Lời nguyền vĩ đại nhất thế giới bóng đá:

Kì bí 7 bộ xương mèo

Thứ Hai, 13/07/2015, 11:35
Bóng đá thế giới cũng như cuộc sống trên khắp hành tinh luôn có những chuyện kì lạ khiến người ta phải nghĩ tới khái niệm tâm linh. Câu chuyện về CLB Racing Club của Argentina cho đến nay vẫn được lưu truyền như một truyền thuyết vô thực. Và đến giờ, vẫn còn những tìm hiểu, nghiên cứu về sự kiện này, nhưng câu trả lời xác đáng và khoa học nhất thì chưa…

1.Các câu lạc bộ bóng đá Argentina thời điểm đế chế Peron những năm 1950, 1960 đều có những "hệ thống cầm quyền" kiểu ông chủ và được mang danh Bố già (người bản địa gọi là Padrino). Nhưng Padrino ở CLB Racing Club là một hình mẫu hoàn toàn khác. El Padrino của Racing là Ramon Cereijo, một nhân vật cộm cán của chính phủ, đó là Bộ trưởng tài chính của Chính phủ Peron. Mối quan hệ này đã khiến Racing được biết đến với biệt danh: Sportivo Cereijo.

Khi các câu lạc bộ lớn của Argentina mất đi nhiều ngôi sao cho các giải đấu hàng xóm như Mexico, Colombia… thì Racing trở thành đội bóng mạnh nhất Argentina, một CLB bất khả chiến bại. Tất cả đều nhờ một tay Ramon Cereijo với sự hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ. Năm 1949, khi các câu lạc bộ Argentina kiệt quệ, Racing phá vỡ mọi sự phân cực đã tồn tại cả chục năm trong nền bóng đá Argentina. Họ đánh bại cả "tứ trụ" của bóng đá Argentina gồm Boca Juniors, River Plate, Independiente và San Lorenzo để vô địch quốc gia.

Sân vận động của Racing luôn cuồng nhiệt mỗi trận đấu.

Những chiến thắng đến dồn dập với Racing với sự tham dự thô bạo của Cereijo cùng những chiêu bài cực độc tận dụng mối liên hệ, những hợp đồng bí mật được ký kết giữa đội bóng và chính phủ. Đó là khoản tiền khổng lồ lên đến 3 triệu peso được chính phủ đầu tư trực tiếp cho Racing trong vòng… 65 năm. Đó là số tiền 3 triệu peso nữa được đầu tư để Racing xây dựng sân vận động mới (khoản tiền mà sau đó được nâng lên thành 11 triệu peso).

Tổng thống Peron, người từng công khai dành tình cảm và sự hậu thuẫn cho Boca Juniors, dần dà không còn mặn mà với câu lạc bộ mình yêu thích. Ông có mặt trong buổi lễ khánh thành sân vận động mới của Racing, được mang tên của chính ông, sân Juan Domingo Peron (còn tồn tại đến ngày nay).

Không chỉ có vậy, Bramuglia, Bộ trưởng đối ngoại Argentina và Miranda, Thống đốc Ngân hàng trung ương nắm giữ các cương vị danh dự trong ban lãnh đạo của Racing Club. Với sự hậu thuẫn quá lớn từ chính phủ, Racing tiếp tục vô địch các năm 1950, 1951. Đặc biệt đáng nói là chức vô địch lần thứ 3 liên tiếp của Racing vào năm 1951, các cầu thủ mỗi người được nhận phần thưởng là một chiếc xe hơi hiệu Chevrolet. Cùng với sự thăng tiến của Racing, năm đó Peron trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 2!

Những chức vô địch của Racing Club đã khiến nhiều đối thủ "ấm ức", trong đó có Independiente, CLB cùng thành phố Avellaneda (là Buenos Aires). Những trận đấu tại Avellaneda, trên sân của Racing luôn được coi là địa ngục với bất kỳ đội bóng nào. Có thể Boca Juniors mới là CLB có nhiều CĐV nhất, nhưng Racing Club mới là đội bóng luôn tự hào rằng, mình là những tay cuồng nhiệt và trung thành số một. Họ được biết đến với biệt hiệu: "dàn đồng ca không biết mệt" khi khắp các khán đài, tiếng hát gần như trong cả trận không ngừng nghỉ, bất kể đội bóng của họ thi đấu thế nào, dù thắng hay thua, thậm chí bị hủy diệt tơi bời và phải thi đấu ở hạng Hai.

