Premier League 2015-2016: Đón chờ sự trùng hợp ngẫu nhiên

Thứ Bảy, 08/08/2015, 07:52
Trong 23 mùa giải đã qua của Premier League, trừ mùa đầu tiên (1992/93) làm cột mốc, có 7 lần đội đương kim vô địch bảo vệ thành công danh hiệu, nhưng đã 5 năm qua không có CLB nào làm được điều đó.

Sau gần 3 tháng nghỉ hè, bóng đá châu Âu lại rộn ràng trở lại. Và ở đó, đương nhiên Ngoại hạng Anh là giải đấu được chờ đợi nhất. Ngay từ bây giờ, báo chí khắp thế giới đã bắt đầu phân tích, mổ xẻ đủ mọi yếu tố để đi tìm đội bóng có thể sẽ thống trị nước Anh. Tuy nhiên, có một lí lẽ mà rất nhiều người không tính đến. Đó đơn giản chỉ là lí lẽ lịch sử, những tiếng vọng của quá khứ, hay cũng có thể gọi đó là "lời nguyền", "dớp", hay một thứ gì đó đại loại mà chẳng ai giải thích được… 

1.Premier League không chỉ đơn thuần là một giải đấu của một quốc gia, mà hơn thế nữa, đó là sản phẩm giải trí công nghệ cao và cực kì xa hoa mang thương hiệu toàn cầu.

Kênh truyền hình Sky, đơn vị nắm bản quyền của giải đấu đã thống kê rằng, Premier League được truyền trực tiếp đến 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 643 triệu gia đình, với lượng khán giả lên đến 4,7 tỷ người.

Arsenal có nhiều cơ hội vô địch Premier League mùa giải năm nay.

Nếu EURO hay World Cup là những sự kiện thể thao được chú ý với chu kỳ 4 năm mới có khoảng 1 tháng, thì Premier League vẫn được đón đợi hằng năm với thời gian kéo dài tới 9 tháng. Thậm chí, tiền bản quyền truyền hình của Premier League còn cao ở mức kỉ lục khi Sky mới ký một hợp đồng độc quyền giải đấu (từ mùa 2016/2017) có giá tăng 70,2%, lên mức không tưởng: 5,14 tỷ bảng.

Con số ấy cao gấp 5 lần giải đấu danh giá nhất châu Âu là Champios League, gấp 7 lần Bundesliga (Đức), gấp 5 lần La Liga (Tây Ban Nha), gấp 6 lần Serie A (Italia) và gấp 12 lần Ligue 1 của Pháp, thậm chí là gấp 30 lần giải VĐQG Hà Lan. Sức mạnh của Premier League ghê gớm đến nỗi, mùa giải tới, khi mức giá bản quyền mới được chi trả, một CLB xuống hạng ở đây cũng có thu nhập tới gần 100 triệu bảng, ngang bằng với thu nhập của đội vô địch Serie A, gấp rưỡi thu nhập của đội vô địch Hà Lan. Chừng đó có thể thấy sự hào nhoáng và quyền lực không giới hạn của Premier League, cũng như giá trị của giải đấu này. Và nếu như thiên hạ cứ sôi sục lên trước mỗi mùa giải cũng là điều dễ hiểu. Thậm chí, với nhiều người hay lo xa, chuyện sẽ có một ngày Premier League lũng đoạn hoàn toàn các giải VĐQG khác ở châu Âu cũng là điều dễ hiểu.

Với giá trị khủng khiếp như vậy, CLB nào vô địch Premier League chẳng khác gì được ngồi lên ngai vàng thực sự. Có thể thu nhập của họ mang về từ danh hiệu này chưa chắc đã đủ để chi trả cho tiền chuyển nhượng, nhưng giá trị và lợi nhuận thương mại của danh hiệu đó mang lại thì vô cùng lớn. Bởi vậy, công việc đầu tiên của giới truyền thông trước mỗi mùa giải là phân tích, nhận định xem ai là kẻ có khả năng đứng ở vị trí số 1. Bất chấp sai số, bất chấp những dự đoán chỉ cho vui, nó vẫn cứ diễn ra. Nhưng trong bóng đá, đôi khi một cái dớp nào đó, một bí ẩn lịch sử hay một "lời nguyền" nào đó cũng có thể tạo ra sự khác biệt.

2.Những dữ kiện phổ biến mà các nhà phân tích thường đưa ra dự đoán trước mỗi mùa giải gồm: truyền thống, thành tích những năm vừa qua, chất lượng chuyển nhượng, những ngôi sao và số tiền mà CLB tung ra trên thị trường chuyển nhượng, hoặc bản lĩnh, tài năng của các HLV, chiều sâu đội hình… Nhưng tất cả chỉ là những liệt kê mang tính tổng quát, với xác suất chính xác chỉ là… "hên xui". Nhưng nếu dựa vào những dữ liệu lịch sử, những "lời nguyền" của quá khứ, có lẽ sẽ tạo ra một khả năng chính xác theo một chu kì kéo dài, và chắc chắn sẽ đúng nếu như không có một bất ngờ chấn động, kiểu như ĐT Đức trở thành đội châu Âu đầu tiên trong lịch sử 84 năm của World Cup vô địch ngay trên đất Nam Mỹ năm 2014 vừa qua.

