Jose Mourinho, người đặc biệt, nhưng không phải để yêu

Thứ Sáu, 24/04/2015, 10:30
Với chiến thắng tối thiểu 1-0 trước Manchester United ở vòng đấu cuối tuần qua, Chelsea đã tiếp tục xây chắc ngôi đầu ở giải Ngoại hạng. Có lẽ, chỉ khi có phép màu xảy ra thì phần còn lại của giải đấu mới có thể ngăn thày trò Jose Mourinho thẳng tiến đến chức vô địch, khi mà Chelsea đã có nhiều hơn đội xếp thứ 2 tới 10 điểm…
Cho dù Louis van Gaal đã bác bỏ chuyện đội bóng của ông đã mắc bẫy của Jose Mourinho. Nhưng dĩ nhiên, chẳng ai có thể phủ nhận rằng chiến thắng của CLB thành London có dấu ấn đậm nét của Người đặc biệt.

Trong suốt cả trận đấu tại Stamford Bridge, Chelsea chỉ cầm bóng có 29% - tỉ lệ thấp nhất kể từ khi hãng thống kê Opta ra đời năm 2006. Nhưng với Mourinho thì chi tiết ấy chẳng mảy may có chút giá trị gì: "Họ (Manchester United) có cầm bóng tới 99%. Khi bạn nhìn trận đấu dưới góc độ chiến lược, bạn không việc gì phải bận tâm đến các con số thống kê, quan trọng nhất là điểm số".

Mourinho đơn giản là như thế. Một HLV đề cao sự thực dụng đến cực đoan. Ông chỉ quan tâm duy nhất đến một thứ duy nhất, đó là hiệu quả. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà trong cả 7 chiến thắng gần nhất ở giải Ngoại hạng, Chelsea của Mourinho đều chỉ vượt qua đối thủ với tỉ số cách biệt đúng 1 bàn. Gần như mọi trận đấu đều được Mourinho tính toán rất kĩ, lập trình kỹ càng để hướng tới hiệu quả tối đa. Điển hình như ở cuộc tiếp đón Manchester United, vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha đã bố trí trung vệ trẻ Kurt Zouma đá tiền vệ trung tâm để càn quét, phá vỡ kết cấu hàng tấn công của đội khách.

Thậm chí, Mourinho còn sẵn sàng sử dụng tiểu xảo, nếu không muốn nói là trò bẩn để hướng tới mục tiêu chiến thắng. Khi mới dẫn dắt Porto (ở nửa sau mùa 2001-2002), Mourinho còn đã tự bỏ tiền ra thuê…. gián điệp để trinh sát xem đội bóng cũ Benfica của ông sẽ sử dụng nhân sự như thế nào trong cuộc chạm trán Porto. Bởi vì với mỗi cách bố trí con người cụ thể của Benfica, Mourinho sẽ có những đối sách tương ứng.

Người điệp viên ấy chính là nhân vật vẫn được Mourinho dùng để trinh sát những đối thủ khác, khi ông còn ở Benfica. Và Mourinho đã dùng chính con người ấy để chống lại Benfica. Tay này đột nhập vào những buổi tập, cố sử dụng những mối quan hệ để lân la hỏi chuyện rồi gửi về cho Mourinho một bản bảo cáo. Tất nhiên, khi đã nắm rõ đối phương bày binh bố trận thế nào, chiến thắng không thể thoát khỏi tầm tay của Mourinho.

Ngay cả ở thời điểm đã thành danh, Mourinho cũng vẫn bất chấp dư luận để giúp đội nhà có kết quả tốt nhất. Ví dụ như ở mùa giải 2005-2006, ở nhiệm kì thứ nhất của Mourinho ở Chelsea, khi CLB của ông phải đối mặt với Barcelona ở vòng 2 Champions League, HLV này đã cho đổ xuống mặt sân Stamford Bridge hàng tấn cát để nhằm hạn chế lối chơi kỹ thuật của đội khách.

Nhiều người có thể không đồng tình với những hành động có vẻ thiếu fair play của Mourinho. Nhưng ở khía cạnh nào đó, những câu chuyện ấy lại cho thấy khát khao chiến thắng của Mourinho mãnh liệt như thế nào. Người đặc biệt luôn mày mò mọi cách, mọi phương án để đưa đội nhà đến thành công. Đáng nói hơn là ông còn chẳng ngại ngần đánh đổi danh tiếng và thương hiệu của bản thân để lấy một kết quả có lợi cho đội bóng. Chắc chắn không có nhiều HLV dám hi sinh như Mourinho. Nhất là khi người ta đã ở đỉnh cao danh vọng, có trong tay tất cả. Song Mourinho thì khác, ngoài những trò bẩn kể trên, không ít lần vị HLV 52 tuổi này đã cố tình vào vai ác với những phát ngôn gây sốc để làm giảm áp lực lên đội bóng, lên các học trò.

Nói một cách khác, Mourinho luôn đặt mình xuống dưới đội bóng. Dù ngoài miệng Mourinho luôn đầy vẻ kiêu ngạo, nhưng thật ra ông chỉ coi mình là một mắt xích phục vụ tập thể. Điều đó hoàn toàn phù hợp với triết lý "vị tập thể" mà ông theo đuổi. Ông không cho phép ai, kể cả chính mình đứng trên tập thể. Khi còn dẫn dắt Porto, trên cánh cửa vào phòng thay đồ của đội bóng, Mourinho đã cho dán dòng chữ: "Ở đây không ai được phép, ngoại trừ chúng ta". Bản thân Mourinho cũng từng phát biểu rằng: "Một trong những điều quan trọng nhất mà tôi đã học được từ Sir Bobby Robson đó là khi bạn chiến thắng, bạn không nên nghĩ rằng mình là cả đội bóng".

