Điểm chết của bóng đá Việt Nam nhìn từ 2 lễ tổng kết giải:

Khi số đông là chân lý

Thứ Tư, 24/10/2012, 08:51
Một năm về trước, khi bầu Kiên đứng lên "sạc" VFF  tơi tả rồi đặt những viên gạch đầu tiên cho sự ra đời của ngôi nhà VPF sau này thì ai cũng bảo ông Kiên là người hùng, và những viên gạch đầu tiên mới đẹp, mới hứa hẹn làm sao. Bây giờ, khi bầu Đệ đề nghị phải phá bỏ ngôi nhà ấy thì nhiều người lại hùa theo bầu Đệ, rằng ngôi nhà ấy quả nhiên có nhiều chỗ dột. Và bóng đá Việt Nam chết ở chỗ ấy - ở cái chỗ mà cả làng cả tổng dường như đều ngại những ông "to mồm" cùng một số đông tiền hô hậu ủng những… ông to mồm.

Chuyện một năm trước

Công bằng mà nói thì lần cướp diễn đàn của bầu Kiên trong Hội nghị tổng kết mùa giải một năm về trước có rất nhiều cái được, trong đó được nhất là việc hàng loạt những trì trệ lâu năm của VFF đã bị chỉ huyệt. Và sau khi chỉ ra những cái huyệt chết người, bầu Kiên cũng tạo ấn tượng mạnh mẽ bằng tuyên bố: "Tôi chỉ cần 30 phút để viết nên một mô hình hoạt động tử tế hơn" - mô hình VPF mà sau đó đã nhanh chóng thành hình.

Nhưng bên cạnh cái được người ta cũng không khó nhìn ra những cái dở, mà dở nhất là việc các ông bầu như bầu Kiên, bầu Đức vừa có chân trong hội đồng quản trị VPF, lại vừa lãnh đạo những đội bóng riêng của mình. Tình trạng ấy, dân bóng đá gọi là "vừa đá bóng vừa thổi còi", và hậu quả của cái màn "vừa đá bóng vừa thổi còi" là sau này, những đội bóng của những ông bầu trong HĐQT VPF thường "vô tình" hưởng lợi từ những quyết định gây tranh cãi của các trọng tài, khiến cho nhiều đội bóng còn lại kêu trời. 

Vấn đề nằm ở chỗ, khi đã nhìn ra những cái dở ngay từ giai đoạn "nguy cơ" tại sao người ta không đồng loạt đứng lên nói thẳng, nói rõ ràng để mọi người lường ra trước? Thực tế thì trong ngày diễn ra đại hội cổ đông VPF, khi bầu Kiên không hiểu vì lý do gì lại bảo: "Tôi bận lắm, mọi người đừng nên bầu tôi vào HĐQT" thì một thành viên của CLB Hà Nội (ở giải hạng Nhất) đã đứng lên nói thẳng: "Nếu anh Kiên bận thì hãy rút khỏi danh sách ứng cử đi".

Bầu Kiên từng được nhìn nhận là "người hùng" khi đã nổ "bom" trong lễ tổng kết mùa giải một năm về trước.

Khi câu nói này xuất hiện thì nhiều người ngồi xung quanh đã tấm tắc khen: "Cậu này nói đúng quá". Nhưng chỉ chưa đầy 2 phút sau, khi bầu Kiên cùng người bạn thân thiết của mình là bầu Đức chỉ trích thậm tệ chủ nhân câu nói này là người "phá hoại", người "không có tinh thần xây dựng" thì cả hội trường lại tuyệt nhiên im lặng, không ai dám hé môi nửa lời.

Buổi tối ngày diễn ra đại hội cổ đông ấy có không dưới 5  thành viên trong gần 30 thành viên của VPF đã tâm sự với chúng tôi rằng họ không đồng tình với cái kiểu "cả vú lấp miệng em" của bầu Kiên, bầu Đức. Họ cũng nhìn ra và nhìn rõ những hệ lụy của một mùa V.League mà những người như bầu Kiên, bầu Đức lại ở vị thế "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Nhưng họ cũng thật thà nói rằng đấy là thời điểm mà gần như cả làng cả nước đều ủng hộ VPF, một thời điểm mà ai cũng nghĩ VPF sẽ sạch hơn, tử tế hơn VFF trước đây nên tất cả những ý kiến "trái chiều" đều được tiêu hóa theo kiểu: thôi thì cứ để bụng vậy thôi!

