Khi truyền hình nhập khẩu lấn lướt truyền hình nội

Thứ Tư, 13/09/2017, 15:02
Truyền hình trả tiền với cuộc chiến giành giật thị phần giữa các đơn vị truyền hình, công ty truyền thông đã mang hàng loạt chương trình ngoại nhập (hoặc có yếu tố nước ngoài) về Việt Nam. Trong khi đó, với số lượng thuê bao cao nhất khu vực Đông Nam Á, lại là một đất nước có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc, Việt Nam lại thua ngay trên chính sân nhà trong lĩnh vực này.


Bùng nổ truyền hình ngoại nhập

Cuối tháng 8 vừa qua, thông qua A+E Networks, Công ty TNHH Giải trí Thảo Lê đã mang  Hitstory™ - kênh truyền hình giải trí thực tế ăn khách nhất tại Mỹ về với khán giả Việt Nam, đánh dấu sự hiện diện của kênh tại hơn 120 triệu hộ gia đình châu Á. 

History™ và History HD™ là kênh truyền hình chuyên biệt về lịch sử với các chương trình giải trí ăn khách và phim ảnh hấp dẫn. Nội dung bao gồm nhiều thể loại từ các nhân vật thực tế đến lịch sử tự nhiên, lịch sử đương đại, khoa học và công nghệ cũng như khảo cổ học và văn hóa đại chúng. Trong đó, kho nội dung mang thương hiệu History™ gồm các series độc quyền đã được phát cùng ngày với Mỹ cũng như những chương trình được công chiếu lần đầu tiên và độc quyền tại châu Á.

Trước History™, hàng loạt kênh có xuất xứ từ nước ngoài cũng được “nhập khẩu” về Việt Nam. Hồi tháng 8 năm ngoái, MyTV “nhập” 7 kênh truyền hình quốc tế hấp dẫn, gồm: RED by HBO (HD và SD) - kênh phim truyện châu Á, GEM - kênh giải trí tổng hợp, Disney Junior - kênh hoạt hình dành cho thiếu nhi, Toonami – kênh hoạt hình, CNN – kênh tin tức toàn cầu và Bloomberg - kênh tài chính toàn cầu. Hệ thống truyền hình cáp HTVC trước đó cũng bổ sung các kênh truyền hình quốc tế mới, lần đầu có mặt ở Việt Nam như BBC Knowledge và Qnet…

“Loạn” chương trình truyền hình ngoại nhập.

Truyền hình cáp Việt Nam cũng không chịu “lép vé” khi bổ sung nhiều kênh truyền hình quốc tế vào danh sách phát sóng của mình như AFC asian food chanel (kênh về ẩm thực), DIVA (kênh về phim truyện), Da Vinci Learning (kênh về Khoa học Giáo dục) và Outdoor Channel (kênh truyền hình thực tế). 

Mới đây nhất, Đài Truyền hình Việt Nam cũng mang kênh truyền hình giải trí TV Blue từ Hàn Quốc về Việt Nam. Các “bà mẹ bỉm sữa” cũng có riêng một kênh truyền hình dành riêng cho mình với tên gọi là Her Voice – thuộc kênh truyền hình TLC - hệ thống Discovery của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Ðài Truyền hình kỹ thuật số VTC ra mắt kênh truyền hình mới mang tên View TV, được phát sóng trên kênh VTC8 với định hướng là một kênh thông tin và giải trí tổng hợp với những chương trình truyền hình nổi tiếng của Nhật Bản…

Trong bối cảnh thị trường truyền hình trả tiền có những chuyển biến mới, các doanh nghiệp viễn thông bắt đầu tham gia vào guồng máy này, làm cho cuộc đua trong lĩnh vực truyền hình bắt đầu “nóng” lên. Điểm qua một loạt kênh truyền hình được nhập về trong thời gian qua để thấy truyền hình trả tiền đang là một mảnh đất màu mỡ để các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền hình đổ xô vào. 

Nhập khẩu đủ các loại kênh từ châu Mỹ, châu Âu và cả châu Á. Nội dung gì cũng có, từ phim ảnh, truyền hình thực tế, khoa giáo, làm đẹp, tài chính,… Cái gì không sản xuất được thì “nhập”. Phát toàn diện trên hệ thống truyền hình cáp, vệ tinh và kỹ thuật số, không thiếu một hệ thống nào nhằm mang cả thế giới về tận ngôi nhà của mỗi gia đình.

Trong bối cảnh thị trường truyền hình trả tiền cạnh tranh nhau khốc liệt, xuất phát từ nhu cầu của thực tế, việc đưa các kênh truyền hình nước ngoài về Việt Nam là một lẽ tất yếu. Có cung sẽ có cầu. Trong khi đó, nhìn đi nhìn lại, các kênh truyền hình trong nước chưa đáp ứng được một cách mạnh mẽ nhu cầu giải trí, nghe nhìn của khán giả. 

Một số chương trình tính sáng tạo còn hạn chế, rập khuôn, nội dung nhạt nhẽo. Điểm qua một lượt, những chương trình truyền hình đang “hot” nhất hiện nay như Bạn muốn hẹn hò, Ai là triệu phú, Vietnam Idol, The Voice Kids, The Face.… cũng đều có nguồn gốc từ nước ngoài.

