Khán giả ngồi xem chân dài Next Top Model diễn cảnh tát nhau đến bao giờ?

Thứ Tư, 19/07/2017, 17:47
Chưa lúc nào mà những những chiêu trò dậy sóng dư luận như dàn xếp kết quả, văng tục, “chửi nhau như hát hay”mức độ lại dày đặc, gay gắt như ở chương trình Vietnams Next Top Model 2017 – cuộc thi tìm kiếm người mẫu Việt Nam.


Lâu nay, gameshow Việt và những chiêu trò dậy sóng dư luận như dàn xếp kết quả, văng tục, “chửi nhau như hát hay” ngay trên sóng truyền hình… không phải là hiếm.Song có lẽ chưa lúc nào mà mức độ lại dày đặc, gay gắt như ở chương trình Vietnams Next Top Model 2017 – cuộc thi tìm kiếm người mẫu Việt Nam.

Thi người mẫu như … "tỉ thí" ngoài chợ

Mặc dù mới phát được 4 tập nhưng Vietnams Next Top Model 2017 đang khiến nhiều người hoài nghi khi không hiểu đây là chương trình tìm kiếm người mẫu Việt Nam hay tìm người “chửi nhau giỏi”, “tát nhau giỏi” trên sóng truyền hình.

Những cuộc tranh cãi giữa 2 phe “Team sang” và “Team ảo” dường như không có dấu hiệu lắng xuống mà càng ngày càng bùng nổ qua từng tập.

Không chỉ là cuộc chiến của thí sinh, những màn đụng độ giữa các vị giám khảo cũng đầy gay cấn. Lướt một vòng các trang mạng, thông tin các chân dài thi đấu chuyên môn như thế nào thì ít mà “tỉ thí” võ mồm như ngoài chợ thì nhiều, ví dụ như: “Chân dài Top Model lao vào tát nhau như ở ngoài đường”, “Hỗn chiến nhà chung, Nguyễn Hợp bị ném đồ, tạt nước đến phát khóc”, “Nam Trung chặt chém Võ Hoàng Yến: "Đem cái giấy khai sinh ra đây rồi hẵng nói chuyện về cách sống!", “Thí sinh Next Top gây sốc khi quát thẳng mặt giám khảo Võ Hoàng Yến: “Chị im đi”, “Nghi vấn Nguyễn Hợp - Hồng Xuân tát nhau đến gãy mũi tại Next Top Model"…

Tất nhiên, chiêu trò để đẩy cao trào, tạo câu chuyện bàn tán cho mỗi tập phát sóng (còn gọi là yếu tố drama) được mặc định gần như phải có đối với bất cứ chương trình truyền hình thực tế nào.

Ê-kíp làm chương trình, trong đó bao gồm cả nhà sản xuất, thí sinh lẫn ban giám khảo sẽ cùng nhau “bắt tay bất chấp dư luận” để thực hiện, đánh lừa dư luận nhằm mang lại điểm nhấn cho một tập lên sóng.

Từ bao giờ, cảnh tát nhau, chửi nhau được bình thường hóa trên sóng truyền hình như vậy?

Nếu trước đây, có thể khán giả bị “sốc” khi thấy người đẹp này mắng chửi một người đẹp khác, giám khảo này “lên mặt” một giám khảo khác… thì trong một vài năm qua, chẳng còn ai bị sốc nữa cả.

Giống như một sự hiểu ngầm giữa những người thực hiện chương trình và khán giả. Cả thí sinh và giám khảo nhận lời tham gia nghĩa là phải chấp nhận làm theo. Còn khán giả, xem hay không thì… tùy!  

Và cũng cần phải nói thêm rằng, đây không phải là năm đầu tiên, Vietnams Next Top Model trưng cái “đặc sản” mang tính “chợ búa” này của mình lên sóng truyền hình quốc gia.

Câu chuyện cuộc chiến nhà chung trong chương trình Vietnam's Next Top Model luôn khiến người xem phải "nóng mặt" vì cách hành xử quá vô lý, chợ búa của các thí sinh sống chung với nhau trong một căn hộ trong thời gian tham gia cuộc thi.

Tuy nhiên, năm nay, câu chuyện này có vẻ đi quá xa so với chuẩn mực văn hóa. Chưa khi nào, những hình ảnh, những hành động mang tính tiêu cực lại đầy rẫy như vậy trên sóng truyền hình. Những hình ảnh ấy lại gắn liền những chân dài (một ngày nào đó biết đâu) trở thành gương mặt đại diện của một cái gì đó hoặc “đại sứ văn hóa” của một chương trình nào đó…

Từ bao giờ, việc người ta mạt sát nhau, chửi nhau, tát nhau được bình thường hóa và hợp thức hóa trên sóng truyền hình như vậy? Từ bao giờ, khán giả lại bị thưởng thức những chương trình đầy “sạn” như vậy?

Thí sinh, giám khảo được cả nước biết mặt biết tên, tiền cát-sê tăng vù vù, nhà sản xuất thì nhận được các hợp đồng quảng cáo béo bở. Còn công chúng thì được gì? Và quyền của công chúng ở đâu?

Với mức độ càng ngày càng gay cấn, căng thẳng, công chúng cũng hoang mang không hiểu nhà sản xuất đang làm gì, và chương trình này có đúng là cuộc thi tìm kiếm người mẫu hay không. Có một số người đã “hết chịu nổi” hoặc tắt ngang ti vi khi xem Vietnams Next Top Model. Một số người còn cho rằng, đây là một chương trình không có ý nghĩa gì và họ chẳng hiểu vì sao những chiêu trò đó cứ lặp đi lặp lại từ tuần này qua tuần khác mà đài truyền hình không ý kiến gì?

