Tottenham - Arsenal:

Huyền thoại về trận chiến chia nửa Bắc London

Thứ Tư, 11/02/2015, 15:27
Cuối tuần này, Premier League lại cháy bỏng với trận chiến ở phía Bắc London. Tottenham và Arsenal, đó không phải là trận cầu kinh điển, nhưng lại là một trong những trận đấu được xếp vào hàng "di sản" của bóng đá Anh. Điều gì làm nên sự đặc biệt của trận đấu này? Đó là những câu chuyện của lịch sử, kéo dài cả trăm năm…
1. Trong rất nhiều những trận derby ở Anh, cuộc đối đầu giữa Tottenham và Arsenal là một "sản phẩm" độc nhất. Nó kéo dài suốt hơn 100 năm qua, với thái độ đối lập của cả hai phía. Lúc này, Arsenal vẫn "coi thường" Tottenham. Họ ghét đối thủ vì sự tồn tại của Tottenham ở đây. Còn Spurs (biệt danh của Tottenham) thì căm thù Arsenal vì sự có mặt của đội bóng này khiến họ không thể trở thành số 1.

Ngày 22/4/2006, trận derby Bắc London cuối cùng giữa Arsenal và Tottenham được tổ chức tại Highbury. Đây là sân bóng cũ của Pháo thủ, vốn được xây ở một khu đất trước kia là kho vũ khí có tên là Arsenal (vốn được mượn từ tiếng Arab: dar-as-sina ah). Trận đấu đó (1-1) khép lại một trang sử derby Bắc London, đưa Arsenal trở lại với nơi họ sinh ra cùng một SVĐ khang trang hơn (Emirates)…

Vào giữa những năm từ 1910 đến 1913, nơi Arsenal ra đời ở phía Nam sông Thames (với tên gọi Woolwick Arsenal) trở thành mảnh đất trống. Những nhà máy chết, những nhà máy tái chế rác cũ ngổn ngang, tiêu điều. Arsenal rơi vào cảnh khốn cùng, nợ nần chồng chất và phá sản.

Lúc ấy, một nhân vật tạo nên lịch sử bóng đá London xuất hiện, ông tên là Sir Henry Norris, một nhà kinh doanh lớn hàng đầu London. Ông cũng chính là Chủ tịch của CLB Fulham. Với tham vọng tạo nên một đội bóng thống trị London, Norris cố gắng đưa Arsenal rời khỏi SVĐ bùn đất, hoang tàn, để đến thi đấu chung với Fulham tại Craven Cottage, rồi từ đó sáp nhập 2 CLB thành một. Tuy nhiên, FA đã phản đối và không chấp nhận để chuyện này xảy ra.

Kế hoạch thay đổi, nhưng Henry Norris phải tiến hành cái gọi là "kế hoạch C" để duy trì sự tồn tại cho Arsneal. CLB được chuyển về Highbury, nằm ngay sát đại bản doanh của Tottenham và Leyton Orient, những CLB có tiếng lúc đó để tranh thủ lực lượng CĐV hùng hậu. Một khoản tiền lớn được đầu tư lên đến 125.000 bảng (tính thời giá lúc này vào khoảng 70 triệu bảng) giúp Arsenal thay đổi và họ bắt đầu "lấn sân", thu hút CĐV của Tottenham.

Sự xuất hiện của Arsenal (khi đó vẫn có tên Woolwich Arsenal) khiến Spurs, Leyton Orien và cả Chelsea "nóng mắt". Họ cho rằng, Arsenal là kẻ "ngoại xâm" cần phải loại bỏ. Một "đề án" 3 đánh 1 được vạch ra, buộc Arsenal phải lụi bại. Tuy nhiên, kế hoạch đó không thành khi Norris không chỉ là nhà kinh doanh, mà còn là một chính trị gia đầy mưu mẹo, cực kì có tầm ảnh hưởng. Norris "mua" tất cả sự hậu thuẫn ở London, trong đó có cả vị Tổng giám mục Cantebury, từ đó đạt được thỏa thuận với Giáo hội Công giáo, lấy được 6 mẫu đất thuộc Đại học Thần học St John. Đó là SVĐ Highbury về sau này. Khi đó, mối quan hệ với "Tottenham bản địa" đã rạn nứt lại càng được đẩy lên đỉnh điểm.

Những trận đấu giữa Spurs và Arsenal luôn cực kì nóng bỏng.

