Từ việc CLB Hoàng Anh Gia Lai kết thúc hợp tác với Arsenal:

Khi giấc mơ dang dở…

Thứ Năm, 20/07/2017, 15:20
Thông tin CLB Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) chính thức kết thúc 10 năm hợp tác với Arsenal khiến giới quan sát thoáng bất ngờ, nhưng là một... bất ngờ hợp lý. Bởi sau 10 năm, có vẻ như cả phía HA.GL lẫn Arsenal đều không đạt được những điều mình mong đợi.


Một buổi sáng năm 2013, khi thông tin từ giải U.19 Đông Nam Á truyền về từ Indonesia cho hay U.19 Việt Nam thắng oanh liệt U.19 Thái Lan 3-0 thì người ta mới giật mình đặt ra câu hỏi: U.19 nào mà hay thế? Tìm hiểu kỹ thêm thì được biết đấy là một lứa U.19 mới toanh, gồm phần lớn những cầu thủ trưởng thành từ Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG.

Nhưng mọi thứ chưa dừng lại ở đó, những cái tên mà thời điểm đó còn rất xa lạ như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... còn đi một mạch tới trận chung kết và chỉ chịu thua U.19 Indonesia ở chung kết sau loạt sút luân lưu may rủi.

Kể từ lúc này, những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... gây sốt - một cơn sốt mà có lẽ trước đó những nhà làm bóng đá Việt Nam không thể nào hình dung nổi. Và trên đỉnh điểm của cơn sốt, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thậm chí còn bày tỏ hy vọng lứa cầu thủ này có thể giúp bóng đá Việt Nam tham dự VCK World Cup 2018.

Mười năm hợp tác với Arsenal, bầu Đức không đạt được những kết quả như mong muốn.

Cũng ở thời điểm này, cả một quá khứ màu hồng được xới tung, bắt đầu từ việc ông bầu Đoàn Nguyên Đức có chuyến tham quan, làm việc với CLB Arsenal vào năm 2006, và sau chuyến làm việc đó đã thốt lên: "Đi một ngày đàng tôi học được đến mấy sàng khôn".

Trong ký ức của mình về chuyến làm việc ấy bầu Đức nhớ nhất cuộc nói chuyện với HLV trưởng Arsenal, giáo sư "Wenger", và nói theo ngôn ngữ của chính bầu Đức thì: "Tôi đã bị ông Wenger "chửi" sau khi trình bày mong muốn đưa CLB Hoàng Anh Gia Lai sang đấu giao hữu với Arsenal".

Sau khi chỉ cho bầu Đức một sự thực: "HA.GL tuổi gì mà đòi đá với Arsenal", ông Wenger liền khuyên bầu Đức kết hợp với Arsenal để xây dựng một học viện đào tạo trẻ, hướng đến những mục tiêu mang tính đột biến đối với một nền bóng đá nhược tiểu như bóng đá Việt Nam.

Trở về sau chuyến đi ấy, bầu Đức quyết định phá đi 5ha cao su đang tới độ thu hoạch để lấy quĩ đất xây dựng Học viện bóng đá HA.GL Arsenal  JMG. Và để duy trì Học viện này trong suốt 10 năm, tính tất cả các khoản kinh phí, từ phí gắn tên Arsenal vào tên Học viện, phí nuôi dưỡng, đào tạo các cầu thủ... bầu Đức phải mất một khoản lên tới trên 50 triệu USD - một con số khủng khiếp, chưa từng thấy với một dự án đầu tư bóng đá ở Việt Nam từ trước tới nay.

Đầu tư nhiều, bầu Đức cũng đặt ra những tham vọng lớn. Ông muốn Học viện bóng đá của mình có thể giới thiệu những cầu thủ chất lượng cao, có khả năng chơi bóng ở châu Âu, chứ không chỉ ở quanh quẩn cái ao làng Đông Nam Á. Rất nhiều lần bầu Đức nói tới sự mong mỏi có thể bán cầu thủ Việt Nam sang châu Âu - một việc mà nếu thành sự thực thì chắc chắn sẽ là một cột mốc quan trọng trong lịch sử nền bóng đá Việt Nam.

Công Phượng mới chỉ thăng hoa ở các giải đấu cấp độ... U.19.

