Khi Miura "va" bầu Đức

Thứ Tư, 09/12/2015, 10:36
Cách đây 1 năm, khi ông Miura xuất hiện và đưa ĐT Olympic Việt Nam lọt vào tứ kết Asiad 17, còn ĐTQG vào bán kết AFF Suzuki Cup thì ông đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ chính VFF. Thời điểm ấy, mặc dù không ủng hộ ông Miura ra mặt như Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hay Phó chủ tịch (PCT) Trần Quốc Tuấn, nhưng bầu Đức cũng từng bảo một ngày nào đó nếu ông Miura lên phố Núi, giúp các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai cải thiện thể lực có khi cũng là một giải pháp hay. Nhưng bây giờ thì khác hẳn, bầu Đức cương quyết, mạnh mẽ đề nghị VFF phải sa thải ông Miura.

Nhìn vào gốc gác vấn đề, trong số 5 thành viên của thường trực VFF, chỉ có Chủ tịch Lê Hùng Dũng và PCT Trần Quốc Tuấn là chủ động, toàn quyền trong việc đưa ông Miura sang Việt Nam. Nhưng có lẽ đấy cũng không phải nguyên nhân chính khiến bầu Đức, trong tư cách một PCT phụ trách mảng tài chính VFF có cái nhìn khắc nghiệt với ông thầy Nhật. Hãy thử tưởng tượng, nếu ông Miura mang đến một thứ bóng đá mềm mại, kỹ thuật - thứ bóng đá mà chính ĐTQG Nhật Bản một thời gian dài theo đuổi thì có khi bầu Đức còn vỗ tay tán thưởng cũng nên. Cái chính là ông Miura tiếng là thầy Nhật nhưng lại có thời gian dài tu nghiệp ở Đức và đã bị ảnh hưởng rõ nét bởi tư tưởng bóng đá mạnh mẽ, thực dụng của người Đức trước đây.

Phải nhấn mạnh đến cụm từ "người Đức trước đây" là vì kể từ World Cup 2006, khi HLV trưởng Jurgen Klisman lên cầm quyền, rồi sau đó là Joachim Loew, chính ĐT Đức đã chuyển sang chơi tấn công mềm mại, và vô địch World Cup 2014 bằng chính bộ mặt rất mới mẻ này. Chắc chắn là ông Miura cũng nhìn ra những thay đổi mang tính bước ngoặt của bóng đá Đức nhưng có lẽ một mặt, cái tư tưởng "Đức truyền thống" thuyết phục ông hơn, mặt khác sau một thời gian làm quen với bóng đá Việt Nam ông nghĩ rằng ĐT Việt Nam chỉ phù hợp với lối chơi phòng ngự phản công, thậm chí nhiều lúc là phòng ngự - phá bóng một cách triệt để?

Ông Miura (trái) đang nghĩ gì?

Thực tế thì những trận đấu đầu tiên cầm ĐT Olympic Việt Nam, ông Miura đã chủ trương xua quân lên cao, đá đôi công với ngay cả Olympic Iran, và trận ấy chúng ta đã xuất sắc giành chiến thắng 4-1. Tuy nhiên đến vòng tứ kết Asiad thì vẫn với lối chơi đôi công ấy, chúng ta lại thua 1-3 trước UAE, và ông Miura thừa nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình độc quyền của một kênh truyền hình Nhật Bản: "Kể từ sau trận đấu này, tôi nhận ra ĐT Việt Nam không thể đá tấn công, sòng phẳng với các đội bóng mạnh ở châu Á".

Thêm một điều nữa khiến ông Miura không tin vào việc chúng ta có thể đôi công một cách khoẻ khoắn, triệt để từ đầu tới cuối, đó là Trưởng BTC V.League Tanaka Koji - một đồng hương của ông khi ấy đưa ra thống kê gây sốc: "Mỗi trận đấu, một cầu thủ châu Á chạy bình quân 10km, trong khi cầu thủ Việt Nam chỉ chạy được khoảng 6,5km".

