Jamie Vardy: Sản phẩm kì lạ của số phận!

Thứ Hai, 30/11/2015, 20:54
Cùng với sự thăng hoa khó tưởng tượng của Leicester City tại giải Ngoại hạng Anh với vị trí đầu bảng sau 13 vòng đấu, cái tên Jamie Vardy gây ra một cơn sốt chưa từng có. Từ một cầu thủ lần đầu bước lên sân khấu lớn nhất nước Anh, từ một giải đấu nghiệp dư, Vardy đã khẳng định, chuyện thần kì có thể xảy đến một cách rất phi thực tế.

1.Mới cách đây 3 năm, Vardy còn thi đấu ở giải nghiệp dư trong màu áo CLB  vô danh Fleetwood Town, chẳng ai biết đến tiền đạo này là ai, và cũng chẳng ai bận tâm về cái tên này. Thế nhưng, đến bây giờ, người ta gọi Vardy là bóng ma trước khung thành, với kỉ lục 10 trận liên tiếp ghi bàn tại Premier League.

Không thể tin nổi, một tiền đạo đã 28 tuổi, lại là cầu thủ nghiệp dư cách đây nửa năm giờ lại dẫn đầu danh sách Vua phá lưới Premier League. Khi Vardy ghi 5 bàn liên tiếp sau 5 trận, báo chí Anh vẫn còn rùm beng lên theo dõi những tài năng trẻ đắt giá mà Man Utd mới mang về, là Memphis Depay, là Anthony Martial.

Rồi tiếp đó, khi Vardy tiếp tục lặng lẽ ghi bàn, miệt mài lập công giúp Leicester trở thành một hiện tượng, câu chuyện về cầu thủ này mới được nói đến. Và rất nhanh chóng, một cái tên lạ lẫm nữa bước ra ánh sáng, trở thành ngôi sao được săn đón đúng theo "kịch bản" mà báo giới Anh thường làm.

Đúng thời điểm này một năm trước, Premier League cũng rầm rộ với cái tên Harry Kane, một cầu thủ trẻ mới được đưa lên đội 1 của Tottenham lập tức đã trở thành tay săn bàn siêu hạng, một hiện tượng kì thú, bất ngờ gây chấn động. Nhưng so với Vardy, hiện tượng Kane năm ngoái chẳng là gì cả. Bởi lẽ, nếu Kane là cầu thủ trẻ tiềm năng, thì Vardy trước khi đến Leicester năm 2012 chỉ là một trong hàng ngàn cầu thủ nghiệp dư vừa đá bóng vừa làm việc, nhất là khi năm nay anh đã 28 tuổi. 

Vardy - kỉ lục gia của Premier League với 10 trận ghi bàn liên tục.

Cho đến khi gia nhập Leicester, Vardy vẫn phải làm thêm, vẫn chỉ chơi ở hạng Nhất. Kể cả mùa giải năm ngoái, dù cũng khoác áo Leicester ở Premier League, nhưng Vardy chẳng làm ai nhớ cả. Ấy thế mà điều thần kì xảy đến như thể có một thế lực nào đó ủng hộ Vardy bước một bước từ bóng tối đến vũ đài hào nhoáng đầy  ma thuật. 

Và thậm chí, chỉ sau 2 tháng đứng trong vầng hào quang bất ngờ ấy, Vardy được gọi vào ĐTQG Anh. Sự thay đổi chóng mặt, như thể một chàng hotboy, một cô hotgirl nào đó sau một đêm "gặp thời" bỗng trở thành ngôi sao được săn đón, nổi tiếng lừng lẫy.

Thậm chí, rất nhiều thông tin từ báo chí Anh nói rằng, lúc này Vardy đang là mục tiêu săn đón số 1 của các CLB lớn trong đó có Real Madrid. Đương nhiên, phía sau những lời mời ấy là một gia tài kếch sù, đủ để biến Vardy từ một kẻ nghèo rớt mồng tơi trở thành triệu phú trong nháy mắt, y hệt câu chuyện trên những bộ phim điện ảnh Hollywood.

Như vậy, có thể nói Vardy chậm nhưng lại… cực nhanh. Đơn giản thế này. Khi 25 tuổi, trong lúc Vardy làm thêm để nuôi dưỡng đam mê bóng đá, và chơi bóng ở giải nghiệp dư thì các cầu thủ tài năng cùng lứa đã kiếm bộn tiền, giàu nứt đố đổ vách, rồi cạnh tranh suất thi đấu cho ĐTQG. Đó là Vardy rất chậm. Nhưng bây giờ là Vardy "cực nhanh".

