Khi nhan sắc cũng biết… "tự sướng"!

Thứ Tư, 13/07/2016, 17:23
Hai công văn đề nghị xử phạt hành vi “thi chui” của 2 “nàng hậu” mà Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa công bố cách đây mấy ngày giống như hai công văn “bão hòa” trước hiện tượng “loạn danh hiệu”. Trước đó, không biết bao nhiêu công văn ở trên gửi xuống đề nghị xử phạt kiểu này. Nhưng rồi, loạn… vẫn cứ loạn.


Người đẹp khát danh hiệu như nắng hạn chờ mưa

Theo thời gian qua, nhan sắc Việt ngày càng được cải thiện hơn ở đấu trường nhan sắc thế giới. Tuy nhiên, để nhìn lại, vẫn là một câu nói cũ… như trái đất, “tuy không đạt được thành tích nào đáng kể nhưng hình ảnh của cô đã có sức lan tỏa quốc tế và có tính quảng bá văn hóa và hình ảnh con người, đất nước Việt Nam ra khắp năm châu”. Trên bản đồ thế giới, nhan sắc Việt Nam vẫn là một vệt mờ mờ, mông lung.

Năm 2015, Lan Khuê đại diện nhan sắc Việt Nam đi thi Hoa hậu thế giới và bất ngờ có mặt trong top 11 của cuộc thi sắc đẹp danh giá nhất hành tinh này. Lọt top 11, đương nhiên vui và hãnh diện vì đây là thành tích tốt nhất từ khi các người đẹp Việt Nam mang “chuông” đi đánh xứ người suốt vài ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể “tự sướng” mãi trong câu chuyện top 11 này được bởi lẽ, nếu không có sự ủng hộ và bình chọn hết mình của khán giả nước nhà thì việc người đẹp này ở đâu vẫn là một dấu hỏi bỏ ngỏ.

Trong khi đó, các cuộc thi nhan sắc ở sân nhà năm lần bảy lượt gặp vấn đề. Với những cuộc thi nhan sắc đã được cấp phép này, mặc dù Ban Tổ chức đã cố gắng tuyển chọn khắt khe, kiểm tra kĩ lưỡng ngay từ vòng loại nhưng vẫn làm nhiều người cảm thấy ngao ngán khi vương miện đã được đội lên đầu người đẹp rồi thì mới phát hiện ra cô A chưa hoàn thiện hồ sơ, cô B chưa tốt nghiệp cấp 3, cô C phẫu thuật thẩm mỹ…

Doanh nhân Vũ Thúy Nga đoạt vương miện Hoa hậu cuộc thi “Doanh nhân thành đạt người Việt thế giới” hồi cuối tháng 5-2016.

Số lượng các cuộc thi nhan sắc nhiều đến nỗi, có người mới đùa rằng: “Cứ ra ngõ là gặp… hoa hậu”. Hoa hậu gì mà như… lá mùa xuân thế này! Đến chịu! Có thể kể ra đây tên của một số cuộc thi nhan sắc trong thời gian qua như “Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam”, “Hoa hậu quốc tế Việt Nam”, “Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu”, “Hoa hậu biển”, “Hoa hậu qua ảnh”, “Hoa hậu doanh nhân”, “Hoa hậu quý bà thành đạt”…  Toàn là những cái tên mỹ miều, thậm chí mang quy mô… toàn cầu. Đó là chưa kể đến các cuộc thi nhan sắc ở tầm địa phương, khu vực, các cuộc thi “ăn theo” lễ hội… Số lượng bao nhiêu, khó lòng mà thống kê cho đầy đủ được.

Ngoài một số cuộc thi nhan sắc được các cấp thẩm quyền phê duyệt thì trong thời gian qua nổi lên nhiều cuộc “thi chui”. Cuộc thi đã diễn ra xong xuôi, vương miện cũng đã được trao cho các “nàng hậu”, thậm chí một số tờ báo đã đến và đưa tin thì các cơ quan quản lý văn hóa mới biết, hoặc một thời gian sau mới biết. Đến thi nhan sắc cũng phải “thi chui”. Nói ra thì hài thật!

Cách đây mấy hôm, trong cùng một ngày, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn – ông Nguyễn Đăng Chương đã ký 2 công văn gửi Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội và Sở Văn hóa & Thể thao TP Hồ Chí Minh đề nghị xử phạt hành vi “thi chui” của bà Vũ Thúy Nga (Hoa hậu cuộc thi “Doanh nhân thành đạt người Việt thế giới”) và cô nàng thị phi Thái Nhã Vân (Á hậu cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam toàn cầu”).

Người đẹp Thái Nhã Vân – từng là tâm điểm của dư luận khi thực hiện bộ ảnh gây tranh cãi “Thoát nude để thiền” năm 2013 – được trao danh hiệu Á hậu tại cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam toàn cầu” vào tháng 7-2016.

Cuối tháng 6 vừa qua, ông Vũ Xuân Thành - Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cũng đã ký công văn gửi Sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh yêu cầu giải trình rõ về cuộc thi “Duyên dáng doanh nhân Việt 2016”, được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV9 Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 19-6 vì có những dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

Trong 2 công văn xử phạt hành vi “thi chui” ở trên, Cục Nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh: “Một số cá nhân cố tình mượn danh nghĩa đại diện Việt Nam tham dự các cuộc thi hoa hậu tại nước ngoài không đúng quy luật pháp luật, nhằm tìm kiếm danh hiệu phục vụ cho mục đích cá nhân”. Hành vi này tạo phản ứng gay gắt trong dư luận và truyền thông, làm nên tình trạng “loạn danh hiệu” đã được báo chí phản ánh vào thời gian trước đây. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang: “Không công bố, sử dụng danh hiệu hoa hậu đạt được tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu do tham dự trái phép mà có”.

