Khi bóng đá Đông Nam Á... đổi đời

Thứ Bảy, 08/11/2014, 13:30

Đổi đời vì ĐT bóng đá nữ Thái Lan giành vé dự VCK World Cup bóng đá nữ thế giới và ĐT U.19 Myanmar giành vé dự VCK  World Cup U.20 thế giới vào năm sau. Hai chiếc vé đi chung kết diễn ra liên tiếp trong hai năm cho thấy bóng đá Đông Nam Á đã thực sự thoát khỏi đặc thù "vùng trũng" hay chỉ là những hiện tượng nhất thời?

Thời thế và dấu ấn sân nhà

Đầu tiên phải nói về chiếc vé dự World Cup của bóng đá nữ Thái Lan, ai cũng hiểu là ở VCK bóng đá nữ châu Á vừa rồi, nếu "bà chị" Triều Tiên không bị cấm thi đấu vì có cầu thủ sử dụng Doping thì chắc chắn các ĐT nữ Đông Nam Á không có cửa. Chính vì bà chị Triều Tiên bị loại khỏi cuộc chơi, nên các đội nữ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar mới lên chiến dịch chạy đua giành chiếc vé thứ tư đi World Cup.

Một World Cup nghe thì thật oách nhưng kỳ thực đấy là cái World Cup mà Đông Nam Á có được sau những cuộc đấu của chính Đông Nam Á với Đông Nam Á. Đầu tiên là cuộc đấu giữa nữ Thái Lan với nữ Myanmar ở vòng bảng, rồi sau đó là cuộc đấu giữa nữ Thái Lan với nữ Việt Nam ở trận tranh Play Off - những cuộc đấu mà người Thái đều thắng một cách thuyết phục và thắng bằng một tinh thần, một lối chơi thực sự "trên cơ". Trong những trận đấu còn lại giữa Đông Nam Á với Đông Á (chẳng hạn như Việt Nam - Nhật Bản hay Thái Lan - Nhật Bản) người ta vẫn thấy một khoảng trống mênh mông không dễ gì khoả lấp. Thế nên mới có chuyện ngay cả khi Thái Lan giành vé đi World Cup thì dư luận Đông Nam Á vẫn lo sợ cái viễn cảnh Thái Lan sẽ phải nhận cả một "rổ trứng" ở một sân chơi quá sức với mình.

Riêng với U.19 Myanmar, một trong những lý do quan trọng giúp đội bóng này lọt vào top 4 giải vô địch U.19 châu Á là vì giải đấu này diễn ra ở chính Myanmar. Yếu tố sân nhà với sự động viên, cổ vũ của khán giả nhà đã giúp U.19 Myanmar vượt qua những thời khắc gian khó nhất, chẳng hạn như khi bất ngờ gục ngã 0-2 trước U.19 Iran ở vòng bảng hay bị U.19 UAE dồn ép đến mức tức thở ở vòng tứ kết.

Và như vậy, từ yếu tố thời thế của ĐT bóng đá nữ Thái Lan đến yếu tố sân nhà của ĐT U.19 Myanmar có thể nói rằng hành trình đi World Cup của bóng đá Đông Nam Á đã có sự đóng góp không nhỏ của những trợ lực khách quan. Tất nhiên, có trợ lực là một chuyện, đủ trí khôn để tận dụng trợ lực ấy lại là một chuyện khác, và cái khác này được thể hiện rất rõ trong những cuộc so kè giữa những đội Đông Nam Á với nhau, nhưng chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở phần sau bài viết.

Lực đẩy cần bám víu

ĐT nữ Việt Nam không thể giành quyền đi World Cup. H.M.

Giấc mơ World Cup từng là một giấc mơ ám ảnh các nền bóng đá Đông Nam Á suốt những thập niên 90 của thế kỷ 20. Đấy là thời kỳ mà  bóng đá Thái Lan nghĩ rằng mình đã vượt khỏi "vùng trũng" nên vạch kế hoạch tấn công vào châu lục rồi "công" luôn vào đấu trường World Cup. Dưới sự dẫn dắt có hệ thống của những ông thầy danh tiếng người Anh cộng thêm sự xuất hiện của một thế hệ cầu thủ tài năng (thế hệ của những Kiatisak, Dusit, Tawan...) đã có lúc người Thái nghĩ rằng giấc mơ World Cup là rất gần gũi với mình. Nhưng thời gian chứng minh: cái khoảng cách tưởng là gần gũi thực chất lại là sự gần gũi trong... thăm thẳm. 

