Khi bóng đá không chỉ có thẻ vàng, thẻ đỏ

Thứ Năm, 13/10/2016, 15:44
Cuối tuần qua, sân cỏ bóng đá thế giới được hâm nóng bởi các màn so tài đỉnh cao của các đội tuyển quốc gia tại vòng loại World Cup 2018 hoặc các trận giao hữu quốc tế. Thế nhưng, sự kiện đặc biệt nhất lại diễn ra ở một trận đấu hạng Hai theo đúng nghĩa đen. Đấy là tại cuộc đối đầu giữa 2 CLB vô danh là Virtus Entella và Vicenza ở Serie B, khi chiếc thẻ xanh đầu tiên của bóng đá thế giới lần đầu được sử dụng trên sân cỏ…


Là một người hâm mộ bóng đá hẳn chẳng ai còn xa lạ với những chiếc thẻ vàng và thẻ đỏ. Tuy nhiên, chắc chắn thẻ xanh vẫn là thứ còn lạ lẫm với số đông. Thậm chí, có lẽ là với cả các trọng tài hay chuyên gia bóng đá. Đơn giản bởi thẻ này chưa được áp dụng rộng rãi, cũng như chưa được FIFA chính thức thừa nhận.

Thẻ xanh là gì?

So với chiều dài lịch sử của môn thể thao vua thì những chiếc thẻ có tuổi đời tương đối ngắn ngủi, chỉ là những sản phẩm sinh sau đẻ muộn. Cụ thể, thẻ vàng và thẻ đỏ là khái niệm chỉ bắt đầu xuất hiện trong túi áo, túi quần của các ông vua sân cỏ từ VCK World Cup 1970, tức là 46 năm trước. Cho dù môn bóng đá hiện đại đã được thừa nhận là ra đời từ thế kỷ XIX.

So với thẻ vàng và thẻ đỏ thì tuổi đời của chiếc thẻ xanh còn ngắn ngủi hơn rất nhiều, chỉ đáng xếp vào hàng con cháu. Ý tưởng áp dụng thẻ xanh mới chỉ được Ban tổ chức Serie B cùng Hiệp hội trọng tài Italia đề xuất và đưa vào sử dụng tại giải đấu này từ tháng 1-2016. Và trận đấu giữa Spezia và Bari diễn ra vào ngày 15-1-2016 là trận đấu đầu tiên mà các trọng tài ra sân có thêm hành trang là chiếc thẻ xanh, bên cạnh 2 chiếc thẻ vàng và thẻ đỏ quen thuộc.

Nhưng cũng phải gần đúng 9 tháng sau, chiếc thẻ xanh đầu tiên mới chính thức được sử dụng. Chủ nhân của khoảnh khắc lịch sử này là Cristian Galano của CLB Vicenza. Vậy thẻ xanh là gì? Mà phải sau một khoảng thời gian dài như vậy các ông vua áo đen mới có cơ hội sử dụng. Trong khi hiếm có trận đấu nào mà trọng tài lại không phải rút thẻ vàng hay thẻ đỏ.

Cristian Galano - cầu thủ có vinh dự nhận chiếc thẻ xanh đầu tiên trong lịch sử.

Trên thực tế, chiếc thẻ xanh mang ý nghĩa khác nhau ở các môn thể thao khác nhau. Thậm chí, ngay trong môi trường bóng đá ý nghĩa của nó cũng khác nhau. Ví dụ như trong môn khúc côn cầu trên cỏ hay giải võ thuật tự do nổi tiếng của Nhật Bản (Pride Fighting Championships) thì thẻ xanh được sử dụng để cảnh cáo lỗi vi phạm của vận động viên. Trong bóng đá, thẻ xanh cũng từng được dùng một cách không chính thức để các nhân viên y tế biết rằng họ được phép vào sân để chăm sóc cho một cầu thủ bị chấn thương.

