Khi cố nhân tao ngộ

Thứ Năm, 06/10/2016, 08:00
Calisto đột ngột quay trở lại Việt Nam, với mục đích ban đầu là "du lịch và giải quyết một số công việc ngoài bóng đá" như lời giải thích của chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng. Nhưng người ta tin là ông thầy có biệt danh "phù thuỷ", từng giúp bóng đá Việt Nam đăng quang ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2008 không chỉ quay lại "quê hương thứ hai" của mình để du lịch rồi... chấm hết.


Đầu tiên Calisto đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất rồi từ đó đi Long An - nơi mà hơn 10 năm trước ông từng đặt chân đến và không ngờ nó là sự khởi đầu cho một mối lương duyên kéo dài. 

Thời đó, CLB Long An còn có tên là Gạch Đồng Tâm. Long An đang thi đấu ở giải hạng Nhất Quốc gia, và qua một vài trận điều binh khiển tướng CLB này, Calisto thậm chí còn bị một tờ báo phê phán là "không có khả năng làm chiến thuật". 

Theo lời kể của Phan Văn Tài Em, khi đọc được bài báo đó, rằng "Đồng Tâm Long An chỉ lên công về thủ theo sự hò hét của Calisto, chứ không có một kế hoạch tác chiến sẵn có", Calisto đã rất buồn. Đến năm 2008, khi đội tuyển Việt Nam dưới thời ông trải qua chuỗi 11 trận không thắng thì vẫn là báo chí đã tấn công ông tới tấp. 

Phạm Thành Lương - một trong những người gắn bó nhất với Calisto thời điểm ấy nhớ lại: "Sau Cúp bóng đá thành phố Hồ Chí Minh, Calisto đã nghĩ đến việc ra đi. Ông đề nghị cả đội bỏ phiếu kín, và nếu một nửa số phiếu đề nghị mình ra đi thì ông sẽ từ chức ngay lập tức". 

Thành Lương kể thêm: "Có nhiều buổi tối, Calisto căng thẳng, hút thuốc không biết bao nhiêu cho kể, nhưng may mắn là cuối cùng bỏ phiếu, không cầu thủ nào đề nghị ông ra đi cả". Kể lại những chi tiết này để thấy trong hơn một thập kỷ hành nghề ở Việt Nam, từ cả cấp độ CLB lẫn cấp độ ĐTQG, Calisto đã có những lúc phải hứng chịu rất nhiều sức ép từ báo chí, và đã có một giai đoạn ngắn ở AFF Cup ông bất hợp tác với báo chí nói chung.

Nhưng ngay trong những lúc căng thẳng nhất ấy, Calisto vẫn có những người bạn báo chí - những người mà khi cùng ngồi lại với nhau để uống cà phê, hút thuốc ông không ngại chia sẻ những điều thật nhất, sâu kín nhất của lòng mình. Cách đây ít hôm, khi ra Hà Nội dự trận chung kết Cúp Quốc gia lượt về giữa Hà Nội T&T với Quảng Ninh trên sân Hàng Đẫy, thông qua VPF, Calisto đã gặp lại một số bạn bè báo chí của mình. 

Cuộc gặp gỡ diễn ra ở một quán ăn theo phong cách châu Âu trên đường Lê Phụng Hiểu, và ở đó người ta vẫn thấy một Calisto hệt như ngày nào. Một Calisto tình cảm, khi ông tới gặp từng nhà báo mà mình nhớ, kể lại những kỷ niệm xưa rồi cười khà khà trước khi chạm cốc. 

Một Calisto thẳng thắn, không ngại tranh luận, không ngại dùng từ ngữ mạnh khi một nhà báo thể hiện một quan điểm không đúng và trúng với suy nghĩ của ông. Hôm đó, chúng tôi hỏi: "Ông sẽ lại cầm quân ở Việt Nam nữa chứ?". Calisto nhún vai: "Hiện tại chưa đội bóng nào tiếp xúc với tôi cả".

Đấy không phải là một câu trả lời bất ngờ với Calisto nói riêng cũng như những người phương Tây nói chung - những người có thói quen không tiết lộ bất cứ chi tiết nào khi câu chuyện và những dự định của mình chưa chắc chắn 100%. Trên thực tế, làng bóng không ngừng đồn đoán việc CLB Bình Dương đang muốn có được chữ ký của thầy "Tô". 

