Khi Nguyễn Hữu Tuấn “Sang sông”

Thứ Tư, 17/06/2020, 09:42
Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, tại không gian nghệ thuật Ơ kìa của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, công chúng được lên một chuyến đò “Sang sông” trở về với những miền ký ức đẹp trong các tác phẩm của NSND Nguyễn Hữu Tuấn.


Những bến sông, những con đò và những con người ở đó mang vẻ đẹp của thời gian và ký ức, gợi cho ta nhiều suy ngẫm về cuộc sống hôm nay.

1.Đây không phải là lần đầu tiên NSND Nguyễn Hữu Tuấn trình làng những bộ ảnh của mình. Trước đây, triển lãm ảnh “Người đi qua làng” của ông đã được tổ chức tại Hà Nội và được Đại sứ quán Pháp, Đan Mạch mời ra nước ngoài. Những bức ảnh đen trắng của ông gợi lại vẻ đẹp chân thật, dung dị của làng quê Việt Nam.

Lần này là những bến đò, những con người ở nông thôn. Ở đó, những câu chuyện riêng tư, những tâm tình ấp ủ, những lời qua tiếng lại, những tin đồn hay những giai thoại dân gian, những nết – nếp – nét trong con người và văn hóa Việt Nam, cứ thế hiện ra, rõ nét mà lãng mạn, trữ tình. Tất cả đều xoay quanh những bến sông, bến đò, những dòng chảy trôi nơi làng quê Việt Nam.

"Mấy mươi năm đi nông thôn chụp ảnh, mọi người hay hỏi chụp để làm gì thế? Lúc ấy miệng ú ớ, nói dối quanh, chẳng lẽ lại bảo chụp những gì tôi nhìn thấy… Những cánh đồng, con người, tiếng nước reo, mùi rơm rạ… đều gây cảm xúc cho tôi, tôi chỉ chụp theo tiếng gọi của nó. Không vì cái gì khác, không theo kỳ vọng của ai", NSND Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.

NSND Nguyễn Hữu Tuấn.

Ông nói đùa, máy ảnh với ông như cái bướu trên lưng con lạc đà, tự thân có trong ba lô của ông. Và vì đi nhiều, dịch chuyển nhiều nên ông thu máy ảnh to thành máy nhỏ 3-4. Ông chụp rất tự nhiên, chụp không để làm gì cả và không bao giờ nghĩ đến ngày hôm nay, khi những bức ảnh về những bến sông của ông được công chúng đón nhận. 

Ông nói: “Sau này tôi hiểu chụp không để làm gì rất hay. Cũng rất tự nhiên, cái kho ảnh cứ đầy dần, cách đây 7-8 năm, một buổi tối không ngủ, tôi lạc vào kho ảnh của mình, giơ bức ảnh lên, hàng trăm bức ảnh, bao nhiêu ký ức, dòng sông, bến đò ùa về. Tôi tự hỏi, liệu những bến đò này có còn không. 

Người ta nói, nhiếp ảnh là một bằng chứng, ngày đó bến đò Đông Chù nó thế này, bến đò sông Đáy nó thế kia, tôi bắt đầu sợ, nếu mình không chụp sẽ không còn bến đò đó nữa mà chỉ còn ý nghĩ thôi, nhiếp ảnh hay ở chỗ nó lưu giữ bằng chứng của ý nghĩ. Vì thế, nghỉ quay phim tôi càng chụp nhiều ảnh, lưu lại cảm xúc lúc mình có. Và tôi cũng hy vọng mọi người xem ảnh của tôi sẽ cảm nhận được ở đó mùi của rơm rạ, của khói lam chiều...”.

Bức ảnh “Người phụ nữ chèo đò”.

2.Những bức ảnh về những bến đò của NSND Nguyễn Hữu Tuấn gợi nhớ rất nhiều ký ức về làng quê. Với ông, Hà Nội là một làng quê, trung tâm của châu thổ sông Hồng, thiên đường của những người mê chụp ảnh. Chỉ cần một chiếc xe máy và chiếc máy ảnh bỏ trong ba lô lên đường là có cả kho tàng ảnh. 

Ông chụp ảnh thênh thang thế, nhưng những câu chuyện ông kể trong ảnh của mình lại khiến người xem suy ngẫm bởi mỗi bức ảnh là một câu chuyện. Những lúc đi quay phim, ông hay dừng chân nghỉ ở những bến đò và được nghe câu chuyện của người dân nơi đó. 

Có những bến đò mà ông đã ngồi nhiều lần, dưới những bóng cây, người được nghỉ ngơi và xe được mát máy. Đó là thiên nhiên ưu đãi cho người dân cân bằng lại sinh thái cuộc sống. Ở đó họ rất ưu tư, họ nói chuyện về làng, về gia đình; mỗi một bến đò là một khoảnh khắc bất ngờ cho tất cả người dân ở đó và cả ông, một người lạ đến.

NSND Nguyễn Hữu Tuấn vác máy ảnh đi khắp cả vùng Bắc Bộ, những sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ… Thế giới của đò là thế giới của những năm 90 trở về trước. “Tôi chụp ảnh phát hiện ra, tôi đi đò và đi cầu rồi, đi cầu hối hả như có ai đuổi mình ấy, bản thân tôi chụp ảnh thích đi đò hơn đi cầu. 