Tuy nhiên, chiếc thẻ xanh ở Serie B mang một ý nghĩa rất đặc biêt. Hoàn toàn khác với thẻ vàng, thẻ đỏ mang tính trừng phạt, chiếc thẻ xanh lại là một phần thưởng. Nó được dành tặng cho cầu thủ đã có hành động fair-play trong một trận đấu.

Thẻ xanh ra đời như thế nào?

Sự ra đời của những chiếc thẻ đều gắn liền với những yếu tố mang tính lịch sử. Thẻ vàng và thẻ đỏ ra đời bắt nguồn từ một cuộc tranh cãi liên quan đến một trận đấu ở World Cup 1966 giữa Anh và Argentina (tại vòng tứ kết). Cha đẻ của nó là cố trọng tài Ken Aston - người khi đó là thành viên Ủy ban trọng tài của FIFA và chịu trách nhiệm về hoạt động của các trọng tài tại VCK World Cup 1996.

Số là trước khi khai sinh ra thẻ vàng và thẻ đỏ thì mỗi khi các trọng tài muốn cảnh cáo hoặc phạt nặng bằng cách truất quyền thi đấu của một cầu thủ nào có mặt trên sân, ông sẽ phải gọi anh này đến và nói: "Tôi đuổi anh ra khỏi cuộc chơi vì lý do…!". Sau đó quyết định sẽ được báo cho đội trưởng của anh ta biết. Điều này tạo ra nhiều bất cập như mất nhiều thời gian, khiến trận đấu gián đoạn lâu.

Hơn nữa, ở các trận đấu quốc tế khi ngôn ngữ của các trọng tài sử dụng khác với của cầu thủ trên sân thì có thể gây ra tình trạng cầu thủ không hiểu trọng tài phạt gì, khiến cho cả cầu thủ lẫn huấn luyện viên và đặc biệt là khán giả luôn ở trong tình trạng thắc mắc, thấy mọi việc không rõ ràng. Thậm chí, còn có tình trạng, cầu thủ dù hiểu ý trọng tài nhưng cứ cố tình "Chí Phèo" giả vờ không biết gì và chẳng chịu rời sân cho.

Sau trận đấu giữa Anh và Argentina ở tứ kết, một tờ báo đã đưa tin là ngoài việc tước quyền thi đấu của tuyển thủ Argentina Antonio Rattin thì ở trận này, trọng tài Rudolf Kreitlein còn đã phạt cảnh cáo 2 ngôi sao của tuyển Anh là Bobby và Jack Charlton. HLV của tuyển Anh khi đó, huyền thoại Alf Ramsey thì khăng khăng rằng trọng tài đã không hề đưa phán quyết đó trong trận đấu và phàn nàn trong cuộc họp báo trước trận bán kết.

Trọng tài Ken Aston với trọng trách của mình đã suy nghĩ đến việc phải làm thế nào để quyết định của các đồng nghiệp trở nên rõ ràng hơn với cả cầu thủ cũng như khán giả. Ông Ken Aston nhanh chóng nhận ra rằng tín hiệu màu sắc với nguyên tắc tương tự như tín hiệu giao thông (màu vàng mang tính chất cảnh báo, còn màu đỏ là bắt buộc dừng lại) có thể xóa tan những rào cản ngôn ngữ và giúp các cầu thủ hiểu được rằng họ bị cảnh cáo hay bị truất quyền thi đấu.

Ông đã đề xuất điều này lên IFAB - Ủy ban các hiệp hội bóng đá quốc tế (cơ quan ban hành luật bóng đá thế giới) và đã được chấp nhận. Kết quả là thẻ vàng mang nghĩa cảnh cáo cầu thủ, thẻ đỏ để truất quyền thi đấu đã chính thức bắt đầu được sử dụng từ VCK World Cup 1970.

