có nhiều tranh cãi khác nhau, chứ chưa nói đến nude trong ảnh. 

Đây là loại hình nghệ thuật mà người nghệ sĩ phải rất cao tay, đủ tài năng để có thể thể hiện ý tưởng của mình một cách tốt nhất, làm sao để đại đa số người xem đồng ý về tính nghệ thuật, tính mỹ cảm cũng như cảm xúc mà tác phẩm tạo ra, không để lại cảm giác thô tục. 

Bởi số lượng người chụp ảnh nude, nhân danh nhiếp ảnh, ảnh nghệ thuật nhưng lại mang đến những tác phẩm xấu xí về mỹ cảm bao giờ cũng nhiều hơn, trong đó không ít người đã lợi dụng nghệ thuật ảnh nude để kiếm tiền, hay làm xấu hình ảnh người phụ nữ, nên các cuộc triển lãm ảnh nude thường phải chịu một sự kiểm duyệt khắt khe về mặt nội dung, qua nhiều hội đồng. 

Ngay cả khi đã kiểm duyệt khắt khe như vậy, thì việc triển lãm thường xuyên, rộng rãi trong công chúng cũng không hẳn đã được các nhà quản lý văn hóa đồng ý.

Năm ngoái, ở TP Hồ Chí Minh, nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên cũng đã tổ chức một cuộc triển lãm ảnh nude của mình. Gọi là triển lãm ảnh nude, nhưng thực chất nội dung triển lãm còn khá “rón rén” vì việc cho phép chọn ảnh để treo trong triển lãm chưa hẳn là dễ dàng. 

Tuy nhiên, đấy cũng là một tín hiệu tốt, để năm nay, lần đầu tiên, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đồng ý cấp phép cho một cuộc triển lãm ảnh nude đúng nghĩa, và mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều có thể đến thưởng thức, chứ không phải dán mác 18+ vì những lo lắng không cần thiết của các nhà tổ chức. 

Triển lãm lần này sẽ chọn lọc tác phẩm của 10 nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng, gắn bó lâu năm với đề tài nude như: Thái Phiên, Dương Quốc Định, Nguyễn Dzũng Art, Đào Đức Hiếu, Phó Bá Cường, Nguyễn Á, Ngô Văn Phú, Đỗ Thị Mai, Lê Quang Châu, Trần Nhân Quyền... 

Chắc chắn một triển lãm như vậy sẽ có những tác động tích cực đến người xem, đặc biệt là người nghệ sĩ. Các tác giả sẽ cảm thấy yên tâm về chủ đề ảnh mình theo đuổi bấy lâu. Đây được ví như một sự “cởi trói” cho các nghệ sĩ âm thầm theo đuổi nhiếp ảnh chủ đề nude.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thái Phiên, người chuyên tâm với đề tài ảnh nude.

Nghệ sĩ chuyên tâm với ảnh nude trước đây thường phải tìm cách giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng theo cách “không chính thức”, kiểu như mời nhóm bạn bè hoặc công chúng yêu thích tới xem theo diện hẹp. 

Một vài người xin phép xuất bản thành sách, hoặc lồng ghép ảnh nude trong những ấn phẩm sách. Không mấy người dám nghĩ đến một triển lãm ảnh nude cá nhân. Nhưng từ nay trở đi, họ hoàn toàn có thể làm công việc này. 

Nghệ sĩ Nguyễn Á tuy không còn nhiều mặn mà với ảnh nude, anh đã quay đi tìm kiếm nghệ thuật nhiếp ảnh ở những đề tài khác, nhưng trước tin vui này, anh vẫn tỏ ra xúc động. Đối với anh, việc cho phép triển lãm ảnh nude công khai và mở rộng mọi đối tượng xem triển lãm là biểu hiện của sự trân trọng mà các nhà quản lý dành cho những người làm nghề, đón nhận những thành quả lao động nghiêm túc của họ. 

Khi được hỏi, làm thế nào để phân biệt ranh giới giữa dung tục và nghệ thuật trong một bức ảnh nude, Nguyễn Á chia sẻ, điều này sẽ được các nhà chuyên môn, giám tuyển ảnh triển lãm chịu trách nhiệm. Họ chắc chắn phải là những người giỏi trong phân tích nhiếp ảnh. Một bức ảnh nude đẹp không phải đơn thuần là nó chụp lại cơ thể người phụ nữ trong trạng thái khỏa thân. 

Sự khỏa thân của người trong ảnh chỉ là một trong những “chất liệu” tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Nó còn phải phụ thuộc rất nhiều vào góc nhìn của người cầm máy, khoảnh khắc họ bấm máy, việc họ sử dụng trò chơi ánh sáng, bố cục bức ảnh như thế nào. Mọi yếu tố phải hòa quyện và đạt đến mức độ thẩm mỹ đủ để mỗi người khi đứng trước một bức ảnh nude phải thấy rung cảm thực sự, thấy yêu con người hơn, nâng niu cuộc sống hơn.

Phần lớn các nghệ sĩ nhiếp ảnh đều tỏ ra rất vui mừng khi Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm đã “cởi mở hoàn toàn” khi cho phép triển lãm tranh nude và bỏ luôn cả việc bố trí người để kiểm soát chứng minh nhân dân của người xem triển lãm như trước đó đã “dè chừng”. 

