Khi truyền hình thực tế khai thác nhân vật... quá đà

Chủ Nhật, 01/10/2017, 11:15
Câu chuyện người mẫu gầy nhom nhem trên sàn diễn thời trang trong chương trình “Tìm kiếm người mẫu Việt Nam” trên truyền hình làm dậy sóng dư luận. Người mẫu Cao Ngân đã khóc nức nở trong buổi trả lời phỏng vấn sau đó, uất ức vì những ý kiến chê bai thóa mạ của một bộ phận công chúng, nhằm vào ngoại hình ốm yếu của cô.


Nhưng điều đáng quan tâm ở đây lại chính là câu chuyện các nhà sản xuất chương trình truyền hình, họ đã quá đà trong việc khai thác nhân vật.

Nhà sản xuất lạm quyền

Phải nói ngay rằng, các chương trình truyền hình thực tế hiện nay đang được các nhà sản xuất làm mưa làm gió, trong khi các đài truyền hình, nơi cho phép phát sóng các chương trình không thể kiểm soát hết nội dung. Thông thường, một chương trình truyền hình, nhà đài sẽ duyệt khung chương trình, sau đó nhà sản xuất sẽ tự lo các vấn đề còn lại. 

Lựa chọn thí sinh, đưa yếu tố nào lên cho hấp dẫn, tuyển chọn ban giám khảo, tiêu chí ra sao đều “một tay” nhà sản xuất sắp xếp. Họ chịu áp lực rất lớn về tính hấp dẫn, thu hút của chương trình. Không hấp dẫn, thu hút lượng người khủng thì cũng đồng nghĩa với việc khó bán quảng cáo, doanh thu thấp, ít lợi nhuận. 

Bởi vậy, các show truyền hình thực tế luôn cần nhiều chiêu trò để thu hút sự chú ý của công chúng. Họ thường tập trung khai thác tối đa các nhân vật, tìm xem ở mỗi nhân vật có những yếu tố nào có thể ăn khách, có thể “bán” để mang về lượt người xem như mơ. 

Tính lạ, độc, khác biệt, bất kể là tích cực hay tiêu cực, đều được đưa lên bàn cân để khai thác tùy theo mức độ, làm gia vị nêm nếm cho khán giả truyền hình. Bởi họ nhận thức rất rõ rằng, không gì chán bằng một chương trình không có điểm nhấn, không có gì để khán giả chú ý, tranh cãi.

Khai thác hình ảnh trẻ em trong các cuộc thi trên truyền hình cần được cân nhắc sao cho hợp lý.

Nhìn vào các cuộc thi dành cho thí sinh nhỏ tuổi trong các chương trình truyền hình thực tế thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy rất rõ điều này. Lợi dụng sự hồn nhiên, ngây thơ, thật thà của các thí sinh nhỏ tuổi, nhà sản xuất nhiều khi đã tận dụng khai thác hình ảnh các em để đánh vào cảm xúc, sự tò mò của khán giả. 

Còn nhớ, trong một cuộc thi tìm kiếm giọng hát nhí, một em nhỏ tài năng có giọng hát tốt, nhất là hát múa các thể loại dân gian như chèo, tuồng rất được khán giả mến mộ. Em đó cuối chương trình đã giành ngôi vị quán quân vì được khán giả vote cho rất nhiều, và Ban tổ chức đánh giá cao. 

Chuyện không có gì đáng nói nếu như Ban tổ chức chỉ dừng lại ở giọng hát hay của em, mà không khai thác quá sâu đời tư, hoàn cảnh gia đình của em. Em là con của một gia đình rất nghèo. Những hình ảnh về cái nghèo của cha mẹ em, của em được cung cấp đến công chúng theo ý đồ lấy nước mắt khán giả của nhà tổ chức. 

Gia cảnh của em thì đúng là như vậy, nhưng cách khai thác quá kỹ, quá tỉ mỉ sự nghèo khó của gia đình một cậu bé, ngẫm sâu sắc ra, thì có một cái gì đó bất nhẫn, khiến cho hình ảnh của em trở nên đáng thương, tội nghiệp. 

Có thể bố mẹ em vì đang cuốn theo vòng xoáy của cuộc thi mà em tham gia, phần vì họ thật thà không nghĩ sâu xa nên để chương trình thích ghi hình khai thác gì cũng được. Còn em thì lại quá ngây thơ chưa hiểu hết những hệ lụy đằng sau việc mọi bí mật riêng tư của gia đình được “trưng” hết ra cho đám đông. 

Nhưng thời gia trôi đi, cuộc thi khép lại, người trong cuộc sẽ ngấm những hệ lụy đó. Bằng chứng là không ít người đã nhìn em và gia đình em như một sự thương hại. Những lời đồn thổi, những lời bóng gió dành cho em và gia đình cũng không hiếm.

Một số cuộc thi khác cũng có một công thức tương tự như vậy khi khai thác thí sinh. Đến nỗi, cánh nhà báo ngồi với nhau, khi bàn một cuộc thi dành cho trẻ em nào đó đang phát sóng trên truyền hình, nếu có nhân tố nào nổi bật kiểu như con nhà nghèo, hát hay, nhảy giỏi, múa đẹp, đều có thể dự đoán ra kịch bản mà chương trình sẽ khai thác nhân vật đó, và phần lớn đều trúng phoóc.

Quay lại câu chuyện người mẫu Cao Ngân xôn xao dư luận trong thời gian qua. Thông tin cho biết, Cao Ngân càng về cuối cuộc thi “T́ìm kiếm người mẫu Việt Nam” càng sụt cân trầm trọng, sức khỏe không ổn. Ban tổ chức chắc chắn biết điều đó, nhưng họ vẫn để Cao Ngân tham gia chương trình. Hoặc là họ vô trách nhiệm, vô cảm trước nguy cơ về sức khỏe của cô. 