Đấy là thời kỳ mà bóng đá Indonesia đã gửi hàng loạt cầu thủ của mình vào các học viện bóng đá Italia và mời những ông thầy Italia sang xây dựng ĐTQG theo một phong cách kỷ luật giàu toan tính. Thực tế thì những tài năng của bóng đá Indonesia thời ấy như Bima Sakti, Kurniawan... cũng ít nhiều để lại những vệt sáng ở cả đấu trường Đông Nam Á lẫn đấu trường châu Á, nhưng nó chỉ là những vệt sáng hiếm hoi, lóe lên rồi tắt lịm.

Đấy cũng là thời kỳ mà người Singapore đặt niềm tin vào những chuyên gia Đan Mạch, và mời những chuyên gia này chủ trì hàng loạt dự án phát triển bóng đá chất lượng cao. Nhưng với Singapore, thành tích lớn nhất mà họ gặt được vẫn chỉ là 3 lần vô địch Đông Nam Á, và đến lúc này thì không thấy bóng đá Singapore nói đến giấc mơ World Cup nữa.

Ngay cả với bóng đá Việt Nam, không biết là do "trí tuệ xa vời" hay vì "thấy bạn mơ nên mình cũng phải mơ" mà nhiệm kỳ 3 VFF, người ta cũng vạch ra chiến lược phải xây dựng  ĐTVN đủ sức lực để góp mặt ở VCK World Cup 2018. Mới đây thì ông tân Chủ tịch Liên đoàn Lê Hùng Dũng cũng nói lại "giấc mơ 2018" gắn liền với một thế hệ U.19 giàu triển vọng, nhưng ai cũng thấy đấy chỉ là một kiểu mơ ước hão huyền.

Nói lại tất cả những điều này để thấy rằng bóng đá Đông Nam Á dám nghĩ đến World Cup, dám vạch chiến lược đi World Cup và cũng dám đổ công đổ của để thực hiện chiến lược của mình, nhưng tất cả đều thất bại. Phải đến tận lúc này, một ĐT bóng đá nữ và một ĐT trẻ Đông Nam Á mới có thể giành vé đi World Cup. Như đã nói chiếc vé ấy có sự đóng góp tối quan trọng của yếu tố thời thế và sân bãi, nhưng với một khu vực đang phát triển về kinh tế, một khu vực rất lạc hậu ở địa hạt thể thao thì những chiếc vé như thế ít nhiều cũng tạo ra một lực đẩy đáng phấn khởi.

Chắc chắn là các nền bóng đá Đông Nam  phải nhìn vào đấy, bám víu và tận dụng nó để hy vọng tiến tới ngày thực sự đổi đời.

Và những chữ "nếu" muôn thuở của bóng đá Việt Nam

Khi chứng kiến U.19 Myanmar lọt vào top 4 U.19 châu Á để giành quyền đi World Cup rất nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã tiếc rẻ: "Nếu giải đấu này không diễn ra trên đất khách, mà diễn ra ở sân Mỹ Đình thì có thể vị trí của ta và Myanmar đã đổi chỗ cho nhau". Người ta "nếu" như thế là bởi ở bán kết giải U.19 Đông Nam Á trên sân Mỹ Đình, U.19 Myanmar đã thảm bại 1-4 trước U.19 Việt Nam, và sau trận đó thì ai cũng tin là tuổi 19 của Myanmar kém tuổi 19 Việt Nam một bậc.

ĐT U.19 Việt Nam "gãy" đúng ở sân chơi chiến lược của mình. Ảnh: H.M.

Nói đến yếu tố sân bãi, cũng cần khách quan nhắc lại rằng trong cuộc chạy đua giành vé dự World Cup nữ với chính Myanmar và Thái Lan, chẳng phải ĐT nữ Việt Nam cũng có lợi thế sân nhà, và hàng loạt những lợi thế khác về lịch thi đấu đó sao? Vậy thì tại sao chúng ta vẫn thua nữ Thái Lan 1-2, và thua trong cảnh tâm phục khẩu phục? Viết tới đây chợt nhớ, ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cứ phân bua: "Nếu (ôi, lại nếu) người dẫn dắt ĐT nữ Việt Nam trong trận Play Off đó không phải thầy ngoại Trần Vân Phát mà là thầy nội Mai Đức Chung (người bất ngờ giúp ĐT nữ Việt Nam thắng lại nữ Thái Lan 2-1 ở Asiad 17 - PV) thì có thể mọi chuyện đã khác rồi".

