Neymar đầu quân cho PSG với mức giá “chuộc thân” kỷ lục

Không chỉ là một kỷ lục mới

Thứ Tư, 09/08/2017, 13:17
Có lẽ, vị Giáo hoàng Jean Paul II quá cố sẽ cảm thấy may mắn, khi ông đã không phải chứng kiến điều điên rồ mới nhất của thế giới bóng đá: Neymar gia nhập Paris Saint-Germain (PSG).


Khi tiền đạo Christian Vieri chuyển từ Lazio đến Inter Milan với mức phí 32 triệu bảng - kỉ lục chuyển nhượng của bóng đá thế giới ở thời điểm năm 1999, Giáo hoàng Jean Paul II đã miêu tả đó là "một sự phỉ báng đối với người nghèo". 

Và có lẽ, vị Giáo hoàng quá cố sẽ cảm thấy may mắn, khi ông đã không phải chứng kiến điều điên rồ mới nhất của thế giới bóng đá: Neymar gia nhập Paris Saint-Germain (PSG).

Về danh nghĩa, Neymar đến với đội bóng thành Paris với giá 0 đồng. Bởi chính Neymar hay chính xác hơn là người đại diện pháp lý của anh đã trả cho Barcelona 222 triệu euro để kích hoạt điều khoản "tự chuộc thân" của ngôi sao người Brazil. Nhưng thực tế ai cũng hiểu thương vụ này đã tốn của các ông chủ PSG một núi tiền theo đúng nghĩa đen.

Khi tiền là tất cả

Cụ thể, theo Sky Sports, ngoài 222 triệu euro phí chuộc thân của Neymar. Cầu thủ mang áo số 10 này sẽ còn ngốn của họ ít nhất gần 300 triệu euro nữa để trả lương theo bản hợp đồng có thời hạn 5 năm. Ở sân Công viên các hoàng tử, Neymar tất nhiên sẽ được hưởng mức lương cao nhất: 30 triệu euro/năm (khoảng 515.000 bảng/tuần). Nhưng cần lưu ý, con số kếch xù kia là sau thuế.

Theo quy định, ở Pháp mức thuế thu nhập là 45%. Như vậy, PSG sẽ mất khoảng 54,5 triệu euro/năm để trả lương cho Neymar. Và đấy mới chỉ là lương, chứ chưa tính đến các khoản thưởng.

Những người ưa tính toán đã rất nhanh đưa ra những ví dụ rất trực quan để so sánh với vụ chuyển nhượng của Neymar. Chỉ riêng với số tiền chuộc thân của Neymar đã đủ để chi trả tiền học phí, chi phí ăn ở cho 4.157 sinh viên Harvard năm nay. Và người ta đã đưa ra một câu hỏi rất hài hước: "trong số đó hẳn sẽ phải có một nhân vật kiệt xuất nào đó, tạo ra giá trị hơn Neymar chứ?".

Cũng với 222 triệu euro, người ta thừa sức dựng lên 1 siêu phẩm điện ảnh dạng Biệt đội siêu anh hùng Avengers (khoảng 220 triệu euro) của Marvel. Có thể tặng mỗi cư dân Vương quốc Anh một ly cà phê Starbucks hay mua tặng mỗi người dân quốc gia Nambia một cái bàn uống cà phê của hãng nội thất số 1 thế giới IKEA... 

Còn trong lĩnh vực bóng đá thì với 222 triệu euro dành riêng cho Neymar thậm chí còn giá trị hơn số tiền mà Bayern Munich đã ném vào thị trường chuyển nhượng để có được 11 cầu thủ thường xuyên đá chính ở thì hiện tại.

Tất cả những sự so sánh đều cho thấy mức độ khủng khiếp của cú áp phe Neymar. Nhưng theo Mourinho thì con số ấy hoàn toàn xứng đáng với một cầu thủ thuộc đẳng cấp cao nhất thế giới như ngôi sao người Brazil. 

Việc Neymar có xứng đáng với con số khổng lồ ấy không thì thời gian sẽ trả lời. Nhưng rõ ràng ở thời điểm này, thương vụ của Neymar đã thực sự là một lời báo động cho thế giới bóng đá. Khi mà sức mạnh kim tiền đang quyết định tất cả.

Một núi tiền 222 triệu euro là phí chuộc thân của Neymar.

Cha của Neymar tiết lộ rằng anh đã cãi lời ông để chuyển sang PSG. Cha của Neymar không tin rằng con mình có thể giành được Quả bóng vàng nếu chơi cho PSG và ông đã can người con của mình.

Về mặt lý tính, quan điểm của ông Neymar Sr là hoàn toàn chính xác. Bởi giải VĐQG Pháp vốn không phải là giải đấu được đánh giá cao và thu hút được sự chú ý trên thế giới. Vì vậy, việc chơi bóng ở Ligue 1 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội vươn lên, được thừa nhận một cách chính thức là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của Neymar.

