Bán kết lượt về AFF Cup 2016:

Indonesia hồi sinh nhờ phép màu

Thứ Ba, 06/12/2016, 18:01
Lọt vào bán kết AFF Cup 2016 có thể xem là một thành tích đáng tự hào với Indonesia khi bóng đá nước này vừa trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn do án phạt của FIFA.


Sự phục hồi chỉ sau một thời gian ngắn của đội tuyển “xứ vạn đảo” có công lao rất lớn của một người cũ quá quen thuộc với bóng đá Việt Nam, HLV Alfred Riedl.

Tình trạng tồi tệ

Indonesia có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 1,9 triệu km vuông và dân số lên đến hơn 260 triệu người, đứng thứ 4 thế giới. chính vì thế một hệ thống chính trị vô cùng phức tạp với nhiều đảng phái liên tục cạnh tranh với nhau.

Bóng đá, trong môi trường này, trở thành một công cụ hữu hiệu để lôi kéo người dân của các chính trị gia, những người núp bóng môn thể thao vua để tạo nên một hình ảnh tích cực trước mắt các cử tri. Mỗi đội bóng từ màu áo đến logo vì thế đều truyền tải những thông điệp chính trị của các ông chủ.

Tình trạng này dẫn đến một nền thể thao thiếu sự sòng phẳng và tính công minh, những đặc tính không cần thiết trong các cuộc chơi chính trị. Các CLB cùng cầu thủ phải chấp nhận chơi bóng không phải vì đam mê và tinh thần chuyên nghiệp mà để phục vụ cho mưu đồ chính trị từ các ông chủ. 

Hệ quả tất yếu là các tệ nạn như tham nhũng và bán độ, khiến bóng đá Indonesia mất niềm tin nghiêm trọng từ cộng đồng quốc tế và giới hâm mộ trong nước.

Tình trạng tham nhũng và bán độ diễn ra như cơm bữa cũng làm bóng đá Indonesia suy yếu nghiêm trọng, thể hiện ở những màn trình diễn cấp độ ĐTQG.

Indonesia luôn là thử thách lớn với ĐT Việt Nam qua nhiều thời kỳ.

PSSI, liên đoàn bóng đá Indonesia, vốn đã mục ruỗng nghiêm trọng dưới sự điều hành của chủ tịch Nurdin Halid (nhiệm kỳ 2003-2011). Đây cũng là một trường hợp chủ tịch liên đoàn đặc biệt chưa từng có trong lịch sử bóng đá.

Năm 2007, người đàn ông sinh năm 1958 bị kết tội tham nhũng của nhà nước 169 tỷ rupiah tiền buôn bán dầu mỏ và phải chịu án tù 2 năm. Thế nhưng Nurdin Halid vẫn tiếp tục là chủ tịch PSSI đến tận hết nhiệm kỳ.

Giống như nhiều quan chức bóng đá khác của Indonesia, Nurdin Halid cũng xuất thân từ chính trị gia. Ông là một trong những người điều hành đảng Golkar. Đó là nguyên nhân vì sao năm 2011, PSSI bị FIFA phạt khi tham gia một hoạt động không liên quan gì đến bóng đá, đó là làm giám sát cho cuộc bầu cử tổng thống của Indonesia. Đây cũng là một sự kiện vô tiền khoáng hậu trong làng bóng đá thế giới.

Đó cũng là điểm khởi đầu cho một giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng của bóng đá Indonesia khi một bộ phận các tỷ phú, dẫn đầu là Aburiezal Bakrie, doanh nhân thành đạt nhất Indonesia đồng thời là chủ tịch Đảng Golkar, quyết định "thoát ly" để thành lập một giải VĐQG độc lập với giải của PSSI.

Điều này khiến cho Indonesia có hai hệ thống giải vô địch song song trong hai năm và chỉ được sáp nhập vào tháng 3/2013.

FIFA đã có những can thiệp mạnh mẽ với bóng đá Indonesia trong vài năm gần đây, nhưng những hành động của cơ quan quyền lực cao nhất bóng đá thế giới cũng chưa thể giải quyết tận gốc sự phức tạp của bóng đá Indonesia.