Chỉ sau hơn 2 mùa giải đá ở Premier League, sau 3 tháng bừng sáng với kỉ lục 10 trận liên tiếp ghi bàn, Vardy đã được "lên tuyển", điều mà khối cầu thủ phải phấn đấu gấp vài lần Vardy cũng chưa chắc có được.

Vậy Jamie Vardy là ai?

2. Cần phải nói ngay, Vardy… chẳng là ai cả cho đến khi lập nên kì tích. Thậm chí, sự nghiệp của anh cũng chẳng có gì, đến mức chính Vardy cũng từng có lúc chán nản, bỏ bóng đá đi kiếm sống khi 15 tuổi. Nếu nói Vardy là cầu thủ chẳng có ăn tập gì cũng chẳng sai, bởi từ khi 11 tuổi Vardy gần như chỉ đi tập cho thỏa đam mê, chứ chẳng có ai nhận xét anh có tài năng.

Kể cả khi được CLB Sheffield Wednesday mua lại từ Sheffield Rangers, Vardy vẫn bị coi là "người không bao giờ lớn" với 2 lí do: không phát triển được về chuyên môn và còi cọc mãi chẳng lớn được. Kết cục là Vardy bị loại thẳng cánh.

Vardy và vợ sắp cưới Rebekah..

Năm 15 tuổi, Vardy gần như đã bỏ đá bóng để đi làm công nhân sản xuất đồ dùng y tế… phụ giúp kinh tế cho gia đình. Đó là quãng thời gian khốn khổ như chính Vardy thừa nhận: "Đó là thời gian tồi tệ. Tôi đã nghĩ mình không thể đá bóng được nữa, vì không đủ khả năng, kể cả đá bóng nghiệp dư".

Lang thang hơn 1 năm, khi giấc mơ bóng đá gần như tắt ngóm thì nó được khơi lại đúng lúc, khi được cậu bạn rủ đi chơi bóng cho CLB "hạng làng" do bố cậu ta làm HLV. Đó là bước ngoặt lớn, khiến Vardy được đến CLB… nghiệp dư khác là đội trẻ của Stocksbridge Park Steels, thi đấu trên mặt sân đất với khán đài có sức chứa 3.500 người, và lần đầu tiên nhận lương với khoản tiền 30 bảng/tuần.

Kể cả lúc này, với mức lương 30 bảng/tuần, Vardy vẫn phải đi làm công nhân ở một nhà máy sản xuất sợi carbon. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, chính anh đã thừa nhận rằng, thời điểm đó, anh phải làm việc 12 giờ mỗi ngày để kiếm tiền nuôi gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những bữa ăn thường xuyên diễn ra ở các tiệm ăn nhanh tại các trạm dịch vụ trên đường cao tốc.

Tiếp đó, Vardy đến CLB được coi là chuyên nghiệp đầu tiên là Halifax Town, thi đấu ở giải hạng 7 của Anh, và giá của anh là 16.000 bảng. Năm 20 tuổi, Vardy vướng phải một vụ án, đánh người gây thương tích khi tấn công một  nhóm người mà anh cho rằng, đã sỉ nhục bạn anh, một người bị điếc. Án phạt là phải đeo một thẻ điện tử quản thúc, cấm đi khỏi nhà sau 6 giờ chiều.

Một số trận đấu Vardy không thể tham dự, một số trận đấu anh phải nhanh chóng thi đấu rồi… về nhà ngay để thực hiện "lệnh giới nghiêm" có sự quản lí của cảnh sát. Rồi lại có chuyện, Vardy bị phạt vì tội gây rối ở một casino sau khi có lời lẽ phân biệt chủng tộc với một người da màu.

Chuyện lạ chưa dừng lại. Khi chuyển từ Halifax Town đến Fleetwood (cũng lại là một CLB nghiệp dư khác), Vardy nhận lương "khủng" 850 bảng/tuần. Và ở đây Vardy đã tạo ra cuộc cạnh tranh giữa vài đội bóng khác muốn có anh sau thành tích ghi 32 bàn sau 34 trận đấu. Và Leicester đã "chơi trội" khi trả đúng giá mà Fleetwood thách thức: 1 triệu bảng. Thế là Vardy trở thành cầu thủ nghiệp dư đầu tiên trong lịch sử bóng đá Anh có giá "đắt" đến thế, cán mốc 1 triệu bảng.

