Khi cuộc đời còn yêu thương

Thứ Tư, 21/10/2015, 10:31
Sự tử tế, tình yêu thương vẫn còn trên cuộc đời này. Và mỗi sớm mai thức dậy, ta không phải giật mình vì những ám ảnh của chết chóc, của tàn ác, của vô cảm bủa vây. Ta vẫn còn đó niềm tin, sự tử tế vẫn còn trong cuộc đời này khi xem “Lửa Thiện Nhân”.
Trong những ngày tháng Mười này, ở một góc rạp cũ kỹ, tưởng nhữ ngủ quên giữa một rừng rạp chiếu phim hiện đại của Hà Nội, rạp Ngọc Khánh đã được đánh thức bởi một bộ phim hiện thực "Lửa Thiện Nhân". Những suất chiếu liên tục từ ngày 15 tháng 10 đều chật kín khán giả. Câu chuyện về lòng nhân ái, về tình yêu thương của Thiện Nhân và những người đồng hành trong hành trình đi tìm lại sự sống của cậu bé đã khiến mọi người rơi nước mắt. Những giọt nước mắt khiến người ta biết sống tử tế với nhau hơn, yêu thương nhau nhiều hơn.

Câu chuyện kể về Thiện Nhân, một cậu bé bị bỏ rơi ngay từ khi mới chào đời nơi bìa rừng, bị thú ăn mất một phần cơ thể. Hành trình “Lửa Thiện Nhân” là hành trình đi tìm lại sự sống cho cậu bé của chị Mai Anh và những người bạn đồng hành cùng chị. Thiện Nhân đã đứng vững, đã sống như bao đứa trẻ bình thường khác bằng chính tình yêu của mọi người. Nhưng có lẽ, câu chuyện sẽ không có sức lan tỏa đến thế nếu không có sự nối dài của yêu thương.

Tấm lòng của Mai Anh, của Greig Craft và Na Hương và bác sĩ người Ý, Giáo sư Roberto đã giúp đỡ hàng trăm đứa trẻ bị khuyết thiếu một bộ phận cơ thể. Tôi bị ám ảnh bởi nụ cười của bác sĩ người Ý, người đã nhiều lần sang Việt Nam mổ miễn phí cho những đứa trẻ bất hạnh, bởi ánh mắt lo lắng của Greig Craft, bởi sự dũng cảm của Mai Anh. Và tôi hiểu rằng, niềm vui thực sự chỉ đến khi con người thấy công việc đó có ý nghĩa với mình.

Tôi nhìn thấy nước mắt rơi trong những buổi chiếu phim ở Hà Nội. Và rất nhiều những chia sẻ xúc động. Một người bạn tôi đã viết: "Cả rạp phim ai cũng khóc, không một khán giả nào rời mắt khỏi màn hình. Việt Nam, chưa có bộ phim hiện thực nào hay đến như vậy. Xem xong, mọi người đều thấy rằng mình cần phải sống tử tế với nhau hơn... Thật sự mong bộ phim đến được với nhiều khán giả (nhất là trẻ em) vì quá nhân văn. Người ta sẽ không sống, làm việc xấu khi đã xem bộ phim này". 

Thiện Nhân (hàng trên cùng), mẹ Mai Anh và các bạn trong buổi ra mắt phim.

Hay những thông điệp: "Sau này con sẽ chăm sóc mẹ" - Thiện Nhân nói câu đầu tiên sau cuộc phẫu thuật kéo dài 9 tiếng, bằng giọng nói ngọng nghịu của đứa trẻ chưa vào lớp 1, với mẹ nó - chị Mai Anh - nữ nhà báo đã dũng cảm nhận nuôi Thiện Nhân, rồi lại thiếp vào giấc ngủ. Có lẽ, trong giấc ngủ dài 9 tiếng,  Thiện Nhân đã thấu hiểu nỗi vất vả, có lúc tưởng tuyệt vọng của người mẹ nuôi, trong hành trình giúp nó trở thành người bình thường.

