John Henry: Ông chủ và… chiếc nhẫn!

Thứ Sáu, 10/04/2015, 16:00
Chỉ sau một mùa giải lóe lên, Liverpool đã lặng lẽ chìm vào bóng tối. Từ vị thế của đương kim Á quân giải Ngoại hạng Anh, Liverpool dường như đã buông súng trong cuộc chạy đua ở nhóm đầu bảng. Vậy đến lúc này, Liverpool có còn thực sự là một "đại gia" của bóng đá Anh hay không? Câu trả lời nằm ở ông chủ tỷ phú John W. Henry và… chiếc nhẫn mà ông đang mang!

1.Liverpool đã từng là đại diện ưu tú nhất, xuất sắc nhất của bóng đá Anh. Nhưng suốt gần 1/4 thế kỉ qua thì điều đó chỉ còn là hồi ức. Ngoại trừ chức vô địch Champions League (2005) theo một kịch bản thần thoại nhất (đánh bại AC Milan dù bị dẫn 0-3 sau hiệp 1), Liverpool chẳng ghi thêm được dấu ấn nào trong suốt 1 thập kỉ qua. Thậm chí, họ còn là CLB lớn duy nhất ở Anh chưa từng vô địch Premier League.

Thế nhưng chẳng sao cả, Liverpool vẫn tồn tại như một thực thể tách biệt với bóng đá Anh. Không chạy theo danh hiệu, chẳng quá hối hả, vội vàng để bị cuốn theo cơn bão tài chính, dùng tiền mua ngôi sao, Liverpool yên ả với cách sống rất riêng. Phong cách của sự tồn tại đó giống như cá tính ông chủ của họ, tỷ phú John W. Henry.

Ngày John W.Henry tuyên bố sở hữu Liverpool (tháng 10-2010), một cuộc đời mới đầy sóng gió của đội bóng này bắt đầu. Anfeld nghiêng ngả, đảo điên với những bài toán kinh tế, với hy vọng mới về một phép màu từ "phù thủy" John Henry.

Chiếc nhẫn huyền bí của John W. Henry.

Là một doanh nhân Mỹ, người sáng lập Tập đoàn đầu tư Fenway, nhưng cách ông đạt tới đẳng cấp của một tỷ phú lại rất khác biệt. Sinh ra đã là một nông dân ở tỉnh Ilinois, John W. Henry bị mắc bệnh hen mạn tính, và gia đình phải chuyển đến California. Rời bỏ lớp vỏ bọc là một gia đình nông dân, John W. Henry vào học đại học California, chuyên ngành triết học. Song, thứ triết học của ông lại hoàn toàn trái ngược với những gì được dạy ở trường.

Với John W. Henry, đó là cuộc sống phóng khoáng, không có giới hạn, cũng chẳng có khuôn khổ mẫu mực. John W. Henry bỏ học, thường xuyên đi theo ban nhạc rock Elysian Field (rất trùng hợp là ban nhạc này có chữ Anfield, sân vận động của Liverpool: Elysian Field). Kết cục là không bao giờ John W. Henry tốt nghiệp đại học. Có lẽ, đó là con đường mà nhiều tỷ phú Mỹ đã đi qua, giàu có và không có bằng đại học.

John W. Henry cũng bỏ luôn nghề kinh doanh nông sản của gia đình mà đầu tư vào các sản phẩm bán lẻ. Và khi đã có tiền, John W. Henry "bỗng nhiên" trở thành một người yêu thể thao đến kì lạ. 

Đầu tiên, John W. Henry mua lại câu lạc bộ bóng chày Tucson Toros, nhưng ngặt một nỗi, đây là đội bóng ít tên tuổi nên sự nổi tiếng cũng ì ạch. Sau đó, ông đổ tiền bạo tay vào các đội bóng chày, bóng rổ khác, và đến nay ông đã và đang là chủ tịch, sở hữu, đồng sở hữu của 9 đội bóng: West Palm Beach Tropics, Colorado Rockies, Florida Marlins, New York Yakee, Montreal Expos, Boston Red Sox (bóng chày), Orlando Magic, Miami Heat, New Jersey Nets (bóng rổ). 

Ngoài ra, ông còn đầu tư vào các đội đua xe Nascar, và đặc biệt hơn nữa, để tạo một chân đế vững vàng, một cơ quan "ngôn luận" cho các đội bóng của mình, ông tiến hành sở hữu tờ báo nổi tiếng The Boston Globe.

2.Trong hàng loạt thương vụ mà John W. Henry thực hiện với các đội bóng chày, bóng rổ, thành công nhất là đội bóng chày Boston Red Sox. Đây là đội bóng nổi tiếng của Mỹ,  nhưng luôn gặp những vấn đề về tài chính, và nó khiến họ không thể vô địch World Series suốt từ năm 1918. Năm 2002, với sự có mặt của John W. Henry, Boston Red Sox liên tục thăng tiến và 2 năm sau họ vô địch World Series lần đầu tiên sau 84 năm chờ đợi (và vô địch thêm 1 lần nữa năm 2007).

