Kepa công khai "chống" HLV trưởng:

Mất quyền kiểm soát Sarri còn "trụ" lại bao lâu?

Thứ Sáu, 01/03/2019, 09:28
Mối bất đồng giữa HLV Maurizio Sarri và các cầu thủ Chelsea vốn chỉ là những tin đồn cho đến lúc thủ môn Kepa Arrizabalaga gay gắt từ chối rời sân ở chung kết League Cup. Đó là minh chứng không thể rõ ràng hơn cho thấy Sarri đã mất hoàn toàn uy quyền với các cầu thủ.


Tiến thoái lưỡng nan

HLV Sarri đã cười sau khi trận chung kết League Cup kết thúc dù phải nhận thất bại. Tại phòng họp báo sân Wembley, ông không chê trách thủ môn Kepa dù chỉ một lời. Những gì Sarri làm hoàn toàn khác với phản ứng của chính ông trước đó 1 giờ đồng hồ.

Cuối hiệp phụ thứ 2 trận chung kết, Kepa bị đau sau một pha va chạm mạnh. HLV Sarri quyết định tung Willy Caballero vào sân. Tuy nhiên, thay vì nghe theo lời HLV, Kepa liên tục xua tay, ra dấu anh còn thi đấu được dù phải điều trị chấn thương 2 lần.

Kepa quyết liệt chống lại lệnh thay người của Sarri.

Hành động của Kepa khiến Sarri bùng nổ cơn giận dữ. Ông la hét trên băng ghế chỉ đạo, xuống đường biên chỉ trỏ, rồi trở lại đập tay lên ghế ngồi. Nhưng chừng đó không đủ thuyết phục Kepa rời sân. Người đồng đội Willy lầm lũi trở lại ngồi dự bị, còn Kepa vẫn liên tục giơ ngón cái ra dấu "Tôi ổn".

Kepa chơi không tồi trong loạt đá phạt đền sau đó. Anh đẩy thành công cú sút của Sane, nhưng không thể ngăn nổi Chelsea nhận thất bại. David Luiz và Jorginho đá hỏng, nhưng Kepa lại trở thành tâm điểm chỉ trích vì tình huống chống lệnh HLV.

Chelsea đã thông báo quyết định phạt Kepa một tuần lương. Tuy nhiên, xét trên toàn cảnh, người gặp bất lợi nhiều nhất lại là Sarri. Trong trường hợp Chelsea giành chiến thắng, ban lãnh đạo có thể vướng vào một tình huống cực kỳ khó xử nếu Kepa lại chính là người hùng mang về chiến thắng.

Bằng việc công khai chống lệnh thay người, Kepa đã đưa Sarri vào tình huống tiến thoái lưỡng nan. Nửa năm trước, ban lãnh đạo Chelsea phải chi đến 71 triệu bảng để chiêu mộ Kepa, và Sarri khó có thể đẩy anh lên ghế dự bị.

Tương lai bất định

Chứng kiến phản ứng của Kepa trước Sarri, HLV Jose Mourinho thốt lên nói ông "may mắn vì chưa bao giờ gặp phải một tình huống như vậy". Mourinho có thể là ác quỷ trong phòng thay đồ, nhưng ông luôn khiến các cầu thủ phải tuân theo ý ông dù họ không muốn. Sarri không cương quyết như Mourinho, vậy nên ông dần mất kiểm soát phòng thay đồ.

Sarri chắc chắn rất giận dữ với thái độ của Kepa - những gì ông thể hiện trên sân cũng chứng minh điều đó. Tuy nhiên sau trận đấu, ông vẫn phải xuống nước làm lành với cầu thủ này. Quyết định bảo vệ Kepa sau trận đấu thể hiện qua câu nói: "Kepa đã đúng, chỉ là thể hiện ra bên ngoài không đúng" cho thấy Sarri hoàn toàn ở thế dưới cơ các cầu thủ Chelsea.

