Thể thao Việt Nam với thất bại tại Olympic London 2012:

Không củi lửa, vẫn cầu gió đông…!

Thứ Bảy, 18/08/2012, 15:53
Trong trận Xích Bích vừa huy hoàng vừa tàn khốc thời Tam Quốc chiến ngày xưa, bộ đôi Chu Du - Gia Cát Lượng đã phải cầu gió đông để đốt chiến thuyền Tào Tháo. May cho họ khi gió đông cuối cùng đã đến và 83 vạn quân Tào đã bị thiêu trong biển lửa Trường Giang.

Nhưng vấn đề là trước khi chờ đợi sự may, rủi đến từ một cơn gió, người ta đã chuẩn bị sẵn củi lửa, chuẩn bị những phương án đốt lửa, thậm chí chuẩn bị cả một "liên hoàn kế" để sao cho quân Tào có thể  bị thương vong nhiều nhất dưới ngọn lửa thiêng. Còn với chúng ta - đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic London 2012 (cũng như phần lớn các kỳ Olympic trước đây), cảm giác như chúng ta luôn chỉ nghĩ đến gió, luôn trông chờ vào những điềm may của gió, mà không chịu chuẩn bị "củi, lửa" một cách xứng tầm.

Khoảng trống sau chiến công lịch sử

Khi Trần Lê Quốc Toàn - niềm hy vọng duy nhất, niềm hy vọng số 1, niềm hy vọng vĩ đại của thể thao Việt Nam tại Olympic lần này gục xuống ở mức tạ 162 kg trong lần cử đẩy cuổi cùng thì cũng là khi thể thao Việt Nam có tới 99,99% khả năng trắng tay tại sân chơi Olympic.

Một ngày trước khi Toàn bước vào trận đánh lớn nhất đời mình, người ta đã nói rất nhiều tới việc 2 VĐV thuộc vào hàng "siêu mạnh", một người Trung Quốc, một người Kazakhstan đã phải rút lui vào phút chót, và coi sự rút lui ấy như một lợi thế đặc biệt của Toàn trong cuộc tranh chấp huy chương ở hạng cân dưới 56 kg.

Thế rồi khi Toàn chỉ đứng thứ 4 ở hạng cân này thì người ta lại nói rất nhiều  tới việc  VĐV Om Yun Choi - một VĐV vô danh của CHDCND  Triều Tiên đã bất ngờ thực hiện mức tổng cử lên tới 293 kg, khiến cho tất cả các VĐV khác đều bị "tâm lý" nặng.

Và người ta coi đấy như một lý do quan trọng khiến Quốc Toàn bị đánh văng khỏi top 3, để rồi không đoạt được dù chỉ là một chiếc HCĐ như dự kiến. Như thế hóa ra cái lợi thế được dự đoán trước đó của Toàn đến từ việc người khác rút lui, và nguyên nhân thất bại căn cốt của Toàn cũng đến từ việc đã có một người khác bất ngờ quật khởi - toàn những thứ thuộc về "hoàn cảnh khách quan". Vậy thì sự chuẩn bị của chúng ta nằm ở đâu?

Chiến lược, chiến thuật của chúng ta nằm ở chỗ nào? Công tâm mà nói, bản thân Trần Lê Quốc Toàn không đáng trách, bởi với mức tổng cử lên tới 284 kg, Toàn đã vượt lên chính thành tích vốn có của mình. Vấn đề là nền thể thao Việt Nam liệu có thể tạo ra một Trần Lê Quốc Toàn mạnh mẽ hơn không? Và liệu với một Trần Lê Quốc Toàn mạnh mẽ hơn, cơ hội đoạt huy chương Olympic của chúng ta liệu có lớn hơn không?

Muốn trả lời hai câu hỏi này cần phải nhìn lại 2 tấm HCB lịch sử mà thể thao Việt Nam gặt được tại Olympic Sydney năm 2000 (trường hợp của Trần Hiếu Ngôn ở môn taekwondo)  và Olympic Bắc Kinh năm 2008 (trường hợp của Hoàng Anh Tuấn ở một cử tạ).

Cho đến tận bây giờ, những người hiểu đời sống taekwondo Việt Nam vẫn nói đi nói lại rằng ở kỳ Olympic Sydney, hy vọng huy chương thoạt tiên được đặt vào Xuân Mai, chứ không phải Hiếu Ngân. Song đến khi vào cuộc thì hạng cân thi đấu của Xuân Mai lại quy tụ quá nhiều VĐV mạnh, còn hạng cân của Hiếu Ngân lại bất ngờ gồm toàn những VĐV… tầm tầm. Và thế là cuối cùng "niềm hy vọng" Xuân Mai bỗng trở nên tay trắng, còn người không được nhiều hy vọng như Hiếu Ngân lại đi vào… lịch sử.