Thực tế cũng đã chứng minh, kể từ khi danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới được FIFA khai sinh từ năm 1991 (sau đó được đổi tên thành Quả bóng vàng FIFA) chưa từng có 1 cầu thủ nào chơi bóng ở Pháp lọt vào Top 3, chứ chẳng nói là vươn lên vị trí số 1.

Thế nên, dù Neymar có lí giải việc anh ra đi là muốn tìm thách thức mới, rồi thoát khỏi cái bóng của Messi, thì ai cũng hiểu động lực lớn nhất ở đây chỉ là tiếng gọi quyền lực của những đồng dollar. Chẳng đâu xa, Neymar đang đi ngược lại con đường của người đồng hương huyền thoại của mình, cũng là một số 10 kiệt xuất mà bóng đá Brazil từng sản sinh ra, đó là Ronaldinho.

Năm 2001, khi ấy Ronaldinho 21 tuổi, là một trong những tài năng hứa hẹn nhất của làng túc cầu thế giới, anh đã chuyển từ quê nhà Brazil (CLB Gremio) sang châu Âu thi đấu. Điểm dừng chân đầu tiên của Ronaldinho ở lục địa già là PSG.

Sau 2 năm khẳng định tên tuổi ở sân Công viên các hoàng tử, Ronaldinho đã gia nhập Barcelona. Và CLB xứ Catalunya đã trở thành bệ phóng cho tên tuổi của Ronaldinho được thừa nhận là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Anh đã 2 lần liên tiếp giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA (2004, 2005) và 1 lần giành Quả bóng vàng của tạp chí France Football (2005).

Hành trình của Ronaldinho chính là logic truyền thống trong thế giới bóng đá. Cầu thủ bước dần những nấc thang, từ những CLB nhỏ, những khu vực bóng đá kém phát triển hơn đến những sân đấu đỉnh cao hơn để giành những danh hiệu danh giá trong sự nghiệp. 

Chính hành trình chinh phục ấy là động lực phấn đấu của bất kì cầu thủ nào, từ đó tạo ra vẻ đẹp và sự hấp dẫn của bóng đá. Nhưng đó là quá khứ. Còn ở thời điểm hiện tại, đồng tiền có sức mạnh đủ để thay đổi tất cả.

Neymar đã đi theo chiều ngược lại với Ronaldinho. Anh từ Barcelona chuyển đến PSG, ngay ở thời điểm chín nhất của sự nghiệp và chưa hề bỏ túi những danh hiệu cá nhân cao quý nhất. Với quyết định này có thể Neymar sẽ không bao giờ giành quả bóng vàng thế giới như anh vẫn từng mơ ước. Nhưng có lẽ với mức lương 30 triệu euro/mùa thì điều đó cũng không còn quan trọng nữa.

Tương tự như vậy, gần đây, hàng loạt tên tuổi lớn của bóng đá thế giới cũng đã rời châu Âu sang Trung Quốc thi đấu, kể cả những cầu thủ vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển như Oscar. 

Thậm chí, ở kì chuyển nhượng mùa Đông vừa qua, Diego Costa còn làm mình làm mẩy, khăng khăng từ bỏ cơ hội vô địch Premier League mùa trước cùng Chelsea để chuyển đến Trung Quốc. Tất cả, đều theo logic của kim tiền.

Sức mạnh của những đồng dollar đã và đang tạo ra một thế giới bóng đá méo mó và hỗn loạn. Khi mà ngay cả cầu thủ còn chẳng có khao khát bước lên những đỉnh cao nhất của sự nghiệp thì cuộc chơi liệu còn lại gì? 

Câu trả lời chắc chắn là chẳng gì cả. Bóng đá đỉnh cao sẽ bị chết dần, chết mòn trong làn sóng tiền bạc điên rồ này. Nhưng điều nguy hiểm hơn còn năm ở chỗ, các cơ quan quản lý gần như lại bất lực trong việc ngăn chặn “cuộc xâm lăng” này.

Neymar đã đường hoàng khoác lên mình chiếc áo của PSG, bất chấp những ràng buộc của Luật công bằng tài chính.

Thương vụ Neymar kỷ lục hay cái tát vào mặt UEFA và FIFA

Quay trở lại với cú chuyển nhượng thế kỷ của Neymar, nếu theo dõi từ đầu đến cuối, người ta có thể thấy rõ sự bị động của Barcelona. Ban đầu khi những tin đồn về việc PSG vào cuộc chèo kéo Neymar xuất hiện, BLĐ CLB xứ Catalunya đã đáp lại bằng một sự dửng dưng. Ông Bartomeu, chủ tịch Barca khi đó thậm chí còn lên tiếng xác nhận chắc chắn ngôi sao của sân Nou Camp sẽ không đi đâu cả. Tại sao lại như vậy?

Câu trả lời rất đơn giản. Thứ nhất là Barca tin rằng sẽ không có đội bóng nào sẵn sàng đáp ứng mức phí chuộc thân lên tới 222 triệu euro của Neymar. Và điều thứ 2 còn quan trọng hơn là ngay cả khi đối thủ chấp nhận chơi trội như thế thì những quy định của Luật công bằng tài chính của UEFA sẽ không cho phép ném ra một khoản tiền khổng lồ như thế vào thị trường chuyển nhượng.