Về phía Tottenham, ban đầu đây là CLB cricket có tên FC Hotspur, được đặt tên theo con trai nổi loạn của Bá tước tại Northumberland, gia đình sở hữu Northumberland Park và các vùng đất khác xung quanh Tottenham. Với quyền uy rất lớn, Spurs nhanh chóng gia nhập FA, là CLB London đầu tiên vô địch FA Cup, lên hạng nhất năm 1909 và trở thành CLB hùng mạnh nhất London cho đến khi Thế chiến thứ Nhất nổ ra.

2. Sự sa sút của Spurs vào thời điểm Arsenal xuất hiện được lí giải bởi nhiều giả thuyết, trong đó được nhắc đến nhiều nhất là sự xuất hiện của người Do Thái ở đây. Tottenham bị o ép bởi họ được sự ủng hộ của phần lớn người Do Thái. Tiếp đó, khi FA đồng ý để Arsenal xây sân Highbury ở cuối đường Seven Sisters, với lý do Giáo hội Công giáo đã cấp đất, một giả thuyết được đưa ra: đó là kế hoạch phá vỡ vị thế của các CLB hàng đầu London (gồm Tottenham) bởi ở đó có nhiều người Do Thái. Giả thuyết này chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng có một chuyện có thật, tạo nên sự hận thù không biên giới giữa 2 CLB.

Sir Henry Norris (thứ 2 từ phải sang), người tạo ra sự hận thù giữa Spurs và Arsenal.

Song, có một chuyện chắc chắn có thật. Khi mối quan hệ giữa hai CLB đã ở mức báo động, một sự kiện nữa diễn ra khiến London chia đôi. Với uy thế của một chính trị gia, một doanh nghiệp chịu trách nhiệm xây dựng hơn 2.000 căn nhà ở Wimbledon và Fulham, Norris đã thuyết phục được FA vào năm 1919 rằng: phải công bằng để tái tổ chức giải VĐQG năm này sau 4 năm gián đoạn vì thế chiến; đồng thời mở rộng từ 20 đội lên 22 đội, với 2 suất dành cho đại diện London, nhằm mở đường cho Arsenal.

Spurs phải bị xuống hạng, Chelsea được "ân xá" dù nằm ở vị trí xuống hạng năm 1915 vì vụ dàn xếp tỷ số giữa Man Utd và Liverpool ở vòng cuối (giúp Man Utd vượt mặt Chelsea để trụ hạng) đã bị phanh phui. Suất còn lại đương nhiên thuộc về Arsenal, bất chấp Arsenal không đủ tiêu chuẩn để tham dự hạng đấu cao nhất. Hai CLB dẫn đầu giải hạng Hai là Derby và Preston North End đương nhiên có mặt. Và cuộc đấu chỉ còn lại Tottenham và 2 CLB xếp thứ 3 và 4 giải hạng Hai (Barnsley và Wolves). Điều bất ngờ xảy ra khi Arsenal đứng thứ 5 cũng lọt vào danh sách. Sự có mặt của Arsenal khiến lợi thế của Tottenham biến mất.

Một cuộc bỏ phiếu được tiến hành. Norris mua chuộc những người có liên quan bằng nhà đất, bằng tiền và Tottenham phải xuống hạng khi Arsenal nhận được nhiều phiếu nhất (18 phiếu), Tottenham chỉ có 8 phiếu, Barnsley 5, Wolves 5, N.Forrest 3, Birmingham 2, và Hull chỉ có 1 phiếu. Lý do được đưa ra vô cùng buồn cười: Arsenal có thời gian đóng góp cho bóng đá Anh và giải hạng Nhất lâu hơn. Đây được xem là nguyên nhân rất vô lý bởi Wolves mới là đội giữ thành tích thi đấu ở hạng Nhất lâu nhất. Đó chính là sự lật lọng trắng trợn nhất lịch sử bóng đá Anh.

Sol Campbell, một trong những người làm trỗi dậy sức nóng giữa hai đội.

Mãi về sau này sự thật mới được phanh phui: Chủ tịch Ủy ban FA khi đó, ông John McKenna cũng là Chủ tịch Liverpool và là bạn thân của Henri Norris đã bị mua chuộc. Chính Henry Norris đã cấp tiền để McKenna vượt qua vụ scandal dàn xếp tỷ số năm 1915 (trận cuối thua Man Utd 0-2). Một cuộc điều tra vài năm sau đó được tiến hành và họ phát hiện Henry Norris đã biển thủ những khoản tiền lớn, từ tiền bán vé SVĐ, đến tiền vé xe bus của CLB… Trong đó có những khoản được chi tiêu không rõ ràng (được cho là chảy vào túi McKenna. Sau đó, vì vụ việc này mà Henry Norris phải từ chức Chủ tịch Arsenal).

