EL Clasico: Barcelona - Real Madrid

Kinh điển từ những chuyện… kinh điển!

Thứ Sáu, 20/03/2015, 20:00
Cuối tuần này, El Clasico lại diễn ra. Nhưng dù có thi đấu với nhau bao nhiêu lần đi nữa thì câu chuyện về họ cũng chẳng bao giờ cạn, hay mất đi sự hấp dẫn. Catalonia sở hữu ngôn ngữ riêng. Họ có niềm tự hào riêng của mình và điều đó dẫn đến cuộc xung đột với Madrid sau một chuỗi những va chạm kinh tế và công nghiệp. Cuộc tranh đấu giữa hai CLB không chỉ là thành tích, mà nó còn là những câu chuyện phía sau để tạo nên một cuộc chiến kinh điển, được gọi là El Clasico!

1.Sự kèn cựa đó bắt đầu từ những thủ đoạn kinh doanh, sự phát triển kinh tế ở hai khu vực được khống chế phần lớn bởi những người nhập cư và những doanh nhân đến chủ yếu từ Anh và Thụy Sĩ. Một trong đoàn người đến đây có nhân vật nổi tiếng Hans Kamper, người đã thành lập ra hai câu lạc bộ nổi tiếng ở Thụy Sĩ là FC Zurich và FC Basel.

Năm 1899, Kamper đến Barcelona du lịch thăm ông chú Emili Gaissert. Sau đó, ông lên kế hoạch sang châu Phi thiết lập một đường dây kinh doanh đường. Nhưng như một định mệnh, Barcelona đã giữ chân ông ở lại. Với vốn tiếng Tây Ban Nha rất khá, Kamper không những tồn tại, mà còn có một vị trí ở Công ty đường sắt Sarria, công ty mà ông chú Emili Gaissert làm việc, đồng thời viết bài cho 2 tờ báo Thụy Sĩ. Ở đây, tên của ông được phiên âm sang tiếng Tây Ban Nha là Joan Gamper.

El Clasico luôn là trận đấu số 1 thế giới.

Ngày 22/10/1899, Kamper viết một mẩu quảng cáo chỉ dài cỡ khoảng 50 chữ trên tờ Los Deportes để kêu gọi thành lập một câu lạc bộ bóng đá tại thành phố Barcelona. Hơn 1 tháng sau, ngày 29/11, trong cuộc họp tại Gymnasio Sole, đội bóng FC Barcelona ra đời gồm 12 người: 6 người Tây Ban Nha, 3 người Anh, 2 người Thụy Sĩ và 1 người Đức. Ngày đó, câu lạc bộ được lấy tên tiếng Anh là "Football Club Barcelona" và Chủ tịch đầu tiên được bầu là một người Anh: Walter Wild. Sở dĩ ông được làm Chủ tịch vì là… người già nhất trong nhóm sáng lập đội bóng.

Giống như xứ Basque, vai trò của nhà nước Tây Ban Nha ở Catalonia bị suy giảm bởi sự phát triển không ngừng của những đế chế nước ngoài. Thực tế cho thấy, hiện tượng này là sự ngăn trở lớn đối với chính trị hơn là một làn sóng giúp xứ Catalonia phát triển kinh tế.

Đương nhiên, những cuộc xung đột đó có cả bóng đá. Nhờ sức mạnh quyền lực của mình, xứ Catalonia thành lập giải vô địch riêng vào năm 1901 và chính thức thành lập Liên đoàn bóng đá Catalonia vào năm 1904. Cả hai "sản phẩm bóng đá" này có quyền lực và đẳng cấp tương đương với bất kỳ quốc gia nào.

Khi các khu vực lãnh thổ ở Tây Ban Nha xuất hiện các quyền lực bóng đá mang hình thái biểu trưng, hiện tượng này lây lan sang các khu vực khác: xứ Galicia có Deportivo la Coruna (1905), Sporting Gijon (1905); Sevilla có thêm Betis…  Khi đó, bóng đá trở thành điểm yếu của các tổ chức quốc gia và bản sắc dân tộc của Tây Ban Nha cũng bị phân chia rõ rệt.

Mặc dù là thành viên sáng lập FIFA, nhưng đại diện của Tây Ban Nha không phải là Liên đoàn bóng đá quốc gia, bởi trên thực tế nó không tồn tại. Thay vào đó, đại diện sáng lập FIFA của Tây Ban Nha chỉ là một thành viên của FC Madrid, trên thực tế không đủ tư cách đại diện quốc gia (mãi tới năm 1913, Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha mới được ra đời).