2.Năm 1967, CLB Racing Club de Avellaneda đoạt cúp Liên lục địa sau khi đánh bại Celtic (tương đương chức VĐ thế giới cấp CLB hiện nay). Các CĐV Racing Club vốn đã điên cuồng, sùng tín, lại càng ngạo mạn điên cuồng hơn. Họ tổ chức những cuộc ăn mừng triền miên, nhưng thực chất là biểu dương sức mạnh, có ý trêu ngươi đối thủ hàng xóm Independiente. Cay cú trước sự vui mừng quá đáng của Racing, một nhóm CĐV của đội bóng kình địch Independiente đã tỏ ra bức xúc và tiến hành một kế hoạch bí mật mang đầy tính siêu nhiên, thần bí.

Racing và Independiente luôn là trận đấu đáng sợ nhất Argentina.

Một đêm, lợi dụng lúc Racing Club ăn mừng chiến thắng, các CĐV của Independiente đã bí mật đột nhập vào sân Juan Domingo Peron chôn 7 con mèo đen xung quanh SVĐ của Racing để… yểm bùa đối thủ. Chiêu bài tưởng như rất vớ vẩn vì mang tính siêu nhiên của các CĐV Independiente bất ngờ thành công rực rỡ, bởi sau đó Racing lụn bại dần và không còn là một thế lực ở Argentina nữa. Câu chuyện này được giữ bí mật suốt 30 năm trời, cho đến khi Racing bắt đầu tìm hiểu tại sao họ cứ lụn bại cả về thành tích (thậm chí phải xuống hạng), lẫn tài chính (từng suýt phá sản).

Sau nhiều năm tìm hiểu, CĐV Racing phát hiện ra âm mưu của các CĐV Independiente và bắt đầu cật lực đi đào bới, tìm kiếm 7 bộ xương mèo đen. Không ai biết người nào, nhóm người nào chôn 7 bộ xương mèo. BLĐ Racing đã tìm đủ cách cũng không thể biết chúng nằm ở đâu, khi mà có nguồn tin rằng, chỉ có vài người trực tiếp làm chuyện này, mà tất cả đều đã qua đời. Sau nhiều năm tìm kiếm, Racing chỉ tìm thấy 6 bộ xương, thiếu 1 bộ mà không cách nào moi lên được. Vì thế mà Racing không thể vô địch Argentina lần nào nữa, thậm chí năm 1999, Racing còn suýt phải tuyên bố phá sản.

Trước khi bị đình chỉ thi đấu vì có nguy cơ phá sản, ngày 14/2/1998, hơn 100.000 CĐV Racing đồng loạt mặc bộ đồ trắng cùng lãnh đạo CLB đến sân với một pháp sư, làm lễ ở các cột cầu môn, tưới nước thánh lên sân, khung thành để "trừ tà". Nhưng bất chấp mọi nỗ lực, Racing Club vẫn rơi vào thảm cảnh. Họ vẫn thua như thường.

Mãi đến năm 2001, khi Reinaldo Merlo được bổ nhiệm làm HLV, mọi thứ mới thay đổi. Có lẽ ám ảnh bởi hàng loạt thất bại của những đời HLV trước đó, và cũng là một tín hữu, rất đề cao chuyện nghi lễ tín ngưỡng, Reinaldo Merlo đã đề nghị làm một cuộc tổng tấn công tìm kiếm bộ xương mèo đen thứ 7. Merlo đã ra lệnh đào toàn bộ xung quanh sân vận động Juan Domingo Peron, bốc toàn bộ những công trình cản trở việc tìm kiếm, bất kể nó kiên cố và tốn kém đến đâu. Merlo thậm chí quyết định đào cả con hào đã được bê tông hóa phía ngoài sân.