Còn một thực tế khác nữa, cái tình giữa Calisto với chủ tịch VPF, cựu chủ tịch CLB Long An Võ Quốc Thắng vẫn rất đậm đà. Và hơn lúc nào hết CLB Long An cần Calisto, cần những chiêu thức của một "thầy phù thuỷ" vốn rất hiểu bóng đá Việt Nam để vực dậy một tập thể trẻ vừa phải trải qua 120 phút play off căng thẳng mới có thể tiếp tục trụ lại ở đấu trường V.League. Có thể chỉ trong một thời gian ngắn tới đây, câu hỏi: "Rốt cuộc Calisto có hành nghề trở lại ở Việt Nam hay không?" sẽ có được câu trả lời chính xác.

Trong những ngày vừa qua ở Việt Nam, bên cạnh việc dự khán trận chung kết Cúp Quốc gia giữa Hà Nội T&T - Quảng Ninh, trận play off mùa giải giữa Long An - Viettel, Calsito còn tham dự một show truyền hình, và tranh thủ thời gian gặp gỡ những HLV, những cầu thủ thân thiết với mình. 

Sau trận chung kết cúp Quốc gia trên sân Hàng Đẫy, ông đã đi từ ghế VIP xuống sân, gặp lại người trợ lý cũ Phan Thanh Hùng, giơ một ngón tay cái tán thưởng về phía trước rồi bảo: "Dưới sự dẫn dắt của cậu, Quảng Ninh rồi sẽ vô địch V.League trong một tương lai gần". 

Cuộc hội ngộ giữa hai con người này làm người ta nhớ lại quãng thời gian cả hai chung lưng đấu cật ở Đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2008. Giải đấu đó, trước trận quyết định Việt Nam - Malaysia, Calisto đã gọi Phan Thanh Hùng cùng một trợ lý nữa là Trần Văn Khánh lên tầng thượng khách sạn Royal Phuket City, nhìn về phía bầu trời xa rồi nói những điều gan ruột: "Ngày mai, nếu thua, Việt Nam bị loại thì mỗi chúng ta sẽ đi một đường". 

Lúc đó cả Phan Thanh Hùng lẫn Trần Văn Khánh đều đã động viên Calisto tin tưởng vào chiến thắng, và giữa họ nảy sinh một tình cảm đặc biệt từ đây. Ngày hôm sau, trong trận đấu sinh tử ấy, Calisto đã phải nhận thẻ đỏ, rời khu chỉ đạo vì lỗi phản ứng với trọng tài, và chính Phan Thanh Hùng đã phải đứng ra hò hét, chỉ đạo các cầu thủ. 

Cuối cùng, chúng ta thắng hú hồn 3-2, với một bàn thắng quyết định được ghi từ cái chân thần tài của Vũ Phong, cộng hưởng với sức gió và một mô đất trên sân khiến tất cả vỡ oà hạnh phúc. Cũng từ trận đấu đó, Đội tuyển Việt Nam chơi mỗi lúc một hay và bất ngờ đi một lèo tới ngôi vô địch.

Sau này, nhiều cầu thủ gọi Calisto là thầy đã đành, đến HLV Phan Thanh Hùng cũng một câu thầy "Tô", hai câu thầy "Tô". Ông lý giải: "Quãng thời gian làm việc với thầy "Tô" tôi học được rất nhiều kinh nghiệm cầm quân, và làm tâm lý cho cầu thủ". 

Thực tế, từ Hà Nội T&T đến Quảng Ninh, ông Hùng đều xây dựng một lối chơi nhỏ, nhuyễn, đậm màu sắc Latin theo đúng phong cách của thầy "Tô". Và như nhận xét của nhiều cầu thủ Hà Nội T&T - đội bóng cũ của ông thì: "Kể từ ngày làm việc với HLV Calisto, HLV Phan Thanh Hùng cũng có một phong cách hò hét, chỉ đạo trận đấu y như thầy "Tô" vậy".

Năm năm kể từ ngày chủ động chia tay Đội tuyển Việt Nam đến với CLB Muang Thong United (Thái Lan), khi quay trở lại, thầy "Tô" tỏ ra vui mừng với nhiều chiến tích mới của bóng đá Việt Nam, đặc biệt nhất là việc ĐT futsal Việt Nam đã được tham dự VCK World Cup futsal thế giới. Thầy "Tô" cũng chúc Đội tuyển Việt Nam của người học trò Nguyễn Hữu Thắng ngày nào thi đấu thành công, thậm chí có thể vô địch AFF Suzuki Cup 2016. 

