Khi "Quỷ đỏ" bán mình cho quỷ

Thứ Tư, 21/09/2016, 10:05
Với thất bại 1-3 trên sân của Watford trong trận đấu tối Chủ nhật vừa qua, Manchester United của Jose Mourinho đã trải qua 3 trận thua liên tiếp trên tất cả các mặt trận. 


Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng Quỷ đỏ đang lâm vào khủng hoảng hay mùa giải này đã vứt đi đối với thầy trò Mourinho. Bởi giờ mới là tháng 9 và mùa bóng mới ở những vòng quay đầu tiên. Nhưng rõ ràng, các CĐV của đội chủ sân Old Trafford có lý do để mà lo lắng. Nhất là khi CLB con cưng của họ đã mất chất, "bán mình" một cách trầm trọng…

Từ Paul Pogba…

Như thường lệ, một trong những cầu thủ gây thất vọng nhất của Manchester United trong trận đấu trước Watford lại là Paul Pogba. Dù vẫn chơi rất nỗ lực và thể hiện rõ sự quyết tâm, song dấu ấn mà tiền vệ người Pháp để lại trên sân vẫn rất mờ nhạt.

Tính từ khi trở lại sân Old Trafford, những đóng góp của Pogba cho Man United vẫn chỉ là con số 0 không hơn, không kém. Pogba chưa có bất kì bàn thắng cũng như đường kiến tạo nào cho đội bóng đã biến anh thành cầu thủ đắt giá nhất hành tinh.

Có thể khẳng định rằng, ngôi sao 23 tuổi này chưa chứng minh được anh xứng đáng với mức phí chuyển nhượng khổng lồ 110 triệu euro, ít nhất là cho đến lúc này. Áp lực đang ngày càng đè nặng lên đôi chân của Pogba. Không chỉ vì con số chuyển nhượng kỷ lục kia, mà quan trọng còn bởi vì Pogba vốn không phải là một cầu thủ có được cảm tình ở Nhà hát của những giấc mơ.

Với việc lựa chọn Mourinho, M.U đã thay đổi quan điểm dùng người của CLB.

Tiền vệ ngổ ngáo người Pháp từng đóng vai Judas tại Manchester United. Đó là mùa hè năm 2012, khi Pogba từ chối lời đề nghị gia hạn hợp đồng của đội bóng số 1 nước Anh, để chuyển sang thi đấu cho Juventus.

HLV của Quỷ đỏ lúc ấy, Sir Alex Ferguson đã cáo buộc Pogba đi đêm với Juve: "Cậu ta đã ký hợp đồng với Juventus từ rất lâu trước khi chúng ta được biết điều này". Sir Alex cho rằng đấy là một hành động coi thường đội bóng: "Thật sự thất vọng. Thành thật mà nói, tôi không thấy cậu ta tỏ ra tôn trọng đội bóng này".

Tại thời điểm đó, Sir Alex đã bắt đầu trao những cơ hội đầu tiên để Pogba thể hiện mình ở đội I (ở mùa 2011-2012, anh này đã được trao cơ hội trình làng trong màu áo Manchester United ở cả Premier League lẫn Cúp Châu Âu). Thế nhưng, Pogba muốn nhiều hơn thế. Anh muốn có 1 suất đá chính ngay lập tức - điều mà Juventus đã hứa hẹn dành cho tiền vệ này. Kết quả là cầu thủ này đã dứt áo ra đi.

Ở khía cạnh nào đó, quyết định ấy giống như một dấu chấm hết cho mọi viễn cảnh tốt đẹp mà Pogba có thể có với Manchester United. Dưới triều đại kéo dài 27 năm của Sir Alex Ferguson tại sân Old Trafford, ông chưa mua lại bất kì cầu thủ nào từng khước từ hoặc đã rời bỏ Quỷ đỏ.

Đừng ngạc nhiên. Đấy chính là hành động tiêu biểu cho triết lý đặc biệt mà Sir Alex gây dựng tại Manchester United: không cho phép cầu thủ nào có quyền đứng trên đội bóng. Ngay cả cậu học trò cưng David Beckham cũng đã phải lĩnh nguyên một chiếc giày bay, đồng thời phải bật bãi khỏi Man United khi có biểu hiện "chệch quỹ đạo". Điều này góp phần tạo nên bản sắc và niềm kiêu hãnh của đội chủ sân Old Trafford.

