Khủng hoảng mới của FIFA

Thứ Bảy, 06/05/2017, 17:15
Đại hội thường niên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) diễn ra trong 2 ngày 8 và 11-5 ở Manama, Bahrain được dư luận và giới chuyên môn quan tâm.


Bởi Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah, thành viên Ủy ban cải cách AFC và Hội đồng FIFA vừa quyết định rút đơn tái cử vào Hội đồng FIFA và từ chức sau khi bị cáo buộc có liên quan tới vụ án tham nhũng do Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành.

Mặc dù quyết định từ chức, nhưng ông Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah phủ nhận mọi cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ. Động thái này diễn ra sau khi ông Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah bị Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc là đồng phạm trong vụ nhận hối lộ của ông Richard Lai, thành viên Ủy ban Kiểm toán FIFA.

Ông Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah (phải) được coi là nhân vật có ảnh hưởng trong FIFA.

Vụ bê bối của ông Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah và ông Richard Lai đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động cũng như uy tín của FIFA, bởi tổ chức này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài trợ cho World Cup 2018.

Theo giới truyền thông, tính đến nay mới có khoảng 10 công ty ký trở thành đối tác thương mại, gần 1/3 số công ty được FIFA đưa ra (34) cho World Cup 2018. Nhiều nhà tài trợ lớn đã chấm dứt quan hệ với FIFA sau hàng loạt bê bối hối hộ và gian lận, cùng sự ra đi của Chủ tịch Sepp Blatter. Hãng Sony, Emirates, Castrol, Continental và Johnson & Johnson là những nhà tài trợ lớn ở World Cup 2014, đã quyết định quay lưng với FIFA.

Hãng AFP vừa thông báo về khoản lỗ 369 triệu USD trong báo cáo tài chính năm 2016 của FIFA. Và việc này xuất phát từ chi phí pháp lý - tăng từ 20,2 triệu USD lên 50 triệu USD để giải quyết vấn nạn tham nhũng trong nội bộ FIFA.

Theo tờ Business Standard, ngân khố của FIFA đã giảm từ 1,4 tỉ USD xuống còn 1,04 tỉ USD và sẽ ở mức 605 triệu USD khi kết thúc năm 2017. Hãng Reuters vừa dẫn bản báo cáo dài 1.300 trang của FIFA trình lên Bộ Tư pháp Thụy Sỹ về cuộc điều tra nội bộ kéo dài 22 tháng.

Cuộc điều tra của FIFA được tiến hành bởi 2 công ty luật Quinn Emmanuel và NKF, sau yêu cầu của Văn phòng chưởng lý Thụy Sỹ và Bộ Tư pháp Mỹ. Tổng chưởng lý Thụy Sỹ Michael Lauber đã yêu cầu điều tra ông Sepp Blatter vì có liên quan đến khoản tiền 2 triệu USD đưa cho cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini.

Vì cuộc điều tra đối với những cáo buộc sai trái của FIFA vẫn đang được tiến hành nên FIFA không được phép công bố hay bình luận về chi tiết trong báo cáo của Quinn Emanuel và NKF. Tuy nhiên, cuộc điều tra đối với cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini đã kết thúc - mất ghế chủ tịch 2 cơ quan quyền lực bóng đá lớn nhất thế giới và châu Âu, cùng án phạt cấm hoạt động trong 4-8 năm.

Cựu Chủ tịch UEFA cho rằng, đã bị ông Sepp Blatter lợi dụng như vật hy sinh cuối cùng trong vụ bê bối tham nhũng bị phanh phui ở FIFA. "Blatter không bao giờ bảo vệ ai, ông ta không bảo vệ tôi.

Ông ta là kẻ ích kỷ nhất tôi từng gặp trong đời. Ông ta cũng là kẻ tự cao nhất, luôn nghĩ mình sẽ nắm quyền tới khi già và chết rồi chôn tại FIFA. Đó là ước muốn của ông ta", Michel Platini nói với tờ Le Monde.

Sau khi nhận bản báo cáo kể trên, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino (có mức lương 1,2 triệu USD/năm) cam kết, tiến hành điều tra toàn diện và kỹ lưỡng về các sự việc, để phát hiện và loại bỏ những cá nhân có hành vi sai trái, và buộc họ phải có trách nhiệm hợp tác điều tra với các cơ quan chức năng.

Hơn 1 năm trước (tối 26-2-2016), Tổng Thư ký UEFA Gianni Infantino, người Thụy Sĩ gốc Italia, được bầu làm tân Chủ tịch FIFA sau 2 vòng bỏ phiếu gay cấn tại trụ sở của FIFA ở Zurich, với sự tham dự của 207 thành viên FIFA.

Cùng ngày 26-2-2016, FIFA đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp cải cách lớn trong liên đoàn nhằm chấm dứt các bê bối tham nhũng. Theo đó, hạn chế quyền lực của những quan chức cấp cao nhằm ngăn chặn khả năng tái diễn tình trạng đỡ đầu và lãng phí đã diễn ra trong 18 năm nắm quyền của ông Sepp Blatter.

Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Tomaz Vesel tuyên bố, FIFA không muốn phải đối mặt với vấn nạn tham nhũng từng diễn ra dưới thời ông Sepp Blatter. Cựu danh thủ Diego Maradona đã nhận trọng trách chống tham nhũng tại FIFA, sau khi được trao nhiệm vụ này.

Ủy ban đạo đức của FIFA vừa ra lệnh cấm hoạt động Bóng đá suốt đời đối với ông Brayan Jimenez, nguyên Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Guatemala (2009-2015), thành viên Hội đồng FIFA. Bởi quan chức này bị cáo buộc có liên quan đến một vụ cướp, lừa đảo giấy tờ để hối lộ, tham nhũng và đối mặt với mức án 20 năm tù. Ông Brayan Jimenez bị kết tội nhận hàng trăm ngàn USD để trao bản quyền truyền hình và tiếp thị thể thao các trận đấu vòng loại World Cup 2018 và 2022 ở Liên đoàn Bóng đá Trung Mỹ (UNCAF).
Thiện Lân
.
.
.