Nghệ sĩ Dũng Art đồng ý, rằng đã triển lãm thì nên công khai, để ai cũng có thể vào xem, ngay cả trẻ em và các bạn trẻ đang là học sinh cấp II, cấp III hay đại học. Bởi vì nếu chúng ta để biển cấm người dưới 18 tuổi thì càng làm tăng thêm sự tò mò không cần thiết. 

Những gì gọi là tác phẩm nghệ thuật cần được mọi người thưởng lãm rộng rãi. Với các bạn trẻ, đấy cũng là cách để các bạn tự phân biệt thế nào là ảnh khỏa thân nghệ thuật, thế nào là ảnh khỏa thân tục tĩu. 

Để các em không nhầm tưởng mấy bức ảnh khỏa thân kiểu như “ảnh hang Tuyệt Tình” hay ảnh khỏa thân để bảo vệ môi trường phát tán tràn lan trên mạng xã hội thời gian vừa rồi là ảnh nude nghệ thuật.

Một tác phẩm của nhiếp ảnh gia Dũng art.

Tuy nhiên, với thông điệp cởi mở như vậy cho cuộc triển lãm ảnh khỏa thân đầu tiên sắp tới, nhưng người đứng đầu Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, ông Vi Kiến Thành cũng cho hay, sẽ không có chỗ cho những “cú sốc” trong triển lãm lần này. 

Cũng dễ hiểu, bởi đây là một đề tài nhạy cảm, các nhà quản lý không dễ gì mà cho phép những tác phẩm quá bạo liệt, hay có khả năng gây tranh cãi xuất hiện trong triển lãm. 

Về phía các nghệ sĩ, họ hăm hở tham gia để hưởng ứng một hoạt động mang tính “cởi trói” cho nhiếp ảnh nude, nhưng họ cũng dự đoán rằng, những tác phẩm mang tính “giật mình” nhất của họ chưa chắc đã qua được vòng giám tuyển. 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên nhận định, cơ quan quản lý văn hóa thận trọng với hoạt động này là có lý. Điều quan trọng là họ đã lắng nghe công chúng, tháo bỏ mác 18+ là rất hoan nghênh.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hoan hỉ của nghệ sĩ thì vẫn còn những ý kiến lo ngại khi ảnh nude được triển lãm mà mở cửa tự do cho mọi đối tượng, nhất là với các em nhỏ đang ngồi trên ghế nhà trường. 

Trên một số diễn đàn, một vài chuyên gia văn hóa lo ngại. Chẳng hạn như học sinh cấp I cấp II đến xem một triển lãm ảnh nude như vậy thì e rằng tác dụng tích cực ít, tác động tiêu cực nhiều. 

PGT. TS Nguyễn Ngọc Trung đề xuất, vẫn nên hạn chế độ tuổi vào xem triển lãm của khách ở một tuổi nhất định, không nên mở cửa ồ ạt. 

Một vài ý kiến khác đòi hỏi, khi nhà quản lý quyết định tháo mác 18+ cho triển lãm ảnh nghệ thuật nude thì phải trả lời sòng phẳng cho đươc câu hỏi, triển lãm đó muốn truyền thông điệp gì đến cho trẻ em, người già, vì mỗi lứa tuổi, mỗi thế hệ có cách nhìn khác nhau về vấn đề này.

Một bức ảnh nghệ thuật nude của nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên.

Tất nhiên một quy định mới đưa ra, lại ở một đề tài vô cùng nhạy cảm như ảnh nude thì không tránh khỏi những ý kiến trái chiều khác nhau. Nhưng dù gì cũng phải ghi nhận động thái tốt từ phía các nhà quản lý văn hóa đối với một vấn đề nghệ thuật. 

Nhìn một cách công bằng, ảnh nude hay tranh nude cần được nhìn nhận như tất cả các đề tài khác trong đời sống nghệ thuật. Khi đã được công nhận là một tác phẩm, thì những lo ngại chuyện “khỏa thân” hay không khỏa thân xem ra có gì đó còn “ấu trĩ”. Cái đẹp của cơ thể con người xứng đáng để được tôn vinh, miễn là người nghệ sĩ đủ tầm, đủ tài để truyền xúc cảm thẩm mỹ đến người xem.

Một triển lãm ảnh nghệ thuật thu hút người xem.

Vấn đề còn lại cuối cùng ở đây là gì? Câu trả lời nằm ở chất lượng của cuộc triển lãm. Một khi đã đồng ý cấp phép cho một triển lãm, thì phải đảm bảo triển lãm đó là một triển lãm “thực sự nghệ thuật”. 

Nghĩa là những tác phẩm được lựa chọn để triển lãm phải được thanh lọc qua đội ngũ những người giám tuyển có uy tín trong lĩnh vực này. Tên tuổi và văn hóa của họ phải đủ để đảm bảo cho giá trị nghệ thuật của các tác phẩm. 

Để một triển lãm ảnh khỏa thân có thể thu hút công chúng hoàn toàn bởi tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao, không ai còn chú ý hay lăn tăn nhiều về hai chữ “khỏa thân” vốn xưa nay được xem là nhạy cảm nữa. 

Thùy Dương
.
.
.