Khi con hào được lật lên, ở phía dưới trước đây là một rãnh cống thoát nước giống như một con mương. Và khi tiếp tục đào sâu xuống nữa, họ đã tìm thấy bộ xương mèo thứ 7. Ngay sau khi tìm thấy bộ xương thứ 7, mùa giải năm đó, Racing Club đoạt chức vô địch quốc gia với HLV Reinaldo Merlo. Kỳ diệu, lạ lùng, đến mức kinh hoàng, giống như lời nguyền đã được hóa giải. Racing vô địch Argentina sau 35 năm bị yểm bùa. Không hiểu ai là người "phát minh" ra miếng đòn ác hiểm như vậy, nhưng trên một khía cạnh nào đó, chính các CĐV là những người có "tầm ảnh hưởng" tới việc đội nào vô địch.

3.Tuy nhiên, lại có một chuyện quái dị khác. Nó giống như một sự trả giá mang tính định mệnh. Đầu năm 2002, HLV Merlo bị lật đổ bởi chính các CĐV. Họ căm phẫn và nổi loạn đòi Merlo phải ra đi lập tức sau thất bại 1-4 trước chính đại kình địch Independiente. Người thay thế là Ossie Ardiles. Rõ ràng là sau khi tìm được bộ xương mèo thứ 7, Racing Club đã vô địch Argentina, nhưng sau danh hiệu năm 2001 đến nay, Racing Club lại trở lại là đội bóng bình thường.

CĐV Racing điên cuồng trên khán đài.

Hơn nữa, nếu xem chuyện HLV Merlo bị "lật đổ" là cái giá phải trả cho việc đã "kinh động" tới thế lực siêu nhiên, cố tình "bẻ gãy kết cấu của lời nguyền", thì đó cũng là điều nghiêm túc chẳng kém gì hành trình tìm bộ xương mèo thứ 7. Sau khi Merlo ra đi, từ năm 2002 đến nay, không có HLV nào tồn tại ở Racing Club được đủ 1 năm.

Sau 9 năm, Racing có tới 20 đời huấn luyện viên. Các năm 2006, 2009 họ có 3 huấn luyện viên, còn năm 2003, Racing Club có tới 4 người dẫn dắt (Emilio Comisso, Angel Cappa, Miguel Angel Colombatti và Ubaldo Matildo Fillol).

Thù hằn giữa Racing và Independiente

Sân vận động của Racing Club có tên Estadio Juan Domingo Peron khi đó chứa khoảng 55.000 người, được xây dựng bằng tiền của chính phủ dưới thời của chế độ Peronism (phong trào chính trị của Cựu Tổng thống Juan Peron), chỉ cách đại bản doanh của CLB Independiente chưa đầy 100m. Vì thế, các cổ động viên của Independiente đã chuẩn bị cho các trận derby trên sân Juan Domingo Peron bằng cách làm những con đường riêng thông từ sân nhà đến sân đối thủ, và chỉ có những người yêu mến Independiente mới được đi.

Trên con đường ngắn ngủi đó, đã có biết bao chuyện xảy ra. Các CĐV Independiente thường xuyên tổ chức mai phục đối thủ trên con đường đó. Những cuộc xung đột liên tục diễn ra với vũ khí hạng nặng, và đã có không ít trường hợp tử vong, thương tích trên con đường nghiệt ngã ấy, khiến nó được khoác lên mình cái tên "con đường derby chết chóc". Sau mỗi lần bạo loạn, các trận derby giữa họ lại được chuyển đến thi đấu trên sân trung lập, và nơi thường xuyên tổ chức trận derby của họ là sân của River Plate ở phía bên kia thành phố.

Ban lãnh đạo Racing và Independiente sau này đã cố gắng kết nối 2 hội CĐV để tránh cảnh đối đầu và những màn "trả đũa" kiểu tâm linh. Nhưng có vẻ nhiệt giữa họ vẫn chưa giảm là bao. Đến nay, cặp đấu này vẫn là một trong những cuộc đấu căng thẳng, đáng sợ hàng đầu Argentina và thế giới bóng đá.

Lê Giang
.
.
.