Hoặc là họ cố tình đưa người mẫu ốm yếu lên sân khấu với mục đích tạo ra một xì-căng-đan, một sự tranh cãi nhằm thu hút sự chú ý của công chúng. Và đây chính là cách khai thác nhân vật thái quá, nếu không muốn nói là lợi dụng nhân vật trong chương trình, dù về mặt PR thì thu hút người xem, nhưng thực chất là tạo ra ảnh hưởng tiêu cực trong tâm lý xã hội. 

Việc để cho một người mẫu gầy ốm ngoài sức tưởng tượng mặc những trang phục được thiết kế tiết kiệm vải, tạo ra hình ảnh phản cảm, đau mắt người xem rõ ràng phải có một ý đồ nào đó từ phía nhà sản xuất. Phản ứng của khán giả có thể đã là những điều mà nhà sản xuất lường trước được, nhưng vì để có lượng rating cao, họ đã nhắm mắt làm ngơ.

Để các chương trình giải trí lành mạnh hơn

Trong ngành công nghiệp giải trí hiện nay, có thể nói, số lượng view đang là tất cả. Bất kỳ một chương trình gì dù lớn dù nhỏ, người ta luôn đặt mục tiêu này lên hàng đầu. Số lượng người xem là thước đo sống còn mang đến lợi nhuận từ quảng cáo. Các nhãn hàng khi bắt đầu chơi cùng các nhà sản xuất, họ quan tâm đầu tiên là sức nóng, sức hấp dẫn của chương trình.

Hình ảnh gầy guộc của người mẫu Cao Ngân trong chương trình truyền hình thực tế "Tìm kiếm người mẫu Việt Nam".

Mà để tạo ra sức nóng, sức hấp dẫn của một chương trình truyền hình thực tế, người ta phải tìm ra đủ mọi cách. Từ việc tính toán lựa chọn nhân vật sao cho đa dạng, đến những gương mặt nào sẽ ngồi ghế ban giám khảo. Người ta sẵn sàng “bỏ qua” một giám khảo giàu chuyên môn, có nghề vững, để thay bằng một giám khảo chuyên môn kém nhưng biết cách lấy lòng đám đông, sẵn sàng trưng trổ các chiêu trò thu hút, biết chiều lòng các yêu cầu của nhà sản xuất. 

Trong không ít chương trình truyền hình thực tế, giám khảo thực chất chỉ là những con rối, làm việc theo cách sắp đặt của nhà sản xuất. Đổi lại, họ nhận được số tiền thù lao khủng. Riêng về phía nhân vật tham gia thì gần như hoàn toàn phải theo kịch bản của nhà sản xuất. Mỗi thí sinh khi bước vào cuộc thi đều phải ngầm hiểu rằng, việc khai thác hình ảnh của họ như thế nào hoàn toàn là quyền của nhà tổ chức. 

Dĩ nhiên, chẳng nhà sản xuất nào dại gì khai thác nhân vật ở mức độ vi phạm pháp luật. Nhưng sự khai thác thái quá, quá đà thì diễn ra thường xuyên. Mục đích chính là để câu view, để tạo ra những cú sốc cho khán giả, gây ra một sự chú ý đặc biệt.

Đã đến lúc cần những quy chuẩn nghiêm ngặt hơn trong việc khai thác hình ảnh cá nhân từ các chương trình truyền hình. Chỗ này phải đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các đài truyền hình, nơi phát sóng các chương trình. Không chỉ duyệt khung chương trình như hiện nay, nhà đài cần có những điều kiện cụ thể hơn đối với đơn vị sản xuất, theo đó việc khai thác nhân vật phải phù hợp, trong phạm vi cho phép, hạn chế tối đa những chiêu trò dùng hình ảnh nhân vật để câu view, tạo ra những hiệu ứng đám đông tiêu cực. 

Cần cụ thể hóa các quy định, như nhân vật là trẻ em thì khai thác hình ảnh như thế nào, nhân vật là người mẫu cần những quy chuẩn gì về hình thể, nhân vật là người già thì khai thác mức độ ra sao. Bởi nếu không có những quy chuẩn cụ thể, nhà sản xuất rất dễ lợi dụng nhân vật. 

Việc khai thác nhân vật thái quá như khai thác hình ảnh cơ thể trẻ em quá mức, để người mẫu gầy gò ốm yếu kiểu như Cao Ngân vừa rồi lên sàn diễn, tạo ra cái nhìn lệch lạc về cái đẹp, thẩm mỹ, hay cổ súy cho việc nhịn ăn, ép xác trong giới trẻ, hoặc khai thác những hình ảnh riêng tư nhạy cảm, dễ tổn thương của nhân vật... đều phải ở một mức độ cho phép. Và phải được kiểm duyệt nghiêm ngặt bởi đơn vị phát sóng.

Những chương trình giải trí tất nhiên không thể bỏ qua các yếu tố giải trí, thu hút công chúng, nhưng hướng khai thác phải lành mạnh, nhân văn, không được thô tục, phản cảm, gây nên tác hại tiêu cực trong tâm lý xã hội. Ngoài đài truyền hình nơi phát sóng ra, thì nên chăng ngành văn hóa cũng cần phải vào cuộc, chấn chỉnh những hoạt động của các nhà sản xuất chương trình truyền hình, trả lại sự lành mạnh trong môi trường giải trí sôi động và phức tạp.

Vân Vũ
.
.
.