Joan Gamper (giữa), người sáng lập FC Barcelona.

2.Khi Catalonia phát triển đó cũng là lúc nơi này bắt đầu rộ lên phong trào đòi ly khai hồi đầu những năm 1920. Tất nhiên yêu cầu đó bị từ chối. Mặc dù vậy, Catalonia vẫn tập trung phát triển kinh tế và tạo ra một khu vực phát triển thịnh vượng nhất tại Tây Ban Nha. Sự phát triển nhanh chóng của bóng đá tại Tây Ban Nha đã kéo theo hệ quả là sự phân chia và xung đột giữa bản sắc quốc gia với bản sắc khu vực ngay trong lòng một nền bóng đá.

Real Madrid có sự đỡ đầu, bảo trợ của Hoàng gia Tây Ban Nha vào năm 1922 đã làm thay đổi số phận và vị thế của đội bóng. Năm 1924, họ khánh thành sân vận động mới Chamatin, được coi là khu vực "thánh đường" bóng đá của thủ đô Tây Ban Nha. Real Madrid có mọi thứ mà họ cần dưới sự bảo trợ đầy uy thế từ Hoàng gia. Họ có những cầu thủ tốt nhất, điều kiện tài chính và cơ sở vật chất hoàn hảo.

Cầu thủ ngôi sao đầu tiên vào giữa thập kỷ 20 của thế kỷ trước tại Real Madrid là tiền vệ xứ Basque Josse Maria Pena, được mua về từ đội bóng Arenas Club de Getcho. Nhưng 2 nhân vật đình đám nhất mà Real Madrid mất rất nhiều công để sở hữu là thủ môn Ricardo Zamora và Pepe Samitier, những trụ cột của câu lạc bộ Barcelona.

Mọi thứ đang suôn sẻ, bỗng dưng sóng gió nổ ra với sự kiện Phố Wall sụp đổ. Tây Ban Nha là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng đầu tiên. Rất nhanh, năm 1930, đế chế Primo de Rivera điêu đứng và buộc phải thoái vị. Vua Alfonso XIII buộc phải đi sống lưu vong.

Mục tiêu chính trị trong bóng đá công khai bộ mặt thật trong trận đấu giữa hai đại diện xứ Basque và Catalonia, đó là trận chung kết cúp Nhà Vua cuối cùng trước khi nổ ra nội chiến: Cuộc gặp gỡ giữa Madrid FC, câu lạc bộ đã bỏ tiền tố Hoàng gia (Real) phía trước tên của mình (khi Vua Alfonso bị đưa đi lưu đày), đối mặt Barcelona. Trận đấu này được tổ chức tại Valencia. Các cổ động viên tại Valencia đã dành cho cầu thủ Madrid FC những màn chào đón đáng sợ. Trên các khán đài trong cả trận đấu, họ không ngừng la ó, phản đối Madrid FC, đặc biệt là sau khi đội khách vươn lên dẫn trước 2-1 ngay trong hiệp 1, và lúc Zamora cản phá xuất sắc những cú sút của các đồng đội cũ tại Barca vào cuối trận…

Cuộc tổng tuyển cử năm 1936 cũng chứng kiến một cuộc đụng độ lớn diễn ra. Cuộc nội chiến bắt đầu nổ ra dữ dội vào tháng 7/1936 và kéo dài suốt 3 năm. Bóng đá Tây Ban Nha cũng theo đó mà bị chia cắt bởi bạo lực vũ trang.

Ban đầu, cuộc chiến nổ ra ác liệt nhất tại Madrid, nơi mà cuộc đảo chính được dẫn đầu bởi cựu cầu thủ và sau là Chủ tịch của Real Madrid, Adolfo Melendez. Quân đội do Melendez chỉ huy bị đánh bại và ông đã phải bí mật tháo chạy khỏi Madrid. Một nhân vật nữa trong Ban quản trị Madrid FC là Santiago Bernabeu, con trai của một luật sư người Valencia, cũng bị lực lượng dân quân thành phố bắt giữ. Santiago Bernabeu chỉ được phóng thích khi có sự can thiệp của một cổ động viên đặc biệt của Madrid FC: đại sứ của đảng cộng hòa Tây Ban Nha tại Pháp, ông Alvaro de Albornoz.

Cuối tuần này, El Clasico sẽ làm nóng cả châu Âu.