Hậu Asiad, rồi hậu AFF Cup - những giải đấu hiếm hoi mà các ĐT Việt Nam dưới tay Miura chơi tấn công thì ở tất cả các giải đấu sau đó, một tư tưởng phòng ngự phản công cùng một cuộc cách mạng thể lực đã được Miura quan tâm đặc biệt. Mà cả hai đặc điểm này: Đá phòng ngự và cải thiện điểm yếu thể lực lại là điểm yếu chí cốt của các cầu thủ lớn lên ở Học viện Bóng đá  Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) JMG. Khi còn ở tuổi U.19, những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy... đã khiến người xem quá quen với những trận đấu họ cầm bóng nhiều, tấn công liên tục và vỡ sức trong khoảng 15 phút cuối. Điều này lý giải vì sao để chuẩn bị cho vòng loại giải U.23 châu Á tại Malaysia năm ngoái, ông Miura vẫn gọi tập trung gần chục cầu thủ HA.GL, nhưng sau đó chỉ một mình Công Phượng được thực sự trọng dụng. Ngay cả tiền vệ Tuấn Anh - người được bầu Đức có lúc đánh giá "có trình độ cao hơn cả Công Phượng" cũng phải ngồi dự bị. Và chắc chắn là một ông bầu cá tính, giàu tham vọng như bầu Đức không dễ chấp nhận thực trạng này. Ngặt một nỗi, vòng loại U.23 châu Á hồi ấy, rốt cuộc U.23 Việt Nam vẫn thắng Malaysia, Macau, và chỉ chịu thua Nhật Bản 0-2 để giành quyền đi tiếp cuộc chơi, nên bầu Đức không lên tiếng chỉ trích gì.

Phải đến khi kết thúc SEA Games 28, khi một U.23 Việt Nam được xây dựng theo phong cách Miura chính hiệu cũng chỉ có thể vào đến bán kết rồi... thua thì bầu Đức mới bắt đầu lên tiếng. Và đỉnh cao của sự lên tiếng diễn ra sau khi ĐT Việt Nam thua ĐT Thái Lan 0-3 ngay ở Mỹ Đình, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 cách đây vài tháng. Lúc này, bầu Đức nói thẳng: "Còn Miura bóng đá Việt Nam không phát triển được". Và trong cuộc họp ban chấp hành VFF tại TP Hồ Chí Minh cách đây vài ngày, bầu Đức thậm chí còn bảo nếu VFF chấp nhận sa thải Miura thì ông, trên tư cách một PCT phụ trách mảng tài chính có thể mang về nhiều khoản tài trợ khủng từ Nutifood.

Không ai không biết, Nutifood vốn là đối tác ruột của HA.GL, là đơn vị đã tài trợ HA.GL hơn chục tỷ đồng cho mùa V.League vừa qua, là đơn vị đã gắn liền với từng bữa ăn của các cầu thủ trẻ HA.GL ngay cả khi những cầu thủ này khoác áo ĐT U.19 Việt Nam tham dự hàng loạt giải bóng đá quốc tế hồi năm ngoái. Chính vì vậy khi bầu Đức nói đến "tài trợ khủng" từ Nutifood thì không ai nghi ngờ cả. Nó khác và khác rất nhiều so với khoản "tiền khủng" lên tới trên 300 tỷ đồng/năm mà Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng cam kết khi mới lên nhậm chức. Cái khoản tiền mà lúc được công bố thì ngay cả nhiều tờ báo Đông Nam Á cũng phát hoảng, nhưng đến lúc này thì nó vẫn chỉ là những cam kết chưa thành hiện thực.

Bầu Đức (phải) muốn ông Miura phải ra đi.

