Kết thúc cho một sự khởi đầu

Chủ Nhật, 22/05/2016, 13:30
Có nhiều điều đáng nhớ để nói về mùa giải 2015/2016. Đấy là chức vô địch lịch sử của Leicester, là sự kiện nước Pháp gạt bỏ tiền đạo giỏi nhất Karim Benzema sau bê bối tống tiền bạn đồng môn Valbuena khỏi chiến dịch Euro 2016, là một mùa giải thất bát nữa của Man Utd dưới triều đại của Van Gaal.


Nhưng 2015/2016 còn là một mùa bóng đặc biệt trong kỷ nguyên mở. Nó đánh dấu bước chuyển giao quan trọng trong tiến trình phát triển bóng đá đương đại. Từ Pep Guardiola tới Aston Villa rồi Ibrahimovich và cả Mikel Arteta, chưa bao giờ, làng cầu thế giới trải qua cuộc thay máu lớn như bây giờ.

Pep và Pel

Hơn 1.000 ngày qua, Bayern đã lần lượt xô đổ 3 kỷ lục chuyển nhượng do chính họ xác lập, còn Man City là đội chi đậm nhất trên sàn chuyển nhượng toàn cầu với hơn nửa tỷ bảng ném vào các phiên chợ. Không phải bàn cãi, họ là hai CLB tỏ rõ tham vọng xưng bá ở châu Âu nhất. Và tham vọng ấy được chắp cánh bởi Pep Guardiola và Manuel Pellegrini.

Pellegrini và Pep ra đi để bắt đầu một hành trình mới.

Pep tới Bayern trong tâm thế của kẻ bất khả chiến bại. Người Bavaria tin rằng ông sẽ nâng tầm “Hùm xám”, đội vừa chạm đỉnh châu Âu bước lên tầm cao vũ trụ. Rummenigge và các cộng sự chắc nịch Pep đủ sức giúp Bayern trở thành CLB đầu tiên phá bỏ lời nguyên Champions League.

Nhưng ba năm ở Allianz Arena là ba năm Pep gục ngã trước cửa thiên đường. Bayern luôn vào tới bán kết rồi thất bại. Nhưng đấy chưa phải thứ duy nhất ở Pep khiến giới mộ điệu ở xứ bia tươi thất vọng.

Họ thất vọng vì ông là HLV mua sắm tốn kém nhất lịch sử CLB nhưng lại không thể định hình một lối chơi cụ thể cho Bayern. Pep mang âm hưởng tiqui-taca sang miền Nam nước Đức và cố gắng hoàn thiện nó dưới bộ nhận diện thương hiệu mới song cứ mỗi lần Bayern gặp khó, phao cứu sinh của họ lại là các quả tạt cánh và tình huống cố định (tiêu biểu như trận gặp Juve và Atletico) – những ngón đòn mang thương hiệu người tiền nhiệm Jupp Heynckes.

Pellegrini, trên một bình diện nào đó, thành công hơn Pep. Ông giúp Man City vô địch Premier League thêm một lần và vào tới bán kết Champions League – điều mà Roberto Mancini bất lực trong 5 năm ở Etihad.

Ibra nói lời tạm biệt PSG sau 4 năm gắn bó.

Tuy nhiên, thời điểm hợp đồng cũ giữa đôi bên đáo hạn cũng là lúc thế hệ vàng của Man City bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp.

Toure, Silva, Zabaleta, Kompany và cả Aguero – tất cả đều đã chạm tuổi 30. Thành công của Pellegrini gắn liền với thời đỉnh cao của nhóm ngôi sao tạo ra dải Ngân hà phiên bản 1.0, nhưng một khi những công thần này đạt ngưỡng phong độ, sự nghiệp của Pellegrini tại Man City cũng chấm dứt.

Và quan trọng hơn cả, cá tính của Pellegrini không phù hợp với một đội bóng “tham lam” như nửa xanh thành Manchester. Ông không phải mẫu HLV sẵn sàng đối đầu với những cá tính lớn khi hè tới, nhà Mansour sẽ tiếp tục rót tiền nâng cấp đội hình.

Vào ngày BLĐ Man City ra thông cáo báo chí tuyên bố Pep Guardiola sẽ thay thế Manuel Pellegrini trên chiếc ghế nóng ở Etihad, ấn phẩm La Nacion giật dòng tít: “Pep và Pel”.