Trong khi đó, thẻ xanh theo như lý giải của Chủ tịch Serie B, Andrea Alodi: "Đó là một giải thưởng mang tính biểu tượng. Nó có thể là một cái gì đó rất đơn giản. Điều quan trọng là một hành động chơi đẹp cần phải được thừa nhận. Nó chỉ là một trong một chuỗi các sáng kiến trong và ngoài sân cỏ. Sự tôn trọng phải là thứ đầu tiên xuất hiện, đó là lí do thẻ xanh được đưa vào các trận đấu".

Cần phải lưu ý rằng, bóng đá Italia lâu nay vẫn gắn liền với nhiều bê bối từ scandal dàn xếp tỉ số, mua chuộc trọng tài cho đến phong cách đá rắn đã thành thương hiệu. Chẳng đâu xa, Serie B mùa giải năm ngoái từng bị hoãn lại do scandal dàn xếp tỉ số của CLB Catania và CLB Teramo bị phanh phui, khiến 2 đội bóng này sau đó bị đánh xuống hạng 3.

Trong bối cảnh đó, BTC rất muốn lấy lại hình ảnh tốt đẹp cho giải đấu. Đấy là lí do mà chiếc thẻ xanh ra đời. Ý tưởng này hướng tới mục tiêu thúc đẩy các hành động và cách ứng xử fair-play trên sân cỏ. Nếu trọng tài nhận định một cầu thủ nào đó có hành động đẹp trên sân, anh ta sẽ được tặng một chiếc thẻ xanh. Cuối mùa, cầu thủ nào nhận được nhiều thẻ xanh nhất sẽ được BTC Serie B trao tặng một phần thưởng dành cho thành tích này.

"Chúng tôi nghĩ rằng bóng đá cần thông điệp tích cực. Môn thể thao này đã thường xuyên chứng kiến những cuộc tranh cãi, những điều không hay trong các sân bóng" - Một phát ngôn viên của Serie B cho biết.

Thẻ xanh sẽ là tương lai của bóng đá?

Hiện tại chiếc thẻ xanh vẫn đang tồn tại một cách không chính thức. Tức là chưa được IFAB đưa vào luật bóng đá thế giới. Nhưng có thể tin rằng thẻ xanh sẽ là tương lai của bóng đá thế giới.

Hiện tại cũng đã có những giải đấu khác đưa thẻ xanh vào sử dụng tương tự như Serie B. Liên đoàn bóng đá CH Ireland đã đưa thẻ xanh vào sử dụng trong các giải đấu của thiếu niên - nhi đồng như Local Fun Days và Future Football Cup.

Theo đó, mỗi đội sẽ nhận được 1 thẻ xanh trong trận đấu nếu đáp ứng được 7 yêu cầu về hành xử fair-play mà LĐBĐ nước này đặt ra. Chiếc thẻ xanh ở đây được xem như cách giáo dục, rèn cho các cầu thủ nhí phong cách ứng xử fair-play trong các trận đấu. Song rõ ràng không chỉ trẻ em mà ngay cả những cầu thủ chuyên nghiệp cũng rất cần những chiếc thẻ xanh như cách Serie B đang thực hiện.

Trọng tài Marco Mainardi - người đầu tiên rút thẻ xanh ở 1 trận đấu chuyên nghiệp.

Cần nhớ rằng tinh thần của thể thao nói chung là cao thượng. Bóng đá cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chính FIFA đã khẳng định rằng fair-play là nền tảng cơ bản của môn thể thao vua. FIFA từng sử dụng khẩu hiệu: "My game is fair-play" (tạm dịch là môn thể thao này là cao thượng), hàng năm tổ chức này luôn có giải thưởng Fair-Play của năm để trao cho các hành động đẹp trên sân cỏ. Chính vì vậy, một biểu tượng để khẳng định, thừa nhận những hành vi fair-play trong các trận đấu như thẻ xanh là rất cần thiết.

Đặc biệt, trong môi trường bóng đá đang ngày càng bị bóp nghẹt bởi các toan tính, thậm chí là những chiêu trò bẩn như hiện nay thì việc thức đẩy những hành vi cao thượng lại càng trở nên quan trọng. Nó có thể mang đến một làn gió mới cho môn thể thao được ưa thích nhất thế giới này.