Sau Nurdin Halid, PSSI đã có thêm 4 vị chủ tịch mới nhưng mọi chuyện vẫn chưa thể đi vào quỹ đạo ổn định. Năm 2015, Indonesia tiếp tục nhận án phạt cấm thi đấu quốc tế trong vòng 1 năm và chỉ được gỡ án tại đại hội lần thứ 66 của FIFA tổ chức ở Mexico năm nay.

Với tình trạng như thế, không nhiều người tin rằng bóng đá Indonesia có thể làm nên chuyện ở AFF Cup 2016.

Việt Nam sẽ có lần thứ 3 lọt vào chung kết AFF Cup nếu vượt qua Indonesia.

Alfred Riedl - sự lựa chọn không thể tốt hơn

Khi chiến lược gia người Áo được bổ nhiệm lần thứ 3 vào vị trí HLV trưởng ĐTQG, không ít sự phản đối đã xuất hiện từ giới chuyên môn Indonesia.

Nhiều người cho rằng Riedl đã quá lớn tuổi (sinh năm 1949) và không còn phù hợp với những chiến dịch dài hạn của bóng đá nước này.

Tuy nhiên Riedl gần như là sự lựa chọn lý tưởng nhất. PSSI từng gây bất ngờ với tham vọng mời… Jose Mourinho khi HLV người Bồ chưa có giao kèo với M.U, dĩ nhiên đó là giấc mơ xa vời, bởi "Người đặc biệt" chưa thèm tiền đến mức nhận việc ở một ĐTQG nằm trong vùng trũng của bóng đá thế giới.

Một vài HLV nội cũng đã được tính đến, ví dụ như Indra Sjafri, Rudy Keltjes, Nil Maizar… nhưng họ đều tự rút lui hoặc không được lựa chọn. Công việc dẫn dắt ĐT Indonesia rõ ràng không hấp dẫn khi PSSI trải qua án phạt một năm của FIFA, mọi thứ còn rất bề bộn và không có gì là chắc chắn.

Trong hoàn cảnh đó, Alfred Riedl là sự lựa chọn hoàn hảo nhất. HLV người Áo có bề dày kinh nghiệm, sự quen thuộc với bóng đá Đông Nam Á nói chung và Indonesia nói riêng qua hai nhiệm kỳ trước đó.

Ông cũng nổi tiếng là một ông thầy luôn nhận được sự quý mến và tôn trọng từ các học trò. Năm 2014, khi Riedl bị sa thải trong nhiệm kỳ thứ hai, rất nhiều cầu thủ đã tỏ ra phẫn nộ với PSSI, trong đó mạnh mẽ nhất là ngôi sao Zulham Zamrun.

Alfred Riedl - người đứng sau sự hồi sinh của bóng đá Indonesia.

Alfred Riedl không chỉ nhận được tình cảm từ các học trò. Chiến lược gia người Áo còn nhận được sự mến mộ từ các CĐV. Khi còn ở Việt Nam, hàng nghìn người hâm mộ sẵn sàng hiến thận cho Riedl khi ông thông báo tình trạng sức khỏe của mình.

Lịch lãm, thâm trầm, kỷ luật nhưng cũng rất mềm mại trong cách ứng xử, Riedl là sự lựa chọn khôn ngoan của PSSI khi niềm tin của giới CĐV vào tổ chức này suy giảm nghiêm trọng sau những scandal liên tiếp.

Bỏ qua những yếu tố ngoài chuyên môn, trên thực tế Indonesia cũng cần Riedl như một liều thuốc sau cơn bạo bệnh. Khi một cơ thể đang yếu, việc lựa chọn một phương pháp chữa trị mới lạ có thể gây "sốc phản vệ".

Sự quen thuộc của chiến lược gia người Áo với bóng đá Đông Nam Á giúp ông bước vào công việc lập tức, từ từ vực dậy một đội tuyển suy yếu nghiêm trọng bằng cách làm việc khoa học và kỷ luật, giúp họ lấy được sự tự tin khi bước vào giải đấu quan trọng nhất năm là AFF Cup 2016.