Đi qua cầu chỉ nghĩ không bị tai nạn đã hết tâm trí, còn gì là thảnh thơi, đi qua sông bằng đò được thảnh thơi, nghĩ được nhiều chuyện. Tôi không chủ trương kìm hãm cuộc sống lại, tôi chụp ảnh này để biết về một thời chúng ta sống chậm hơn ngày hôm nay. May quá, bây giờ không ai dễ dàng gặp lại hình ảnh này nữa”.

Những bến đò quen thuộc trong ký ức của nhiều người.

Điều đặc biệt trong những bức ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn đó là ống kính của ông luôn hướng về những người phụ nữ. Hơn 80% những bức ảnh trong những bến đò của ông chụp về người phụ nữ ở nông thôn. 

Ông chia sẻ, khi đi về nông thôn, ông chủ yếu gặp những người phụ nữ, họ là lực lượng lao động chính trong gia đình. Càng chụp ông càng gặp nhiều phụ nữ, chợ lao động, bến sông, chợ dân sinh, những lúc nắng hay cả những ngày mưa họ đều xuất hiện. 

Có những bức ảnh chụp những người phụ nữ rất hiên ngang, mạnh mẽ, họ là lực lượng lao động chính. Điều này gợi lên nhiều suy ngẫm về thân phận người phụ nữ, khi ra ngoài họ mạnh mẽ là vậy nhưng trong nhà, trong làng họ lại yếu ớt, bé nhỏ. 

Rồi bức ảnh những người phụ nữ lái đò. Họ phải xếp lốt cả tháng được 2 lần, mỗi lần 6km, được 300.000 đồng, xã lấy mất 150.000 đồng, hai bà mỗi bà còn 150.000 đồng. Bóng của họ vẫn là bóng đen, vẫn là những người chịu thiệt thòi trong cuộc sống.

3. Ngắm nhìn những bức ảnh về những bến đò của NSND Nguyễn Hữu Tuấn, ai cũng đặt ra câu hỏi, liệu những bến đò này còn hay mất? Nhưng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Câu hỏi tôi cho là quan trọng hơn, không phải là bến đò còn hay mất, những rặng tre, người phụ nữ tất tả với chiếc xe đạp, với cái nón rách rất nên thơ ấy còn hay mất, không quan trọng bằng câu hỏi những bến đò mất đi thì cái gì sẽ mất theo nó? Điều tôi thực sự tiếc nuối, nếu bến sông thực sự mất đi, sẽ không bao giờ nhìn thấy những người ngồi bên bến sông và gọi đò ơi nữa”.

Các tác phẩm của NSND Nguyễn Hữu Tuấn đang trưng bày ở Ơ kìa Hà Nội.

Còn nhà văn Ngô Thảo nói rằng: “Tôi có dịp sang sông, đời lính nhiều năm, có nhiều lần qua sông nhưng có những con sông tôi muốn mà chưa qua được. Hôm nay, tôi đã được đi qua nhiều con sông, nhiều bến đò trong ảnh của Nguyễn Hữu Tuấn. Những bến đò ấy không còn. 

Cuộc sống đi lên và những bến đò đã thay thế bằng những chiếc cầu. Vì thế, những bức ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn rất giá trị, cùng thời gian nó sẽ là nhân chứng cho mai sau. 

Chúng ta giáo dục con em bằng gì, hầu hết bọn trẻ hôm nay đọc sách nước ngoài, nói tiếng Anh như gió. Nhưng chúng ta không khỏi lo lắng khi thế hệ trẻ tương lai không biết đến một làn điệu dân ca nào, đó là những hạt giống đầu tiên nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. 

Người trẻ Việt Nam đi khắp thế giới, họ hiểu hơn bao giờ hết rằng, họ phải là người Việt Nam, căn cước Việt Nam giúp họ tồn tại ở nước ngoài, đó là những ký ức liên quan đến nghệ thuật. “Sang sông” gợi cho chúng ta những vẻ đẹp của quá khứ và nó chính là tài sản để chúng ta mang tới tương lai”.

Kho ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn còn rất nhiều, bởi ông dành cả một tầng trong ngôi nhà của mình để làm nơi lưu trữ ảnh. “Sang sông” chỉ là một phần nhỏ trong kho ảnh đồ sộ của ông mà nếu không có nỗ lực của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nó sẽ mãi mãi bị xếp kho.

“Sang sông ở bến Ơ kìa!” là hoạt động trọng tâm của tháng “Vì một Hà Nội đáng sống”, tại chuỗi không gian sáng tạo “Ơ kìa Hà Nội”. Đây cũng là một trong những hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, do Ơ kìa Hà Nội art space, Thư viện Ơ kìa, Okia Cinema phối hợp tổ chức. "Sang sông" trưng bày các sáng tác ảnh của nhà quay phim - Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hữu Tuấn trong một cuốn sách ảnh chưa từng được xuất bản. Chuỗi sự kiện sẽ diễn ra trong tháng 6 và tháng 7-2020, tại nhiều không gian công cộng khác nhau của thành phố.
Lan Tường
.
.
.