Hy vọng về một dòng chảy của điện ảnh Việt

Thứ Hai, 11/07/2016, 17:33
Khá lâu rồi mới có một tác phẩm điện ảnh do nhà nước tài trợ được vinh danh tại liên hoan phim khu vực. “Cuộc đời của Yến” của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đoạt giải Grand Festival Prize (dành cho phim hay nhất) tại Philippines đã thắp lên một tia sáng trong bối cảnh phim Việt đang loay hoay với cổ phần hóa và lựa chọn một hướng đi.


Thực tế, có rất nhiều ý kiến về vấn đề những bộ phim nhà nước đặt hàng, tiêu tốn hàng chục, thậm chí vài chục tỷ đồng của nhà nước, rồi đắp chiếu.  Hầu hết những bộ phim nhà nước đặt hàng đều cẩn trọng giao cho các đạo diễn gạo cội như đạo diễn Vương Đức, đạo diễn Thanh Vân… làm. Nhưng kết quả không có gì khả quan khi nhiều năm nay phim nhà nước đặt hàng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng xếp kho.

Nhân chuyện cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, nên xóa bỏ cơ chế nhà nước đặt hàng, bởi chính những bộ phim đắp chiếu đã kéo tụt nền điện ảnh xuống. Rõ ràng, chúng ta đang có vấn đề với phim nhà nước đặt hàng từ khâu lựa chọn kịch bản, đề tài.

Nhiều đạo diễn tâm huyết khẳng định, chúng ta không thể cứ ăn mòn quá khứ bằng những đề tài cũ, xa lạ với đời sống hôm nay. Điện ảnh đã bị tụt hậu quá so với dòng chảy của cuộc sống đương đại. Ngay mới đây, bộ phim “Nhà tiên tri” của đạo diễn Vương Đức, một bộ phim do nhà nước đặt hàng đã lặng lẽ ra rạp rồi cũng lặng lẽ xếp kho.

Thậm chí truyền thông cũng chẳng lên tiếng bình luận gì về sự lặng lẽ đó. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại cách đầu tư cho phim nhà nước như thế nào để có hiệu quả, chứ không phải cứ đề tài “cúng cụ” là cấp kinh phí sản xuất.

Thực tế đáng buồn đó, với những lùm xùm xung quanh câu chuyện cổ phần hóa đã được khai sáng phần nào khi một bộ phim nhà nước đặt hàng và do một đạo diễn trẻ làm vừa được vinh danh tại một LHP trong khu vực. Với thực trạng của điện ảnh Việt, thì đó đã là một tín hiệu đáng mừng, hé mở cánh cửa cho phim Việt, đặc biệt là dòng phim nhà nước đặt hàng.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ: “Cuộc đời của Yến” được chọn tham dự LHP Philippines 2016 là một niềm vinh dự đối với cá nhân tôi và ekip làm phim, bởi đây là một cơ hội lớn để chúng tôi có thể giới thiệu bộ phim của mình với bạn bè quốc tế cho họ hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam. Tôi không quá đặt nặng chuyện giải thưởng trong LHP này, bởi với một đạo diễn trẻ, khi phim được Ban tổ chức lựa chọn tranh giải chính thức (từ hàng trăm phim gửi về) cũng vô cùng hạnh phúc rồi". 

"Ngoài “Cuộc đời của Yến” tham gia tranh giải chính thức, LHP Philippines lần này có sự tham gia của 5 bộ phim nhà nước đặt hàng khác là “Nhà tiên tri”, “Trên đỉnh bình yên”, “Những đứa con của làng”, và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Tôi cùng đoàn điện ảnh Việt Nam tham dự hầu hết các buổi chiếu các phim Việt này và thấy được tình cảm của khán giả quốc tế dành cho phim Việt Nam. Tôi nghĩ, dù là phim nhà nước hay tư nhân thì việc tạo được cảm xúc vẫn là điều quan trọng nhất. Khi gây được thiện cảm với khán giả, với các nhà phát hành và với các nhà tuyển lựa phim của các LHP thế giới, tình trạng “xếp kho” sẽ không còn nữa".

“Cuộc đời của Yến” được vinh danh tại LHP Philippines.

Thực tế, “Cuộc đời của Yến” khi ra rạp cũng chưa tạo nên được sức hút như các bộ phim thương mại khác, nhưng việc nó được vinh danh tại một giải thưởng khu vực cũng là điều đáng mừng. Nhất là phim đó lại do nhà nước đặt hàng.

Nó cũng đưa ra một xu hướng làm phim mà các đạo diễn cần suy nghĩ. Đó phải là những câu chuyện xúc động lòng người, những câu chuyện của tâm hồn Việt chứ không phải là những cảm xúc vay mượn, lai căng.

Tôi nhớ, trong một bài phỏng vấn, chính diễn viên, đạo diễn Quốc Tuấn, người phản đối gay gắt với cách sử dụng tiền nhà nước tài trợ để sản xuất những bộ phim “xếp kho” đã tâm sự rằng: “Tận cùng của nghệ thuật, đó là những thước phim xúc động lòng người về cuộc sống hôm nay, mang hơi thở hôm nay”.

Vì sao giải Oscar năm 2009 không trao cho bộ phim đình đám Avatar, vì nó chỉ là những đột phá về công nghệ làm phim mà thôi. Phim thực sự hay, phải là những bộ phim chạm tới cảm xúc người xem. Và đó cũng là một hướng đi  cần thiết cho nền điện ảnh Việt bé nhỏ, khó khăn về tài chính.

