Thierry Henry:

Huyền thoại không trọn vẹn!

Thứ Ba, 06/01/2015, 17:00
Sau 20 năm vẫy vùng khắp các sân cỏ thế giới, Thierry Henry, "con trai của thần gió", đã dừng bước chinh phạt. Bất kì ai cũng đều phải tuân theo quy luật khắc nghiệt của thời gian, và Henry cũng vậy. Ở cái tuổi 37, đã đến lúc Henry trở thành quá khứ. Nhưng những thành tựu mà tiền đạo này để lại sẽ còn lại mãi, với kí ức của một huyền thoại không trọn vẹn!
1.Sau 4 năm chơi bóng cho CLB Mỹ, New York Red Bulls, không có một bản hợp đồng mới nào được kí kết, Henry tuyên bố giã từ sự nghiệp bóng đá một cách khá lặng lẽ. Mặc dù vẫn biết quyết định này sớm muộn cũng sẽ được Henry công bố, nhưng thế giới bóng đá vẫn không tránh khỏi sự hụt hẫng và tiếc nuối. Trong suốt sự nghiệp của mình, Thierry Henry đã trải qua tất cả những cung bậc cảm xúc, những chiến thắng ngọt ngào và cả những thất bại cay đắng. Cùng với Zinedine Zidane, có lẽ Henry là một trong số ít những cầu thủ Pháp đã giành được tất cả những danh hiệu lớn trong sự nghiệp cầu thủ. Thế nhưng, số phận của anh vẫn là một ẩn số, với những điều chưa thật sự trọn vẹn.

Là một tài năng hiếm có, nhưng cách Henry xuất hiện và cách mà số phận đẩy anh đến với Arsenal lại giống như định mệnh đã được sắp đặt trước. Vòng 3 UEFA Cup mùa giải 1996/1997, Henry khi đó khoác áo Monaco thi đấu với đối thủ cực mạnh là SV Hamburg trên sân nhà (3-0). Cái tên Henry chẳng gây được chú ý, bởi khuôn mặt non choẹt của cậu bé vừa bước sang tuổi 19. Nếu có một chi tiết nào để nhớ thì có lẽ chỉ là bộ ria mép và mái tóc chẳng khớp với khuôn mặt măng sữa của Henry. Được vào sân ở phút 60, không ghi bàn, nhưng 3 cú bứt tốc không tưởng, bỏ lại toàn bộ hàng phòng ngự Hamburg đã khiến cái tên Henry được nhắc đến tràn ngập các mặt báo ngày hôm sau. Ai cũng hỏi, Henry là ai? Tại sao cậu bé này lại có tốc độ kinh khủng đến thế? Đáp lại những câu hỏi đó là sự im lặng từ Henry và chính CLB Monaco.

Henry trong màu áo Arsenal.

Mãi đến sau khi cùng ĐTQG Pháp vô địch World Cup 1998, Henry mới thực sự bước ra ánh sáng với bản hợp đồng thi đấu cho Juventus. Thực chất, đây là vụ chuyển nhượng mà Henry "chiều lòng" anh bạn Trezeguet (khi đó đang khoác áo Juventus) thì đúng hơn. Nhưng 19 trận đấu và chưa đầy 1 năm thi đấu cho Juventus đã kéo Henry ra khỏi vòng kìm kẹp của Monaco để đi trên con đường huyền thoại.

Cho đến tận lúc ấy, vẫn có một người luôn dõi theo Henry, ghi lại tất cả những trận đấu, những bước chạy và những chỉ số của cầu thủ này. Đó chính là HLV Arsene Wenger của Arsenal, người cũng đã từng làm việc ở Monaco (quãng thời gian từ năm 1987 đến 1995). Chỉ chờ có thế, một cuộc điện thoại được thực hiện và Henry có mặt ở Paris trong một bữa ăn tối với Wenger. Tuy nhiên, hành trình của Henry đến với Arsenal không đơn giản và bằng phẳng như vậy. Bởi đúng lúc ấy, có một thế lực ngăn cản.