"Nếu một HLV mất kiểm soát, người đó sẽ không thể trụ lại lâu", Sir Alex Ferguson tổng kết sau 4 thập niên huấn luyện. "Bạn không được phép mất quyền kiểm soát, bởi bạn đang phải làm việc cùng 30 cầu thủ hàng đầu, và tất cả họ đều là triệu phú. Nếu để bất cứ ai nổi dậy, tất cả họ sẽ đứng lên chống lại bạn". Sir Alex đã làm đúng như những gì ông nói. David Beckham, hay Roy Keane đã phải ra đi vì chống lại HLV trưởng.

Sarri mất quyền kiểm soát đến mức phải xuống nước vụ Kepa.

10 năm trước, một tình huống tương tự cũng xảy ra với Man City mùa giải 2009-2010. Craig Bellamy từ chối lệnh thay người của HLV Mark Hughes trong trận derby thành Manchester. Dù Bellamy sau đó đã ghi bàn ở phút bù giờ, nhưng Man City vẫn phải nhận thất bại chung cuộc 3-4 vì bàn thắng ở những giây cuối cùng của Michael Owen.

Chiến thắng đó như một lời khẳng định đẳng cấp từ Man Utd trước "những gã hàng xóm ồn ào", nhưng với Man City, đó cũng là dấu hiệu cho thấy ông không thể khiến các cầu thủ nghe lời. Sau trận thua Man Utd, Man City trải qua chuỗi 7 trận hòa liên tiếp. Đến tháng 12, Hughes chính thức bị sa thải, một quyết định được Sir Alex nhận định là "ngu ngốc và nóng vội". Từ ngày Bellamy "nổi loạn" đến ngày Hughes ra đi chỉ cách nhau 3 tháng.

Câu chuyện của Hughes trước đây, hay Sarri hiện nay, trùng hợp thay đều xảy ra ở những đội bóng có ông chủ tỷ phú. Roman Abramovich hay Sheikh Mansour đã không tiếc tiền đầu tư, biến những đội bóng "thường thường bậc trung" trở thành ông lớn tầm cỡ châu lục. Nhưng đổi lại, họ cũng góp phần tạo ra một thế hệ cầu thủ coi thường HLV, tự cho mình có quyền lớn hơn HLV trong phòng thay đồ.

Pep Guardiola có thể đang kiểm soát tốt Man City, nhưng đó là nhờ ông có được sự ủng hộ nhất trí từ những ông chủ Trung Đông. Bên cạnh đó, Pep cũng có xu hướng chọn những cầu thủ "ngoan ngoãn, biết nghe lời". Chelsea lại là một môi trường hoàn toàn khác. Nơi đây vốn đầy rẫy những cầu thủ mang cá tính lớn như Eden Hazard, David Luiz hay trước đây là John Terry, Didier Drogba.

Dưới kỷ nguyên Abramovich, trung bình mỗi HLV chỉ trụ lại Chelsea đúng 1 mùa giải. Sarri nhiều khả năng cũng không nằm ngoài quy luật trên. Trong kỳ chuyển nhượng mùa đông, Chelsea đã duyệt chi 55 triệu bảng chiêu mộ Pulisic mà không hề báo trước cho HLV trưởng. Đó là minh chứng cho thấy Chelsea hoàn toàn sẵn sàng cho một tương lai không có Sarri.

Lối thoát nào cho Sarri và Chelsea?

Chính bản thân Kepa cũng không thể lường trước hành động của anh gây ra sự phản cảm lớn đến vậy trong mắt công chúng. Kepa đã phải thông báo xin lỗi trên mạng xã hội, nói hành động của anh chỉ là hiểu nhầm. Tuy nhiên, trong trường hợp nhận thức rõ trách nhiệm của một cầu thủ, Kepa hiểu anh phải tuân theo quyết định của HLV. Paul Pogba từng nhẫn nhịn ngồi dự bị dưới thời Mourinho là minh chứng rõ ràng nhất về thái độ một cầu thủ cần phải có.

Rudiger vướng phải rắc rối vì anh trai công khai chỉ trích Azpilicueta.

Hành động của Kepa không chỉ thiếu chuyên nghiệp, mà còn cho thấy anh không tôn trọng người đồng đội Willy Caballero. Kepa sẽ bị cả tập thể Chelsea quay lưng, trừ khi anh là một phần trong nhóm "quyền lực đen" đang chống lại Sarri trong phòng thay đồ.