Những gì mà giới chuyên môn lo ngại ở Riedl như tuổi tác và tính kế thừa cũng được ông giải quyết một cách êm thấm. Nhà cầm quân người Áo không chỉ hướng đến các kế hoạch ngắn hạn mà còn để lại một di sản quý báu cho những người kế nhiệm ông, đó là lực lượng các cầu thủ trẻ.

Trong danh sách ĐT Indonesia dự AFF Cup 2016, có tới 7 cầu thủ sinh từ năm 1993 trở về sau. Một trong số đó là hậu vệ số 23 Hansamu sinh năm 1995, người ghi bàn thắng mở tỷ số vào lưới ĐT Việt Nam trong trận bán kết lượt đi.

Bằng một đội hình có sự kết hợp giữa những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm như Boaz Solossa, Stefano Lilipaly,… cùng những tài năng trẻ; Indonesia dưới sự dẫn dắt của Riedl đã lọt qua khe cửa rất hẹp để lọt vào vòng bán kết.

Họ cũng đang tạm thời có lợi thế trước Việt Nam sau trận lượt đi. Công lao của HLV người Áo rõ ràng là không thể phủ nhận trong sự phục hồi đáng ghi nhận của bóng đá Indonesia.

Lịch sử đối đầu nghiêng về phía Indonesia

Trong 22 lần đối đầu kể từ năm 1991, Indonesia thắng 9, hòa 8 và chỉ để thua 5 trước Việt Nam. Đặc biệt tính từ năm 2000, Indonesia chỉ để thua Việt Nam có 1 trận và đó chính là trận giao hữu diễn ra trước AFF Cup 2016 khi thầy trò Hữu Thắng đánh bại đối thủ với tỷ số 3-2 tại Mỹ Đình.

Lần gần nhất Indonesia và Việt Nam gặp nhau tại Mỹ Đình trong một giải đấu chính thức là tại AFF Cup 2014. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 2-2, trong đó những người ghi bàn cho Việt Nam là Quế Ngọc Hải và Lê Công Vinh. Trong khi bên phía Indonesia, Zulham Zalrum và S.Arif (không tham dự giải đấu năm nay) lập công.

Xét về lịch sử giải đấu, đây là lần thứ 7 Indonesia lọt vào bán kết AFF Cup (tiền thân là Tiger Cup). Họ có 3 lần dừng chân ở bán kết (1996, 1998 và 2008) và 4 lần lọt vào trận chung kết (2000, 2002, 2004, 2010) nhưng đều để thua.

Trong khi đó ĐT Việt Nam đã có tới 9 lần lọt vào bán kết tính cả năm nay. Trong 8 lần trước đó chúng ta chỉ có hai lần duy nhất tiến vào trận chung kết, một lần năm 1998 và một lần đăng quang luôn ngôi vô địch năm 2008.

Alfred Riedl và thành tích ở vòng bán kết AFF Cup

Trên cương vị HLV trưởng của ĐT Indonesia và ĐT Việt Nam, Alfred Riedl đã có 4 lần dẫn dắt các đội bóng này lọt vào vòng bán kết AFF Cup không tính năm nay. Trong đó ông thất bại 2 lần và có 2 lần đưa được đội bóng mình dẫn dắt vào chung kết.

Năm 1998, ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Riedl vượt qua Thái Lan vào chung kết gặp Singapore. Tuy nhiên 2 năm sau đó, Việt Nam cùng Riedl lại bị loại bởi Indonesia ở vòng bán kết Tiger Cup 2000. Trong lần thứ 3 dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, năm 2007, Alfred Riedl đưa đội vào bán kết giải AFF  trước khi dừng bước trước ĐT Thái Lan. Đây cũng là giải đấu cuối cùng ông làm việc cùng bóng đá Việt Nam.

Với Indonesia, ngay trong năm đầu tiên dẫn dắt, Riedl đưa đội vào chung kết AFF Cup 2010 sau khi vượt qua Philippines ở bán kết (sau đó thua Malaysia ở chung kết).

Tại nhiệm kỳ thứ hai dẫn dắt Indonesia, đội bóng của Riedl thậm chí còn không vượt qua vòng bảng của AFF Cup 2014.

Đơn Ca
.
.
.