NSND Vũ Ngoạn Hợp:

Khán giả không quay lưng với những giá trị thực

Thứ Hai, 11/06/2018, 07:00
Những ngày qua, ngành Xiếc Việt Nam một lần nữa lại rộn ràng khi hai anh em Quốc Cơ và Quốc Nghiệp ghi điểm ấn tượng tại vòng chung kết Britian’s Got Talent. Rõ ràng, Xiếc Việt không hiếm những tài năng, nhưng con đường nào để đưa xiếc Việt ra thế giới vẫn còn mịt mờ.


Phóng viên CSTC có cuộc trò chuyện với NSND Vũ Ngoạn Hợp - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam về vấn đề này.

- Việc Quốc Cơ và Quốc Nghiệp tham dự cuộc thi Britian’s Got Talent đang thu hút khán giả trong và ngoài nước, nhất là màn biểu diễn trong đêm chung kết. Ông có cảm xúc như thế nào khi nhìn thấy các nghệ sĩ xiếc Việt tỏa sáng trên đấu trường quốc tế?

+ Rất tự hào và xúc động. Nhiều năm làm nghề, chứng kiến nhiều nghệ sĩ của chúng ta được vinh danh ở nước ngoài, tôi rất vui. Tuy nhiên, hai anh em Quốc Cơ và Quốc Nghiệp là những trường hợp đặc biệt, rất tài năng và đáng nể bởi tinh thần và sự quyết tâm khẳng định mình của các em.
NSND Vũ Ngoạn Hợp.

- Đây không phải lần đầu hai anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp khẳng định mình ở đấu trường quốc tế. Trong một bài phỏng vấn trước đây, ông nói rằng, xiếc Việt không thiếu tài năng nhưng những trường hợp như Quốc Cơ - Quốc Nghiệp - ra được với thế giới không nhiều. Theo ông vì sao?

+ Đúng thế. Bởi hai lý do, thứ nhất, tài năng phải được vun trồng và chăm sóc nhưng chúng ta chưa có một chính sách để tìm kiếm, hỗ trợ và tạo điều kiện một cách bài bản để các tài năng có thể toả sáng. Thứ hai các tài năng trước đây (nếu có thì tiếp cận các cuộc thi cũng không nhiều vì tài năng chỉ được ghi nhận khi đạt giải tại các cuộc thi) như bây giờ.

Hiện có nghệ sĩ trẻ Trịnh Trà My của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng vừa thi American Talent vào đến tận vòng trong và còn tiếp tục được mời tham gia tiếp cũng là một dấu ấn cho Xiếc Việt trên thế giới.

Ở nước ta, chủ yếu là sự nỗ lực của từng cá nhân chứ chưa có một chủ trương hay chiến lược để phát triển và quảng bá xiếc Việt ra thế giới.

- Với Quốc Cơ, Quốc Nghiệp là những nỗ lực cá nhân của hai anh em chứ chưa phải là sự đầu tư từ phía nhà nước hay các cơ quan chức năng. Có phải đó cũng là lý do khiến nhiều nghệ sĩ không còn mặn mà với bộ môn này?

+ Với Cơ và Nghiệp, đó là sự cố gắng, nỗ lực của cá nhân hai anh em, điều này bất kỳ bộ môn nào cũng vậy, ta chỉ đạt được thành tích xứng đáng khi nỗ lực hết lòng với đam mê và sự khổ luyện... Không có ai có thể đạt được thành công mà không có điều này và họ là một ví dụ điển hình.

Tiết mục ấn tượng trong đêm chung kết Britian’s Got Talent của anh em Quốc cơ - Quốc Nghiệp.

Hiện nay, sự đầu tư của nhà nước trong lĩnh vực xiếc còn dàn trải nhưng không phải vì thế mà các nghệ sĩ không mặn mà với nghề. Với những người không có năng khiếu thì cố gắng thế nào  cũng khó có kết quả cao nên họ chuyển nghề là đúng.

Hơn nữa, đây là một nghề rất vất vả (đào tạo rất lâu trong khi tuổi thọ nghề nghiệp lại ngắn, xã hội cũng chưa thật sự ghi nhận) nên với một công sức như nhau họ có quyền lựa chọn để tìm cho mình một cuộc sống tốt hơn.

Tuy nhiên, với những người có khả năng (năng khiếu) và đam mê thì cùng trong một chế độ như nhau, họ vẫn toả sáng như anh em Cơ Nghiệp. Họ coi đây không phải một nghề mà là nghiệp của mình, nên dù có khó khăn thế nào họ vẫn không bỏ nghề. Thậm chí còn nỗ lực để khẳng định mình không chỉ trong nước mà ra cả thế giới.

- Nhưng chúng ta đều biết những cá nhân như thế không có nhiều. Họ đang là những nhân tố tích cực góp phần quảng bá xiếc Việt ra thế giới. Theo ông, vị thế của xiếc Việt trên đấu trường quốc tế như thế nào? Điều gì tạo nên vị thế đó, ngoài tài năng, tâm huyết của các nghệ sĩ?

+ Vị thế của Xiếc Việt Nam trên trường quốc tế nếu biết làm thì không hề thua kém ai mà có thể sòng phẳng ngẩng cao đầu, như trong các kỳ Liên hoan Xiếc quốc tế hiện nay, Xiếc Việt Nam đã đạt được.

Trịnh Trà My - tài năng trẻ của xiếc Việt Nam đang tham dự cuộc thi American' Talent tại Mỹ.