Còn gì tuyệt vời hơn khi người ta theo dõi các trận đấu, không chỉ để chứng kiến những cuộc đua tranh quyết liệt, nảy lửa, mà còn để chờ đợi những bài học: Bài học về sự cao thượng, về sự tử tế?

Vì thế, hãy tin rằng thẻ xanh sẽ là tương lai của bóng đá thế giới và sẽ sớm được chính thức xuất hiện trong luật.

Chiếc thẻ xanh đầu tiên được trao như thế nào?

Marco Mainardi là trọng tài đầu tiên sử dụng chiếc thẻ xanh theo nghĩa tặng cho một cầu thủ fair-play ở một trận đấu chuyên nghiệp. Còn người có vinh dự nhận nó là tiền đạo Cristian Galano của Vicenza.

Tình huống đó diễn ra ở phút 53 của trận đấu giữa Virtus Entella và Vicenza. Khi ấy, trọng tài Marco Mainardi quyết định cho CLB Vicenza được hưởng một quả phạt góc, bất chấp sự phản đối của các cầu thủ Virtus Entella. Tiền đạo Cristian Galano - người trực tiếp tham gia tình huống đã tiến đến chỗ trọng tài và thanh minh hộ đối thủ rằng không có cầu thủ nào của Virtus Entella chạm vào bóng trước đó.

Theo đó trọng tài Marco Mainardi sau khi nghe thừa nhận của Galano đã thay đổi quyết định, để cầu thủ Virtus Entella phát bóng lên và đồng thời tặng Cristian Galano một chiếc thẻ xanh.

Hành động của Cristian Galano quả thật là rất cao thượng. Bởi khi đó đội bóng của anh đang rất cần bàn gỡ, khi đang bị đối thủ dẫn trước 2-1 (Vicenza còn đang khát vô cùng khát điểm khi nằm ở đáy BXH). Trận đấu khép lại với tỉ số cuối cùng 4-1 nghiêng về đội chủ nhà Virtus Entella. Nhưng rõ ràng sau tất cả, Cristian Galano mới là người đã chiến thắng trên sân đấu ngày hôm ấy.

Khi nào chiếc thẻ xanh được đưa vào luật?

Có một điều thú vị là dù FIFA là cơ quan quản lý cao nhất trong thế giới bóng đá. Nhưng luật bóng đá lại không phải do tổ chức này ban hành. Mà quyền đó thuộc về IFAB (Ủy ban các liên đoàn bóng đá quốc tế), trong đó FIFA chỉ là một trong số 5 thành viên. 4 thành viên còn lại là  LĐBĐ Anh, Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales (những thành viên của Vương quốc Anh - nơi vẫn được xem là khai sinh ra bóng đá hiện đại).

Một điều khoản mới như thẻ xanh nếu muốn được đưa vào luật bóng đá sẽ phải được 3/4 số thành viên đồng ý. Trong đó, FIFA được mặc định là chiếm 50% quyền lực khi biểu quyết, 50% còn lại được chia đều cho 4 Liên đoàn bóng đá thuộc Vương quốc Anh. Điều này có nghĩa là một điều luật mới muốn được thông qua thì cần phải có được sự ủng hộ của FIFA. Nhưng ở chiều ngược lại, sự ủng hộ của riêng FIFA vẫn sẽ là chưa đủ để đưa một quy định mới vào luật.

Hàng năm IFAB chỉ họp 2 phiên để cân nhắc các quy định mới của luật bóng đá cũng như giải quyết các vấn đề nội bộ liên quan đến tổ chức này. Phiên họp xem xét việc chỉnh sửa luật bóng đá thường diễn ra vào ngày 1-7 trong năm. Do đó, sớm nhất thì cũng phải đến 1-7-2017 chiếc thẻ xanh mới có cơ hội được chính thức điền tên vào luật bóng đá (hiện gồm 17 điều).

Tất Đức
.
.
.