Tôi ít khi xem phim Việt Nam, nhưng lại tò mò về bộ phim hiện thực có cái tên "Lửa Thiện Nhân" như chú lính chì dũng cảm, đã đứng lên bằng một chân, cũng học tập, vui chơi và hiếu động, nghịch ngợm không khác bất cứ đứa trẻ nào. Tôi đã đến rạp Ngọc Khánh, đã khóc, đã cười trọn vẹn 77 phút cùng với nỗi đau, niềm hạnh phúc của cậu bé và những tấm lòng nhân ái. Thiện Nhân sinh ra là để thử thách lòng kiên nhẫn, sự tử tế của những người như Mai Anh, của vợ chồng Grets và của tất cả chúng ta - những khán giả tử tế".

Và "Tôi vừa ngộ ra: Bản năng con người, phần chìm của tảng băng không chỉ toàn cái Ác, mà nó có cả cái Thiện. Cái Thiện đẹp đẽ ấy có sức lây lan, toả sáng, khiến nỗi đau của tâm hồn loài người được ru mềm, diệu vợi với những con người trong bộ phim "The human flame" (Lửa Thiện Nhân - Tính Thiện trong con người) của đạo diễn Đặng Hồng Giang".

Và rất nhiều, rất nhiều những chia sẻ đang lan tỏa trong cộng đồng về tình yêu, về sự tử tế. Nếu bộ phim "Chuyện tử tế" của đạo diễn Trần Văn Thủy gióng lên tiếng chuông đi tìm sự tử tế trong cuộc đời thì ở “Lửa Thiện Nhân”, sự tử tế đang hiện hữu, từng ngày, từng giờ trong đời sống này.
Thật ngạc nhiên, đạo diễn Đặng Hồng Giang không phải là người có tên tuổi trong làng điện ảnh. Anh vốn là một nhà báo, sang Úc học nghề làm phim và bỏ ra hơn 3 năm để quay lại hiện thực cuộc sống của bé Thiện Nhân và hành trình của những tấm lòng nhân ái. Và thật xúc động khi "Lửa Thiện Nhân", câu chuyện đã không còn chỉ nằm trong biên giới của một quốc gia bé nhỏ của chúng ta...

Đạo diễn Đặng Hồng Giang: Tôi đã chộp được những khoảnh khắc của cảm xúc

- Rất lâu rồi mới có một bộ phim tài liệu có thể kéo khán giả đến rạp đông như thế. Xem xong Lửa Thiện Nhân, tôi tin rằng, những chuyện tử tế vẫn còn trong cuộc sống này. Còn anh, anh nhớ gì về chặng đường khó khăn đã đi qua?

+ Những cảm nhận đó của bạn khiến tôi nghĩ rằng, cớ gì phải nhớ về những khó khăn đã qua. Để đạt được những điều bạn nói, theo bạn có dễ dàng không? Nhưng tôi không quen ngồi ca thán về những khó khăn. Bởi những gì tôi nhận được quá lớn, từ những email, những tin nhắn, những giọt nước mắt chân thành. Tôi đã quên hết những khó khăn.

- Hành trình 3 năm trời với những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, hẳn đó là một hành trình của rất nhiều cảm xúc?

+ Đúng, cảm xúc khi quay phim thì nhiều lắm. Mỗi khi tôi bắt chộp được một khoảng khắc nào đó, là một cảm xúc khác nhau. Có rất nhiều chi tiết tôi chỉ chộp được trong lúc làm việc và chính nó làm nên câu chuyện. Chi tiết Mai Anh nói rằng, việc phẫu thuật chân cho Thiện Nhân cũng giống như việc mổ để kéo chân dài ra. Và thằng bé sẽ phải trải qua bao nhiêu cuộc phẫu thuật như thế. Tôi nghĩ, tôi đang làm cho ước mơ của mình hay vì ước mơ của cậu bé.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang và Thiện Nhân.

Và khoảng khắc Mai Anh cúi xuống gần Thiện Nhân, tôi nói với quay phim quay từ trên xuống, qua kĩnh của Mai Anh và nhìn thấy nước mắt của Thiện Nhân rơi. Chi tiết đó được giới làm phim trong Liên hoan phim độc lập New York đánh giá cao. Rồi chi tiết buổi sáng Mai Anh đưa Thiện Nhân đi chơi ở công viên, quay cảnh Thiện Nhân đang nô đùa. Tôi nhìn thấy một cô đang tập thể dục và tôi quay hai cảnh vừa tương phản vừa đồng điệu giữa bước chân bình thường nhịp nhàng của cô và bước nhảy cũng nhịp nhàng bằng một chân của Thiện Nhân.