Các cá nhân tham gia, các đơn vị tổ chức những cuộc thi kiểu này chẳng lẽ không hiểu luật? Chẳng lẽ, thay vì nhan sắc, lại mang cái sự hồn nhiên (thành “đặc sản” đó) mà đi thi, mà tổ chức cho thiên hạ xem? Hay biết mà cố tình lờ đi vì một nguyên nhân nào đó? Hiểu hết chứ! Mà cứ cho là không hiểu thì họ vẫn phạm luật cơ mà. Bởi lẽ, khi đặt chân vào một sân chơi văn hóa, họ phải tìm hiểu về sân chơi đó chứ!

Rõ ràng, chế tài xử phạt trong những trường hợp này mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính. Nộp tiền phạt. Xong xuôi. Hết chuyện! Mà số tiền đó với những cá nhân này chỉ là “muỗi”! Mục đích hướng đến vẫn là một thứ nhan sắc sinh lợi dù đó là thứ nhan sắc ảo, nhan sắc ao làng, nhan sắc tự phong, nhan sắc tự sướng... cũng quan trọng gì đâu. Không phải ư? Khi họ là những người đẹp (hoặc đẹp vừa vừa) khát danh hiệu thì “ảo diệu” một chút, có là gì? Nhất là, khi trở thành Hoa hậu, Á hậu, hoa khôi, họ đồng thời đã nắm một tấm thẻ bài để “thăng hạng” cho chính mình.

“Quý bà thành đạt” Tuyết Nga.

Đừng kỳ vọng quá vào hai chữ "nhan sắc"

Hẳn có người còn nhớ năm 2014, thông tin “Quý bà thành đạt” Trương Thị Tuyết Nga bị bắt về hành vi chiếm đoạt tài sản tràn trên các mặt báo. Ở tuổi 51, Trương Thị Tuyết Nga đạt liên tiếp 2 danh hiệu lớn tại cuộc thi là “Hoa hậu phu nhân Việt Nam toàn cầu 2012” và “Hoa hậu phu nhân Việt Nam toàn cầu thành đạt nhất năm 2012”.

Trong thời gian từ cuộc thi nhan sắc lần thứ nhất cho đến cuộc thi nhan sắc lần thứ 2, bà Trương Thị Tuyết Nga liên tiếp dính phải những bê bối với hàng loạt thông tin kiện cáo, bị tố lừa đảo, những lần bị ra lệnh cấm xuất cảnh, bị con nợ réo đòi, tố cáo làm ăn thiếu trung thực, gian lận trong mua bán bất động sản… Cho tới tận sau này, khi 2 danh hiệu đã được trao cho Trương Thị Tuyết Nga rồi, vẫn còn nhiều điều tiếng xì xèo về việc mua giải, nghi án phẫu thuật thẩm mĩ liên quan đến “quý bà bê bối” này…

Trước đó, đường dây mua bán dâm của các người mẫu, hoa khôi với giá hàng nghìn USD do Hoa hậu khu vực Nam Mê Kông 2009 Mỹ Xuân cầm đầu bị bắt làm rúng động làng giải trí và dư luận. Dẫu chỉ là “mác hoa hậu Nam Mê Kông” thì hành vi của cô gái này một lần nữa hé mở thế giới ngầm của các người đẹp hoa khôi… những người có nhan sắc như một thứ vũ khí lợi hại.  

Trong một ngày, Cục Nghệ thuật Biểu diễn phát đi 2 công văn "tuýt còi" hành vi thi chui của 2 “nàng hậu”.

Rồi nhìn sang Mai Phương Thúy, Kỳ Duyên,… kể từ ngày các cô trở thành Hoa hậu Việt Nam, không rõ những hoạt động cộng đồng mà các cô tham gia có dày như lịch dự event? Thử gõ từ khóa tên hai cô trên trang tìm kiếm Google, cũng chỉ toàn là “Bất ngờ vòng 1 khủng của Mai Phương Thúy”, “Mai Phương Thúy khoe vòng 1 táo bạo”, “Kỳ Duyên nỗ lực cải thiện hình ảnh sau khi bị chê xấu”, “Hoa hậu Kỳ Duyên lột xác sau khi yêu đại gia”…

Văn hóa Việt Nam quan điểm, đẹp người thì phải đẹp cả nết. Nhưng có phải người đẹp nào cũng vẹn cả đôi đường như thế? Không tật này thì tật nọ. Nhất lại là những “nàng hậu ảo”, là những người xem “nhan sắc” như một món hàng để kiếm lợi.

Danh hiệu nhan sắc với công chúng là thước đo chuẩn mực đạo đức. Là kỳ vọng “nhan sắc” cũng có tiếng nói riêng đầy mạnh mẽ nhằm thay đổi một điều gì đó cho xã hội, cộng đồng. Nhưng những người đẹp đoạt danh hiệu ở mỗi cuộc thi nhan sắc thực sự chạm được vào “đỉnh nhan sắc” hay không thì còn tùy. Tự hào gì hoa hậu “lên đời” nhờ đại gia? Và vui gì chuyện lâu lâu, lại có người nhắc tới cô hoa hậu bí mật kết hôn với đại gia rồi một ngày không đẹp trời, đưa nhau ra tòa ầm ĩ dư luận vì hoa hậu bị chồng đại gia liên tục hăm dọa, quấy rối và hành hung?...

“Nhan sắc” biết “tự sướng”. “Nhan sắc” cũng có ảo, có thực. Và nhan sắc cũng tự sàng lọc theo một quy luật đào thải nào đó. “Nhạt phấn phai hương” hay “hữu sắc vô hương”. Ông bà ta nói hàng trăm năm nay rồi còn chi nữa!

Đậu Dung
.
.
.