Nói một cách khác, nếu dẫn dắt Manchester United vẫn là Sir Alex Ferguson hoặc vị chiến lược gia người Scotland vẫn còn có tiếng nói trọng lượng tại CLB thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có chuyện Paul Pogba có cơ hội khoác lên mình chiếc áo của Manchester United một lần nữa. Chứ đừng nói chuyện trở lại theo vị thế của cầu thủ đắt giá nhất thế giới, khiến đội bóng phải tốn rất nhiều công sức để biến bản hợp đồng này thành hiện thực.

Chính vì vậy, cú áp phe mang tên Paul Pogba đã phần nào cho thấy sự thay đổi quan điểm trong giới chóp bu của Manchester United. Các ông chủ người Mỹ không còn đề cao yếu tố truyền thống hay sự tự tôn của đội bóng. Họ sẵn sàng đánh đổi những giá trị vô hình đó để hướng đến cái đích duy nhất là… thành tích.

…đến Jose Mourinho

Tương tự như trường hợp của Paul Pogba, việc Manchester United bổ nhiệm Jose Mourinho vào chiếc ghế nóng tại sân Old Trafford cũng là một minh chứng khác khẳng định CLB này đã rũ bỏ truyền thống của mình. Nếu không tính Ryan Giggs - người có 1 vài trận đấu dẫn dắt M.U với tư cách là HLV tạm quyền sau khi David Moyes ra đi thì Jose Mourinho mới là HLV thứ 22 trong lịch sử 138 năm tồn tại của Quỷ đỏ.

Tức là trước Mourinho thì 1 HLV của Manchester United có thời gian tại vị trung bình lên tới 6,5 năm. Con số đó cho thấy: nửa đỏ thành Manchester có "thói quen" gắn bó với 1 HLV trong một thời gian rất dài. Họ không chạy theo những thành tích kiểu "ăn xổi ở thì", mà ngược lại Manchester United cho các HLV rất nhiều thời gian để có thể xây dựng đội bóng theo ý mình.

Có lẽ, cũng chính bởi phong cách dùng người này mà Sir Alex Ferguson mới tránh khỏi được cảnh bị sa thải trong quá khứ. Nên biết rằng phải tới tận mùa thứ 6 vị chiến lược gia huyền thoại này dẫn dắt M.U, CLB mới có được chức vô địch đầu tiên. Nếu BLĐ của đội bóng ở thời điểm đó không có sự kiên nhẫn thì đương nhiên Manchester United đã không có một kỷ nguyên vàng cùng Sir Alex: vươn lên là CLB giàu thành tích nhất nước Anh.

Cách dùng người như thế là truyền thống, là bản sắc của Manchester United. Lịch sử huy hoàng của đội bóng này gắn liền và được tạo nên bởi những HLV gắn bó với CLB hàng chục năm như Matt Busby (24 năm) hay Alex Ferguson (27 năm). Khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu năm 2013 thì cách lựa chọn nhân sự kế thừa của Manchester United vẫn đi theo truyền thống của CLB.

Người được chọn không phải là 1 cái tên đình đám trong giới HLV, mà là David Moyes - người trước đó có 11 năm huấn luyện Everton và đã khẳng định được ông là cái tên phù hợp để tạo ra 1 đội bóng ổn định trong hàng thập kỷ. Bản hợp đồng mà Man United dành cho David Moyes có thời hạn lên tới 6 năm, một khoảng thời gian thể hiện Ban lãnh đạo CLB muốn hướng tới một mối lương duyên bền vững, chứ không chạy theo thành tích nhất thời.

Theo truyền thống cũ của M.U, Paul Pogba dù có cầu xin cũng sẽ không có cơ hội trở lại sân Old Trafford.

Thế nhưng, rốt cuộc David Moyes lại trở thành HLV có thời gian tại vị ngắn nhất trong vòng 82 năm qua tại Manchester United. Người đàn ông Scot này bị sa thải chỉ sau 10 tháng, do thành tích bết bát của CLB, bất chấp có không ít cựu danh thủ của Man United như Denis Law hay Beckham đã kêu gọi hãy cho David Moyes thêm thời gian.