Rõ ràng, Thiện Nhân chỉ có một chân thôi, nhưng cháu vẫn hoạt động như người bình thường. Tôi nghĩ, điều quan trọng là phải cảm được câu chuyện, phải thực sự có cảm xúc mới ra được những khoảng khắc đó. Phim truyện nhựa luôn có một kịch bản sẵn với những tình tiết, thắt, mở nút. Còn phim tài liệu, nếu mình không cảm được thì sẽ không thể chộp được những khoảng khắc vuột trôi qua và không bao giờ trở lại nữa. Tôi nghĩ, phải nhìn một câu chuyện lớn từ chính những chi tiết nhỏ. Và may mắn cho tôi là nhiều người cùng đồng cảm và hiểu được.

- Anh có chia sẻ rằng, khi bắt đầu bấm máy, anh vẫn chưa biết sẽ bắt đầu kể câu chuyện như thế nào. Và anh đã bắt đầu từ đâu để câu chuyện của mình không bị cũ?

+ Thú thực khi bắt tay vào thực hiện bộ phim này chính tôi cũng chưa định hình rõ nét cho đường dây kịch bản như thế nào cho hấp dẫn nhất. Tôi chỉ biết Thiện Nhân là một câu chuyện đẹp đẽ đầy ắp tình người cần được lan tỏa không chỉ đến với khán giả trong nước mà còn đến được cả với bạn bè quốc tế nữa. Và tôi đã đi đến quyết định lấy triết lý "thiên định" làm "trục" chính cho bộ phim.  Thiện Nhân  ra đời trong đau đớn tột cùng đó chính là khởi đầu cho một câu chuyện về tình người, lòng nhân ái cứ nảy nở mãi chưa thôi... 

Bác sĩ Roberto và các đồng nghiệp.

Quả cũng như một lẽ hiển nhiên với những người trong cuộc, từ giáo sư Đinh Tuệ, đến ông Greig Craft (người Mỹ), có thể xem là đại diện cho hai hệ tư tưởng Đông - Tây trong bộ phim cũng đều có chung một góc nhìn về tính "thiên định" khi giải thích. Tôi có hỏi giáo sư Đinh Tuệ rằng, ở đây có điều gì đó mang tính tâm linh phải không anh.

Giáo sư nói: "Có những điều mà đôi khi chúng ta không biết được. Từ một đứa trẻ phải chịu nhiều đau khổ như Thiện Nhân, nay có hàng trăm đứa trẻ được giúp, có thể là do ông Trời đã tính như vậy từ trước". Còn ông Grieg Craft nói: "Vâng, không còn nghi ngờ gì nữa, Thiện Nhân quả là thiên thần, là hiện thân cho một điều kỳ diệu trong cuộc đời này".  Tôi đã bắt tay vào bộ phim độc lập đầu tiên của mình bằng thông điệp đến từ con tim mách bảo mình như thế.

- Đây là bộ phim đầu tay của anh, anh từng phải rất khó khăn để đi tới cùng con đường của mình. Có bao giờ anh thấy mỏi mệt trên hành trình đi tìm sự tử tế này không?

+ Bộ phim đã đạt được những cảm xúc nhất định và với tôi, đó là một phần thưởng rồi. Tôi chỉ muốn nói một điều rằng, muốn làm được cái mình đam mê thì phải có tiền. Có tiền mới làm được cái mình đam mê. Và khi làm được cái mình đam mê sẽ không chỉ có tiền mà quan trọng hơn là sẽ có tất cả. Phải có những giai đoạn "nghiến răng", có thể ngồi trong nhà ăn mì tôm, có thể cầm nhà, có thể... rất nhiều thứ...

- Vậy hành trình tiếp theo của Đặng Hồng Giang sẽ là gì?

+ Tôi đang trong giai đoạn làm hậu kỳ cho một bộ phim độc lập khác. Việt Nam còn rất nhiều câu chuyện đẹp đẽ làm đối trọng với những thông tin về tham nhũng, giết chóc, sự vô cảm... Tôi nguyện mang nỗ lực của mình để kể những câu chuyện đẹp về tình yêu thương, về sự tử tế trong đời sống này để làm đối trọng với những bi kịch, xoa dịu những nỗi buồn, để mọi người có niềm tin vào cuộc sống này.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà
.
.
.