2.Với quyền lực ghê gớm nhờ sức mạnh đồng tiền và uy tín, gã khổng lồ của Tây Ban Nha là Real Madrid lao vào cuộc tranh chấp Henry. Họ không ngừng trả giá cao, thậm chí báo chí Tây Ban Nha đã tiết lộ, Real trả giá tới 30 triệu bảng (một con số rất lớn ở thời điểm 1999) để có bằng được Henry. Thương vụ này được Real tiến hành khẩn trương chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần lễ. Thậm chí, mọi điều khoản hợp đồng đã được soạn thảo sẵn, mức lương, thưởng và chế độ nhà ở cũng đã được chuẩn bị kĩ càng. Song một sự kiện diễn ra bất ngờ làm thay đổi mọi thứ, và nó giống như sự sắp đặt của số phận rằng, Henry phải thuộc về Arsenal.

Trong một cuộc "thanh trừng" người môi giới cầu thủ bất hợp pháp (nay gọi là "cò") diễn ra trên khắp Tây Ban Nha, người ta phát hiện ra người móc nối thương vụ Henry đến Real Madrid không có giấy phép và hoạt động trái luật. Kết quả là thương vụ này bị hủy ngay khi nó chuẩn bị hoàn tất. Và Henry không bao giờ khoác trên mình màu áo trắng của Real Madrid. Đổi lại, Wenger và Arsenal là những người may mắn khi họ có Henry mà không cần phải đấu tranh với bất kì đối thủ nào. Tuy nhiên, việc mất Henry ở phút chót khiến Real Madrid không chấp nhận. Để thuận lợi cho việc Henry về London, Arsenal buộc phải nhả tiền đạo đang chơi rất hay khi đó là Nicolas Anelka sang Real Madrid, giống như một sự trao đổi.

Henry dự lễ khánh thành bức tượng của mình bên ngoài sân Emirates.

Và cái ngày định mệnh đưa Henry sang Arsenal đã làm thay đổi không chỉ sự nghiệp của cầu thủ này, mà còn làm thay đổi cả lịch sử của đội bóng hàng đầu nước Anh. Ở Arsenal, Henry có một "giáo viên" như Wenger, còn trên sân là đối tác tuyệt hảo là Dennis Bergkamp. Những sự hỗ trợ ấy nhanh chóng đưa anh tới đỉnh cao, với danh hiệu "đứa con của thần gió" nhờ tốc độ khủng khiếp, khả năng càn lướt, sự tinh tế trong dứt điểm và nhạy bén trong ghi bàn. Chính Bergkamp từng nói: "Henry là một cầu thủ có tất cả mọi thứ, nhanh hơn Ronaldo, kĩ thuật tốt hơn Shevchenko, mạnh mẽ hơn Raul". Còn Wenger nhận xét về Henry một câu ngắn gọn nhưng đầy đủ: "Nếu muốn ngăn chặn cậu ấy, bạn phải cầm theo một khẩu súng ngắn".

Quả thật, Henry mang về cho cá nhân mình và Arsenal hàng loạt thành tích đáng nể, trong đó đỉnh cao là chức vô địch giải Ngoại hạng Anh năm 2004 với kì công bất bại trong cả mùa giải. Sự đóng góp của Henry cho Arsenal không chỉ là danh hiệu, mà người ta còn nói rằng, những Henry, Bergkamp, Pires… đã tạo nên một phong cách mang tính truyền thống cho Arsenal trong triều đại Wenger. Và cùng với Bergkamp, Henry được dựng tượng bên ngoài SVĐ Emirates.

Thế nhưng, bên cạnh vầng hào quang sáng chói ấy, Henry cũng giống như những huyền thoại bóng đá Pháp thời gian gần đây, luôn có những vết rạn bất ngờ trong sự nghiệp. Nếu Cantona từng từ chối khoác áo ĐTQG Pháp vì những mâu thuẫn cá nhân, J.P.Papin không có duyên với ĐT, hay Zinedine Zidane cũng chia tay ĐTQG Pháp với chiếc thẻ đỏ trong trận chung kết World Cup 2006, thì Henry cũng để lại một scandal. Đó là trận play-off lượt về giành quyền dự World Cup 2010 gặp CH Ireland. Lượt đi, Pháp thắng 1-0 trên sân khách,  nhưng ở lượt về, họ thua lại 0-1. Khi cuộc chơi đang căng thẳng ở hiệp phụ, Henry đã xuất hiện, dùng tay khống chế bóng trong vòng cấm và chuyền cho Gallas ghi bàn quyết định loại CH Ireland. Tình huống đó đã gây ra sự phản đối kịch liệt, những tranh cãi gay gắt trên các phương tiện truyền thông, nhất là khi chính Henry thừa nhận đã dùng tay chơi bóng. Henry đối mặt với áp lực nặng nề, những sự chỉ trích từ mọi phía, trừ người Pháp. Sức ép nặng đến mức Henry suýt giã từ ĐTQG ngay sau đó.