Chắc chắn, cuộc đua vô  địch sẽ vẫn diễn ra giữa 5 cái tên: Chelsea (ĐKVĐ), Man City, Arsenal, Man Utd và Liverpool. Không chỉ vì tiềm lực vượt trội, họ còn có những giá trị lịch sử khác. Kể từ khi Premier League ra đời năm 1992 đến nay, qua 23 mùa giải, đội vô địch luôn nằm trong top 3 ở mùa trước. Kể cả hiện tượng Blackburn, nhà vô địch mùa 1994/95, họ cũng là Á quân mùa 1993/94. 

Như vậy, Top 3 mùa trước (gồm Chelsea, Man City và Arsenal) đương nhiên nằm trong nhóm cạnh tranh. Ngoài ra, Man Utd dù không nằm trong Top 3 vẫn có thể chạy đua, thậm chí là ứng viên hàng đầu, không chỉ bởi họ vô địch Premier League tới 13 lần, mà vì họ đã vô địch ở 3 trong số 5 mùa giải mà năm đó có tổ chức EURO: 1996, 2000, 2008. Sang năm, EURO sẽ diễn ra, và Man Utd rất có duyên với những mùa giải "tiền EURO".

Man Utd có vượt qua "lời nguyền": chưa có CLB nào vô địch Premier League nếu xếp ngoài Top 3 mùa giải trước?

Yếu tố thứ 2 là những cái dớp khó hiểu ở Premier League. Hãy bắt đầu bằng Arsenal. Đội bóng này rất lạ. Trước khi Premier League ra đời, họ vô địch 10 lần thì 7 lần lên ngôi vào các năm lẻ (trong đó có 4 lần cuối cùng trước khi Premier League ra đời). Nhưng ở kỷ nguyên Premier League, Arsenal vô địch 3 lần thì toàn vào các năm chẵn.

Như vậy, năm nay sẽ là lúc Arsenal lên tiếng sau 12 năm chỉ loanh quanh trong Top 4, và cơ sở niềm tin của họ được củng cố hơn sau 2 năm liền vô địch FA Cup và cũng giành 2 Siêu cúp Anh. Một chi tiết rất đáng chú ý, đó là việc Arsenal không thể vô địch khi Mourinho xuất hiện ở Anh năm 2004. Khi đó, Arsenal là đương kim vô địch, lập tức mối thù cũ từ năm 1999 được Mourinho khơi lại (Wenger không thèm bắt tay Mourinho lúc ấy là trợ lý tại Barca khi Arsenal gặp Barca tại Champions League).

Mùa giải 2004/2005, chính Chelsea của Mourinho phế truất ngai vàng của Arsenal, và từ đó Wenger toàn thua trong tất cả 13 trận liên tiếp gặp Mourinho ở mọi mặt trận, đồng thời người ta nói rằng, Wenger bị ám ảnh bởi Mourinho, và Arsenal sẽ không bao giờ vô địch Premier League nếu không đánh bại được kình địch của mình. Mùa trước, khi Arsenal gặp Chelsea, Wenger đã nổi đoá, túm cổ Mourinho và kết cục là Chelsea lại đăng quang vào cuối mùa, còn Arsenal khổ sở lắm mới đứng được thứ 3. Nhưng có lẽ, sự ám ảnh về Mourinho đã được Wenger giải tỏa khi ông giúp Arsenal đánh bại Chelsea ở trận tranh Siêu cúp Anh mới đây.

Với Chelsea, nhà đương kim vô địch đương nhiên được đánh giá cao nhất. Nhưng có một điều khó lí giải nằm ở… Mourinho. Ở Porto, Chelsea, Inter Milan, rồi Real, Mourinho luôn vô địch ở mùa giải thứ 2 dẫn dắt, lần thứ 2 trở lại Chelsea, ông cũng vô địch ở mùa thứ 2. Nhưng trong sự nghiệp của mình, chưa bao giờ Mourinho thành công ở mùa thứ 3. Mourinho rời Porto và Inter sau 2 mùa (với danh hiệu vô địch Champions League).

Mùa thứ 3 ở Chelsea (nhiệm kỳ đầu) thì xảy ra rạn nứt, Chelsea tuột dốc ở mùa thứ 3 và ông ra đi ở đầu mùa thứ 4. Ở Real thì tệ hơn, họ vô địch La Liga ở mùa thứ 2 triều đại Mourinho, nhưng thảm bại ở mùa thứ 3 và ông bị sa thải. Vậy, năm nay sẽ ra sao với Mourinho trong mùa thứ 3 với Chelsea? Một điều nữa, trong 4 lần Chelsea vô địch Premier League, họ đều không có cầu thủ số 9 trong đội hình.