3.Khác với Madrid, bóng đá ở xứ Catalonia và xứ Basque vẫn được đảm bảo. Cả 2 giải vô địch ở đây cũng vẫn diễn ra bình thường  cho đến năm 1937 và 1938. Những chuyến du đấu nước ngoài cũng thường xuyên diễn ra với 2 nhiệm vụ chính: tăng nguồn thu cho đội bóng  và quảng bá hình ảnh chế độ cộng hòa. Mối liên hệ giữa FC Barcelona và sự độc lập của xứ Catalonia lên đỉnh điểm với sự xuất hiện của một nhân vật: Josep Sunyol. Ông được bầu vào chiếc ghế Chủ tịch câu lạc bộ với chức danh chính trị cực cao: Phó Chủ tịch đảng dân tộc cánh tả xứ Catalonia. Bên cạnh đó, Sunyol còn là một người rất có thế lực, một gia đình tư sản giàu có xứ Catalonia.

Với danh vị đó, Sunyol không khó để nắm chức Chủ tịch FC Barcelona vào năm 1935, đồng thời làm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Catalonia, lập ra tờ báo riêng phục vụ đảng phái của mình có tên La Rambla. Tuy nhiên, những đóng góp của ông cho FC Barcelona không được bao nhiêu bởi một biến cố kỳ lạ xảy ra vào tháng 6/1936, tức là chỉ 1 năm sau khi nhậm chức.

Ngày 8/6/1936, Sunyol lái xe có cắm cờ Catalonia qua vùng núi Sierra de Guadarrama, khu vực tranh chấp quân sự, trong khi lực lượng quân sự của Tướng Franco đang chiếm đóng. Tại đây, Sunyol đã bị bắn chết. Không ai tìm thấy xác của ông cho đến mãi tận năm 1966, tức là 30 năm sau ngày ông mất. Lý do Sunyol lái xe qua vùng chiến sự đến nay vẫn chưa được làm rõ.

Có tài liệu lịch sử chỉ ghi lại rằng, có thể Sunyol tham dự một cuộc họp chính trị bí mật. Nhưng hơn ai hết, Sunyol biết đây là vùng chiến sự được Franco kiểm soát rất chặt chẽ. Ông được biết đến như "vị Chủ tịch liệt sĩ", nhưng thực chất Sunyol là một nạn nhân chính trị. Nó khẳng định sự mạo phạm ghê gớm của một ý thức hệ tư tưởng ly khai văn hóa, độc lập và quyền tự chủ.

Sự xuất hiện và thống trị của Franco năm 1939 đã làm thay đổi nền bóng đá vốn đã rất phức tạp, mang tính đại diện văn hóa khu vực nhiều hơn bất cứ nơi nào. Thay đổi lớn nhất chính là sự phân rẽ sâu sắc giữa những khu vực bóng đá, trong đó cuộc chiến giữa FC Barcelona và Real Madrid là một điểm nhấn quan trọng. Bởi lúc đó, Franco đã nhận ra FC Barcelona như một trung tâm của những hoạt động chính trị. Đó còn gọi là cuộc chiến ẩn phía sau sân cỏ bóng đá. Cái chết của Chủ tịch FC Barcelona, Sunyol được suy diễn chính là một hành động chính trị nhắm vào câu lạc bộ này.

Bóng đá đến Tây Ban Nha như thế nào? 

Nơi đầu tiên bóng đá xuất hiện tại Tây Ban Nha là xứ Andalusia, mảnh đất vô cùng nóng và đầy cát bụi. Đó là một trong những địa danh nghèo nhất, lạc hậu nhất Tây Ban Nha thời điểm đầu thế kỷ XIX, mặc dù lúc này, Tây Ban Nha không thiếu tiền khi họ bán quyền khai thác mỏ cho công ty của Anh Rio Tinto vào những năm 1860. 

Công ty này đã tạo nên một thành phố nhỏ tại Huelva, nơi nhập khẩu công nghệ, lao động trong dự án xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên tại Tây Ban Nha, kéo dài 60km từ khu mỏ đến các khu vực dân cư lân cận. Và đó là lý do tại sao câu lạc bộ bóng đá đầu tiên tại Tây Ban Nha được hình thành ở Huelva, đội bóng Recreativo de Huelva.

Đến năm 1912, có 5 câu lạc bộ tham gia giải tại trường đua ngựa Madrid với đại diện của 3 vùng lãnh thổ nổi tiếng tượng trưng cho 3 khu vực tiêu biểu trong lịch sử chính trị và bóng đá Tây Ban Nha: Athletic Bilbao của xứ Basque; Barcelona và Espanyol từ Catalonia; và thủ đô Madrid có New Madrid FC và Madrid FC, hai đội bóng về sau sáp nhập thành Real Madrid hiện nay.

Lê Giang
.
.
.