Không chỉ thí sinh, các giám khảo cũng “không vừa”.

Không nên học theo cái xấu

Cũng có ý kiến cho rằng: “Việt Nam mình cứ “soi kĩ” quá. Ở nước ngoài, người ta cũng lao vào nhau tát ầm ầm, có khi còn ghê hơn”.

Đúng là, ở Mỹ, có hẳn một gameshow phản cảm ở Mỹ cho thí sinh chửi nhau, đánh nhau công khai trên truyền hình. Đó là show truyền hình thực tế "Bad Girls Club - Những cô nàng xấu tính" – một chương trình dành riêng cho các cô gái nhưng lại có những màn gây gổ, đánh nhau còn hơn cả các anh trai; đặc biệt, vì tính chất bạo lực của chương trình mà số lượng bảo vệ còn nhiều hơn cả số lượng thí sinh tham gia.

Tuy nhiên, chương trình này khi lên sóng đã bị khán giả Mỹ chỉ trích khá nhiều về mức độ bạo lực, mạt sát nhau trên sóng truyền hình vì những hành động đó ít nhiều cũng tạo nên hiệu ứng tiêu cực đối với giới trẻ.

Và đã có thời điểm, khán giả đồng loạt tẩy chay chương trình, buộc phải chiếu ở những khung giờ hạn chế người xem. Dù đã tuyển xong thí sinh vào tháng 2 năm nay nhưng cho tới bây giờ, Bad Girls Club vẫn lấp lửng chưa phát sóng.

Những cô nàng xấu tính chẳng có liên quan gì tới những cô nàng chân dài nhưng dễ nhận thấy, Vietnams Next Top Model 2017 có những điểm tương đồng với Bad Girls Club. Thậm chí, có khán giả còn bình luận Vietnams Next Top Model 2017 chính là Bad Girls Club phiên bản Việt.

Chiêu trò có cứu nổi nội dung nhạt, chất lượng đi xuống của mỗi gameshow?

Cũng như Bad Girls Club, Vietnams Nest Top Model đang tập trung khai thác về những mâu thuẫn, những cuộc cãi vã không hề khoan nhượng hay nể nang bất cứ ai của các cô nàng khi được đưa vào sống trong nhà chung. Các cô gái phải dùng mọi thủ đoạn để loại trừ lẫn nhau, thậm chí đánh nhau, người trụ lại cuối cùng sẽ là người chiến thắng.

Vậy một chương trình bị dán “nhãn đỏ” ngay trên quê hương mình, có gì hay để một gameshow của Việt Nam “nhập khẩu” về? Kể cả khi văn hóa kiểu Mỹ chịu đựng nổi những màn hơn thua đó cũng không có nghĩa văn hóa Việt Nam chịu đựng được điều đó. Một chương trình truyền hình thực tế chiếu trên sóng truyền hình quốc gia, đối tượng xem là người Việt Nam thì cũng nên hiểu văn hóa Việt Nam như thế nào.

Chiêu trò để cứu nội dung nhạt?

Sau một thời gian dài “hốt view”, “hốt bạc” và trở thành một món ăn tinh thần quen thuộc của khán giả Việt thì trong một vài năm trở lại đây, gameshow Việt đang đi vào lối mòn với những chiêu trò cũ rích, lặp đi lặp lại.

Lối mòn chưa đủ, gameshow đang tự “giãy chết” trong một mớ bùng nhùng vượt ngưỡng phạm vi – chuẩn mực văn hóa mà Vietnams Next Top Model với những hành động phản cảm là một ví dụ rõ nét.

Khán giả Việt cũng dần dần bớt tò mò với những phát ngôn gây sốc, những pha “choảng nhau” như phim kiếm hiệp. Họ đang thông minh hơn trong vấn đề tiếp nhận một sản phẩm văn hóa – giải trí, không chỉ phim ảnh, âm nhạc hay những chương trình truyền hình thực tế.

Thực tế ấy đòi hỏi những người sản xuất gameshow cũng phải thay đổi tư duy của mình, không chỉ Vietnams Next Top Model mà cả những chương trình khác nữa, đặc biệt là những gameshow dành cho trẻ em.

Vietnams Next Top 2017 chứng kiến cuộc đụng độ khá căng thẳng giữa các chân dài.

Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, nghệ sỹ Thanh Bùi có nói rằng, khi có con, anh bắt đầu chú ý tìm những chương trình truyền hình có ý nghĩa giáo dục cho con xem nhưng bật mấy chục kênh trên ti vi thì thấy rất ít những chương trình như vậy.

Chính điều đó trở thành một trong những lý do mà anh muốn tạo ra những chương trình giải trí mang tính giáo dục trên sóng HTV3 với nhiều chương trình sắp ra mắt tới đây.

Thanh Bùi nói, đã tới lúc, những người làm gameshow cũng như những chương trình giải trí khác phải thay đổi, nếu như muốn tồn tại và tạo ra những giá trị. Đã tới lúc, giải trí và giáo dục phải đi liền với nhau.

Đó cũng là hướng đi lâu dài, bền vững và văn minh mà một chương trình nên hướng tới. Và mỗi phút mỗi giây qua đi trên sóng truyền hình đều quý giá, không thể để những thứ vô bổ, không mang lại bất cứ ý nghĩa nào cho người xem chiếm sóng như thời gian dài vừa qua. 

Đậu Dung
.
.
.