3.Có thể nói, sự nghiệp của Henry đã có tất cả. Chức Vô địch World Cup (1998), vô địch EURO (2000), vô địch Champions League (2009), vô địch ở 3 giải VĐQG hàng đầu (Anh, Tây Ban Nha, Pháp). Tuy nhiên, vết nhơ của trận đấu gặp CH Ireland năm 2009 vẫn là điều mà anh không bao giờ muốn nhắc lại. Câu chuyện  ngày ấy không bao giờ xóa hết được, nhưng còn một câu chuyện nữa mà Henry không bao giờ nhắc tới.

Pha chơi bóng bằng tay nổi tiếng của Henry trận gặp CH Ireland.

Dù đã đạt tới đỉnh cao ở mọi đấu trường, là chân sút cự phách hàng đầu thế giới, nhưng Henry chưa một lần  nhận được giải thưởng cá nhân nào. Thời đỉnh cao của Henry, bóng đá thế giới vẫn còn tồn tại song song 2 danh hiệu: Quả bóng vàng FIFA và danh hiệu Ballon d'Or (của tạp chí bóng đá rất uy tín France Football). Henry đã 2 lần nằm trong top 3 của FIFA, 2 lần nằm top 3 của Ballon d'Or, nhưng những gì Henry có là 3 lần về nhì (1 lần về thứ 3). Điều không may mắn của Henry chính là anh đã sinh ra trong một giai đoạn mà bóng đá thế giới cực thịnh với quá nhiều siêu sao đẳng cấp như Nedved, Ronaldo, Owen, Figo, Zidane, Ronaldinho…

Năm 2003, Henry về nhì ở giải thưởng FIFA, xếp sau Zidane. Một năm sau, anh tiếp tục đứng thứ 2 sau Ronaldinho. Ở giải Ballon d'Or, năm 2003 anh xếp hạng 2 sau Nedved, còn 2006 thì đó thực sự là sự tiếc nuối. Henry xếp sau Cannavaro, ở giải thưởng gây tranh cãi nhất từ trước đến nay, khi nhiều người cho rằng, BTC đã cố "nhét" giải vào tay Cannavaro, đội trưởng đã giúp Italia bất ngờ VĐTG, cùng nhiều ý kiến cho rằng Henry xứng đáng hơn.

Henry từng nói rằng, một danh hiệu tập thể giá trị hơn nhiều một danh hiệu cá nhân. Điều đó đúng, nhưng nếu có một quả bóng vàng trong tay, sự nghiệp của Henry rõ ràng sẽ trọn vẹn hơn, với một sự thừa nhận cho một cầu thủ xứng đáng được gọi là huyền thoại của cả bóng đá Pháp lẫn Anh.

                              Ri sân c, Henry làm gì?
Ngay sau khi tuyên bố giải nghệ, Thierry Henry đã kí hợp đồng làm bình luận viên độc quyền cho kênh truyền hình nổi tiếng Sky Sport. Đây là công việc khá phổ biến trong giới những cầu thủ giải nghệ. Bóng đá thế giới từng rất quen với những bình luận viên nổi tiếng như Gary Lineker, R.Gullit… và giờ sẽ có thêm một ngôi sao nữa. Để có được sự phục vụ của Henry trên sóng truyền hình, Sky Sports đã bỏ ra khoản tiền khoảng 1,5 triệu bảng mỗi năm.

Tuy nhiên, đó chỉ là độc quyền truyền hình, sự nghiệp phía trước của Henry không chỉ ngồi trước máy thu hình. Báo chí Anh đang rộ lên tin đồn rằng, Henry có thể sẽ về lại Arsenal, về với sân Emirates để đảm nhiệm một chức danh nào đó. Thậm chí, không loại trừ khả năng, Wenger sẽ gọi lại cậu học trò cũ để "bồi dưỡng", sẵn sàng thay thế mình trong cương vị HLV trưởng Arsenal trong tương lai.

Phan Đăng
.
.
.