Đây cũng là điều mà đạo diễn Nhuệ Giang khẳng định khi làm giám khảo cho giải Cánh diều vàng 2016. Chị cho rằng, chúng ta nên làm phim về những câu chuyện nhỏ, xúc động về cuộc sống đương đại, chứ không phải là những bộ phim về chiến tranh tiêu tốn quá nhiều tiền nhà nước để rồi không có khán giả.

Chúng ta nói mãi về bức tranh u buồn của điện ảnh Việt, về sự trì trệ, lạc hậu, thậm chí về sự tụt dốc của điện ảnh Việt so với chính mình trong quá khứ. Nhưng rõ ràng, chúng ta cũng đang có một thế hệ đạo diễn trẻ có tài và tâm huyết với nghề. Sự trì trệ hay tụt hậu hy vọng chỉ mang tính thời điểm, còn dòng chảy điện ảnh Việt theo tôi vẫn đang rất mạnh mẽ. Tôi nghĩ, giải thưởng này của tôi sẽ giúp chúng ta có thêm niềm tin về sự khẳng định của điện ảnh nước nhà trên bản đồ điện ảnh khu vực và trong tương lai là trên thế giới”, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nói.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Bản sắc dân tộc trong nghệ thuật, quốc gia nào cũng cần

- “Cuộc đời của Yến” được vinh danh tại liên hoan phim ở Philippines là một tín hiệu mừng của điện ảnh Việt. Chị đánh giá như thế nào về giải thưởng này (chất lượng cũng như giá trị, sức nặng của giải thưởng trong khu vực).

+ Đây là một LHPQT lớn trong khu vực. Philippines tổ chức LHPQT này là lần thứ 3 trong 3 năm liên tiếp. Có rất nhiều nước trên thế giới mang phim tham dự và đương nhiên nước nào đến đây dự cũng đều mong được giải.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Phim “Cuộc đời của Yến” nhận được giải thưởng lớn của LHP này là một điều bất ngờ nhưng xứng đáng. Đây là một niềm vui, một tín hiệu mừng của điện ảnh Việt Nam nói chung, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nói riêng .

- Nhiều đạo diễn, khán giả cho rằng “Cuộc đời của Yến” lặp lại tư duy làm phim cũ và khi phim này được vinh danh trong nước, nhiều người không đồng tình vì định kiến, phim của con trai cục trưởng mới giành giải. Chị nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

+ Nói thế thật phiến diện. Đinh Tuấn Vũ có cuộc sống, có tư duy trong sáng tạo độc lập với những gì liên quan đến anh ấy. Nhiều khi là con quan chức có nhiều ưu thế nhưng cạnh đó cũng có nhiều áp lực.

Sao ta không nghĩ một cách tích cực hơn là chính con các vị ấy được thừa hưởng “truyền thống gia đình”, thừa hưởng điều kiện học tập tốt, tối ưu của gia đình, gien di truyền của gia đình… và họ khá, họ giỏi thật sự chứ không chỉ vì “có bố mẹ làm to”?

Đương nhiên không loại trừ cũng có trường hợp có thể không xuất sắc lắm nhưng dựa vào vị trí của bố mẹ mà “tiến lên”… Nhưng số đó tôi cho rằng không nhiều… Đấy là nói trong lĩnh vực làm quan.

Trường hợp Đinh Tuấn Vũ có khác, Vũ không làm quan mà làm chuyên môn. Cái này khó hơn làm quan nhiều vì nếu chuyên môn anh không có, không giỏi, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật thì có là con giời cũng không cứu được.

Trở lại với phim “Cuộc đời của Yến”, đề tài, câu chuyện trong phim xảy ra vào những năm 45 đến những năm 60 - 70 của thế kỷ trước… Bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu biến động của một thân phận là Yến và nhiều thân phận liên quan quanh đời của Yến trải dài như vậy, từ cô bé tảo hôn đến tuổi thanh niên rồi là người đàn bà ba con…

Bao nhiêu là chuyện mà đạo diễn chắt lọc những tình huống, những mảng đời cho người xem hiểu và thẩm thấu được, xúc động được thì sao gọi là cũ nhỉ?

- Rõ ràng, hình như khán giả dù bất cứ quốc gia nào vẫn thích những câu chuyện giản dị, xúc động của đời sống, mang bản sắc văn hóa riêng (những câu chuyện thuần Việt). Đó có phải là một xu hướng làm phim chúng ta cần nghĩ tới?

+ Chị nói đúng, giữ gìn bản sắc dân tộc trong nghệ thuật quốc gia nào cũng cần. Nhưng cạnh đó cũng cần tính hiện đại nữa. Đây là một vấn đề lớn mà trong bài PV của chị không thể trả lời được bằng vài dòng.

Mỗi bộ phim mỗi khác bởi nó được làm bằng các đạo diễn khác nhau, câu chuyện khác nhau, đề tài khác nhau, cách kể chuyện, cách thể hiện cũng khác nhau. Muôn màu muôn sắc. Đó là điều cần thiết trong sáng tạo nghệ thuật. Và người xem chỉ cần mỗi một điều thôi. Đó là được xem những bộ phim HAY.

- Cảm ơn chị.

Việt Hà
.
.
.