John Terry, “người dẫn đầu" bất khả xâm phạm

Thứ Ba, 27/05/2014, 15:53
Tại Chelsea, người quyền lực nhất luôn là tỷ phú Roman Abramovich. Thứ đến là HLV Mourinho. Nhưng trên sân cỏ và phía sau hậu trường Chelsea, cũng giống như tất cả các CLB lớn, luôn có những nhân vật nắm giữ vai trò của "người dẫn đầu". Và trong cả một thập kỉ qua, kẻ đó luôn là John Terry.

1. Trong làng bóng đá Anh đầy rẫy thị phi, một cầu thủ có thể nhanh chóng dễ dàng nổi danh, nhưng cũng rất dễ sa ngã và trở thành một "biểu trưng" của những sự tệ hại. Rất nhiều ngôi sao đến với giải bóng đá Anh, nhưng rồi phải nhanh chóng rời đi như một kẻ thất bại. Áp lực từ truyền thông, cạm bẫy trong cuộc sống, và cả cách ứng xử cũng có thể giết chết tên tuổi một cầu thủ tài danh. Những người tồn tại được lâu dài trong thế giới bóng đá Anh không chỉ cần có tài năng, mà cần có cả bản lĩnh, sự dạn dày để chống lại những mũi dùi luôn sẵn sàng ghim vào họ. Và thực tế, bóng đá Anh không thiếu những ngôi sao lớn như vậy. Trong đó, John Terry được coi là một "người hùng" như thế.

Trong quang thời gian 16 năm khoác áo Chelsea, Terry đã trải qua 13 triều đại HLV với tổng cộng 12 người đến rồi đi. Có người thành công, phần lớn thất bại. Nhưng tại đây, chỉ có duy nhất 1 người không bao giờ mất vị trí, cũng không bao giờ mất đi quyền trượng, uy quyền. Đó chính là Terry. Không chỉ là đội trưởng, Terry còn củng cố vai trò, tầm ảnh hưởng của mình lên đội bóng như một biểu tượng bất khả xâm phạm. Không chỉ là đội trưởng, là thủ lĩnh tinh thần, Terry còn giống như một "bố già" phía sau những trận đấu mà ta vẫn thấy trên truyền hình.

Chelsea, chỉ có Terry là người duy nhất có quyền quát mắng đồng đội trên sân, có thể tạo ra những cơn sóng ngầm và đương nhiên cũng có thể làm cho mọi chuyện êm thấm. Trong kỉ nguyên thứ nhất của Chelsea thời Mourinho (từ năm 2004 đến 2007), Lampard, A.Cole, Drogba, Cech cùng Terry tạo ra bộ khung không thể thay thế. Thậm chí, có lúc nhiều người cho rằng, vai trò, ảnh hưởng và tiếng nói của Lampard đậm nét nhất. Đến mức chiếc băng đội trưởng đã từng được cân nhắc trao cho Lampard. Nhưng rồi, tất cả thuộc về Terry, và Lampard dù được đánh giá hay hơn, quan trọng hơn Terry nhưng vẫn phải im lặng chấp nhận sau một cuộc chiến ngầm diễn ra âm thầm, ngắn ngủi và chóng vánh.

Thứ gọi là "quyền lực Terry" được tạo ra thế nào? Từ những scandal. Terry "sống sót" qua mọi "vụ án tày trời". Và từ đó, quyền lực ra đời.

2. Terry được ca tụng nhờ khả năng lãnh đạo trên sân cỏ, nhờ tài năng và phẩm chất của một thủ lĩnh. Nhưng bên cạnh đó, Terry còn nổi danh nhờ tính cách lăng nhăng công khai, rượu chè, cờ bạc. Cuộc sống của Terry được báo chí Anh mô tả là "đầy màu sắc". Cuối năm 2001, chỉ 3 năm sau được đưa lên đội 1 Chelsea, Terry và 3 đồng đội của mình bị phạt 2 tuần lương khi bị cáo buộc say rượu gây náo loạn và chế giễu du khách Mỹ tại London về thảm họa 11-9, một hành vi không thể chấp nhận nổi. Chỉ 2 tháng sau, Terry lại bị bắt vì ẩu đả tại hộp đêm và khiến một bảo vệ phải nhập viện. Hai năm sau, Terry lại bị bắt vì đánh bạc trái phép 40.000 bảng trong các cuộc cá độ đua ngựa. Và đỉnh điểm của cá tính Terry là vụ cướp bạn gái của người bạn thân Wayne Bridge làm chao đảo làng showbiz nước Anh. Điều đáng nói là trước lễ kết hôn có giá hơn 1 triệu bảng với cựu hoa hậu Toni Poole, Terry đã từng thẳng thắn thừa nhận trước đám cưới của mình rằng: "Tôi đã ngủ với 8 cô gái sau lưng vợ tôi. Đó là điều sai trái. Cô ấy biết và tôi sẽ không bao giờ lặp lại điều đó". Dù dính vào vụ scandal tày trời này, nhưng Terry vẫn… "sống khỏe", và trớ trêu hơn khi trước đó chưa đầy 1 năm, anh này còn được độc giả truyền thông bầu chọn là "ông bố của năm". Bridge bị loại khỏi ĐTQG tham dự World Cup 2010 vì mâu thuẫn với Terry, còn cầu thủ này vẫn đeo băng đội trưởng Chelsea, được phục hồi chức đội trưởng ĐT Anh sau 1 năm. Thẩm phán tòa án Anh ra lệnh cấm báo chí Anh nói về việc cáo buộc Terry, vài tờ báo lớn phải đưa ra lời xin lỗi… Và ở Chelsea, Terry vẫn vững như bàn thạch. Thậm chí, cách đối diện với giới truyền thông còn khiến Terry trở nên "đáng sợ" hơn rất nhiều.