Mới nhất là năm ngoái, Chelsea có Torres số 9, nhưng cả mùa họ cho Atletico mượn cầu thủ này. Mùa năm nay, Chelsea mới mang về Falcao, tiền đạo đã thất bại hoàn toàn ở Man Utd mùa trước. Anh mang áo số 9!

Mourinho chưa bao giờ thành công ở mùa thứ 3 dẫn dắt một CLB.

Tại sao Liverpool suốt 1/4 thế kỷ vẫn chưa vô địch Anh? Câu trả lời được lan truyền từ sau cú trượt ngã của Gerrard trong trận gặp Chelsea (Liverpool thua 0-2 khiến họ bị Man City vượt mặt ở những vòng cuối) là do CLB này ủng hộ người đồng giới. Tuyên bố này đến từ một nghị sĩ Anh, và dù nó bị "ném đá" dữ dội, nhưng ông này nói rằng, ông chỉ trích lại những gì viết trong Kinh Thánh!

Đến lượt Man City. CLB này từ khi vô địch lần đầu năm 2011 đến nay, cứ cách 1 năm họ lại đăng quang. Như vậy, năm nay Man City có thể sẽ trở lại cuộc đua sau 1 năm để Chelsea bỏ xa.

3.Tổng kết lại những "sự trùng hợp" ở trên, có thể nói cuộc đua Premier League năm nay vẫn gồm 5 cái tên Chelsea, Man City, Arsenal, Man Utd, Liverpool, nhưng ứng viên thực sự có thể chạy đua đến cuối mùa theo tiếng nói của lịch sử sẽ chỉ gồm Arsenal và hai CLB thành Manchester. Tuy nhiên, cái dớp chưa bao giờ có CLB nào vô địch nếu nằm ngoài Top 3 mùa trước sẽ là rào cản cực lớn cho Man Utd.

Trong 23 mùa giải đã qua của Premier League, trừ mùa đầu tiên (1992/93) làm cột mốc, có 7 lần đội đương kim vô địch bảo vệ thành công danh hiệu, nhưng đã 5 năm qua không có CLB nào làm được điều đó. Có 10 đội Á quân mùa giải năm sau đăng quang và 5 đội vô địch ở vị trí thứ 3 mùa trước. Điều này hoàn toàn trùng hợp ở mùa giải năm nay. Cơ hội cho đương kim Á quân Man City nhỉnh hơn đội hạng 3 Arsenal, nhưng Arsenal cũng có nhiều yếu tố lịch sử ủng hộ hơn. Vì thế, cuộc chiến giữa họ sẽ là điều đáng được chú ý.

Dĩ nhiên, những thống kê này chỉ mang tính "xem cho vui" trước khi mùa giải bắt đầu, và mọi sự trùng hợp đều sẽ đến lúc bị phá vỡ. Nhưng ít nhất thì nó sẽ đúng cho đến cuối mùa giải!

Những số áo đen đủi ở Premier League

Cầu thủ mang áo số 7 ở Man Utd cuối cùng vẫn bị ám ảnh từ năm 2009, kể từ khi C.Ronaldo ra đi. Từ đó đến nay, không ai thành công nếu mặc số áo này, thậm chí những người mặc nó đều là thảm kịch. Owen mất sự nghiệp. Valencia cũng thành gã hề khi mặc nó mùa 2012/13, đến mức anh này phải bỏ nó chỉ sau 1 mùa giải. Sau 1 năm bỏ không, số 7 được trao cho Di Maria, và bi kịch lại xảy ra khi tiền vệ đắt giá nhất lịch sử bóng đá Anh cũng thất bại và ra đi không kèn không trống (sang PSG).

Số 9 của Arsenal cũng được coi là "bị nguyền rủa". Suốt 10 năm Arsenal không vô địch cũng bị "gán" cho tội không có số 9 đích thực. Dù là chân sút chủ lực giúp Arsenal vô địch Premier League năm 1998, nhưng 1 năm sau Anelka bị đẩy sang Real. Từ đó, không có ai đến Arsenal thành công với áo số 9. Sau 16 năm, đã có 8 người mặc số 9 ở Arsenal và đều thảm bại. Năm nay, Arsenal đã bán số 9 cuối cùng Podolski và họ sẽ thi đấu mà không có số 9 trong đội hình.

Số 13 ở Liverpool đã không xuất hiện trong đội hình Liverpool suốt 10 năm qua. Đó cũng là con số "phổ thông" nhưng không được sử dụng ở một CLB lâu nhất.

Lê Giang
.
.
.