Quanh việc 2 VĐV Rowing Việt Nam bỏ trốn tại Úc:

Không thể xem thường màu cờ sắc áo Quốc gia

Chủ Nhật, 08/04/2012, 10:18

Chiều muộn ngày 19/3/2012, cả làng thể thao tá hỏa với thông tin 2 VĐV Rowing triển vọng của TTVN là Nguyễn Phương Đông và Lương Đức Toàn đã bỏ trốn lại Úc trong chuyến tập huấn của ĐT Rowing Việt Nam. Thực ra thì vụ bỏ trốn diễn ra từ ngày 13/3, nhưng nó đã bị những người trong cuộc ém nhẹm với hy vọng có thể tìm được "kẻ đào tẩu" rồi sau đó coi như không có chuyện gì.

Chỉ đến khi việc tìm kiếm phải đối diện với quá nhiều khó khăn thì mọi thứ mới được công khai hóa. Điều đáng nói nằm ở chỗ, đây là vụ bỏ trốn thứ 13 của các VĐV Việt Nam trong các chuyển tập huấn tại nước ngoài kéo dài 10 năm qua.

Chân dung kẻ đào tẩu

Cái tên Nguyễn Phương Đông, Lương Đức Toàn được nhắc đến nhiều nhất tại SEA Games 26 diễn ra tại Indonesia cuối năm vừa rồi. Kỳ SEA Games mà hai VĐV này, người đoạt HCB, người đoạt HCĐ, giúp cho ĐT Rowing Việt Nam đoạt được thành công ngoài mong muốn. Theo lời kể của các VĐV Rowing QG thì Đông người Hải Phòng, Toàn người Hải Dương và cả hai đều thuộc diện… gia đình ổn định, chứ không thuộc diện nghèo khó như phần lớn các VĐV thể thao khác.

Trong quá trình sinh hoạt ở ĐT, hai VĐV này cũng được đánh giá là có tính cách dễ chịu, hòa đồng. Thế nên vào lúc 22 giờ đêm ngày 13/3, khi Đông và Toàn sang phòng một VĐV nữ để "mượn kim chỉ" rồi bặt vô âm tín thì cả đội đã nghĩ rằng hai VĐV này bị lạc hoặc gặp một sự cố nào đó, chứ không ai nghĩ tới chuyện họ mang ý định đào tẩu. Một thành viên ĐT (đề nghị giấu tên) kể lại với chúng tôi: "Thời điểm ấy Toàn còn mặc một cái áo cộc, và chỉ kịp xỏ vội một chiếc quần âu, còn Đông thì thậm chí còn mặc quận cộc, áo cộc, đi dép lê… Không ai nghĩ là họ có thể bỏ trốn trong một hoàn cảnh như thế cả".

Phải đến 24h sau, khi những nỗ lực tìm kiếm cá nhân với Đông và Toàn là vô vọng, và khi thông tin gửi sang từ Việt Nam cho hay cả hai VĐV này đều có người nhà đang sinh sống tại Úc thì diện tìm kiếm mới được mở rộng. Người đích thân đi tới nhà người quen của Đông và Toàn ở Úc chính là chuyên gia Úc Donnelly - người đang giúp đỡ ĐT Rowing Việt Nam vô điều kiện.

2 VĐV Rowing Việt Nam bỏ trốn... Khiến cho chuyên gia Donnelly rất thất vọng.

Vẫn thành viên nói trên của ĐT Rowing Việt Nam kể lại: "Khổ thân ông Donnelly, ông ấy sang huấn luyện chúng ta, rồi lại sử dụng những mối quan hệ cá nhân của mình để đưa chúng ta sang Úc tập huấn, thế mà cuối cùng lại phải cất công đi tìm các VĐV bỏ trốn của ta. Nhìn hình ảnh ông Donnelly thẫn thờ sau khi tìm kiếm bất lực mới thấy tội nghiệp cho ông ấy quá".

Sau khi đến một người bản địa như ông Donnelly cũng phải… bất lực thì ĐT Rowing Việt Nam đã liên lạc để nhờ cảnh sát sở tại vào cuộc, nhưng lời nhờ đã bị từ chối với lý do: "Chúng tôi chỉ vào cuộc trong những vụ vi phạm pháp luật mà thôi". Được biết là hiện nay Tổng cục TDTT đã làm việc với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cùng Cục Quản lý xuất nhập cảnh để nhờ tìm kiếm 2 VĐV bỏ trốn này.

Vì sao các VĐV thường đào tẩu?

Theo lý giải của các thành viên ĐT thì có hai khả năng dẫn tới việc 2 VĐT Rowing bỏ trốn nước ngoài. Một là Nguyễn Phương Đông và Lương Đức Toàn dựa vào việc mình đang có người thân sinh sống ở Úc, nên quyết định trốn lại Úc để có thể có được một cuộc sống mà với mình là "một cuộc sống trong mơ".

Hai là không loại trừ khả năng họ được một tổ chức nào đó mời gọi, rồi hứa hẹn trả lương cao cùng những chế độ đãi ngộ hấp dẫn khác. Bất luận sự thật rơi vào trường hợp nào trong hai trường hợp trên đây thì cũng phải đặt ra những dấu hỏi về công tác quản lý, kiểm soát VĐV của BHL ĐT Rowing QG. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì giấy tờ tùy thân như chứng minh, hộ chiếu, vé máy bay của tất cả các VĐV trong những chuyến tập huấn kiểu này đều được BHL kiểm soát.

