Khi người đại diện không chỉ là những tay "cò"

Thứ Tư, 07/02/2018, 16:47
Người đại diện làm tất tần tật mọi thứ xung quanh để đảm bảo cầu thủ mà anh ta đại diện có thể chỉ cần tập trung vào chơi bóng mà vẫn được hưởng lợi ích cao nhất.


Sự cần thiết của những tay "cò"

Có lẽ trong suy nghĩ của đám đông, người đại diện thường được hiểu là những tay "cò". Mà đã là cò thì thường được gắn với những điều thiếu tích cực. Thoáng qua thì điều đấy khá có lí.  

Trong các vụ chuyển nhượng, tên của những tay "cò" như Mino Raiola hay Jorge Mendes luôn được nhắc đến như trung tâm của một thương vụ bom tấn nào đó. Những gã này thường đòi những khoản tiền hoa hồng trên trời cho bản thân, kèm theo những yêu sách cao ngất về lương thưởng cho cầu thủ của mình. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu của những tay "cò" này thì gần như chắc chắn thương vụ sẽ đổ bể. 

Nhiều trường hợp những tay "cò" này còn có thể ăn tiền hai mang của cả bên bán lẫn bên mua. Trong khi cầu thủ phải ra sức cày ải, luyện tập trên sân cỏ thì những gã này chỉ cần buôn nước bọt cũng bỏ túi số tiền kếch xù. 

Đến đây thì hẳn nhiều người sẽ thấy nghề đại diện cho các cầu thủ có vẻ là một nghề hút máu, một lũ ký sinh trùng ăn tàn phá hại các CLB lẫn công sức của thân chủ. Nhưng thật ra mọi chuyện không phải như vậy.

 Ai cũng biết rằng sự nghiệp thể thao đỉnh cao nói chung và của 1 cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nói riêng thường rất ngắn, chỉ vào khoảng 10-15 năm. Trong khoảng thời gian ấy các cầu thủ cần phải chuẩn bị cho mình một kế hoạch để đạt tới thành công cũng như đảm bảo tương lai sau khi giải nghệ. 

Vì thế, bên cạnh việc phải cố gắng tỏa sáng trên sân cỏ giành được những bản hợp đồng béo bở, họ cần phải có  chiến lược xây dựng hình ảnh có sức hấp dẫn về mặt thương mại cũng như kiểm soát, đầu tư các nguồn thu nhập có được. Chỉ khi làm được điều đó, các cầu thủ mới có thể yên tâm "sống tốt, sống khỏe" sau khi treo giày.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, tất nhiên cầu thủ là những người được đào tạo từ nhỏ để thực hiện công việc chính là đá bóng. Họ thường không đủ kĩ năng, hiểu biết cũng như thời gian để làm tất cả những điều đó. Vì thế, họ cần những người đại diện để thay mặt họ làm những công việc "bếp núc" đấy một cách hiệu quả nhất, còn các ngôi sao thì có thể tập trung vào luyện tập, thi đấu.

Công việc của người đại diện

Như đã đề cập ở trên, có thể nói, nhiệm vụ xuyên suốt và duy nhất của người đại diện là giúp thân chủ của mình có thể tối ưu hóa những gì có thể thu được từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của mình. Như vậy cụ thể họ cần làm gì.

Điều đầu tiên họ cần đảm bảo thân chủ của mình có được những bản hợp đồng có lợi và phù hợp với luật của FIFA. Với sự thiếu hiểu biết về mặt pháp luật cũng như kinh tế, các cầu thủ rất dễ bị CLB chủ quản gài trong hợp đồng những điều khoản bất lợi. Nhiệm vụ của người đại diện chính là trở thành người trung gian đàm phán với đủ các chiêu trò để giúp thân chủ có được những khoản đãi ngộ cao nhất có thể.

Tiếp đến, người đại diện chính là người định hướng, bảo vệ sự phát triển sự nghiệp của các cầu thủ. Ở khía cạnh nào đó, quan hệ giữa người đại diện và các cầu thủ giống như một mối quan hệ cộng sinh. Tức là họ sống dựa vào nhau cùng có lợi. Nếu cầu thủ thi đấu bết bát, sa sút thì tất nhiên một người đại diện có khua môi, múa mép đến đâu cũng rất khó để 1 CLB nào đó chi tiền cho thân chủ của anh ta. Khi đó, bản thân người đại diện cũng chẳng thu lợi được chút gì. 

Vì vậy, trong mọi trường hợp người đại diện đều phải nhắc nhở, uốn nắn để cố gắng đảm bảo thân chủ của mình luôn đi đúng hướng, duy trì sự thăng tiến trong sự nghiệp. Trong cuốn tự truyện Tôi là Zlatan, Ibrahimovic đã khẳng định rằng tay "cò" Mino Raiola chính là người giúp anh có được sự nghiệp rực rỡ như thế.

Công việc cuối cùng của người đại diện chính là bảo vệ thân chủ và hình ảnh của thân chủ mình trong mọi tình huống. Đơn giản bởi đại diện cầu thủ có nhiệm vụ chăm lo cho lợi ích của các cầu thủ, từ vấn đề tài chính cho đến đời tư. Thế nên, họ sẽ phải làm tất cả những vấn đề ngoài chuyên môn, từ định hướng dư luận, thu hút tài trợ, giải quyết các rắc rối từ đời tư đến xã hội, lên kế hoạch chi tiêu, đầu tư… 

Thậm chí, không loại trừ trường hợp phơi mặt ra hứng búa rìu dư luận thay cho thân chủ và tìm cách xử lý khủng hoảng truyền thông về những thông tin bất lợi khi khách hàng đó dính vào rắc rối pháp luật hay scandal nào đó.