W.Bridge và Terry.

Tuy nhiên, đó chỉ là thứ quyền lực đến từ một "ông chủ" đích thực trong mọi tình huống, khiến những "thằng em" phải nể sợ. Ngoài chuyện tạo ra scandal và giải quyết scandal, Terry còn tạo được một "hệ thống" có thể khống chế toàn bộ phòng thay đồ, với những "thân hữu" từ những đồng đội trên sân cỏ đến những phe cánh xã hội bên ngoài, thậm chí là cả cánh báo chí. Chính vì những mối quan hệ đó, Terry đã có thể tham gia vào mọi hoạt động của đội bóng, kể cả việc sắp xếp, tổ chức những tour du lịch bị cấm ở Chelsea.

Đỉnh điểm của quyền lực mà Terry tạo ra là việc anh có thu nhập thường xuyên từ những tour du lịch sân Stamford Bridge, thậm chí là đứng ra dàn xếp để tổ chức các chuyến thăm "tử cấm thành" Cobham, nơi đội bóng tập luyện. Đây là khu tổ hợp bóng đá của Chelsea, cấm mọi hoạt động du lịch. Nơi ấy có hơn 50 hệ thống camera giám sát, có khoảng hơn 100 nhân viên phục vụ, an ninh, được bảo vệ suốt ngày, được HLV của đội khi đó là Ancelotti cấm tuyệt đối. Thế nhưng, Terry vẫn có thể kiếm tiền bằng cách tổ chức những tour vào thăm nơi này.

Một bằng chứng được đưa ra tố cáo Terry đã ngấm ngầm liên kết với Tony Bruce (một người hướng dẫn du lịch nổi tiếng) tổ chức các chuyến thăm sân tập của Chelsea, kéo dài trong khoảng 20 phút. Số tiền bàn giao được ghi lại rõ với 200 tờ 50 bảng, tổng cộng 10.000 bảng mỗi chuyến đi như vậy. Mỗi khoản phí 10.000 bảng, Bruce nhận 2.000 bảng còn lại Terry bỏ túi. Trong chuyến đi 20 phút này, khách hàng được xem toàn bộ cơ sở vật chất, có thể thấy những cầu thủ Chelsea mặc quần lót ngồi tán gẫu bên bể bơi, Cech cởi trần chơi bóng bàn, được ăn bữa trưa trong căng tin của Chelsea với giá 50 bảng, ngồi gần nơi mà đội bóng thường đến ăn.

Trong cuốn băng tư liệu tố cáo, có những đoạn hội thoại, ở đó Terry rất tự tin, vui vẻ và có nhắc đối tác của mình: "Giữ kín. Nếu CLB biết thì…". Tiếp đó, anh còn nhắc luôn: "Nếu bị phát hiện thì đừng có nói tên tôi vào đó. Tôi không biết gì đâu!". Bên cạnh việc tổ chức tour du lịch chui, Terry còn dính líu đến việc tuồn vé ra chợ đen và đầu mối cũng là Bruce, tổ chức một số cuộc gặp với chính mình tại Stamford Bridge với chi phí 5.000 bảng mỗi người. Khi du khách đến Cobham, họ được khoác danh nghĩa là "khách mời của Terry", có thẻ vào đàng hoàng. đích thân Terry sẽ ra tiếp và dẫn họ đi khắp nơi, thậm chí vào cả phòng massage, nơi A.Cole trần như nhộng nằm trên giường…