Đừng bị vẻ bề ngoài của Mourinho đánh lừa. Ẩn sâu sau bộ dạng của một con sói già luôn giương nanh, khoe vuốt ấy lại là một bản ngã rất bình dị. Mới đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Telegraph, Mourinho đã thổ lộ rằng ông thích ở London, vì ở đây "tôi có thể sống một cuộc đời gần như bình thường".

Ngoài ra, Mourinho cũng nói rằng ông vẫn tự nhủ bóng đá chỉ là một trò chơi, và những nhân vật như ông hay kể cả là Ronaldo hay Messi chẳng thể tạo ra giá trị đặc biệt: "Chúng tôi chẳng cứu mạng được ai! Làm sao bạn có thể so sánh một cầu thủ bóng đá, một HLV với một nhà khoa học, một bác sĩ".

Mourinho là một con người kì lạ như thế. Giữa những gì ông thể hiện ra ngoài và con người thật của Mourinho có rất nhiều mâu thuẫn, thậm chí gần như đối lập nhau. Người ta không dễ yêu Mourinho, nhưng khi đã hiểu Mourinho thì Người đặc biệt lại thực sự khiến người ta phải mê mệt.

Trong cuốn tự truyện của mình, Sir Alex Ferguson đã viết rằng khi Mourinho mới đặt chân lên đất Anh và tuyên bố bản thân là người đặc biệt thì ông đã nghĩ rằng Mourinho đúng là một gã ngông cuồng. Nhưng sau đó, chính vị HLV khó tính của Man United lại có rất nhiều thiện cảm với Mourinho.

Và với một nhân vật đặc biệt, kì tài như Mourinho trên băng ghế huấn luyện có thể tin rằng Chelsea sẽ còn chinh phục những đỉnh cao mới. Giống như vị chiến lược gia này kể rằng sau khi Porto giành UEFA Cup ở mùa 2002/2003, báo chí Bồ Đào Nha đã mô tả đấy là một chiến tích không thể nào quên, chỉ riêng Mourinho thì bảo: "Không thể nào quên, nhưng có thể lặp lại". Kết quả thì ai cũng biết ngay mùa sau ông cùng Porto đã đăng quang tại Champions League.

Mourinho cũng muốn học chơi đẹp

Khi Sir Alex Ferguson còn cầm quân, huyền thoại của Manchester United đã có rất nhiều lần đối đầu với Jose Mourinho. Và Sir Alex chính là đối thủ để lại cho Mourinho nhiều ấn tượng nhất. Hai người chạm trán nhau lần đầu là vào năm 2004, khi Porto loại Manchester United khỏi Champions League.

Dù là người thất bại, nhưng Sir Alex vẫn khiến Mourinho phải thán phục: "Đó là khi tôi cảm thấy hai mặt của một nhân vật lớn. Mặt thứ nhất là một người tìm mọi cách để chiến thắng. Nhưng mặt kia là một người rất có nguyên tắc, tôn trọng đối thủ và chơi đẹp. Trong văn hóa của chúng tôi, không có mặt thứ hai. Chúng tôi lao vào trận đấu và tìm mọi cách chiến thắng. Nhưng khi chúng tôi đánh bại Manchester United, tôi biết thêm được mặt kia, mà tôi giờ cũng đang cố gắng xây dựng cho mình".

Về phần mình, Ferguson sau này cũng tiết lộ rằng ở trận đấu đó ông rất bực mình với những tiểu xảo mà các cầu thủ Porto đã sử dụng, trong đó có cả tình huống dẫn đến chiếc thẻ đỏ oan của đội trưởng Roy Keane bên phía Man United.

Bước ngoặt đến từ Louis van Gaal

Mourinho vươn lên trở thành một trong những HLV xuất sắc nhất trong lịch sử từ bệ phóng là một phiên dịch viên, rồi sau đó là một trợ lý HLV cho Sir Bobby Robson, tiếp đó là cho Louis van Gaal. Và có lẽ sự nghiệp của Mourinho đã không thể có được thành tựu như hiện tại nếu không có van Gaal. Trong quãng thời gian cầm quân ở Barca, van Gaal đã nhìn ra tiềm năng huấn luyện của Mourinho và trao cho ông này rất nhiều cơ hội để phát triển.

Cụ thể, bên cạnh vai trò là trợ lý HLV, van Gaal còn cho phép Mourinho phát triển một phương pháp huấn luyện riêng của Người đặc biệt để áp dụng cho đội B của CLB. Ngoài ra, ở một số trận đấu không quan trọng, van Gaal còn cho phép Mourinho thử dẫn dắt Barcelona.Không những thế, khi Mourinho rời Nou Camp, chính van Gaal đã khuyên Mourinho nên từ bỏ vai trò trợ lý để theo đuổi nghiệp HLV. "Khi tôi nói với van Gaal rằng tôi sẽ trở lại Bồ Đào Nha để làm trợ lý cho Benfica. Ông ấy nói rằng: đừng đi. Cậu hãy trả lời Benfica rằng nếu họ cần một HLV trưởng thì cậu sẽ đến đó. Còn không thì thôi". Mourinho kể lại. Và Benfica đã trở thành đội bóng đầu tiên mà Mourinho khởi nghiệp. (T.Ð.)

Tất Đức
.
.
.