Khủng hoảng thần tượng trong giới trẻ, vì sao?

Thứ Tư, 27/03/2019, 20:32
Cũng giống như các trường hợp nổi tiếng tréo ngoe trước đây kiểu Lệ Rơi, hiện tượng Khá “bảnh” không khỏi làm các bậc phụ huynh lo ngại vì sự khủng hoảng thần tượng trong giới trẻ hiện nay.

Một thanh niên xăm trổ đầy người, đeo vàng bạc đầy tay xuất hiện trong nhiều clip được tung lên mạng xã hội, trên kênh Youtube gần đây đã tạo ra một cơn sốt trong giới trẻ. Anh này có tên gọi là Khá “bảnh”. 

Mới đây, khi Khá “bảnh” xuất hiện ở Yên Bái, người ta thấy các bạn trẻ xúm xít chen lấn để xin chữ ký Khá “bảnh”. Thậm chí Khá “bảnh” còn được các bạn trẻ réo tên như những ngôi sao thần tượng. 

Cũng giống như các trường hợp nổi tiếng tréo ngoe trước đây kiểu Lệ Rơi, hiện tượng Khá “bảnh” không khỏi làm các bậc phụ huynh lo ngại vì sự khủng hoảng thần tượng trong giới trẻ hiện nay. 

Chắc chắn trong tương lai gần, Khá “bảnh” sẽ mất hút trong dòng chảy cuộc sống, nhưng câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để các bạn trẻ nhận thức đúng được đâu là giá trị tốt đẹp để theo đuổi, để không mất thời gian chạy theo những thứ vô bổ như hiện nay.

Trên một diễn đàn, chị Trần Thụy Vân, phụ huynh học sinh có con học cấp 2 than thở: “Mình thực sự cảm thấy sốc khi xem hình ảnh các em học sinh ở Yên Bái chen lấn gọi tên, chờ đợi hàng giờ để được tiếp cận xin chữ ký một thanh niên có tên là Khá “bảnh”. 

Thần tượng của các con đấy, một anh chàng tóc tai ngổ ngáo, cánh tay đầy hình xăm, dáng đi ngông nghênh, nói năng ngọng líu, thật không thể nào hiểu nổi. Rồi mình vào mấy trang Youtube xem các clip của Khá “bảnh”, còn sốc hơn nữa khi anh này diễn hài trong các tình huống phải nói là vớ vẩn, kệch cỡm. Thế mà có hàng triệu lượt view, lượt like. 

Thì ra có cả một làn sóng hâm mộ Khá “bảnh” trên mạng xã hội hiện nay. Nhiều bạn trẻ đang mất ăn mất ngủ vì Khá “bảnh”. Mình không thể hiểu nổi, cảm giác của mình, một phụ huynh có con đang tuổi lớn rất là choáng. Thật sự choáng và sốc”.

Hotgirl từng nổi tiếng trên mạng với biệt danh Bà Tưng nay yên vị là một người bán hàng online.

Theo tìm hiểu, Khá “bảnh” có tên thật là Ngô Bá Khá. Thanh niên này người Hải Phòng. Khá “bảnh” nổi tiếng trên mạng xã hội gần đây vì kiểu tóc bờm ngựa, hay đưa ra những phát ngôn gây sốc, nhảy một điệu nhảy không giống ai trong nhiều clip được đăng tải. Trang cá nhân của Khá “bảnh” hiện có tới 600 ngàn lượt theo dõi. 

Khi xuất hiện ở ngoài đời, Khá “bảnh” luôn gây chú ý với nhiều bạn trẻ. Trong một clip được cho là Khá “bảnh” xuất hiện ở Yên Bái, người ta thấy nhiều bạn trẻ đã tỏ rõ phấn khích khi gặp thanh niên này. Khá “bảnh” chẳng phải một nghệ sĩ nhưng được chào đón nồng nhiệt như một ngôi sao nổi tiếng. 

Ngoài ra, mỗi note của Khá “bảnh” xuất hiện trên trang cá nhân, chỉ trong một thời gian ngắn đã có chi chít bạn trẻ vào like và bình luận. Tất nhiên có cả những bình luận chê bai, nhưng thống kê số lượng bình luận mang tính cổ vũ, hứng thú vẫn nhiều hơn. Thanh niên này thực sự đang gây ra một sự chú ý trong cộng đồng mạng không kém gì hiện tượng “Lệ Rơi” mấy năm về trước. 