Không quá để nói rằng, thành công với ngôi vị đầu bảng của Leicester có đóng góp phần lớn nhờ 13 bàn thắng của Vardy sau 13 vòng đấu. Có thể vị trí này không thể dành cho Leicester quá lâu, nhưng việc một CLB nghèo đứng đầu bảng xếp hạng Premier League sau 13 vòng đấu là điều chưa từng có trong lịch sử giải Ngoại hạng Anh. Và Vardy, cầu thủ có giá 1 triệu bảng, đi lên từ giải nghiệp dư, đã vượt mặt hàng loạt siêu sao đắt giá hàng chục triệu bảng mà các CLB lớn đang sở hữu. Đó là một câu chuyện cổ tích hiện đại, vượt xa mọi sự tưởng tượng.

Vardy trong màu áo CLB nghiệp dư Fleetwood.

3. Những hiện tượng luôn nhanh nở và chóng tàn. Nhưng Vardy đã "nở" trong suốt 13 vòng đấu. Khi ấy, thật khó nói rằng đây là một hiện tượng nhất thời. Và cả chuyện được gọi vào tuyển QG Anh cũng là một sự thừa nhận cho giá trị thực sự của Vardy.

Mọi tài năng đều phải có một số phận "oái oăm" hoặc cá tính dị biệt. Vardy có cả hai. Sự trớ trêu trong số phận, nghề nghiệp của Vardy chính là câu chuyện một ngôi sao nở muộn khi đã 28 tuổi, sau nhiều năm trời thi đấu ở những giải đấu hạng làng. Và dù tương lai có ra sao thì Vardy vẫn sẽ là một phần của lịch sử giải Ngoại hạng Anh, nơi làm ra những điều không tưởng, sản sinh ra những câu chuyện kì quặc trong thế giới bóng đá muôn màu.

Ngay cả cái cách Vardy ra sân để lập kì tích 10 trận liên tiếp ghi bàn ở trận gặp Newcastle (3-0) cuối tuần trước cũng là điều đáng nói. Dù bị chấn thương nhẹ, các bác sĩ của đội chỉ định Vardy nên nghỉ, nhưng cầu thủ này vẫn xin ra sân. Và ở phút cuối cùng hiệp 1, Vardy đã ghi bàn mở tỷ số mở màn cho chiến thắng ấn tượng của Leicester và giúp đội nhà đánh chiếm ngôi đầu bảng. Đó là ý chí, nỗ lực và khát vọng chiến đấu mãnh liệt của cầu thủ đã chìm trong bóng tối suốt phần lớn sự nghiệp bóng đá. Và điều đó đáng được trân trọng. 

Vardy, thêm một "phi công" trẻ  lái "máy bay bà già"

Vardy là một cầu thủ khá điển trai, nhưng trong tình trường thì anh khá vất vả. Mặc dù có bạn gái là cựu người mẫu Rebekah Nicholson, và đã có 1 con gái với nhau, nhưng lễ cưới chỉ được tiến hành vào ngày 25/5 năm sau (trước khi ĐT Anh lên đường tham dự EURO 2016).

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ đám cưới này của Vardy bị cha mẹ anh phản đối. Đã hơn 1 năm nay, Vardy cắt đứt quan hệ, không liên lạc gì với cha mẹ, sau khi quyết định đám cưới với Rebekah. Và cha mẹ Vardy cũng tuyên bố sẽ không dự đám cưới này.

Sở dĩ đám cưới này bị gia đình Vardy phản đối vì quá khứ phức tạp của Rebekah. Trước đó, cô đã có 2 con. Đó là chưa kể việc Rebekah hơn Vardy 5 tuổi.

Đây không phải trường hợp ngôi sao bóng đá duy nhất "lái máy bay bà già". Và Vardy lấy vợ hơn 5 tuổi là còn ít, nếu so sánh với những ngôi sao khác. Zlatan Ibrahimovic lấy vợ hơn 7 tuổi, Cesc Fabregas kém bạn gái 13 tuổi, Gerard Pique ít hơn bạn gái là ca sĩ Shakira tới 10 tuổi, hậu vệ Sergio Ramos của Real Madrid cũng kém bạn gái 7 tuổi. Thủ môn của Man City, Joe Hart và hậu vệ Chris Smalling đều ít hơn bạn gái 4 tuổi, thủ thành của Man Utd là David de Gea cũng ít hơn bạn gái 5 tuổi.

Lê Giang
.
.
.