Có vẻ ông không muốn nói đến những điều chưa được, chưa tới của bóng đá Việt Nam lúc này, mặc dù cho biết mình vẫn theo dõi chặt chẽ từng bước đi của bóng đá Việt Nam. Tư thế của một vị khách tất yếu khiến ông như vậy? 

Chợt nhớ, năm 2011, khi chia tay bóng đá Việt Nam, ông đã phàn nàn rất nhiều với chúng tôi sự yếu kém về cơ sở vật chất của bóng đá Việt Nam, về những giới hạn trong tư duy và phông văn hoá của cầu thủ Việt Nam, và cả những sự không hài lòng nhất định về cách quản lý, điều hành của vài quan chức Liên đoàn bóng đá nữa. Thực tâm mà nói, kể từ đó đến nay những vấn đề này vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. 

Nếu chính thức quay trở lại Việt Nam hành nghề, sống và đối diện với những vấn đề hiện tại của chúng ta, có thể Calisto sẽ lại nói ra những điều, mà lúc này trong tư thế của một vị khách ông chưa tiện nói?

Thời gian qua đi, Calisto vẫn vậy

Ông cầm ly bia tiến về phía chỗ tôi đang ngồi, vỗ vai rồi nói bằng một giọng rất quen: "Ngày xưa anh làm Thể thao & Văn hoá nhỉ?". May quá, nhà báo kiêm "phiên dịch viên bất đắc dĩ" Trịnh Long Vũ kịp thời can thiệp: "Không! Hồi ông ở Việt Nam, anh ấy làm ở báo Bóng đá". Calsisto cau mày một tẹo, rồi nói bằng tiếng Việt hẳn hoi: "Ok. Bóng đá! Bóng đá".

Nhưng có một chút nhầm lẫn giữa bóng đá với văn hoá cũng phải, vì hồi ấy mỗi khi ngồi cùng là tôi và ông chỉ nói tí tẹo về bóng đá, về Đội tuyển Việt Nam, còn đâu toàn nói về lịch sử. Ông rất thích lịch sử Hy Lạp - La Mã cổ đại, và đã từng say sưa nói với tôi về những cuộc chiến tranh thời La Mã. 

Ông cũng thích cái dũng khí của Napoleon sau này, và tôi nhớ mãi, một buổi tối - ở một quán cà phê cạnh báo Hà Nội Mới bên bờ Hồ (cái quán yêu thích của ông), ông bảo: "Cậu biết không, khi đánh Ai Cập, Napoleon bảo với quân sĩ rằng chúng ta không chỉ đang đối diện với Ai Cập, mà là đối diện với cả ngàn năm văn minh!". 

Sau đó, ông rít một hơi thuốc - tôi vẫn nhớ như in kiểu rít thuốc thành tiếng rồi xả ra cả một chùm khói mù mịt của ông rồi nói: "Tôi thấy cầu thủ Việt Nam ích kỷ. Vì ngoài quả bóng ra, họ không biết một cái gì khác thì phải. Mà hình như họ cũng không có nhu cầu biết".

Thông qua "phiên dịch viên" Long Vũ - tôi thông báo với ông rằng bây giờ cái quán cà phê ấy đã đóng cửa rồi. Ông hóm hỉnh: "Ồ, đóng 1 thì mở 3". Vẫn thông qua "phiên dịch viên" nhiệt tình này, tôi nhắc lại cái tên Ngô Lê Bằng - người vẫn phiên dịch các câu chuyện giữa chúng tôi hồi đó, ông nheo mắt rồi bảo: "Bằng futsal! Bằng futsal". Điều này chứng tỏ ông vẫn theo dõi rất chặt bóng đá Việt Nam, vì hiện tại ông Ngô Lê Bằng đang làm ở ĐT futsal Việt Nam mà.

6 năm đi qua, Hà Nội thay đổi nhiều - rất nhiều, cái quán cà phê xưa cũng không còn nữa, nhưng Calisto thì vẫn vậy. Trong cuộc chuyện trò với một vài nhà báo ở Hà Nội, ông vẫn là một Calisto như tôi đã thấy và đã mến: thẳng thắn tới mức không ngại dùng những từ ngữ rất mạnh để độp thẳng vào một con người - một vấn đề mình cho là không phải; tinh tế, tình cảm và trân trọng với những con người - những giá trị mình tin yêu.                                                       

Diệp Xưa
.
.
.