Kể từ đó, vận mệnh của hai đội xoay chuyển tức thì. Sau khi trở lại hạng Nhất năm 1922, Tottenham thay đổi và biến trận đấu với Arsenal trở thành cuộc chiến hận thù. Nhưng mãi đến thập niên 60 của thế kỷ trước Tottenham mới trở lại và đòi lại vị thế của CLB hàng đầu London, còn Arsenal sa sút tồi tệ đến mức có trận đấu vào ngày 5/5/1966, sân Highbury chỉ có 4.554 người xem 1 trận đấu của Arsenal tại giải VĐQG (thua Leeds 0-3).

Một lần nữa, cuộc chiến giữa họ trở nên khốc liệt vào năm 1977 khi Tottenham bị xuống hạng và Arsenal xuất hiện rút ruột rất nhiều trụ cột, trong đó có đội trưởng Pats Jennings. Tiếp đó, năm 2001, một đội trưởng nữa của Spurs lại rơi vào tay Pháo thủ: Sol Campbell. Vụ này trở thành một trong những vụ scandal chuyển nhượng đình đám nhất lịch sử bóng đá Anh.

3. Giữa Arsenal và Tottenham là lòng thù hận, nhưng bên cạnh đó vẫn có quãng thời gian họ là bạn. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, SVĐ Highbury được trưng dụng cho nhiệm vụ quân sự, Arsenal từng thi đấu nhờ White Hart Lane của người hàng xóm.

Mối quan hệ giữa Arsenal và Tottenham thậm chí tưởng như đã được cải thiện với một sự kiện hy hữu: con trai của David Dein (Phó Chủ tịch Arsenal) là Darren Dein kết hôn với con gái của David Buchler, cựu Phó Chủ tịch Spurs. Trước khi kết hôn, Darren Dein từng hẹn hò với con gái của Alan Sugar, cũng là cựu Chủ tịch Spurs.

Tuy nhiên, tất cả dường như chỉ khiến trận đấu giữa hai người anh em thêm phần ly kỳ. Lịch sử vẫn còn đó. Mối hận thù vẫn còn đó. Và mãi mãi, dù ở đâu đi nữa thì derby Arsenal-Tottenham vẫn mang ý nghĩa lịch sử và đầy truyền thuyết.

Những nhân vật làm nên truyền thuyết

Ngoài "ông trùm" Henry Norris, người mà các CĐV Spurs cực kì căm ghét, cũng là người tái sinh Arsenal và đặt nền móng cho một CLB lừng danh ngày nay, còn có rất nhiều cái tên đã khiến trận derby Bắc London trở nên nổi tiếng. Người nổi tiếng chẳng kém là trung vệ Sol Campbell. Chính cầu thủ này đã khoét sâu sự thù hận giữa hai CLB khi chuyển từ Tottenham sang Arsenal năm 2001 theo lời gọi của HLV Wenger. Anh không những trở thành trung tâm của những lời miệt thị từ CĐV Spurs, mà còn được coi như là người đã đưa trận chiến này trở nên thù địch hơn. Tiếp đó là George Graham.

Vốn là người của Arsenal, một huyền thoại cả dưới tư cách cầu thủ lẫn HLV, nhưng bỗng một ngày năm 1998, ông nhận lời dẫn dắt Tottenham và đưa CLB này đến danh hiệu VĐ League Cup chỉ 1 năm sau đó. CĐV Arsenal quay sang coi Graham như kẻ đào tẩu và càng… ghét lây cả Tottenham. Một người nữa khiến Tottenham "nuốt hận" là Herbert Chapman. Nổi tiếng là cầu thủ Tottenham, nhưng khi treo giày, ông đến Arsenal làm HLV và tạo ra sơ đồ chiến thuật lừng lẫy WM cho Arsenal, giúp họ thống trị trong một thời gian dài từ cuối thập niên 20 đến giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, thời điểm Arsenal vừa được cứu bởi Henry Norris.

Và một người nữa đã được nhắc tới ở trên, đó là cựu Chủ tịch Liverpool. Là cái tên chẳng liên quan gì đến 2 CLB này nhưng chính ông là người được coi là đã trực tiếp tạo ra sự hận thù giữa Spurs và Arsenal khi tận tay loại trừ Tottenham để đưa Arsenal từ vị trí thứ 5 giải hạng 2, lên thi đấu tại giải đấu cao nhất nước Anh khi Thế chiến kết thúc năm 1919.

Lê Giang
.
.
.