Tuy nhiên, vấn đề lúc này không còn là việc những hứa hẹn của bầu Đức có đáng tin hay không, mà là việc lấy tiền bạc ra để tạo sức ép quanh  sự tồn tại của ông Miura ở Việt Nam có nên không? Nếu thấy ông Miura không phù hợp với bóng đá Việt Nam, và VFF sẽ không tiếp tục hợp đồng với ông (giống như đã không tiếp tục hợp đồng với một đồng nghiệp của ông, đó là HLV trưởng ĐT bóng đá nữ Takashi) thì còn chấp nhận được, chứ nếu vì những bản hợp đồng tài trợ mà buộc phải sa thải ông thì rõ ràng không ổn. Nó không công bằng, hợp tình, hợp lý cho chính ông Miura đã đành, nó còn dễ khiến dư luận hiểu lầm rằng những quyết định chuyên môn của VFF có thể bị chi phối bởi sự nặng - nhẹ của những khoản tiền tài trợ.

Đấy là còn chưa nói trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang hợp tác chiến lược với bóng đá Nhật Bản, và chính một vài doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang tài trợ VFF một khoản nhất định để trả lương cho ông Miura thì việc ông thầy này ra đi vì "chúng ta có những nhà tài trợ lớn hơn" có thể sẽ tạo ra nhiều hậu quả khôn lường.

Nhìn từ góc độ chuyên môn, rất nhiều các chuyên gia bóng đá Việt Nam cùng chung đánh giá triết lý và phương pháp Miura không thật phù hợp với bóng đá Việt Nam. Nhưng chắc chắn là không ai cảm thấy hài lòng nếu cuối cùng vị HLV này lại ra đi vì... lý do tiền bạc. 

Liệu có chạnh lòng?

Rất nhiều người đặt câu hỏi: Ông Miura có cảm thấy cô đơn và có chạnh lòng không khi mình đang hội quân ở Hà Nội, chuẩn bị cùng ĐT U.23 QG tham dự Vòng chung kết U.23 châu Á thì ở TP Hồ Chí Minh, người ta lại đang bàn bạc, cân nhắc đến tương lai của mình?

Chuyện này gợi nhớ lại 2 chuyện từng diễn ra với các ông thầy ngoại trước đây của bóng đá Việt Nam. Đầu tiên là việc ban chấp hành VFF từng họp và đi tới kết luận sẽ sa thải HLV trưởng Weigang ngay sau Tiger Cup năm 1996. Nhưng không ai ngờ đấy lại là kỳ Tiger Cup mà Weigang giúp chúng ta đứng thứ ba chung cuộc, nên quyết định sa thải bị hoãn lại tới một năm. Đến trước thềm Tiger Cup năm 2000, lại là lãnh đạo VFF nhóm họp, quyết định chia tay ông Riedl, và sau đó, khi ĐTVN thua đau Malaysia ở trận tranh hạng Ba thì đúng là ông Riedl đã lầm lũi ra đi.

Bây giờ, tình hình với Miura không đến nỗi tệ như với Weigang, Riedl, nhưng với binh tình này, nếu kỳ vọng vào việc cả ông lẫn các học trò của ông đều có thể dồn toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ chính của mình ở VCK U.23 châu Á sắp diễn ra thì đúng là khó thật.

Quân bầu Đức có "khó xử"?

Có gần chục cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai - quân bầu Đức đang góp mặt trong ĐT U.23 QG của HLV trưởng Toshiya Miura. Thông qua báo giới, dư luận, chắc chắn những cầu thủ này đều đã nghe những gì ông chủ của mình đánh giá về người mà bây giờ mình đang gọi là "thầy". Những cầu thủ này nổi tiếng là ngoan ngoãn, nên chắc chắn không có chuyện họ sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì mình vừa nghe được. Nhưng có lẽ, ở thời điểm hiện tại (ít nhất là ở thời điểm hiện tại), khi họ vẫn đang hàng ngày, hàng giờ làm việc với ông Miura thì có lẽ không phải nghe những lời này vẫn là điều tốt hơn.

Hiếu Hà
.
.
.