Ở đây, chúng tôi không phủ nhận những nỗ lực của bản thân Hiếu Ngân trong quá trình thi đấu, nhưng nói như chính ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao thì "yếu tố hoàn cảnh" tác động không nhỏ tới chiếc HCB của Hiếu Ngân năm đó. Chiếc HCB cử tạ nam của Hoàng Anh Tuấn ở Olympic Bắc Kinh 2008 lại là một trường hợp khác.

Vẫn theo lời ông Nguyễn Hồng Minh thì Hoàng Anh Tuấn là một VĐV xuất sắc đặc biệt mà qua hàng chục năm thể thao Việt Nam mới bất ngờ sở hữu. Vì vậy chiếc HCB của Hoàng Anh Tuấn là một phần thưởng xứng đáng cho tài năng của VĐV đặc biệt này. Tới đây, một kết luận có thể đưa ra: Trong 2 chiếc HCB lịch sử của chúng ta ở đấu trường Olympic, một chiếc đến chủ yếu bởi "hoàn cảnh khách quan", còn một chiếc đến từ sự phi thường của một VĐV thuộc vào dạng "ngàn năm có một".

Nhưng một nền thể thao chuyên nghiệp không thể cứ ngồi đó trông đợi vào sự may rủi của hoàn cảnh khách quan hay sự xuất hiện bất thình lình của những VĐV "ngàn năm có một", để từ đó mơ giấc mơ huy chương Olympic. Một nền thể thao chuyên nghiệp, hướng đến việc gặt huy chương Olympic phải là một nền thể thao có chiến lược dài hơi, nhất quán, hướng đến trận địa này.   

Tư tưởng cào bằng giết chết mộng huy chương

Đến Olympic London 2012, Trần Lê Quốc Toàn thất bại cũng ở môn cử tạ.

Thực ra thì từ 2 năm về trước, thể thao Việt Nam đã xác định 10 môn thể thao được đầu tư trọng điểm, trong đó gồm phần lớn những môn Olympic, nhưng lạ ở chỗ bên cạnh 10 môn này lại có tới 20 môn được xác định là "trọng điểm nhóm 2". Và như thế chúng ta buộc phải chia kinh phí đầu tư trong khoảng ít nhất là 30 môn. Việc đầu tư dàn trải, hướng đến diện rộng, chứ không hướng đến chiều sâu chỉ có thể giúp Việt Nam đoạt được những thứ hạng cao ở đấu trường SEA Games, hoặc đạt được nhiều mức chuẩn A, chuẩn B tham dự Olympic, chứ khó có thể đoạt được huy chương Olympic.

Có một sự thực là trong số những nền thể thao bị xếp vào dạng "vùng trũng" của thế thao thế giới như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, chiến lược "đoạt huy chương Olympic" được xác định với chỉ 1,2 môn chủ lực, và người ta dồn toàn bộ nhiệt huyết, kinh phí vào 1,2 môn chủ lực như vậy, chứ không bao giờ đầu tư dàn trải cho khoảng 30 môn giống như chúng ta đang làm.

Nói tới vấn đề này chợt nhớ tới một câu chuyện "cười ra nước mắt" liên quan tới việc chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008. Hồi đó bộ môn taekwondo đề nghị được đầu tư một mức kinh phí đặc biệt để hướng tới mục tiêu đoạt huy chương Olympic - điều mà trước đó Hiếu Ngân đã từng làm được. Trước đề nghị này, một lãnh đạo ngành Thể thao đã nói như sau: "Nếu các anh viết giấy cam đoan là chắc chắn đoạt được huy chương, thì tôi sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của các anh".

Dĩ nhiên, dù có tự tin đến mấy thì trong các cuộc đấu thể thao vốn tiềm ẩn rất nhiều bất ngờ, may rủi, chẳng ai dại dột viết một tờ giấy cam đoan như thế cả. Và kết quả là môn taekwondo (môn được xác định là thế mạnh của chúng ta hẳn hoi) cũng không nhận được một mức đầu tư thật sự đặc biệt như những gì người trong cuộc mong muốn.