Luật công bằng tài chính là đạo luật được UEFA thống nhất ban hành tháng 9/2009 với mục tiêu "nhằm giúp duy trì sự ổn định của các CLB bóng đá", Tổng thư ký UEFA và giờ là đương kim Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino - người chủ trì xây dựng đạo luật này từng diễn giải một cách cụ thể hơn: "Tất cả các CLB đều muốn cạnh tranh. Do đó họ phải chi tiền, nhưng chỉ một số ít CLB đủ khả năng tài chính để chạy đua, còn số khác thì không. Nhiều CLB vay mượn hoặc nhận tiền từ các ông chủ để mua sắm cầu thủ, nhưng điều này là không bền vững và một ngày nào đó họ sẽ có nguy cơ phá sản".

Về bản bản chất, các CLB "phải chứng minh mình có thể tự chi trả mọi chi phí". Nếu không, họ có thể bị loại khỏi những giải đấu của UEFA. Luật Công bằng tài chính của UEFA chính thức có hiệu lực từ mùa giải 2013/2014, với rất nhiều chi tiết (dài tới 90 trang), nhưng tựu trung lại ý chi tiết là các CLB không được lỗ quá 30 triệu euro trong vòng 3 mùa giải (2015-2016, 2016-2017 và 2017-2018) không được chi quá phần kiếm được, nếu không sẽ bị phạt.

Ấy vậy mà, thương vụ Neymar không chỉ tốn 222 triệu Euro để giải phóng hợp đồng, tốn 54,5 triệu euo/năm tiền lương trước thuế, ngoài ra còn kèm thêm 40 triệu Euro hoa hồng cho… ông Neymar Santos Sr (cha và cũng là người đại diện của cầu thủ này). Trong khi đó, doanh thu của CLB này trong cả mùa giải trước chỉ là hơn 500 triệu euro. Tức là toàn bộ số tiền này còn chưa đủ để kham nổi thương vụ Neymar.

Thế nhưng, hôm thứ Bảy vừa qua (5/8), Neymar vẫn cứ đường hoàng khoác lên mình chiếc áo của PSG, bất chấp những rào cản của Luật công bằng tài chính. Sở dĩ như vậy là các ông chủ của CLB này đã cố tình lách luật.

Sport, tờ báo thân Barcelona đưa tin hoàng gia Qatar đã ký kết với Neymar một bản hợp đồng thông qua quỹ đầu tư tài chính của hoàng gia để sử dụng cầu thủ này với danh nghĩa "đại sứ hình ảnh World Cup 2022 ở Qatar".

Như vậy, thông qua bản hợp đồng này, PSG đã trở nên vô can trong vụ chuyển nhượng Neymar. Siêu sao Brazil thu về hàng trăm triệu euro từ hợp đồng "đại sứ hình ảnh World Cup 2022 ở Qatar". Sau đó anh chi 222 triệu euro - một phần tiền trong hợp đồng ấy - để phá hợp đồng với Barcelona, rồi đến ký hợp đồng với PSG dưới tư cách cầu thủ tự do.

Bằng cách này, PSG sẽ không liên can gì đến việc Neymar phá vỡ hợp đồng với Barcelona. Họ không phải bỏ ra đồng nào phá vỡ hợp đồng, cũng chẳng cần đàm phán với Barca. Mọi thứ đó đều do Neymar một mình thực hiện! Thứ duy nhất PSG phải bỏ ra là khoản tiền lương ước chừng 30 triệu euro mỗi năm. Vì thế, PSG tránh được toàn bộ các khoản thuế phải nộp cho chính phủ Tây Ban Nha, chính phủ Pháp và quan trọng hơn là miễn nhiễm với Luật công bằng tài chính.

Barcelona tuyên bố họ đã chuyển hồ sơ vụ việc để UEFA nghiên cứu về những yếu tố pháp lý phát sinh. Nhưng cho đến lúc này người ta vẫn chưa thấy phản ứng cụ thể nào từ UEFA, còn Neymar đã đường hoàng là người của PSG.

Thương vụ này có thể coi là một đòn mạnh giáng vào nỗ lực thực thi Luật công bằng tài chính của Platini và Infantino. Việc PSG dễ dàng qua mặt các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể tạo ra một tiền lệ xấu, khai tử Luật Công bằng tài chính.

Trong quá khứ, vụ chuyển nhượng lùm xùm của Bosman đã vô tình khai sinh ra Luật Bosman, mở ra một chương mới cho lịch sử bóng đá thế giới. Không ngoại trừ khả năng, cú chuyển nhượng kỷ lục của Neymar cũng tạo ra một hiệu ứng tương tự, thay đổi cuộc chơi của làng túc cầu. Chỉ có điều, chưa chắc đó đã là sự thay đổi theo chiều hướng tích cực… 

Tất Đức
.
.
.