Thế đấy, khi U.19 Việt Nam không thể giành vé đi World Cup thì người ta ước: "Nếu U.19 Việt Nam được đá trên sân nhà". Còn khi ĐT nữ Việt Nam được đá trên sân nhà mà cũng không giành vé đi World Cup thì người ta lại bảo: "Nếu dẫn dắt ĐT nữ là một ông thầy khác". Sao "nếu" gì mà lắm thế, và cứ trơn tuột thế?

Cần phải nhìn thẳng vào sự thực: Trong cuộc cạnh tranh với ĐT nữ Thái Lan, ĐT nữ Việt Nam không được rèn giũa, đầu tư một cách thực sự hiệu quả. Bằng chứng là trong khi hàng loạt cầu thủ Thái được gửi sang thi đấu ở giải VĐQG Nhật Bản, ngay cả ĐT Thái cũng được tập luyện dài ngày ở Nhật Bản - nền bóng đá nữ hàng đầu thế giới thì ĐT nữ Việt Nam chỉ quẩn quanh với những chuyến tập huấn tại Hàn Quốc và Trung Quốc - những nơi có khí hậu lạnh, trong khi giải vô địch nữ châu Á lại diễn ra ở TP HCM - nơi có khí hậu nóng.

Còn với lứa U.19, ai cũng thấy là cho đến trước giải đấu chiến lược U.19 châu Á tại Myanmar, các cầu thủ U.19 Việt Nam phải trải qua vô số các trận đấu lớn nhỏ khác nhau, và trận nào cũng phải đá hết sức, cũng phải gồng lên quyết thắng để phục vụ... nhu cầu thưởng thức của người hâm mộ. Một chuyên gia bóng đá (đề nghị giấu tên) phân tích với chúng tôi: "Tính trung bình trong năm 2014, tụi nó phải đá trên dưới 40 trận đấu, trong khi cầu chủ V.League nhiều lắm cũng chỉ đá 30 trận. Đá liên miên như vậy, và trận nào cũng phải quyết thắng như vậy  thì khi gặp Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ở giải đấu quan trọng nhất trong năm, tụi nó không đủ thể lực để đá 45 phút hiệp 2 cũng là dễ hiểu". Nó khác và khác rất nhiều so với kiểu đá có tính toán của U.19 Myanmar, kiểu đá mà ai cũng thấy sau khi lên đỉnh ở giải U.22 Đông Nam Á (thắng U.19 Việt Nam 4-3 ở trận chung kết), U.19 Myanmar có dấu hiệu nhả sức ở giải U.19 Đông Nam Á diễn ra sau đó, và đến giải U.19 châu Á trên sân mình thì đã đạt phong độ tối cao.

Ở đây, mỗi HLV, mỗi nhà chuyên môn đều có những cách tính riêng của mình, và khi bóng đã ngừng lăn, trận đấu đã an bài thì mọi mổ xẻ, phân tích đều rất dễ bị hiểu lầm là "nói cho sướng miệng". Nhưng nhìn vào hiệu quả của những con tính thì rõ ràng là trong cả hai cuộc cạnh tranh giành vé đi World Cup chúng ta đều không tính chuẩn, tính xuất sắc bằng những đối thủ ở chung "ao" với mình.

"Mắt xanh" hay "mảnh đất xanh"?

Người dẫn dắt U.19 Myanmar lập kỳ tích đi World Cup là nhà cầm quân người Đức Gerd Zeise. Điều đáng nói là trước đây HLV này đã từng đến CLB Đà Nẵng làm GĐKT, nhưng sau đó không lâu đã phải khăn gói ra đi vì bị những nhà quản lý người Việt Nam đánh giá là: "Không biết làm bóng đá". Vậy thì vấn đề ở đây là chúng ta đã không có "con mắt xanh" để nhìn người hay không có một "mảnh đất xanh" để những người thực sự có tài được đóng góp và cất cánh?

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.