Theo truyền thống của giải, nhà vô địch World Series được tặng kỉ niệm chiếc nhẫn, như biểu tượng của chiến thắng. John W. Henry được tặng chiếc nhẫn có giá trị biểu trưng, và nó nằm trên ngón tay áp út bàn tay phải của ông cho đến tận bây giờ. Với John W. Henry, nó giống như một lá bùa hộ mệnh, một biểu tượng của thành công. Chiếc nhẫn ấy theo John W. Henry đến tận Anfield.

John W. Henry đang nỗ lực thay đổi vị thế của Liverpool.

Ngày đầu tiên gặp gỡ toàn đội Liverpool, John W. Henry nói rằng, ông sở hữu nhiều đội bóng, nhiều công ty và cả những dự án kinh tế mang tầm vĩ mô. Buổi nói chuyện hôm ấy, Henry nhắc lại lời HLV huyền thoại Bill Shankly của Liverpool: "Nếu bạn đứng số 1, bạn là nhà vô địch. Nếu bạn đứng thứ 2, bạn chẳng có gì cả". Và ông khẳng định, Liverpool sẽ phải đứng số 1. 

Điều oái oăm là cuộc gặp ấy, thông thường thì ông chủ mới sẽ nói về đường hướng phát triển, cam kết đầu tư ra sao. Nhưng John W. Henry không làm vậy. Ông không đưa ra số tiền đầu tư bao nhiêu, mà là… một cái nhẫn to đùng, được đeo ở ngón áp út bàn tay phải. Cùng với việc giới thiệu chiếc nhẫn, ông kể về Boston Red Sox và những điều thần kì mà ông đã đạt được.

Với Henry, đó là chiếc nhẫn may mắn, chiếc nhẫn có thể làm thay đổi bất cứ thứ gì với quyền lực cực lớn, dù giá của nó ngoài thị trường chỉ là 2,5 bảng. Ông nói rằng, với một đội bóng chày gần 1 thế kỷ không vô địch còn có thể thay đổi lịch sử, huống chi Liverpool mới có ngót 1/4 thế kỷ tay trắng!!!

Chưa đầy 1 năm sau khi John Henry nhảy vào đầu tư, Liverpool lãi 5 triệu bảng, con số khả quan so với những năm kinh doanh trước đó của đội (dưới quyền của bộ đôi tỷ phú Tom Hicks và George Gillett). Tổng doanh thu trước thuế của Liverpool tăng lên hơn 200 triệu bảng, được Forbes xếp hạng giá trị thương hiệu đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng các thương hiệu bóng đá toàn cầu (sau Man Utd, Real, Arsenal, Barca, Bayern)… "Chúa tể của những chiếc nhẫn" phát huy hiệu quả kinh hồn với lợi nhuận lớn dành cho Henry. Chiếc nhẫn của Henry đeo ở bàn tay phải thực sự trở thành huyền thoại bí ẩn.

Sự xuất hiện của John Henry chẳng khác gì sự xuất hiện của một "Chúa tể bóng tối", kẻ sở hữu sức mạnh của chiếc nhẫn bên ngón áp út bàn tay phải. Liverpool bị đánh lừa bởi những khoản thu nhập, nhưng họ quên mất rằng nó đến từ đâu. Họ bán những ngôi sao tốt nhất, mua những mặt hàng sau này bị bỏ xó.

Đỉnh điểm là việc bán ngôi sao lớn Fernando Torres cho Chelsea để lấy 50 triệu bảng và mua về Andy Carroll với giá 35 triệu bảng. Số tiền lời ra ở đó và vừa đủ để mua Luis Suarez. Nếu Andy Carroll bị coi là thương vụ khiến Liverpool hớ nặng thì Suarez là thương vụ cực kì thành công. Anh trở thành trụ cột của Liverpool và là nhân tố quan trọng giúp Liverpool đoạt ngôi Á quân Premier League mùa năm ngoái. Nhưng rồi sau thành công đó, Liverpool lại bán Suarez cho Barca mùa hè năm ngoái, sau "sự cố" cắn Chiellini tại World Cup 2014 khiến anh bị treo giò 4 tháng ở mọi giải đấu.

Liverpool vững về tài chính nhưng vẫn chưa trở lại là thế lực của bóng đá Anh.

3.Khi Benitez, người tạo ra những điều kỳ diệu ở Liverpool ra đi, đó là lúc John W. Henry xuất hiện. Khi đó, mọi chuyện thay đổi không theo quy luật của truyền thống bóng đá mà Liverpool luôn lưu giữ như một thứ bản sắc. Những gì John W. Henry làm là khống chế nợ bằng đủ mọi cách, trong đó có việc kinh doanh ngôi sao. Khi ấy, Liverpool tụt hậu so với sự phát triển của Premier League, mà tiêu biểu là Man City, Chelsea, Man Utd, những đội bóng được đầu tư mạnh mẽ, được đổ tiền không giới hạn để mua ngôi sao.