Thực tế thì sau khi ra lò, những cầu thủ khoá 1 của Học viện như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Hồng Duy... cũng từng được chào hàng ở hàng loạt các quốc gia châu Âu, và trong chuyến chào hàng này, các cầu thủ của Học viện Arsenal. HA.GL. JMG từng giành chiến thắng vang dội 3-0 trước những cầu thủ U.18 Arsenal. Nhưng sau chiến thắng bất ngờ đó lại là một chuỗi những kết quả không như ý, dẫn đến việc không một cầu thủ nào được các CLB châu Âu để vào tầm ngắm.

Không thành công với giấc mơ châu Âu, bầu Đức chuyển qua hướng bán các cầu thủ sang các giải vô địch quốc gia lớn ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngày ông "gả" Công Phượng, Tuấn Anh cho các CLB Nhật Bản và Xuân Trường cho một CLB Hàn Quốc cũng là ngày ông hồ hởi nói với báo giới về việc: "Lần đầu tiên bóng đá Việt Nam chứng kiến các cầu thủ xuất ngoại nhờ chuyên môn, chứ không phải vì lý do thương mại hay quan hệ như trước đây".

Tuy nhiên, thực tế là bộ ba cầu thủ HA.GL  thường xuyên ngồi dự bị ở các CLB Nhật Bản, Hàn Quốc. Bây giờ thì Công Phượng, Tuấn Anh đã trở về V.League, và đấy cũng là viễn cảnh tương tự của Xuân Trường - người dù đã rất cố gắng nhưng vẫn không có cơ hội ra sân đá chính ở giải nhà nghề Hàn Quốc, tính đến lúc này.

Nhìn lại cả một quá trình lứa cầu thủ khoá 1 của Học viện trình làng có thể thấy cái được nhất mà bầu Đức thu hoạch chỉ là những khoảnh khắc bay bổng ở những giải đấu trẻ cấp khu vực mà thôi. Khi chuyển từ vị thế người trẻ sang người  trưởng thành thì những cầu thủ này thậm chí cũng chưa thể thành công ngay ở đấu trường V.League.

Những người hiểu HA.GL nói rằng những cầu thủ khoá 2 thậm chí còn không thể sánh bằng khoá 1 về chất lượng. Một phần vì thời gian qua Học viện này gặp phải sự cạnh tranh gay gắt bởi các lò đào tạo trẻ khác, nhưng phần quan trọng khác là người ta nhận ra giáo trình đào tạo cầu thủ của Học viện này không hướng đến việc đào tạo một đội bóng hoàn chỉnh.

Cụ thể, Arsenal chủ trương đào tạo các cầu thủ tấn công giàu kỹ thuật với hy vọng có thể tìm được một vài gương mặt thật sự xuất sắc bán cho các đội bóng khác, chứ không tạo nên một đội bóng với những cầu thủ khác nhau,  đảm nhiệm những vai trò tấn công, phòng ngự khác nhau.

Và như thế, cuộc hợp tác HA.GL - Arsenal đến lúc này đã không đem lại những kết quả như cả hai từng mong đợi. Vì vậy việc hai cùng đồng ý kết thúc hợp tác cũng là điều dễ hiểu.

Cách đây ít năm, bóng đá Thái Lan cũng từng hợp tác với Arsenal trong việc mở học viện đào tạo các cầu thủ trẻ giống y như HA.GL, nhưng chỉ sau vài năm hợp tác không hiệu quả, cả hai bên cũng quyết định chia tay nhau trước hợp đồng. "Ông giáo" Guillaume Graechen - thầy ruột của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường chính là người đã từng làm việc ở Học viện Arsenal JMG tại Bangkok (Thái Lan), trước khi đến Việt Nam.

Sau khi HA.GL và Arsenal chính thức chia tay nhau có lẽ các CLB và các địa phương bóng đá còn lại ở Việt Nam cũng cần phải xem xét lại kế hoạch hợp tác đào tạo với các CLB danh tiếng nước ngoài. Sau sự thành công ban đầu, ở cấp độ trẻ của những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh... các trung tâm đào tạo trẻ Việt Nam bỗng lên cơn sốt hợp tác với các CLB nước ngoài. Ai cũng cố tìm một đối tác châu Âu hoặc Pháp, hoặc Đức, hoặc Italia để hy vọng bói ra quả ngọt. Nhưng với đoạn kết của HA.GL - Arsenal lúc này thì rõ ràng câu chuyện hợp tác này cần phải xem xét lại ở nhiều khía cạnh.

Phải hợp tác với ai, theo cách nào và lộ trình như thế nào để có thể đạt được hiệu quả như mong muốn, phù hợp với thực tiễn cầu thủ và bóng đá Việt Nam, đấy là những tính toán không dễ chút nào. 

Diệp Xưa
.
.
.