Xung quanh vấn đề bỏ cấp phép ca khúc trước 1975: Không thể mỗi nơi một kiểu

Thứ Tư, 20/02/2019, 20:55
Thông tin mới đây từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn về việc sẽ bỏ khái niệm ca khúc trước 1975, bỏ cấm cấp phép ca khúc và phân quyền cho địa phương kiểm duyệt đang gây xôn xao dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng tại sao không lập danh sách những ca khúc cấm thay vì giao cho địa phương kiểm duyệt sẽ dẫn đến tình trạng mỗi nơi một kiểu.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) Nguyễn Quang Vinh vừa chia sẻ thông tin Chính phủ đồng ý cho chủ trương xây dựng dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 79 theo hướng sẽ có những thay đổi đáng kể trong việc quản lý cấp phép đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình xin ý kiến vào tháng 12-2018. 

Theo đó, một điểm đáng lưu ý là Chính phủ đồng ý với một số đề xuất xây dựng dự thảo nghị định mới, như bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, chỉ đưa ra quy định những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng thì sẽ bị cấm. 

"Bỏ cấp phép cho ca khúc nghĩa là ca khúc sáng tác ở thời gian, không gian nào cũng bình đẳng như nhau, không có khoanh vùng đặc biệt để cấp phép. Trước hay sau 1975 đều như nhau" - ông Vinh giải thích thêm.

Những ca khúc từng bị tạm dừng lưu hành gây bức xúc dư luận.

Tuy nhiên, việc kiểm duyệt cấp phép cho các ca khúc sẽ được giao cho các địa phương. Các địa phương, đơn vị, cá nhân tổ chức chương trình sử dụng ca khúc được trao quyền đồng thời chịu trách nhiệm khi sử dụng ca khúc. Trong trường hợp vi phạm, họ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt, thậm chí bị rút giấy phép, bị xử lý hình sự. 

Quyền Cục trưởng Cục NTBD cũng đặt ra vấn đề về năng lực thẩm định của cán bộ địa phương: "Vấn đề thẩm định ca khúc khó, đôi khi phải chấp nhận rủi ro. Nguồn nhân lực phải đủ trình độ, xứng tầm công việc. Không phải cứ làm sai là đổ tại Nghị định. Khi được trao quyền, nếu địa phương, tổ chức, cá nhân nào để xảy ra sai phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Tăng quyền thì cũng tăng trách nhiệm".

Bài “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng bị cấm.

Sau khi có nghị định mới, Cục NTBD sẽ ban hành những quy định cụ thể để địa phương có căn cứ không cho biểu diễn ca khúc có nội dung xấu. "Chắc chắn trong quá trình soạn thảo, Cục sẽ đưa ra những quy định chi tiết liên quan tới ca khúc có nội dung xuyên tạc lịch sử, đi ngược lại lợi ích đất nước và nhân dân. 

Không riêng ca khúc trước năm 1975, đối với tất cả ca khúc mới, nếu có nội dung này đều không được biểu diễn dưới bất cứ hình thức nào. Việc thẩm định ca khúc trước 1975 theo Dự thảo cũng sẽ được giao cho các Sở Văn hóa - Thể thao địa phương", ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Về vấn đề bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975, ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định, quy định cấp phép ca khúc trước năm 1975 cho thấy không còn phù hợp với thực tiễn đời sống hiện nay.

Nghị định mới hướng tới tinh thần giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, các tổ chức biểu diễn. Vấn đề bỏ cấp phép các ca khúc trước 1975 là vấn đề được giới nghệ sĩ quan tâm từ nhiều năm nay. Thực tế đã xảy ra nhiều bất bình trong việc cấm các bài hát như "Con đường xưa em đi", "Cánh thiệp đầu xuân"…, gây bức xúc trong dư luận. 

Nhạc sĩ Trương Quý Hải cho rằng: "Nghệ thuật vốn có tính ước lệ, đa chiều. Chúng ta chỉ nên cấm những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, ca từ nhạy cảm chứ không nên bắt bẻ từng ca từ theo lối suy diễn. Thực tế đã có nhiều bài hát bị suy diễn về nội dung nên không cấp phép, dù đó là những bài hát được đông đảo khán giả yêu thích. Cục cần có một bộ phận nghiên cứu và đưa ra danh sách phù hợp, tránh những suy nghĩ thiển cận, máy móc. Bởi kho tàng âm nhạc trước 1975 có những giá trị lịch sử nhất định và dù trước đây chúng ta cấm thì nó vẫn tồn tại trong đời sống".