Và triều đại của "chiếc nhẫn Henry" trải qua 3 đời HLV: Hodgson, Dalglish và bây giờ là Rodgers. Tất cả đều không thể đưa Liverpool đến ngôi số 1 tại Premier League. Thậm chí, trong một thời gian dài họ bị loại khỏi khái niệm "Top 4" quyền lực của bóng đá Anh, để Tottenham, Man City nhảy vào thế chỗ. Đến lúc ấy người ta mới nhớ lại chiếc nhẫn mà John W. Henry giới thiệu. Đơn giản, chiếc nhẫn ấy chỉ có quyền lực kinh tế chứ không có quyền lực về bóng đá, quyền lực thống trị của nhà vô địch. Và điều quan trọng nhất, chiếc nhẫn ấy vốn xuất xứ ở giải vô địch môn bóng chày!

Mùa giải năm ngoái, lần đầu tiên Henry đầu tư tiền cho Liverpool. Họ đã mua chứ không bán nữa. Duy nhất ngoại lệ là Suarez, nhưng đó là việc tất yếu khi Suarez bị treo giò tới 4 tháng sau sự cố được coi là "điên rồ" nhất tại World Cup. Để chuẩn bị cho mùa năm nay, Liverpool chi 133 triệu bảng. Dĩ nhiên trong đó có cả tiền bán Suarez, nhưng đó là sự thay đổi để khẳng định John W. Henry đã chấp nhận chơi bằng tiền nhiều hơn. Tính ra 4 mùa gần đây, Liverpool bỏ ra tổng cộng 376 triệu bảng mua cầu thủ, một số tiền khá lớn.

Nhưng điều quan trọng hơn là Henry đã tuyên bố quay trở lại với bản sắc, khi đan xen các ngôi sao vẫn là những cầu thủ trẻ của đội, cầu thủ bản địa (Sterling, Henderson, Flanagan,  Lallana, Ibe, Sturridge, Lambert…). Trẻ hóa đội hình: Emre Can (21 tuổi), Henderson (24), Sterling (20), Markovic (21)… Nhưng sự thay đổi này cần thời gian để định hình. Và nó cũng cần thời gian để John W. Henry tính đến chuyện đầu tư nhiều tiền hơn. Còn bây giờ, cứ tạm thời gạch tên Liverpool khỏi quyền lực "Top 4". Hay "lãng mạn" hơn, "triết học" hơn là hãy chờ John W. Henry tháo khỏi tay chiếc nhẫn của môn bóng chày, để bắt đầu thực sự là một ông chủ của đội bóng đá!

John W. Henry có đam mê thể thao?

John W. Henry đã tham gia ở 4 môn thể thao: bóng chày, bóng rổ, đua xe Nascar và bóng đá, nhưng ông không phải là người đam mê thể thao, và chính ông cũng thừa nhận rằng mình không hiểu gì nhiều về bóng đá. Ông còn được xem là ông chủ ít tham gia vào chuyên môn nhất so với các tỷ phú ở các CLB lớn khác như: Abramovich (Chelsea), Glazer (Man Utd) hay gia đình Mansour ở Man City. Ông cũng là ông chủ ít có mặt trên sân để xem đội bóng mình thi đấu nhất. Nếu Abramovich gần như có mặt ở mọi trận đấu quan trọng thì người ta tính ra, mỗi mùa giải, John W. Henry chỉ có mặt xem chưa tới 10 trận của Liverpool.

Bên cạnh đó, John W. Henry còn được coi là bậc thầy về… kiện tụng. Ông đã trải qua rất nhiều vụ kiện và ông chưa bao giờ thua kiện. Nổi bật nhất là vụ mua lại Liverpool và mua tờ báo The Boston Globe. Khi nắm quyền sở hữu Liverpool năm 2010, hai tỷ phú cũ là Tom Hicks và George Gillett đã kiện John W. Henry vì cho rằng ông đã "cướp" Liverpool với giá rẻ. Số tiền mà Tom Hicks và George Gillett đòi bồi thường lên đến 1,6 tỷ bảng, nhưng cuối cùng John W. Henry thắng kiện. Tiếp đó, vụ mua lại The Boston Globe cũng bị trục trặc, ông đứng trước nguy cơ bồi thường khoảng 200 triệu bảng, nhưng mọi chuyện cũng trót lọt. Chỉ có vụ John W. Henry muốn mua lại CLB Lyon (Pháp) năm 2009 thất bại, nhưng đó là John W. Henry tự rút vì những rắc rối trong hậu trường và lằng nhằng về vấn đề pháp lí.

Lê Giang
.
.
.