Nhưng ngoại trừ việc "kiểm soát giấy tờ" cùng các thông số chuyên môn trong tập luyện, chuyện các VĐV đi lại, ăn ở ra sao sau giờ tập luyện gần như đã bị buông lỏng. Và chính sự buông lỏng ấy đã tạo điều kiện cho các VĐV có thể dễ dàng bỏ trốn.  

Nhân đây cũng phải nhắc lại rằng năm 2002, trong chuyến tập huấn tại Hàn Quốc chuẩn bị cho ASIAD của ĐT vật QG, 2 đô vật tên tuổi lúc đó Phí Hữu sơn và Tạ Đình Đức đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của BHL để trốn lại đất nước này. Đến năm 2008, vẫn trong một chuyến tập huấn của ĐT vật QG tại Hàn Quốc, 3 đô vật Nguyễn Doãn Dũng, Dương Đình Nam và Nguyễn Văn Phong cũng đã đào tẩu… thành công.

Sau tất cả những vụ đào tẩu này, Ủy ban TDTT (giờ là Tổng cục TDTT) đều ra quyết định loại vĩnh viễn các VĐV khỏi ĐTQG, và sau đó ra thông báo sẽ tìm kiếm các VĐV bằng mọi cách. Song thực tế là chưa có bất cứ một cuộc tìm kiếm nào diễn ra thành công. Và thực tế là phần lớn các VĐV đào tẩu sau đó đều mai danh ẩn tích. Vậy nên sẽ là không thừa nếu đặt ra câu hỏi: Nguyễn Phương Đông và Lương Đức Toàn của ĐT Rowing Việt Nam chỉ cả gan bỏ trốn  khi họ đã nhìn thấy và nhìn rõ những vụ bỏ trốn trót lọt trước đây? 

Không thể làm ảnh hưởng tới màu cờ sắc áo Quốc gia

Trao đổi với chúng tôi, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng tiết lộ rằng trong chuyến tập huấn của ĐT Rowing tại Úc, Tổng cục chỉ phải lo tiền vé máy bay còn lại. Còn tiền tập huấn, ăn ở, tất cả đều được Đại sứ quán Úc phối hợp với chuyên gia Donnelly - một trong những chuyên gia Rowing có uy tín tại Úc hỗ trợ. Chính vì vậy ông thắng cho rằng việc hai VĐV bỏ trốn lại Úc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ thể thao giữa Việt Nam và Úc.

Sự ảnh hưởng mà với nó không loại trừ khả năng những chuyến hỗ trợ, đài thọ các VĐV thể thao Việt Nam sang Úc từ nay trở đi sẽ chính thức chấm dứt. Nhưng không chỉ gói gọi trong vấn đề "có thể làm ảnh hưởng tới những mối quan hệ thể thao", ông Thắng cho rằng một VĐV Quốc gia phải có ý thức bảo vệ màu cờ sắc áo QG. Thế nên ở một góc độ nào đó việc một bộ phận các VĐV QG lợi dụng thời cơ để trốn lại nước ngoài trong các chuyến tấp huấn của các ĐTQG khiến cho danh dự QG ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Câu hỏi đặt ra: Ngành Thể thao phải làm gì để ngăn chặn những vụ việc tương tự như thế này?

Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cho rằng mấu chốt vẫn nằm ở việc phải quan tâm đến việc giáo dục tinh thần ý thức cho các VĐV. Còn Tổng cục Phó Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành thì nói cụ thể: "Từ nay về sau, trước bất cứ chuyến tập huấn, thi đấu nào tại nước ngoài của bất cứ một ĐTQG nào tôi cũng sẽ trực tiếp làm việc với BHL và các VĐV của các ĐT đó. Tôi sẽ đề nghị BHL và các VĐV phải cam kết là sẽ bảo vệ màu cờ sắc áo QG tới cùng". Ông Thành cũng cho biết rằng một công dân Việt Nam trước khi sang  một số nước ở châu Âu nhất thiết phải có  bản cam kết tài chính được xác nhận bởi các ngân hàng. Nhưng riêng với các VĐV thể thao thì việc này là không thể, bởi thứ nhất phần lớn các VĐV thể thao đều có hoàn cảnh nghèo khó, và thứ hai ngành Thể thao có đủ thẩm quyền để bảo lãnh cho các VĐV của mình.     

Rất mong là sau một loạt những vụ bỏ trốn có hệ thống, và sau khi ngành Thể thao đã quan tâm một cách rốt ráo tới vấn đề này thì việc các VĐV Việt Nam bỏ trốn tại nước ngoài, gây ảnh hưởng xấu tới màu cờ sắc áo QG sẽ hoàn toàn chấm dứt.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng Cho biết 10 năm trước, trong một chuyến tập huấn tại Đức, một VĐV của ĐT đua thuyền Việt Nam cũng đã trốn lại, và sau này mai danh ẩn tích, không ai tìm kiếm được. Ông Thắng cho rằng việc các VĐV bỏ trốn trong những trường hợp này một mặt bắt nguồn từ hoàn cảnh kinh tế thiếu ổn định của họ ở trong nước, một mặt bắt nguồn từ ý thức, bản lĩnh chính trị của cá nhân mỗi người. Chính vì vậy theo ông Thắng thì việc 2 VĐV ĐT Rowing bỏ trốn tại Úc một lần nữa lại gióng lên hồi chuông về việc phải hết sức quan tâm tới việc  giáo dục ý thức, bản lĩnh chính trị cho các VĐV.

Diệp Xưa
.
.
.