Ca khúc này từng bị dừng lưu hành gây bức xúc dư luận.

Phần lớn các ý kiến cho rằng, việc bỏ cấp phép các ca khúc trước 1975 là cần thiết, Bộ và Cục NTBD chỉ cần đưa ra một danh sách những bài hát cấm có nội dung xuyên tạc lịch sử, nhạy cảm về chính trị. Giao việc cấp phép, kiểm duyệt cho địa phương chắc chắc sẽ gây ra nhiều vấn đề bất cập, không khác gì Cục đá quả bóng xuống địa phương. 

Nhạc sĩ Nguyễn Quang: Cần có một danh sách những bài hát cấm

Nhạc sĩ Nguyễn Quang.

Tôi ủng hộ việc bỏ cấp phép các ca khúc trước 1975 nhưng theo ý kiến của tôi, Cục NTBD nên nghiên cứu và đưa ra một danh mục những bài hát cấm thay vì giao quyền cho địa phương quản lý. Trước 1975, chúng ta có chưa đến 200 nhạc sĩ, các bài hát và danh mục đều nằm trong kho lưu trữ, chỉ cần tìm tên tác giả, bài hát và nghe lời là có thể lựa chọn cho phép lưu hành hay không. 

Tất nhiên, danh sách này cũng không được cứng nhắc như từ trước đến nay. Chỉ cấm những bài hát có câu từ nhạy cảm về chính trị, chứ không phải suy diễn và cảm tính. Nếu giao quyền cho địa phương sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề bất cập. Trình độ quản lý văn hóa ở địa phương khá hạn chế, nhất là những vùng sâu vùng xa, nhiều nơi còn chưa có khái niệm về âm nhạc. Điều đó sẽ làm khó cho nghệ sĩ. 

Bây giờ, chúng ta cần các nghệ sĩ đi đến những vùng sâu vùng xa biểu diễn, hát cho bà con nghe, các ông quản lý ở đó chắc chắn không biết nhiều về âm nhạc sẽ làm khó cho họ. Việc giao cho địa phương cấp phép còn dẫn đến tình trạng, chỗ này cấp, chỗ kia không cấp, thiếu sự thống nhất trên cả nước, thậm chí còn tạo điều kiện cho thói quan liêu, nhũng nhiễu của các quan chức địa phương.

Phải chăng, Cục NTBD không quản lý được nên đá quả bóng xuống địa phương. Những nhà nghiên cứu âm nhạc chỉ cần bỏ thời gian đọc và nghe sẽ tìm ra danh mục cần cấm. Giao về địa phương chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nghệ sĩ hơn trước đây.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Không thể mỗi địa phương một kiểu

Nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Phương thức mới mà Cục NTBD vừa cho biết cũng chẳng khác gì cách họ làm từ trước đến nay, thay vì trước đây Cục cấp phép kiểm duyệt thì bây giờ, người ta đá quả bóng đó xuống địa phương. Mà địa phương thì mỗi nơi sẽ cấp phép một kiểu. Tỉnh A sẽ cho hát bài này còn tỉnh B thì không. 

Tình trạng đó  sẽ gây nên sự bất bình, làm khó nghệ sĩ và nhà tổ chức và chắc chắn sẽ không có sự cởi bỏ như Cục vừa thông báo mà thực tế sẽ còn rắc rối hơn. Tôi nghĩ, đã bỏ cấp phép là bỏ hẳn, không phải qua địa phương vì năng lực quản lý của địa phương chưa tốt. Nên đưa ra danh sách những bài hát cấm là xong. Nên có thống nhất từ trên xuống dưới chứ không thể mỗi tỉnh một kiểu. Việc giao quyền này sẽ tạo điều kiện cho sự cấm đoán tùy tiện.

Ca sĩ Tuấn Hiệp: Nên thống nhất quản lý từ Bộ đến địa phương

Ca sĩ Tuấn Hiệp.

Câu chuyện giao cho địa phương quản lý chắc chắn sẽ xảy ra nhiều vấn đề bất cập. Đã bỏ cấm là bỏ từ Bộ xuống cơ sở, nếu giao cho cơ sở kiểm duyệt sẽ xảy ra tình trạng chỗ này cấp phép, chỗ kia không, nói là thông thoáng về thủ tục hành chính nhưng thực ra lại làm khó nghệ sĩ, nhà tổ chức. Tôi nghĩ, nên có một sự thống nhất từ trên xuống dưới chứ không nên đá trách nhiệm cho địa phương, nhất là rất nhiều địa phương, cán bộ còn hạn chế hiểu biết về âm nhạc.

Lan Tường
.
.
.