Ở đây, câu hỏi đặt ra là: Vì sao những nhà lãnh đạo thể thao không chịu đầu tư trọng điểm vào 1,2 môn chủ lực, mà cứ phải dàn trải kinh phí đầu tư cho khoảng 10, 20, thậm chí 30 môn? Vì tâm lý "xấu đều còn hơn tốt lỏi" là một tâm lý phổ biến trong xã hội, và nó dĩ nhiên cũng phải là tâm lý phổ biến trong một xã - hội - thể - thao? Hay vì  phải đầu tư vào nhiều môn thì mức độ "cào bằng" và những lợi ích cá nhân -  những lợi ích tế nhị đến từ việc "cào bằng" cũng sẽ lớn hơn so với việc chỉ đầu tư vào 1,2 môn chủ lực?

Thể thao học đường - khoảng trống không thương tiếc

Những ngày đầu tiên ở Olympic London năm nay, cả thế giới kinh ngạc với VĐV bắn cung Im Dong Hyun người Hàn Quốc. VĐV chỉ có thị lực 1/10 (gần như mù)  nhưng vẫn oanh liệt cùng các đồng đội lập 2 Kỷ lục thế giới, và qua đó giành chiếc HCV danh giá.

Với những chiếc huy chương này người ta mới chỉ nhìn thấy những nỗ lực vượt bậc của Im Dong Hyun mà chưa biết rằng ở Hàn Quốc, môn bắn cung từ lâu đã được xác định là "thế mạnh của thể thao quốc gia", nên đã được đưa vào tất cả các trường tiểu học và trung học. Nó cũng giống như ở các trường học Mỹ, bóng rổ là môn bắt buộc, hay ở các trường học Trung Quốc, bóng bàn cũng là một môn bắt buộc.

Chính vì việc phát triển thể thao học đường một cách khôn ngoan, có chọn lọc mà trong các cuộc đấu đỉnh cao như Olympic, mỗi quốc gia khác nhau luôn có những lợi thế khác nhau trong những môn thi đấu được cho là "đặc sản" của đất nước mình.

Nhìn vào các trường học Việt Nam, từ tiểu học, trung học cho tới đại học, có bói mỏi con mắt cũng không tìm nổi một môn thể thao nào có thể gọi là "đặc sản". Trong giáo trình đào tạo thể chất ở các nhà trường Việt Nam người ta thấy có chạy một tí, bóng chuyền một tí, bóng đá một tí, nhảy cao một tẹo…

Không có được những môn thể thao chủ lực để tạo ra một chân đế vững chắc, cũng không có được những sự đầu tư chủ lực, để tạo ra một chiều sâu đủ tầm, rốt cuộc giấc mộng huy chương của thể thao Việt Nam  tại các kỳ Olympic luôn bị ảnh hưởng, chi phối bởi sự may, rủi của hoàn cảnh khách quan (Trần Hiếu Ngân năm 2000), hay sự may rủi của việc trong một chu kỳ nào đó, đột nhiên xuất hiện một nhân vật phi thường nào đó (Hoàng Anh Tuấn năm 2008).

Thực ra thì trong thể thao, sự tác động của may rủi, hay sự xuất hiện đột biến luôn là những hiệu ứng cần thiết, nhưng nó chỉ giống như những cơn gió chợt đến rồi chợt đi. Muốn tận dụng gió để tạo nên một cơn bão lửa người ta dĩ nhiên phải chuẩn bị củi lửa cho mình trước đã.

Nên nhớ, nếu có gió đông, nhưng không có củi lửa, cũng không có kinh nghiệm tác chiến hỏa công thì đừng nói là một Chu Du, một Gia Cát, mà cả ngàn Chu Du, ngàn Gia Cát cũng không thể tạo nên một trận Xích Bích oai hùng!

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh: "Chúng ta từng  đi trước, thế mà …!"

Ông Nguyễn Hồng Minh.

"Tôi nhớ là năm 2000, khi Trần Hiếu Ngân đoạt HCB taekwondo thì phong trào Taewondo ở những nước như Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan đều thua chúng ta rất nhiều. Nhưng bây giờ thì sao? Xin thưa, sau 12 năm, phong trào taekwondo ở những nước này đã vượt chúng ta, và họ đã từng đoạt HC taekwondo ở những kỳ Olympic gần đây, trong khi với chúng ta, sau chiếc HCB của Hiếu Ngân, taekwondo im lặng toàn tập. Đấy, những môn chúng ta đi trước thiên hạ mà kết cục bây giờ còn như thế thì đừng nói gì tới những môn đi sau. Thế mà mới đây người ta lại đặt mục tiêu phải có HCV ở Olympic 2016. Trời ơi, huy chương vàng ở môn nào thế? Ở hạng cân nào thế? Nếu không trả lời cụ thể 2 câu hỏi này thì giấc mơ huy chương vẫn chỉ là một thứ được chăng hay chớ, hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi mà thôi".

Phan Đăng
.
.
.