Để tạo nên được vị thế đó trước hết là phải cám ơn các nghệ sĩ đã đạt được các thành tích cao trong các kỳ thi và được thế giới ghi nhận, tôn vinh, và các nhà quản lý, đạo diễn... phải biết cùng các nghệ sĩ tìm được cái sự khác biệt trong văn hóa và tâm hồn Việt để thổi hồn Việt vào trong tác phẩm biểu diễn của mình.

Xiếc Việt phải có sự khác biệt với xiếc Trung Quốc, Hàn Quốc, sự khác biệt đó chính là chúng ta biết đưa những giá trị văn hóa truyền thống vào từng tác phẩm. Như thế, chúng ta sẽ khẳng định rõ bản sắc của mình.

- Vậy theo anh, muốn xuất khẩu xiếc Việt ra thế giới cần có những điều kiện gì?

+ Trước hết là khâu đào tạo, chúng ta phải tìm, phát hiện và đào tạo được các tài năng, sau đó cần đầu tư xây dựng được các tiết mục, chương trình xiếc có bản sắc văn hóa riêng. Có chính sách tạo điều kiện thúc đẩy cho tài năng được cống hiến cuối cùng là ghi nhận để anh em yêu nghề ...

- Chế độ đãi ngộ có phải là lý do khiến nhiều nghệ sĩ chênh vênh giữa tình yêu nghề với cuộc sống mưu sinh, khiến cho nhiều người không còn tâm huyết để gắn bó với xiếc?

+ Hiện nay, chúng ta chưa có chế độ đãi ngộ cụ thể với xiếc. Chúng ta vẫn cào bằng dù xiếc là một bộ môn nghệ thuật đặc thù (trong cái đặc thù chung của văn học nghệ thuật) chưa có chính sách đặc thù cho xiếc, người làm tốt với người làm chưa tốt không khác nhau, vì vậy không khuyến khích người tài...

Do vậy, chúng ta cần có chính sách khoản nào cần đầu tư (nhân tài) thì nhà nước đầu tư thích đáng, còn cái nào không cần đầu tư thì nên để xã hội tự điều chỉnh (có thể đi theo xu hướng xã hội hóa).

Nhìn chung, với ngành xiếc hiện nay còn quá nhiều bất cập về chính sách, chế độ đãi ngộ, không có cơ chế riêng để tìm kiếm và tạo điều kiện cho những tài năng được toả sáng. Đời sống nghệ sĩ còn nhiều khó khăn, luôn trong cảnh lo cơm áo gạo tiền thì khó tìm được nhân tài cũng như hạn chế khả năng sáng tạo.

- Ông là người tiên phong mang xiếc Việt ra thế giới, như “Làng tôi”… Theo ông điều gì quan trọng nhất để khiến xiếc Việt khác biệt và thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế?

+ Khi xây dựng các chương trình, tiết mục của xiếc cần phải nghiên cứu kỹ xem xiếc thế giới hiện nay như thế nào? Họ cần gì, các xu hướng của thế giới ra sao và mình sẽ căn cứ vào khả năng của nghệ sĩ hiện có để xây dựng nên những sản phẩm nghệ thuật khác biệt, mang đậm văn hóa Việt. Cứ kiên định như thế thì xiếc Việt sẽ được thế giới đón nhận.

- Vậy theo ông, vì sao xiếc Việt Nam đạt được những giải cao trên đấu trường quốc tế nhưng ở Việt Nam khán giả vẫn chưa mặn mà? Chính ông cũng đã phải đi vòng, đưa “Làng tôi” ra nước ngoài trước khi có lịch diễn định kỳ ở Việt Nam?

+ Trên thế giới để tổ chức được các show diễn thì việc triển khai phải rất bài bản (đạt đến trình độ chuyên nghiệp).
Anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp tỏa sáng ở Anh.

Họ tạo được thói quen cho khán giả thưởng thức nghệ thuật như một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, trong khi đó các chế độ hỗ trợ của nhà nước, tỉnh, thành phố rất tốt (họ tạo điều tốt nhất để khán giả có thể đến rạp xem nghệ thuật).

Trong khi đó việc tổ chức biểu diễn ở Việt Nam (đặc biệt là các đơn vị nhà nước) còn rất yếu, không bài bản, không đầu tư đúng mức về truyền thông... nên khán giả không biết và không mặn mà là điều đương nhiên.

Các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho người Tổ chức thì hầu như không có, tuy một cửa nhưng nặng về hình thức, quy định rất nhiều nhưng phần hậu kiểm thì kém nên chỉ những người biết quan hệ thì dễ dàng tổ chức còn những đơn vị nhà nước không thể uyển chuyển sẽ khó... Vì thế, mới có chuyện chỉ là khâu tổ chức biểu diễn thôi cũng phải đi đường vòng.

- Theo ông, có cơ hội nào cho xiếc Việt phát triển và khai thác hiệu quả những tiềm năng đang có?

+ Cơ hội thì luôn có vì xiếc là một bộ môn có tính quốc tế cao nên luôn có điều kiện tiếp xúc với sự tiến bộ và các xu hướng mới. Vì thế, chúng ta chỉ cần cập nhật được xu hướng phát triển của xiếc thế giới rồi tự thân điều chỉnh sao cho xiếc Việt theo kịp với thế giới và mang đến những điều tinh tuý riêng có của mình, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của khán giả trong và ngoài nước.

Người làm xiếc cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển đồng bộ từ khâu đào tạo, đạo diễn, biên đạo, âm nhạc, kỹ thuật, kỹ xảo, phong cách biểu diễn và đặc biệt là khâu quảng bá, tiếp thị đúng đối tượng khán giả cho từng chương trình khác nhau thì nhất định sẽ thành công. Khán giả không bao giờ quay lưng với những giá trị thực.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.