Cái tít này hay ở chỗ dù ngắn gọn nhưng làm nổi bật được sợi dây chắp nối giữa hai HLV, hai CLB tới từ những trường phái bóng đá khác nhau: Cả Bayern và Man City đều nhận ra, Pep và Pellegrini không phải mảnh ghép hoàn hảo với CLB như họ vẫn lầm tưởng cách đây 3 năm.

Bayern cần quay về phong cách dứt khoát thay vì lối chơi ru ngủ như chính đội trưởng Lahm thừa nhận. Vì thế, họ mời Ancelotti. Man City muốn tiếp tục nâng cấp phẩm chất để trở thành đội bóng lớn theo đúng nghĩa. Vì thế, họ chọn Pep, HLV với tư duy chiến thuật hiện đại và thói quen cai trị tập thể đầy sao. Pellegrini, với kinh nghiệm dẫn dắt những đội bóng vừa và nhỏ cùng tình yêu dành cho mẫu cầu thủ biên thuần chủng, nhiều khả năng sẽ tới Milan.

Pep và Pel kết thúc công việc trong mơ nhưng không có nghĩa là dừng cuộc chơi. Họ chỉ đơn giản là mở ra những cánh cửa khác để đi tới chân trời mới phù hợp hơn.

Aston Villa và cái thở phào khi… xuống hạng

Nhắc tới Premier League là khán giả nhớ về Arsenal, Man Utd hay Chelsea. Nhưng kỳ thực, một chương quan trọng trong lịch sử về giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh được viết nên bởi Aston Villa. Họ nằm trong nhóm 6 đội chưa từng xuống hạng trước mùa 2015/2016, và cũng là đội bóng xây những viên gạch đầu tiên cho sự ra đời của giải VĐQG Anh.

Villa thành lập năm 1874, là CLB chuyên nghiệp đề xuất ý tưởng xây dựng một giải bóng đá theo thể thức vòng tròn tại Anh. Năm 1888, Football League ra đời. Đến năm 1992, khi những nhà làm nghề muốn phát triển giải VĐQG Anh theo hướng công ty cổ phần, Aston Villa chính là cổ đông đầu tiên.

Xuống hạng hóa ra là cơ hội để Villa làm lại - và cũng là dịp để người Anh thay đổi tư duy làm bóng đá.

Nhưng đội bóng lâu đời bậc nhất xứ sương mù không tránh khỏi cảnh xuống hạng khi mùa giải 2015/2016 khép lại. Thực ra, đó là kết cục được báo trước. Kể từ khi rơi vào tay tài phiệt Randy Lerner vào năm 2006, số phận của đại diện vùng duyên hải luôn rơi vào trạng thái báo động đỏ.

Giống nhiều nhà đầu tư ngoại quốc khác, Lerner chủ trương bán đi những cầu thủ tốt nhất để kiếm lời. Trong 6 năm qua, Villa đã thực hiện 5 giao dịch với món hàng là các… đội trưởng đương thời, thu về 101 triệu bảng. Nhưng khi cầm tiền trong tay, Lerner cho thấy ông ta thiếu hiểu biết về việc tái tạo năng lượng.

CLB thường xuyên đem về những hợp đồng mà dân gian gọi là “trời ơi đất hỡi”, rồi lại trả cho những cầu thủ vô danh tiểu tốt này mức lương phi thực tế. Một ví dụ: Hè 2015, Villa chi 53 triệu bảng đem về 8 tân binh, nâng quỹ lương của toàn đội lên đến 105 triệu bảng. Đến một trung vệ hết thời và hiếm khi đá chính như Vlaar cũng nhận 11.5000 bảng/tuần, bảo sao trong 9 năm Lerner tiếp quản Villa, báo cáo tài chính luôn âm, trung bình 28 triệu bảng/mùa, trong khi biểu đồ quỹ lương chỉ một lần đi xuống vào năm 2014.

105 triệu bảng trả cho cầu thủ không phải con số quá lớn, nhưng lại là đồ sộ nếu chiếu theo tỷ lệ lương/lợi nhuận. Tính ra, cứ mỗi 1 triệu bảng kiếm được, Villa phải bù thêm 500.000 bảng để trả lương cho một cầu thủ. Đây là hiệu suất cao thứ 2 Premier League, chỉ sau Chelsea.