Chuyện bây giờ

Dân  thạo tin không bất ngờ khi trong lễ tổng kết mùa giải mới đây, bầu Đệ (Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ - Thanh Hóa) đã đứng lên chỉ trích ngôi nhà VPF và đề nghị phải giải tán VPF tức thời. Những chỉ trích của bầu Đệ không chỉ nằm ở việc nhiều ông bầu trong VPF "vừa đá bóng vừa thổi còi" mà còn nằm ở những vấn đề nguy hiểm khác, như việc ai đó trong VPF đã bỏ trên dưới 2 tỷ đồng để theo dõi điện thoại của các ông bầu (?).

Bầu Đệ (phải) lại "nổ bom" ở lễ tổng kết mùa giải năm nay.

Và ông Đệ kết luận, những ông bầu như mình luôn có cảm giác không được tôn trọng. Thực tế thì đấy không chỉ là những suy nghĩ của cá nhân bầu Đệ, mà còn là những lời gửi gắm của nhiều ông bầu khác, chẳng hạn như bầu Trường (Ninh Bình). Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, bầu Trường thừa nhận rằng vì không thể bay vào TP HCM dự lễ tổng kết mùa giải, nên ông đã điện thoại cho bầu Đệ, đề nghị bầu Đệ phải "đánh thẳng" những ung nhọt còn tồn tại trong VPF. 

 Cũng giống lần diễn ra Đại hội cổ đông năm ngoái, sau khi một ý kiến được cho là "trái chiều" của bầu Đệ xuất hiện thì bầu Đức lại đăng đàn phê bầu Đệ là không có tinh thần xây dựng. Nhưng lần này thì người bị phê không còn im lặng chấp nhận nữa, mà đã thách thức ngược trở lại bằng câu nói: "Nếu thích, tôi và ông có thể ra ngoài nói chuyện tay đôi".

Tại sao những người "trái ý" (hãy cứ tạm gọi thế) lại bỗng nhiên dũng cảm đến như vậy? Tại vì trước khi đi dự hội nghị, họ đã uống một liều thuốc dũng cảm nào đó - điều mà họ quên không làm năm ngoái? Hay tại vì họ đã "đau quá đau" với một mô hình hoạt động (VPF) mà ngay từ đầu họ đã nhìn ra những nguy cơ chết người?  Không phải vậy, lý do thực sự nằm ở chỗ: Họ đã nhận ra một đám đông đứng sau mình và sẵn sàng ra mặt ủng hộ mình trong một bối cảnh mà VPF giống như "rắn mất đầu" vì "thủ lĩnh" Nguyễn Đức Kiên  rơi vào vòng lao lý. 

"Bom" nổ đi nổ lại, rốt cuộc là những cầu thủ hàng sao như Công Vinh đang đứng trước nguy cơ... thất nghiệp.

Tất nhiên, VPF sẽ không thể được giải tán như đề xuất của ông Đệ cùng những người chung hội chung thuyền với ông Đệ. Nhưng với những phản ứng ầm ầm từ trong chính nội bộ của mình như vậy, có quyền tin rằng VPF rồi sẽ rất khó hoạt động, thậm chí không loại trừ khả năng sẽ trở thành một bức bình phong để người khác giật dây.

Mà cái khả năng đó không còn quá xa khi mà mới đây VFF từng ra công văn đề nghị trẻ hóa cái ban từng được nhìn nhận là "con đẻ" của VPF như ban trọng tài. Người hiểu việc nói rằng cái đề nghị "trẻ hóa" mà thoạt nghe tưởng là rất "FIFA", rất "AFC" này (VFF làm gì cũng lấy FIFA với AFC ra… hù dọa) sẽ mở đường cho việc VFF "cài" người của mình vào đó (?).

Người hùng đích thực - anh ở đâu?

Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi không sa đà vào việc phân tích xem cái ý tưởng xây ngôi nhà VPF của bầu Kiên trước đây là chính xác hay cái ý tưởng phá ngôi nhà của bầu Đệ bây giờ là chính xác. Bởi ý tưởng nào, phương thức nào, mô hình nào cũng có mặt hay, mặt dở của nó. Vấn đề là người ta phải thẳng thắn nhìn vào cả mặt hay lẫn mặt dở để xem xem trong một thực thể không có chỗ cho sự hoàn hảo thì mô hình nào khả ưu hơn và đỡ "giết chết sự tiến bộ" nhiều hơn. Muốn vậy, phải có những người dám nói, và nói đến cùng, nói một cách tâm huyết ngay cả khi điều mình nói không nhận được sự ủng hộ của số đông. Tiếc thay, ở BĐVN, ít nhất là trong 2 lễ tổng kết mùa giải vừa qua, lại chỉ có những con người dám nói, dám nổ khi biết chắc rằng đã có một số đông đằng sau tiền hô hậu ủng cho mình. 

Và chân lý bị giết chết ở chính chỗ ấy. Ở cái chỗ mà những con người được dư luận phong là "người hùng" thực chất chỉ dám thực hiện cái "sứ mệnh anh hùng" khi được một số đông (hoặc là công khai, hoặc là lén lút) mở đường, trải chiếu cho mình!

Hàng loạt ngôi sao đứng trước nguy cơ… thất nghiệp

Thời buổi suy thoái kinh tế, nhiều ông bầu muốn rút chân khỏi bóng đá, nhiều đội bóng nợ lương/ thưởng, nhiều đội bóng đứng trước nguy cơ… giải thế dân đến tình trạng nhiều ngôi sao bóng đá đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp - một chuyện thật như đùa. Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi mới đây, ngôi sao Phạm Thành Lương của CLB Bóng Đá Hà Nội cho biết, đội bóng này chưa giải thế như dư luận râm ran, tuy nhiên phần lớn các cầu thủ đều rất hoang mang về tương lai đội bóng.

Theo kế hoạch, cả đội sẽ hội quân trở lại vào ngày 15 tháng 10 tới đây, nhưng với việc bầu Kiên rơi vào vòng lao lý, tài khoản ngân hàng bị phong tỏa, tiền đổ vào đội bóng bị cắt giảm tới mức… không thể thấp hơn thì ngày hội quân này rất có thể sẽ diễn ra một cách trớt lớt, èo uột. Một cầu thủ khác trong đội (đề nghị giấu tên) cho biết, họ đã chuẩn bị sẵn tinh thần sau khi hội quân là tuyên bố…giải thể đội bóng. Nếu đúng vậy, những cầu thủ thuộc vào hàng sao số của đội này như Thành Lương, Công Vinh sẽ rơi vào cảnh… thất nghiệp tức thời.

Nguy cơ tương tự cũng đang diễn ra với ngôi sao Nguyễn Quang Hải ở CLB Navibank Sài Gòn. Cách đây 3 năm, Hải về Navibank với một bản hợp đồng kỷ lục cùng một mức lót tay không dưới 8 tỷ đồng. Nhưng bây giờ, với việc ông bầu Nguyễn Vĩnh Thọ rút chân khỏi bóng đá, muốn trả đội bóng về Sở, nhưng Sở và thành phố vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, rõ ràng thì nguy cơ đội bóng bị giải thể, hoặc bị "gán duyên" cho một địa phương nào đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Không ai nghĩ, chỉ sau một năm, cuộc suy thoái kinh tế lại khiến BĐVN rơi vào tình trạng sụt lún như lúc này.

Càng không ai nghĩ chỉ sau một năm, những cầu thủ từng ngồi trên cả đống tiền tỷ lại rơi vào tình trạng… có nguy cơ thất nghiệp như lúc này. Tất cả nằm ở chỗ, cái gọi là "bóng đá chuyên nghiệp" Việt Nam thực chất đã được xây dựng trên một cái nền chông chênh, không bền vững - lý do sinh ra một sự giàu có, thượng lưu giả tạo.

Phan Đăng
.
.
.