Tóm lại là người đại diện làm tất tần tật mọi thứ xung quanh để đảm bảo cầu thủ mà anh ta đại diện có thể chỉ cần tập trung vào chơi bóng mà vẫn được hưởng lợi ích cao nhất. 

Do đó, nói một cách khái quát, một người đại diện không chỉ là một chuyên gia thương lượng đàm phán, mà còn phải là một chuyên gia về luật, một tay quản lý hình ảnh, làm truyền thông tài năng kiêm vai trò là một nhà tư vấn, đầu tư tài chính với khả năng khua môi múa mép và lôi kéo tài trợ cực đỉnh, đôi khi lại phải là một tay chơi và thậm chí là một bảo mẫu khi cần thiết. 

Như vậy, để thấy để làm tốt công việc của một người đại diện không hề dễ dàng. Nếu không muốn nói là khó như lên trời.

Mino Raiola là người đồng hành cùng Zlatan Ibrahimovic trong suốt sự nghiệp của tiền đạo lừng danh này.

Ai có thể trở thành người đại diện?

Trên thực tế, bất kì ai cũng có thể trở thành người đại diện.  Có thể là những tay cò chuyên nghiệp như Mino Raiola hay Jorge Mendes. Nhưng cũng có khi người đại diện chính là người thân ruột thịt hoặc thành viên trong gia đình của cầu thủ. Neymar có người đại diện là bố. Mauro Icardi có người đại diện là cô vợ Wanda Icardi.

Ngay cả FIFA hiện nay cũng tỏ ra khá trong các quy định để có thể trở thành người đại diện. Trước đây, sẽ không hề dễ dàng để một người có thể trở thành một người đại diện hợp pháp của các cầu thủ. Đầu tiên, họ sẽ phải bỏ ra một khoản tiền cực lớn, lên tới 100.000 franc Thụy Sỹ để đặt cọc với Liên đoàn bóng đá Thế giới. Sau đó, ứng viên sẽ phải trải qua một kì thi cực kì nghiêm ngặt do FIFA tổ chức. 

Nếu vượt qua được kì thi này thì người đó mới có thể chính thức được cấp giấy phép hành nghề. Nhưng ở thời điểm hiện tại, FIFA đã trao quyền này cho các Liên đoàn bóng đá quốc gia thành viên. 

Tại Việt Nam, một cá nhân được cấp phép đại diện cầu thủ khi và chỉ khi vượt qua kỳ thi làm người đại diện do VFF tổ chức. Đáng chú ý, hiện tại chỉ có cá nhân (không phải tổ chức, câu lạc bộ) mới được phép tham gia kì thi này (như vậy, công ty đại diện cho cầu thủ như trường hợp của Bùi Tiến Dũng là không hợp lệ).

Như đã đề cập , người đại diện là người đồng hành quan trọng trong sự nghiệp của một cầu thủ. Vậy nên, điểm mấu chốt là người đại diện đó phải là người có tâm, gần gũi và hiểu thân chủ của mình, để đảm bảo khả năng định hướng, duy trì sự phát triển lâu dài về mặt sự nghiệp của cầu thủ, để từ đó tạo ra những giá trị thương mại, tài chính. Chứ không chỉ đơn giản là kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng từ cầu thủ.

Nói như ông Clifford Bloxham - Phó Chủ tịch của Octagon, công ty nắm quyền đại diện cho khá nhiều ngôi sao tại Premier League: "Về cơ bản, chúng tôi chịu trách nhiệm đề ra kế hoạch dài hạn cho các cầu thủ. Chẳng có một cầu thủ 21 tuổi nào có khả năng đặt ra kế hoạch cho cuộc đời mình, vì thế công việc của chúng tôi là đảm bảo sự nghiệp của các cậu nhóc đó đi đúng hướng, để khi cầu thủ đó kết thúc sự nghiệp của mình, cậu ta có thể nhìn lại và tự hào về những gì mình đã làm được".

Và những phát biểu tâm gan ấy có lẽ là kim chỉ nam tốt nhất cho một cá nhân, tổ chức nào đó muốn theo nghiệp làm đại diện cho cầu thủ. 

 

Khi nào cầu thủ cần một người đại diện

Thật ra, hiện nay, FIFA không còn sử dụng  thuật ngữ người đại diện (agent), thay vào đó LĐBĐ thế giới đã dùng một cái tên mới để gọi những người làm công tác môi giới cầu thủ. Đó là "Người trung gian" (Intermediary). Và định nghĩa của FIFA cũng mới chỉ đề cập tới một khía cạnh rất nhỏ của nghề này: đàm phán hợp đồng với một bên nào đó. Cụ thể, theo văn bản chính thức của FIFA thì "Người trung gian được lựa chọn tự nhiên, hoặc được ủy quyền hợp pháp với một khoản phí, hoặc miễn phí để đại diện cho cầu thủ và/hoặc câu lạc bộ trong các cuộc đàm phán nhằm kết thúc hợp đồng, hoặc đại diện cho các câu lạc bộ trong các cuộc đàm phán để kết thúc một thỏa thuận chuyển nhượng".

Bùi Tiến Dũng đã mở ra một cuộc tranh cãi liên quan đến vai trò của người đại diện với bóng đá Việt Nam.

Như vậy, về cơ bản, một cầu thủ sẽ cần có người đại diện khi quyết định trở thành cầu thủ chuyên nghiệp với việc đặt bút vào bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên. Bằng không chẳng loại trừ khả năng các cầu thủ sẽ bị gài các điều khoản bất lợi ngay từ bản hợp đồng quan trọng này (ví dụ mức lương thấp, thời gian gắn bó dài hơn theo quy định của FIFA….), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển sau này của các cầu thủ.

Tất Đức
.
.
.