Trong hoàn cảnh đó, việc nhập khẩu này phần nào đã giải tỏa cơn “khát” nhu cầu được xem những kênh truyền hình, những chương trình hay. Nó hợp thời và đang là xu thế của không chỉ Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Chỉ cần một vài thao tác cơ bản, những chương trình truyền hình thực tế ăn khách nhất, những bộ phim bom tấn nổi tiếng nhất trên thế giới,… sẽ xuất hiện một cách sống động trước mắt bạn.

Tuy nhiên, nhìn vào mặt bằng truyền hình trả tiền chỉ có “nhập khẩu”, mua về Việt hóa như hiện tại, cán cân thị trường rõ ràng đang bị nghiêng hẳn về một bên với sự thắng thế, áp đảo của các kênh truyền hình ngoại nhập. Kênh truyền hình đậm chất Việt hay những chương trình có yếu tố Việt hấp dẫn dần trở nên khan hiếm, lép vế và có nguy cơ bị triệt tiêu trong cuộc chiến thị phần của truyền hình trả tiền.

Những chương trình mới nhất trên kênh RED.

Tự sản xuất kênh truyền hình bán được cho khán giả: Mơ về nơi xa lắm!

Trong buổi ra mắt kênh History™ vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, ông Alan Hodges, Giám đốc Điều hành của A+E Networks khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Việt Nam với hơn 13 triệu thuê bao, là đất nước sở hữu lượng thuê bao truyền hình trả tiền cao nhất khu vực Đông Nam Á”. Phát biểu của ông Alan Hodges  cho thấy, đây là một con số biết nói và Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng, cơ hội để kiếm tiền.

Trong bản thông cáo báo chí phát đi, History™ cũng bày tỏ “mong muốn hợp tác sản xuất với các đối tác Việt Nam, trước tiên là những định dạng chương trình thành công tại châu Á như Nhiếp ảnh tranh tài – cuộc thi nhiếp ảnh hàng đầu khu vực, hiện đã sản xuất thành công đến mùa thứ 4; chương trình Khám phá lịch sử, trong đó người dẫn chương trình sẽ thử thách người đi đường qua những hoạt động và thông tin thú vị để kiểm tra kiến thức của họ về chính đất nước mình”. 

Tuy nhiên, khi hỏi bà Sophie Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Giải trí Thảo Lê bao giờ mới có mũi tên ngược lại, nghĩa là Việt Nam có thể tự sản xuất được một kênh truyền hình của riêng mình để xuất khẩu hoặc tự sản xuất một kênh riêng để bán cho chính khán giả nội địa thì bà Thảo trả lời khá chừng mực: “Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường nữa”. 

Một vài người đại diện của các đơn vị viễn thông, truyền hình cáp khẳng định: Điều này có phần hơi… ảo tưởng bởi Việt Nam chúng ta vẫn thiếu nhiều yếu tố để có thể làm ra những chương trình ăn khách, đủ lôi kéo khán giả. Không chỉ là điều kiện kĩ thuật mà về nhân lực cũng còn nhiều hạn chế.

Ra mắt kênh History™ tại TP Hồ Chí Minh.

Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời, đa dạng và đặc sắc. Khi các chương trình truyền hình thực tế, những bộ phim bom tấn đang có xu hướng bão hòa giữa các kênh, các đài thì phát triển các chương trình gắn liền với văn hóa được xem là một lối đi mới. 

Tuy nhiên, dường như đây vẫn là một câu hỏi “mơ về nơi xa lắm” khi các đơn vị, nhà đài đang bận “chiến đấu” nhập khẩu hơn là tự mình sản xuất một chương trình đậm chất Việt để kiếm lời ngay trong chính thị trường nội địa của mình.   

Tất nhiên, ở thời buổi mà thương trường như chiến trường này, yếu tố lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu. Không có gì đáng ngạc nhiên hay bàn cãi ở đây và đó là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Song, nếu cứ “quăng quật” vào cuộc chiến đó rồi bị động, chạy theo thị trường, thiếu chủ động, sáng tạo thì truyền hình trả tiền vẫn chỉ là câu chuyện của… người ta, không phải là chuyện của người Việt Nam.

Theo tìm hiểu, năm 2017 này, hàng loạt doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Trăm người bán, vạn người mua, cuộc chiến ở lĩnh vực này vốn khốc liệt trong những năm qua và sẽ không bớt khốc liệt hơn trong những năm tiếp theo. Nhưng sẽ vẫn còn quá sớm để khẳng định, khách hàng có phải là đối tượng được hưởng lợi từ quá trình cạnh tranh này hay không?

Thành công của truyền hình trả tiền không chỉ nên dừng lại ở việc bao nhiêu hộ gia đình ở Việt Nam tiếp cận với loại hình này hay nhập khẩu bao nhiêu kênh truyền hình ngoại nhập hấp dẫn về nước. Thành công phải đến từ yếu tố tự thân vận động – riêng điều này, hiện tại, ở Việt Nam vẫn là một dấu hỏi lớn. 

Đậu Dung
.
.
.