Công tư phân minh

Mikel Arteta và Mathieu Flamini, hai công thần của Arsenal đã nói lời tạm biệt khán giả Emirates vào tối chủ nhật. Những tiền vệ trung tâm này không nằm trong kế hoạch sử dụng của HLV Wenger nhưng đều được cơ cấu vào thành phần ban huấn luyện trong tương lai gần.

Ngặt nỗi, không ai trong số họ gật đầu trước lời mời chào của BLĐ Pháo thủ. Arteta sẽ chuyển sang làm việc tại… Etihad Campus, khu đào tạo của Man City từ mùa tới. Tiền vệ người TBN thẳng thắn chia sẻ trên Sky Sports: “Ở đó có hệ thống sân, cơ sở vật chất tốt nhất Anh. Vả lại, mạng lưới tuyển trạch, săn đầu người của Man City trải dài khắp thế giới. Những điều kiện đó sẽ hỗ trợ đắc lực cho công việc của tôi. Tôi yêu Arsenal, nhưng buộc phải chia tay vì cuộc sống sau này của tôi và gia đình mình”.

Flamini gần như chắc chắn sẽ chuyển tới giải nhà nghề Mỹ MLS vì công ty công nghệ hóa sinh do Flamini làm chủ đặt trụ sở ở đó. Ước tính, doanh nghiệp này sẽ sinh lời khoảng 30 tỷ USD. “Tôi thích London, nhưng chuyến phiêu lưu đến đây là kết thúc. Tôi còn phải kinh doanh”, Flamini nói.

Tháng 08/2010, ngay trước thềm mùa giải mới ít ngày, HLV Martin ONeil đã nộp đơn từ chức vì không thể chịu đựng thói làm việc vô trách nhiệm của Lerner. Hồi ấy, Lerner vênh váo bảo: “Không xếp hạng cao nhưng đâu xuống hạng. Tiền bản quyền truyền hình ngày một tăng, tại sao hắn ta (ám chỉ ONeil) cứ lo bò trắng răng khi mà tôi vẫn trả lương đều đặn và đầy đủ?”.

6 năm sau, Lerner phải trả giá cho lối tư duy xói mòn và lạc hậu ấy. Thậm chí, Villa xuống hạng đúng vào lúc mà Premier League danh giá hơn bao giờ hết với gói bản quyền truyền hình hơn 5 tỷ bảng cho ba mùa bóng tới.

Nhưng với những người yêu mến Villa, xuống hạng hóa ra lại là… điềm lành. Họ đã chờ đợi ngày Lerner rơi xuống mặt đất và nhận ra triết lý và lối kinh doanh ăn bám của ông ta đã tạo ra những lỗ hổng nghiêm trọng.

Tiền có thể mua được thành công, nhưng không thể giúp rời xa thất bại. Xuống chơi ở Championship mùa tới, biết đâu sẽ mở ra một thời đại mới cho Villa.

Sau tất cả, cú trượt chân của biểu tượng truyền thống Anh quốc cùng kỳ tích của Leicester là lời cảnh báo cuối cùng về tư duy kim tiền trong lòng bóng đá nơi đây, những cá nhân, tập thể xưa nay tâm niệm rằng: Càng nhiều tiền, càng thăng hoa.

Hy sinh vì đại cục

Ibra hiếm khi công khai tình cảm với một đội bóng, ngoại trừ PSG. Ở đại lộ Elysee, Ibra có 4 năm liền là đầu tàu, là chân sút chủ lực. Dù không thể giúp PSG tiến sâu hơn tứ kết Champions League nhưng trong mắt người Paris, Ibra là tượng đài bất tử. Anh tới khu phố tráng lệ và biến PSG từ một tập thể yếu đuối thành thế lực hàng đầu châu Âu.

Chủ tịch Al-khelaifi đích thân mời Ibra ở lại Công viên các Hoàng tử thêm 2 mùa, nhưng Ibra từ chối. Trên Le Figaro, anh bộc bạch: “Tôi đủ sức chơi thêm vài năm nữa nhưng thế là đủ rồi. Phải cho người khác đá nữa chứ. Tôi mà ở lì thì PSG sẽ biến thành Roma mất. Ra đi là có lợi cho tất cả. Từ giờ, PSG sẽ bắt đầu guồng quay mới”.

Đơn Ca
.
.
.