Mới đây nhất, Khá “bảnh” còn gây sốc khi đăng tải bức ảnh cùng một số thanh niên khác dàn hàng ngang pose hình trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hình ảnh này bị nhiều người phản ứng vì cho rằng đây là hành vi có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Sau đó Khá “bảnh” đã phải đến cơ quan chức năng nộp phạt vì đã có hành vi dàn hàng ngang chụp ảnh giữa đường cao tốc gây nguy hiểm.

Hiện tượng Khá “bảnh” đối với nhiều người thì không có gì lạ. Với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, chúng ta có thể giải thích được vì sao những người như Khá “bảnh” hay trước đây là Lệ Rơi, Bà Tưng, “Công chúa Thủy Tề” có “đất sống”. Vì họ sẵn sàng làm những việc lạ thường, thậm chí quái dị, với tần xuất xuất hiện liên tục trên mạng xã hội. 

Họ đánh vào sự tò mò của đám đông, nhất là các bạn trẻ, những người còn non nớt trong việc đánh giá, nhận thức các giá trị, dễ chạy theo trào lưu, xu hướng, dễ bị ảnh hưởng bởi người khác. Anh nông dân Lệ Rơi bán ổi từng một dạo xôn xao trên mạng nay cũng đã mất tích trong đời sống. 

Nhân cơ hội được nhiều người chú ý (cả cổ vũ lẫn mắng chửi), Lệ Rơi từng quyết tâm dấn thân showbiz. Lệ Rơi cũng tìm đến các bầu sô và được thổi phồng bằng chiêu này chiêu kia. Lệ Rơi bỏ tiền đi phẫu thuật thẩm mỹ, nâng cấp vẻ ngoài. Nhưng rốt cục, Lệ Rơi vẫn là Lệ Rơi. Đến quán bún đậu mắm tôm của anh chàng này cũng phá sản nốt. Như một người đã khua khoắng rất nhiều chiêu nhưng cuối cùng hết chiêu, đành quay về đúng xuất phát điểm, Lệ Rơi giờ chẳng được ai chú ý. 

Mới đây, trên mạng chia sẻ một hình ảnh gần nhất về Lệ Rơi. Anh chàng nổi đình nổi đám hồi nào về việc dám đăng tải lên các kênh trực tuyến những bản clip hát dở nhất quả đất đang yên vị, hài lòng với vị trí là một công nhân của một khu công nghiệp chế xuất. 

Hay như câu chuyện Bà Tưng, “Công chúa Thủy Tề” cũng vậy. Những nhân vật này gần như đã im hơi vắng bóng trên mạng. Họ không còn gây sốt, gây sốc trên mạng nữa. Có thể vì họ hết chiêu, hoặc cũng có thể cùng với thời gian họ đã chín chắn hơn, thay đổi về mặt nhận thức và không còn muốn “làm trò” theo kiểu đó nữa.

Dùng nhiều chiêu trò để tấn công vào showbiz nhưng cuối cùng Lệ Rơi quay về làm công nhân.

Thực chất mà nói, chúng ta không thể nào ngăn chặn những hiện tượng như Khá “bảnh”, Lệ Rơi hay Bà Tưng. Bởi vì mạng xã hội cho mỗi người một cái quyền tự thể hiện mình, miễn sao không vi phạm vào các quy định của pháp luật. 

Có một số người muốn nổi đình nổi đám theo cách gây ra những hành động kỳ quặc, chẳng giống ai, thậm chí là thẩm mỹ kém, cho dù biết rất rõ rằng mình sẽ chẳng đi đến đâu, nhưng họ vẫn làm. Sẽ chẳng có vấn đề gì, vì theo quy luật đào thải tự nhiên, những gì không có giá trị sẽ tự khắc mất.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không xuất phát từ phía các nhân vật muốn nổi đình nổi đám kiểu Khá “bảnh”, mà xuất phát từ giới trẻ. Câu hỏi là, làm thế nào để các bạn trẻ không bị cuốn vào các hiện tượng nhất thời, thậm chí là vô nghĩa như vậy? 