Người kế nhiệm David Moyes, Louis van Gaal dù không còn nhận được 1 bản hợp đồng dài hơi (van Gaal chỉ được M.U kí hợp đồng 3 năm) nhưng vị HLV lão làng này vẫn là một cái tên phù hợp với truyền thống của Manchester United.

Với biệt tài khai quật và bồi dưỡng các tài năng trẻ, Louis van Gaal có thể coi là một chuyên gia kiến tạo. Ông từng tạo ra những thế hệ thành công cho Ajax Amsterdam, Barcelona hay Bayern Munich - các CLB được ông dẫn dắt. Lựa chọn van Gaal một lần nữa thể hiện quan điểm: Manchester United muốn hướng tới một thành công mang tính lâu dài, bền vững hơn là chạy theo thành tích tức thì.

Nhưng với việc sa thải Van Gaal và bổ nhiệm Jose Mourinho ở mùa bóng năm nay lại có thể coi là cột mốc đánh dấu việc Manchester United đã quay lưng lại với truyền thống của mình. Chẳng ai phủ nhận, Người đặc biệt là 1 trong những HLV tài năng và thành công nhất ở thế hệ của mình. Tuy nhiên, Mourinho chưa bao giờ và thậm chí là không bao giờ là một cái tên phù hợp để dẫn dắt 1 CLB lâu dài. Trong sự nghiệp của mình, Mourinho chưa từng ở lại 1 đội bóng nào quá 3 năm. Biệt tài của vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha là tạo ra thành công, mang về danh hiệu ngay tức khắc, trong một thời gian rất ngắn.

Các đội bóng do Mourinho cầm quân thường đạt được thành công rực rỡ nhất ở mùa giải thứ 2 dưới triều đại của HLV này. Đó là thời điểm, Mourinho đã cơ bản có được những miếng ghép ưng ý với triết lý và lối chơi của ông. Và sau thành công ở mùa giải thứ 2 ấy là Mourinho thường lựa chọn ra đi đến 1 bến đỗ mới hấp dẫn hơn cả về danh tiếng lẫn tiền bạc.

Đáng chú ý, ngay cả trong trường hợp ông này có ở lại thì các CLB của Mourinho cũng ngay lập tức bước vào quỹ đạo đi xuống và Người đặc biệt sẽ "bật bãi" ở mùa bóng tiếp theo. Sự nghiệp cầm quân của Mourinho luôn đi theo quy luật như vậy, từ Porto - nơi tên ông bước ra ánh sáng cho đến CLB gần đây nhất là Chelsea.

Nói tóm lại, với tư duy của một chiến thuật gia, người phù hợp với những trận đánh cụ thể, Mourinho rất giỏi trong việc vá víu các lỗ hổng, điểm yếu của đội bóng, qua đó nhanh chóng tạo ra một tập thể có đủ năng lực để chiến thắng, thành công. 

Nhưng ông lại không hề phù hợp để gây dựng một đế chế bền vững theo kiểu các chiến lược gia như Sir Alex Ferguson, Louis van Gaal. Rất có thể đây chính là nguyên nhân chính khiến Sir Alex đã không tiến cử Mourinho là người kế nhiệm khi ông nghỉ hưu, cho dù giữa 2 người có mối quan hệ rất thân tình.

Tuy nhiên, ở thì hiện tại, sau 3 mùa bóng liền không thể chen chân vào cuộc đua vô địch tại giải Ngoại hạng, có lẽ BLĐ Manchester United cũng chẳng cần quan tâm đến việc Mourinho sẽ không thể dẫn dắt CLB dài lâu như Sir Alex. Cái họ cần vào lúc này là những chiến quả tức thì. 

Áp lực danh hiệu trong thời đại bóng đá kim tiền (đặc biệt là ở bối cảnh các ông chủ người Mỹ của Man United luôn cần tiền để trả nợ) đã khiến BLĐ CLB phải chấp nhận đánh đổi bản ngã của đội bóng. Nhưng điều nguy hiểm là cho đến bây giờ, Manchester United của Mourinho vẫn chưa cho thấy dấu hiệu họ sẽ là 1 đội bóng chiến thắng.

Đấy thực sự là một hồi chuông báo động dành cho Quỷ đỏ và các ông chủ của họ. Một đội bóng không chiến thắng, và đánh mất luôn cả bản sắc của mình thì sẽ còn lại gì? Chắc chắn không gì cả, ngoài một đống tro tàn!

Tất Đức
.
.
.