3. Khi thông tin tổ chức tour du lịch chui bị phát hiện, Terry thản nhiên khẳng định, số tiền anh nhận từ Bruce là để làm từ thiện cho các quỹ hỗ trợ trẻ em cơ nhỡ. Lí do đầy tính nhân văn ấy chẳng khiến ai tin nổi. Một cầu thủ nhận mức lương 160.000 bảng/tuần, là người nằm trong top 20 cầu thủ giàu nhất Premier League, Terry vẫn phải đi cóp nhặt từng đồng như vậy sao? Chuyện tiền có lẽ không phải là vấn đề chính trong việc Terry "vi phạm nội quy", mà đó là cá tính. Cá tính của một người luôn thích phá rào, thích làm những điều mà người khác không thể làm được. Đó cũng là cách để Terry thể hiện vị trí của mình.

Một lí do khác cũng được báo chí đặt ra, đó là tính cách của Terry, một người nổi loạn và có những thói quen xấu từ gia đình. Cha của Terry từng buôn thuốc phiện lẻ và bị bắt. Mẹ Terry cũng từng trộm đồ và bị bắt quả tang… Thế nhưng, mọi scandal mà Terry và gia đình tạo ra chẳng hề ảnh hưởng đến anh khi thi đấu, càng không ảnh hưởng đến tiếng nói và vị trí đội trưởng mà đương nhiên thuộc về anh.

Sân tập Cobham của Chelsea.

Quan trọng hơn là tất cả những sự vụ động trời liên quan đến cầu thủ này đều tự khắc chìm xuồng và chẳng bao giờ được nhắc tới sau khi có thông tin lộ ra. Kể cả khi BLĐ Chelsea biết việc Terry tổ chức tour chui, họ vẫn bảo vệ đội trưởng của mình và im lặng cho qua mọi chuyện. Vẫn là một Terry đầy sức mạnh, nhiệt huyết chiến đấu như một chiến binh quả cảm trên sân.  Thậm chí, tiếng nói của Terry còn có giá trị với mọi HLV đến đây.

Từ Ancelotti, Villas-Boas, Benitez, và cả Mourinho… đều thừa nhận rằng, Terry là nhân vật quan trọng trong phòng thay đồ của Chelsea. Terry còn có thể là kênh thông tin của HLV, được hỏi tham khảo chiến thuật và phán xét một cá nhân trong đội. Có thể đó là vai trò của đội trưởng, nhưng đó cũng là sự tôn trọng tuyệt đối mà bất kì ai tại Chelsea cũng phải dành cho Terry. Vì thế mới nói, phía sau sân khấu bóng loáng mà Chelsea phô diễn mỗi tuần, luôn có bóng dáng một "bố già" có khả năng chỉ huy. Ở Cobham, đó là Terry!

Chợ đen du lịch chui ở Permier League

Hiện nay, mới chỉ phát hiện ra duy nhất vụ Terry tổ chức tour du lịch chui ở Chelsea, nhưng có nhiều thông tin cho rằng, Tony Bruce không chỉ là đối tác của duy nhất Terry. Sau mỗi chuyến du lịch vào Cobham, khu huấn luyện mật của Chelsea, Bruce đều đưa ra lời mời du khách có thể đến nơi tập huấn kín của các CLB lớn ở Anh như Man Utd, Man City, Tottenham, Liverpool, Arsenal… Ở tất cả các CLB này, Bruce đều có đầu mối để đưa du khách lọt vào những khu vực cấm. Như vậy, ở các CLB lớn đều có những "bố già" kiểu Terry kiểm soát, đỡ đầu cho các hoạt động "kiếm tiền lẻ" trái phép. Nếu mỗi chuyến đi trị giá trung bình 10.000 bảng, công thêm khoản phí gặp một ngôi sao, người đứng ra tổ chức dàn xếp kiểu Terry sẽ thu về không dưới 13.000 bảng mỗi chuyến, mỗi người. 

Không chỉ dàn xếp các tour du lịch, Bruce cũng là người cung cấp vé chợ đen các trận đấu liên quan đến các CLB này. Số lượng vé không hạn chế bởi các cầu thủ đều có thể dễ dàng có vé xem trận đấu của đội mình. Và nguồn vé này được tuồn từ các "bố già" trong đội. Số tiền bán vé sẽ theo giá chợ đen, và có thông tin cho rằng, tỷ lệ ăn chia thường là 70 cho cầu thủ, 30 cho Bruce. Dù chỉ là "kiếm tiền lẻ", nhưng sau mỗi mùa giải, nếu "có khách" đều đặn, Terry có thể thu về cả vài trăm ngàn bảng mỗi mùa. Mà thực tế thì Terry cũng chẳng mất công sức làm gì cả.

Lê Giang
.
.
.