Nhiều bình luận trên mạng xã hội tỏ ra “không thể hiểu nổi” vì sao một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay lấy hiện tượng Khá “bảnh” làm quy chuẩn để tôn vinh thần tượng. Do đâu nhiều bạn trẻ dễ dàng ngưỡng mộ một nhân vật kiểu như Khá “bảnh”? 

Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam phân tích: “Công tác giáo dục định hướng giá trị cho giới trẻ hiện nay đang có nhiều vấn đề. Những bạn trẻ ngưỡng mộ, hay thể hiện sự yêu thích với những hành động của Khá "bảnh" hầu như là tuổi teen. 

Mà ở độ tuổi này, tâm lý các bạn luôn luôn muốn thể hiện và muốn khám phá. Những điều bố mẹ cấm, nhà trường cấm thì lại có xu hướng thích làm. Trong đám đông tung hô Khá "bảnh" đó, tôi nghĩ rằng không phải ai cũng biết đến nhân vật này, không biết anh ta nổi tiếng về vấn đề gì. 

Nhưng bị tâm lý a dua theo các thành viên khác trong nhóm, một số người nhận ra và bắt đầu có hành động thể hiện sự ngưỡng mộ… làm cho đám đông hùa theo. Đám đông càng lớn, tính ham vui, hành xử thêm cảm xúc, bắt chước theo người khác mà không có lý tính gì càng nhiều. 

Giống như kiểu một người đứng giữa đường ngửa mặt lên trời, thế là mọi người đi ngang qua đều dừng lại ngửa mặt lên trời nhìn theo mà không biết nhìn cái gì. Nếu những hiện tượng này vẫn tiếp diễn, những kênh kiểu như thế này mà không được quản lý sẽ tạo nên một ấn tượng sai lầm trong các bạn tuổi teen, lứa tuổi “nổi loạn”, muốn khám phá giới hạn của bản thân mình. 

Có thể các em sẽ bắt chước và làm những hành động giống như các nhân vật kia. Có thể chúng sẽ nghĩ vi phạm pháp luật, nói tục, chửi bậy vẫn được chào đón, vẫn được nổi tiếng thì mình có độc hơn cũng chả làm sao. Điều này thực sự không tốt cho giới trẻ và cho xã hội”.

Khá “bảnh” cùng bạn bè dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc Hà Nội đã bị cơ quan chức năng phạt nguội.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là công tác giáo dục, định hướng cho các bạn trẻ. Nhà trường và gia đình cần tăng cường các biện pháp giáo dục con em mình, hướng các em theo những giá trị căn bản, không bị lệch lạc trong nhận thức, đánh giá, tiếp nhận các giá trị khác nhau. 

Cha mẹ cần có thời gian nhiều hơn cho con, không để các bạn trẻ tiếp xúc quá nhiều với mạng xã hội mà không biết các bạn đang đọc, xem, nghe những gì. Nhà trường cần tăng thêm thời gian giáo dục kỹ năng sống, những buổi học ngoại khóa cho các em, mời các chuyên gia đến nói chuyện về các giá trị sống quan trọng trong cuộc đời mỗi người. 

Về phía các cơ quan chức năng, cần có biện pháp hạn chế những clip độc hại, có nội dung phản giáo dục trên các kênh có thể quản lý được. Chẳng hạn như kiến nghị với Google hay facebook ngăn chặn những hình ảnh, clip có nội dung không tốt cho giới trẻ. 

Chúng ta đã có Luật An ninh mạng làm căn cứ, những nội dung vi phạm hoàn toàn có thể xử lý theo hành lang pháp luật. Ngoài ra là công tác tuyên truyền. Các cơ quan báo chí truyền thông không nên quan tâm quá nhiều đến các hiện tượng kiểu Khá “bảnh” hay Lệ Rơi như một cách câu view hoặc gây chú ý độc giả. 

Hãy tẩy chay những hành động không có tính thẩm mỹ và góp tiếng nói giúp giới trẻ nhận diện rõ thế nào là giá trị thật để các em không còn bị hiếu kỳ trước những hiện tượng phản cảm như vậy. 

Phạm Minh Hà
.
.
.