Về phần Sarri, ông từng gây ấn tượng trong giai đoạn đầu mùa giải. Triết lý Sarri với trọng tâm xoay quanh việc kiểm soát bóng tuyệt đối từng giúp Chelsea cạnh tranh quyết liệt vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên sau đó, Chelsea dần hụt hơi khi bị đối phương bắt bài. Triết lý Sarri chỉ đơn giản là tuyến dưới tập trung đưa bóng cho Jorginho để anh chuyền bóng lên cho Hazard độc diễn. Khi Jorginho bị khóa chặt, Chelsea cũng không còn giành những chiến thắng thuyết phục nữa.

Trong tình cảnh đó, Sarri có thể giải quyết bằng việc chuyển vai trò nhạc trưởng trên sân cho một tiền vệ khác. Nhưng thay vào đó, ông vẫn kiên quyết sử dụng Jorginho, cầu thủ được ông mang theo từ Napoli. Trái với kỳ vọng của Sarri, Jorginho chơi càng ngày càng vô hại trên sân và khiến những đồng đội như Kante không còn đất diễn.

Đẩy Jorginho lên ghế dự bị là lựa chọn khả dĩ nhất của Sarri, nhưng rất ít có khả năng ông làm. Bằng hành động đó, Sarri càng khiến mâu thuẫn trong phòng thay đồ Chelsea thêm sâu sắc. Còn về phía ban lãnh đạo Chelsea, nếu mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát, chắc chắn họ không thể bán tháo hàng loạt cầu thủ. Thay vào đó, sa thải Sarri và tìm một HLV mới sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, như cách họ từng làm suốt nhiều năm qua.

Hàng thủ Chelsea rối loạn vì... anh trai Rudiger

Kepa không phải là rắc rối duy nhất Chelsea, cũng như Sarri cần phải giải quyết lúc này. Sau Kepa, đến lượt trung vệ Antonio Rudiger gây hỗn loạn trong phòng thay đồ Chelsea. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ tình huống Kepa từ chối rời sân ở trận chung kết League Cup.

Trong số các hậu vệ Chelsea trên sân lúc đó, chỉ có một mình David Luiz đến nói nhỏ và thuyết phục Kepa rời sân. Những cầu thủ còn lại, bao gồm cả Cesar Azpilicueta - người đeo băng đội trưởng trên sân khi ấy - đều bàng quan trước vụ việc. Sau trận đấu, Azpilicueta giải thích: "Tôi không biết vì đứng ở phía bên kia sân. Tôi không thể bình luận gì cả".

Lời giải thích của Azpilicueta không được một nhóm cổ động viên Chelsea chấp nhận. Họ yêu cầu Azpilicueta phải thể hiện đúng trách nhiệm của một đội trưởng trên sân. Người quá khích nhất trong số này là Saif Rubie, anh trai kiêm người đại diện của Rudiger. Rubie thậm chí tuyên bố Azpilicueta nên bị tước băng đội trưởng.

Về phần Rudiger, anh không đưa ra bình luận nào về phát biểu có phần kích động của người đại diện. Rudiger cũng nằm trong số những cầu thủ Chelsea có mặt thi đấu trên sân lúc Kepa từ chối thay người. Dù vậy, Rubie vẫn khẳng định trên mạng xã hội: "Nếu em tôi đeo băng đội trưởng, cậu ấy sẽ dũng cảm đưa ra lựa chọn hợp lý hơn".

Lời giải thích của Azpilicueta không sai, nhưng khiến người hâm mộ Chelsea thấy phản cảm. "Điều tương tự không bao giờ có cơ hội xảy ra nếu đội trưởng trên sân là Terry, Cech hay Lampard", một cổ động viên khác bình luận. Đó là lý do Rubie nhận được nhiều ủng hộ bằng việc đề xuất tước băng đội trưởng của Azpilicueta và trao cho Rudiger.

Rubie khẳng định Rudiger là "một thủ lĩnh đích thực" và hoàn toàn phù hợp làm đội trưởng Chelsea. Tuy nhiên, đoạn thông điệp của Rubie sau đó nhanh chóng bị xóa trên mạng xã hội vì nhận nhiều phản ứng trái chiều.

Đơn Ca
.
.
.